Phong Cách Báo Chí Hồ Chí Minh

Văn phong báo chí đặc sắc

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết báo, làm báo trước hết để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Người đã dùng báo chí như một công cụ sắc bén trên suốt chặng đường đấu tranh cách mạng và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sự nghiệp báo chí đồng hành và không tách rời sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, tất cả đều nhằm mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Ngòi bút báo chí của Hồ Chí Minh rất phong phú - từ chính luận, bình luận, bút ký, phóng sự, ghi chép cho đến những tin vắn, thậm chí minh hoạ; ghi dấu ấn với nhiều đề tài đặc biệt: về chủ nghĩa đế quốc, thực dân, về nước Mỹ, Pháp, Trung Quốc, nhiều nước Đông Nam Á… Tất cả những bài báo của Người luôn “có gì đó rất Hồ Chí Minh”. Ở đó, hiệu quả báo chí được phát huy bởi một vốn hiểu biết rộng lớn và sâu sắc về các nền văn hóa, văn minh. Các tác phẩm của Người viết bằng nhiều ngôn ngữ trên các ấn phẩm báo chí nước ngoài, song nét nổi bật như GS Phạm Huy Thông từng nhận xét: Văn báo chí của Nguyễn Ái Quốc đã thực sự là thứ văn “Pháp ròng”.

Đọc lại những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dễ nhận ra sự trong sáng về văn phong, sự giản dị trong cách trình bày để nội dung dù khó và phức tạp cũng trở nên dễ hiểu với người nghe, người đọc - không diễn đạt cao siêu, khó hiểu mà gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo báo chí cách mạng đấu tranh với báo chí thực dân nhằm mục tiêu giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh nhấn mạnh thêm với báo chí - đã là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng, chấn hưng đất nước.

Tại Đại hội Hội nhà báo Việt Nam lần thứ 2 (16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các nhà báo: "Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là "đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó". (Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 171).

Người chỉ viết một đề tài, nhưng những vấn đề của đề tài đó rất rộng lớn. Đề tài đó có ý nghĩa thời đại to lớn, bao trùm cả những vấn đề lớn của nhân loại, những vấn đề trong đề tài đó lại thật cụ thể, sâu sắc, đa dạng, phong phú và ấm áp tình người. Những bài báo của Người có tính chiến đấu, nổi bật tính thời sự nhưng vẫn toát lên những nét nghệ thuật đặc sắc, một văn phong báo chí độc đáo, được nhiều người ngưỡng mộ và học tập.

Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén… (8/9/1962). (Ảnh: Tư liệu)

Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén… (8/9/1962). (Ảnh: Tư liệu)

Đối với Nhà báo Hồ Chí Minh, trước hết cần xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết, từ đó mới có thể tìm ra cách nói, cách viết cho phù hợp nhất với chủ đề, với đối tượng để đạt được mục đích đề ra. Người nhấn mạnh bốn vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau: Nói, viết cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào? Chủ đề, đối tượng, mục đích quyết định cách thể hiện. Cách thể hiện tốt làm cho nội dung nói và viết đúng với chủ đề, đúng đối tượng và đạt được mục đích của việc nói và viết.

Trong những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn các cán bộ cách mạng phải rèn luyện, Người luôn mong mỗi người đều phải học viết; học nói. Đối với Người, ngôn ngữ là của cải lâu dài và vô cùng quý báu cuả dân tộc, “chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm nó phát triển ngày càng rộng khắp”. Học viết, học nói cũng không chỉ giới hạn trong đội ngũ cán bộ tuyên truyền, trong đội ngũ những người cầm bút mà cũng là điều cần thiết đối với mọi người, từ các em học sinh còn đang trên ghế nhà trường...

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói và viết về rất nhiều chủ đề khác nhau của cách mạng Việt Nam, của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế v.v.. trong chủ đề chung bao trùm là Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

Người nói và viết cho rất nhiều đối tượng khác nhau, từ những đại biểu cao cấp nhất của chủ nghĩa thực dân đế quốc, nhân dân các nước thuộc địa, nhân dân và đảng cộng sản các nước anh em, những người có lương tri tiến bộ trên khắp thế giới... và chủ yếu nhất là đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam với các thành phần dân tộc, tôn giáo, trình độ khác nhau. Với mỗi đối tượng cụ thể, trong những văn cảnh cụ thể, nhà báo Hồ Chí Minh đều tìm ra những cách nói, cách viết phù hợp nhất. Nếu đối tượng là người phương Tây, Người có cách viết rất “Tây”, sâu xa, châm biếm, hài hước, ý nhị. Với nhân dân Việt Nam, Người lại nói và viết rất giản dị, mộc mạc. Với các nhà trí thức uyên bác, Người lại bàn về những lời răn dạy của các bậc tiên hiền, bàn về những vấn đề sâu sắc của khoa học, của thơ ca và nghệ thuật.

Những bài báo của nhà báo Hồ Chí Minh luôn sinh động với bút pháp biến hóa, đa dạng: Đanh thép khi tố cáo tội ác của đế quốc thực dân, sôi nổi khi tranh luận, bình dị khi giải thích, thuyết phục... Người hay kết hợp, đan xen đúng lúc những đoạn thơ, câu ca có vần điệu trong những bài báo cách mạng tưởng như khô khan, khó đọc. Các tác phẩm báo chí của Hồ Chí Minh còn toát lên sự lạc quan, hóm hỉnh của một trí tuệ lớn.

Một số tờ báo: Người cùng khổ, Thân ái, Thanh niên. (Ảnh: Tư liệu)

Một số tờ báo: Người cùng khổ, Thân ái, Thanh niên. (Ảnh: Tư liệu)

Sự phong phú trong cách thể hiện của Hồ Chí Minh khi nói và viết làm chúng ta nhận ra những đặc trưng trong cách nói, cách viết của Người. Đó là: Chân thực. Mỗi bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Đọc lại mỗi bài nói, bài viết của Người, chúng ta đều thấy hiện thực sinh động từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được kiểm tra, chọn lọc. Bao giờ Người cũng đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Chính tính chân thực đã cho những bài nói, bài viết của Người có sức thuyết phục cao đối với người nghe, người đọc.

Từ khóa » Tờ Báo Có Nghĩa Là Gì