Sử Dụng “tư Liệu Lời Nói” Trong Tác Phẩm Báo Chí: Phương Thức Tối ưu ...
Có thể bạn quan tâm
1. Một số thuật ngữ
Vai trò của nhà báo là phát hiện, điều tra, nghiên cứu và phản ánh sự thật trong một tác phẩm báo chí. Trong quy trình sáng tạo một tác phẩm báo chí, không có tư liệu thì không thể sản xuất ra tác phẩm báo chí. Nghĩa thứ hai của danh từ “tư liệu”: là tài liệu sử dụng cho việc nghiên cứu(1). Trong rất nhiều nguồn tư liệu được nhà báo sử dụng trong tác phẩm báo chí, như: tư liệu tĩnh (văn bản, hồ sơ, thư tín,..); tư liệu bất thành văn (kiến trúc, di tích, trang phục, món ăn, phong tục, tập quán lâu đời,..); tư liệu động tại hiện trường (lời nói của công dân - nhân chứng trực tiếp hoặc gián tiếp trong sự kiện)(2), thì nguồn tư liệu lời nói của nhân chứng là cực kỳ quan trọng, bởi, mỗi từ họ nói ra đều có thể phản ánh một lát cắt của sự thật, hoặc “giả sự thật”; hoặc bộc lộ một quan điểm nào đó về sự thật. Seth Stephens - Davidowitz cho rằng, mỗi lời con người ta nói ra đều chứa đựng một phần sự thật nào đó trong tâm hồn, trong bản chất con người. Nhiều đơn vị lời nói được tập hợp nghiên cứu sẽ tìm thấy sự thật trong đó(3).
Danh từ “lời nói” là những gì con người nói trong một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể(4). Dưới góc độ ngôn ngữ học, lời nói là một thực thể cụ thể, gồm: lời nói miệng, lời nói viết, lời nói câm. Lời nói miệng, lời nói viết (biểu đạt ra ngoài), trong truyền thông gọi là “truyền thông ngoại biên”, biểu hiện quan điểm, trí tuệ, trình độ, đạo đức, cá tính, sở thích,... của người nói, cho nên, trước khi nói, người ta thường phải suy nghĩ (kiểm soát) xem mình sắp nói ra điều gì. Lời nói câm (không biểu đạt ra ngoài), trong truyền thông gọi là “truyền thông nội biên”, tư duy nhờ các phương tiện ngôn ngữ, như: từ, cụm từ,... chỉ tái hiện trong óc, không đọc thành tiếng, không nói ra miệng, chỉ người suy nghĩ biết được mình đang nghĩ gì, do đó, con người thỏa sức tưởng tượng(5). Trong sáng tạo tác phẩm báo chí, nhà báo không dùng tư liệu là lời nói câm.
Tư liệu lời nói được sử dụng trong tác phẩm BMĐT chủ yếu là lời nói miệng, lời nói viết - phương tiện giao tiếp chính giữa nhân chứng sự kiện và nhà báo BMĐT - có giá trị thông tin về quan điểm, trí tuệ, trình độ, đạo đức, cá tính, sở thích của người nói và thông tin về diễn biến sự việc do người nói cung cấp vì được chứng kiến hoặc biết qua một nguồn nào đó. Lời nói miệng, lời nói viết đều có thể là hiển ngôn (explicit): nghĩa biểu hiện trực tiếp ra ngoài; hoặc hàm ngôn (implied): nghĩa ẩn bên trong, đòi hỏi người nghe, người đọc phải cố gắng để hiểu, để giải mã cho đúng.
Quyền “tự do nói trên báo chí” của công dân là một trong 3 nội dung của quyền tự do ngôn luận trên báo chí, được luật pháp quốc gia và quốc tế quy định: (i) quyền tự do biết thông tin từ báo chí; (ii) quyền tự do nói trên báo chí; (iii) quyền tự do khiếu nại, tố cáo trên báo chí(6). Trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí, nhà báo BMĐT khai thác, chọn lọc, sử dụng lời nói của nhân chứng ở các địa vị xã hội khác nhau, như: (i) thường dân (người trực tiếp trong cuộc, hoặc gián tiếp chứng kiến, có liên quan đến sự việc, có vai trò là nhân chứng cung cấp thông tin về diễn biến sự việc); (ii) nhà chuyên môn khoa học (có kiến thức chuyên sâu liên quan đến sự việc, có vai trò cho ý kiến thẩm định sự việc); (iii) cá nhân có thẩm quyền (các nhà lãnh đạo ở nơi xảy ra sự việc, hoặc lãnh đạo cơ quan chức năng có liên quan, có vai trò chỉ đạo thực hiện, hoặc kết luận sự việc); (iiii) những người nổi tiếng (người có tiếng tăm trong xã hội, hoặc trong ngành nghệ thuật, giải trí, có vai trò gây ảnh hưởng).
