“Phiêu Diêu” Cùng Thư Pháp Việt | Báo Giáo Dục Và Thời đại Online

Các câu thơ chữ Nôm, kinh Phật, ngôn ngữ truyền thống, thành ngữ, tục ngữ diễn dịch bằng âm Nôm trong triển lãm, được thực hiện trên giấy dó thuần Việt làm thủ công tại Yên Phong (Bắc Ninh). Mực sử dụng cho các tác phẩm là mực nước chiết xuất từ đất do nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương chế tác.

Giá trị xưa cũ từ thư pháp

Ngày 24/12 tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm – Hà Nội), triển lãm thư pháp “Phiêu diêu” nằm trong khuôn khổ “Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo” ra mắt công chúng cũng như giới thư pháp Việt Nam.

Theo Ban tổ chức, triển lãm nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa Hà Nội - mảnh đất kinh kỳ mang nhiều màu sắc lịch sử. Hai nghệ sĩ Nguyễn Quang Thắng và Phạm Văn Tuấn là những thư pháp gia đương đại nổi tiếng, đồng thời là cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Có thể nói rằng, rất lâu rồi tại Việt Nam lại mới có một triển lãm về nghệ thuật thư pháp. Sự hiếm hoi về chủ đề lẫn thưa vắng bóng dáng của các thư pháp gia khiến mảng nghệ thuật này gần như bị bỏ trống.

Theo giới chuyên gia, thư pháp là nghệ thuật tạo hình chữ viết. Thư pháp thể hiện suy nghĩ nội tâm của người viết và giúp người viết rèn sự kiên trì, cẩn trọng, tỉ mỉ, chiêm nghiệm những triết lý sống. Theo thời gian, thư pháp đã hòa trong mạch sống nghệ thuật dân tộc và có ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Ngày nay, nghệ thuật thư pháp thường được tái hiện vào các dịp lễ, Tết cổ truyền với hình ảnh ông đồ bên nghiên bút, giấy đỏ: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua” (Vũ Đình Liên).

Thư pháp có nghĩa ban đầu là phương pháp viết chữ chuẩn xác và đẹp. Theo thời gian, thư pháp đã vượt ra khỏi ý nghĩa ban đầu và trở thành nghệ thuật viết chữ cách điệu, tạo ra những hình tượng nghệ thuật thể hiện ý tứ sâu xa.

Vốn xuất phát từ Trung Hoa và được du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên thời nhà Hán. Tác phẩm thư pháp đầu tiên của Việt Nam được tìm thấy là dòng chữ “Đại Tuỳ Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn” đắp theo lối chữ “triện” trên trán bia ở làng Trường Xuân (Thanh Hóa). Tác phẩm này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử.

Sau nhiều hội thảo khoa học, các nhà nghiên cứu cho rằng, lịch sử hình thành nghệ thuật thư pháp chữ Hán tại Việt Nam tương tự bộ môn thư pháp tại Trung Hoa. Tuy nhiên, việc biểu hiện mỹ cảm lại có những điểm khác biệt: Nét bút mềm mại mà không yếu, sâu mà không trầm, phóng mà không cuồng.

Để viết được thư pháp bằng chữ Hán người viết cần phải am hiểu về ý nghĩa của các chữ, có nền tảng kiến thức thâm sâu về kết hợp và phân bố hình khối, tạo dáng chữ qua từng đường nét.

Thiền phong Phạm Văn Tuấn trình diễn thư pháp trong một triển lãm mang tên “Nét xuân”.
Thiền phong Phạm Văn Tuấn trình diễn thư pháp trong một triển lãm mang tên “Nét xuân”.

Xuất thần đạt đạo

Từ 24/12/2021 đến hết tháng 2/2022, Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo sẽ đem đến cho công chúng nhiều không gian triển lãm độc đáo. Thư pháp “Phiêu diêu” là sự tương tác giữa các giá trị văn hóa truyền thống với đời sống nghệ thuật đương đại, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc nói chung và đất kinh đô Thăng Long nói riêng.

Từ những năm 2010, giới thư pháp Việt Nam đã biết đến tên tuổi của Nguyễn Quang Thắng và Phạm Văn Tuấn – hai nghệ sĩ gắn liền với nhóm thư pháp Tiền Vệ Zenei Gang of Five.

Phạm Văn Tuấn còn được biết đến với tên hiệu Thiền Phong. Anh là một trong số ít nhà thư pháp đương đại Việt trình diễn thư pháp. Công chúng còn nhớ buổi trình diễn thư pháp diễn ra trong một chiều mưa xứ Huế tại New Space Arts Foundation - nằm trong chương trình Artists talk chuyên đề “Những xu hướng nghệ thuật sắp đặt và trình diễn”.

Màn trình diễn thư pháp của Thiền Phong xuất thần nhưng gây nhiều tranh cãi. Giới trong nghề thì ca ngợi, dân ngoại đạo thì cho là điên rồ. Dụng cụ viết là chiếc chổi, vì mưa nên mực đen đặc trên nền giấy tinh khiết dần loang tỏa. Đến khi mưa tạnh, mực trôi hết, chổi viết sạch tinh và khuông giấy lại trắng như trước lúc biểu diễn.

Thiền Phong cho rằng, thư pháp có tư tưởng, khí chất, có đạo, chương pháp, có văn hóa, triết học của nó. Chữ đôi khi còn nguyên chữ, đôi khi nó là hành vi, hoặc chỉ là những đường nét đơn lẻ, và có lúc chẳng còn chữ nào.

Cùng với Thiền Phong, Ân Xuyên Nguyễn Quang Thắng góp mặt trong “Phiêu diêu” và cùng công chúng khám phá những huyền diệu của nghệ thuật thư pháp. Vốn là sinh viên chuyên ngành Hán Nôm, khoa Văn học, Ân Xuyên từng hưởng ứng trào lưu viết chữ tại vỉa hè Văn Miếu vào mỗi dịp Tết đến xuân về.

Nhiều người được đào tạo chữ Hán nhưng cầm bút được, sáng tác được lại là câu chuyện khác. Muốn trở thành thư pháp gia phải hội tụ những phẩm chất: Tài năng, tư tưởng, học vấn, đạo đức. Ân Xuyên đã trải qua nhiều triển lãm vang danh, sự cọ xát giữa các nền học thuật và chiêm nghiệm sống đã giúp anh vững chãi trong từng nét bút và đầy lịch lãm trong phong cách thể hiện.

11 năm trước, triển lãm thư pháp và sắp đặt “Vô ngôn” mà Ân Xuyên và Thiền Phong đều góp sức đã thu hút giới thư pháp Việt Nam. “Vô ngôn” như một dạng bút đàm “tự ngôn tự ngữ” về văn hóa dân tộc. Ân Xuyên thực thi ghi chép, ken đặc đến mức trở thành phi văn bản. Trong khi đó, Thiền Phong vẫn bảo lưu cách viết, song đã trừu tượng hóa hoàn toàn.

Trong những năm qua, ngoài việc lao động nghệ thuật và sáng tạo không ngừng. Ân Xuyên và Thiền Phong còn tạo ra những cuộc giao lưu với các nghệ sĩ thư pháp nước ngoài, để đưa nền nghệ thuật Việt Nam hội nhập vào cộng đồng chung. Các tác phẩm họ cũng được các nhà sưu tập của Mỹ, Đức, Thụy Sỹ… và nhiều nước khác trên thế giới săn đón.

Từ khóa » Diêu Trong Tiếng Hán