Khi nhà báo BMĐT khai thác lời nói của họ và khi họ đồng ý “nói cho nhà báo biết”, có nghĩa là, mối quan hệ pháp lý đã diễn ra. Địa vị pháp lý của các bên sẽ là: BMĐT là chủ thể pháp luật thực hiện quyền tự do ngôn luận của công dân, còn công dân là chủ thể quyền tự do ngôn luận, có quyền “tự do nói trên báo chí”. Hệ quả tất yếu sẽ là: thông tin trong “tư liệu lời nói” thật hay giả, đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực, cũng sẽ được nhìn nhận dưới góc độ quan hệ pháp lý, cả người cung cấp thông tin và nhà báo BMĐT - ai cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều mình đã nói, đã viết. Tự do ngôn luận lúc này sẽ được “soi” dưới góc độ “quyền”, có nghĩa là dưới sự giám sát của luật pháp.
2. Mục đích sử dụng “tư liệu lời nói” trong tác phẩm BMĐT
Trên thực tế, những con người trong và ngoài sự kiện có sự tiếp xúc với sự kiện khác nhau; có cách nhìn, quan điểm khác nhau về sự kiện; có mục đích khác nhau khi phát ngôn; có cách biểu đạt theo phong cách cá nhân khác nhau, khẩu khí khác nhau, phương ngữ khác nhau. Việc thẩm tra, xác minh độ chính xác của thông tin trong lời nói, sàng lọc, lựa chọn lời nói của công dân để đưa vào trong tác phẩm BMĐT ra sao, phụ thuộc hoàn toàn vào mục đích của nhà báo (dựa trên tôn chỉ, mục đích của tờ báo mà nhà báo làm việc), đòi hỏi nhà báo phải vô cùng cẩn trọng, bởi, “bút sa, gà chết”. Mỗi lời nói được trích dẫn vào tác phẩm báo chí sẽ được đặt vào một bối cảnh, hoàn cảnh, tình huống nhất định, biểu hiện một ý nghĩa nào đó của thông tin chứa trong lời nói, do đó, mỗi lời nói được trích dẫn có vai trò quan trọng khác nhau: có thể làm một chi tiết - bằng chứng xác thực của diễn biến sự kiện; có thể thay lời nhà báo thể hiện quan điểm về sự kiện đang được phản ánh; có thể là một lời kêu gọi hành động,... Việc trích dẫn lời nói của công dân không chỉ làm cho tác phẩm báo chí thêm chân thực, sinh động, mang hơi thở thô ráp của cuộc sống, mà còn làm cho độc giả cảm thấy gần gũi như đang được gặp gỡ trực tiếp nhân vật trong sự việc, thấy có thể đồng cảm, yêu quý, hay chê trách, ghét bỏ đối với chính người đang nói trong tác phẩm.
3. Thực tiễn BMĐT sử dụng “tư liệu lời nói” của công dân trong tác phẩm báo chí
Thứ nhất, tần suất xuất hiện lời nói của công dân trong tác phẩm BMĐT.
Tần suất BMĐT khai thác và sử dụng “tư liệu lời nói” của công dân trong tác phẩm báo chí đến đâu, sẽ cho biết mức độ BMĐT thực hiện “quyền tự do nói trên báo chí” của công dân như thế nào, bằng việc “lôi kéo” công dân tham gia vào quá trình sản xuất thông tin ra sao. Ví dụ, khảo sát trường hợp về dịch sốt xuất huyết Dengue gây chết người nhanh chóng và bệnh to đầu ở trẻ em do vi rút Zika gây ra, từ tháng 3.2016 đến tháng 12.2016 trên các tờ BMĐT: vnexpress.net: 87 tin - bài; vnn.vn: 72 tin - bài; nhandan.com.vn: 19 tin - bài; dantri.com.vn: 63 tin - bài; tuoitre.vn: 54 tin - bài, cho thấy, thể loại tin có dẫn lời nhân vật chỉ chiếm 1/300 số lượng tin được đăng tải trong ngày.
Thể loại là bài, như: phản ánh, phóng sự, phỏng vấn,... có khoảng 1.500 chữ trở lên đều có sử dụng “tư liệu lời nói” của nhân vật, ít nhất là 01 trích dẫn trực tiếp, nhiều nhất là 5 trích dẫn trực tiếp. Số lượng trích dẫn gián tiếp thường được sử dụng rất nhiều trong một tác phẩm báo chí, đặc biệt là thể loại phản ánh. Tùy theo tình huống diễn biến sự việc, mỗi tác phẩm BMĐT có ít nhất là 01 trích dẫn gián tiếp, nhiều nhất là 09 trích dẫn gián tiếp(7). Số lượng trích dẫn “tư liệu lời nói” khá nhiều như vậy, cho thấy, BMĐT đã tạo lập được niềm tin nhất định trong lòng công dân đối với tờ báo - điều kiện tiên quyết để công dân mạnh dạn “nói trên báo chí” và tích cực tham gia vào quá trình sản xuất thông tin trên BMĐT.
Thứ hai, phương thức BMĐT sử dụng “tư liệu lời nói” trong tác phẩm báo chí.
* “Tư liệu lời nói” được trích dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp
Trích dẫn tư liệu lời nói nhân vật là cách thức phổ biến nhất trong sáng tạo tác phẩm báo chí và cũng là phương thức ưu việt nhất để công dân được nói trên báo chí bằng chính danh và trực tiếp (không giống như công dân phản hồi ý kiến dưới mỗi tác phẩm báo chí có thể là chính danh, có thể ẩn danh, có thể nặc danh). Để có được một trích dẫn lời nói đúng như những gì họ nói và đúng như bản chất của sự việc, nhà báo phải trực tiếp nghe, ghi âm (nếu được nhân vật cho phép, hoặc phải ghi âm lén), ghi chép cẩn thận, sau đó phải kiểm chứng độ chính xác qua nhiều nguồn (đặc biệt là nguồn pháp lý), biên tập để cắt bỏ những từ ngữ khó hiểu, thô thiển, hoặc nội dung không tốt, rồi mới đưa vào sử dụng trong tác phẩm báo chí.
Những trích dẫn trực tiếp lời nhân vật thường được đưa vào ngoặc kép và chỉ rõ nguồn (như: tên, tuổi, địa vị xã hội,...) để bảo đảm tính khách quan của thông tin. Những trường hợp nhạy cảm phải bảo vệ nguồn tin, thì sử dụng cách thức trích dẫn gián tiếp thông qua từ nối (theo..., rằng,..), hoặc rút gọn nội dung có dẫn nguồn bằng cách đổi tên nhân vật. Đối với chủ thể lời nói là cá nhân có thẩm quyền, nhà chuyên môn khoa học,... BMĐT thường sử dụng dạng bài phỏng vấn chính thức, hoặc có thể sử dụng một phần thông tin trong bài phỏng vấn để làm “box đính kèm” cho tác phẩm, cách làm này tùy thuộc vào tư duy đề tài của nhà báo. Tuy nhiên, dù có cẩn trọng đến mấy, đôi khi vẫn bị sai chỉ vì ý nghĩa hàm ngôn của từ ngữ, đấy là chưa kể đến những trường hợp câu nói của nhân vật bị chỉnh sửa, hoặc trích dẫn sai một vài từ, lại trở thành lời “cáo buộc” hoặc bôi nhọ chính bản thân người nói.
Thậm chí, có những cá nhân có thẩm quyền bỗng nhiên hăng hái mà nói “quá” về sự việc, dù chỉ là một câu nói, nhà báo trích dẫn nguyên văn câu nói đó có thể không bị “truy cứu trách nhiệm” và đạo đức nghề, tuy nhiên, vẫn tạo ra một khoảng trống không nhỏ trong giao tiếp với công dân. Công dân sẽ “ngại”, thậm chí, “không dám nói” với nhà báo, sợ phải “hối tiếc” vì đã nói ra điều gì đó mà nhà báo đã trích dẫn họ trong tác phẩm báo chí. Điều này dẫn đến tình trạng “vòng xoắn im lặng”, công dân lảng tránh, thờ ơ, không cung cấp thông tin hoặc không thể hiện quan điểm của mình cho nhà báo biết, hoặc sẽ có người “gào lên” phản đối, kiểu như nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Donald J.Trump chỉ trích báo chí là “fake news”, “giả dối và kinh tởm”, “đảng đối lập”, “trích dẫn sai lời của tôi với mục đích biến mọi thứ thành xấu xí”(8).
Có không ít “tư liệu lời nói” đã được nhà báo viết lại nhưng không nêu rõ nguồn chủ thể phát ngôn, do đó, người đọc báo khó kiểm chứng thông tin. Tuy nhiên, khi đã truy cập vào tờ BMĐT, có nghĩa là, có phần nào đó người đọc báo đã tin tưởng vào báo chí chính thống. Dù trích dẫn “tư liệu lời nói” theo cách thức nào thì nhà báo cũng chỉ là người đứng sau nhân vật được trích dẫn, chỉ là người đang làm nhiệm vụ đáp ứng quyền “tự do nói trên báo chí” của công dân. Tuy nhiên, thông qua “tư liệu lời nói” này, quan điểm cầm bút của nhà báo cũng sẽ được bộc lộ rõ ràng, dẫn dắt người đọc nhận thức sự việc theo quan điểm của nhà báo một cách tự nhiên, không khiên cưỡng.
Khảo sát BMĐT từ 2015 đến 2019, có thể thấy điểm thành công cơ bản của BMĐT trong việc sử dụng lời nói của công dân trong tác phẩm, là: (i) hầu hết BMĐT đều làm rất tốt việc trích dẫn lời nói của ai trước, ai sau, thể hiện rõ quan điểm chính trị trong thông tin và độ dài - ngắn của trích dẫn lời nói trong tác phẩm báo chí phù hợp với nội dung cần truyền tải; (ii) hầu như BMĐT không mắc lỗi trích dẫn lời nói của nhân vật, dạng như: trích không hết câu, hoặc chỉnh sửa toàn bộ nội dung câu nói theo ý đồ của mình (buộc công dân phải kiện), hoặc đưa vào ngoặc kép những gì nhân vật không “nói”, mà chỉ “nghĩ”; hoặc thêm dấu ba chấm (...) vào cuối câu nói, làm cho người đọc không biết chỗ dấu ba chấm ấy hàm chứa điều gì.
Điều này cho thấy, BMĐT đã giữ đúng nguyên tắc nghề nghiệp là trung thực, khách quan khi sử dụng “tư liệu lời nói” của công dân trong tác phẩm báo chí, thực hiện đúng qui định của pháp luật về quyền “tự do nói trên báo chí” của công dân.
* BMĐT sử dụng đúng phong cách ngôn ngữ cá nhân (cách dùng từ, khẩu ngữ, khẩu khí,...) của chủ thể phát ngôn
Một là, chủ thể lời nói là cá nhân có thẩm quyền.
Lời nói của cá nhân có thẩm quyền trong mỗi sự việc thường có ý nghĩa mang tính chỉ đạo, khẳng định đúng - sai, quyết định thực hiện hay không thực hiện, hoặc phân tích, kết luận làm rõ vấn đề,... Chính vì vậy, những vụ việc liên quan đến chính trị, chủ quyền đất nước, chống tham nhũng, quyền lợi người dân bị xâm hại, án oan,... hầu hết các tác phẩm BMĐT đều dẫn lời của các cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm tính chân thật và tính chính thống của thông tin. Những lời nói của cá nhân có thẩm quyền thường được trích dẫn trực tiếp trong ngoặc kép, bảo đảm giữ nguyên cách sử dụng từ ngữ cá nhân; tính nghiêm túc hoặc hài hước, thần thái và sức mạnh trong lời nói của cá nhân được thể hiện qua từ ngữ. Ví dụ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói về những vấn đề quan trọng, thậm chí, vấn đề nóng bỏng của đất nước như chống tham nhũng,... nhưng lời nói luôn nhẹ nhàng, văn phong uyển chuyển mà sâu sắc, như: “Nhốt quyền lực vào “lồng” cơ chế”, thậm chí, rất lãng mạn, khi được ông mượn ca dao, tục ngữ ví von, so sánh để nói về vấn đề lớn của một dân tộc đang đứng trước sự phân hóa, chia rẽ, dân tộc ấy chỉ có đoàn kết toàn dân mới có sức mạnh, như: “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
Tùy theo tính chất vụ việc mà số đơn vị lời nói của công dân là cá nhân có thẩm quyền được trích dẫn nhiều hay ít, có thể trích dẫn hai - ba lần lời nói của một cá nhân có thẩm quyền trong một bài. Ví dụ: Kết quả khảo sát trường hợp Covid - 19 ở miền Trung từ ngày 25.7.2020 đến ngày 13.9.2020, cũng cho thấy, phát ngôn của nhân vật có thẩm quyền được BMĐT sử dụng ở mức độ cao, chiếm từ hơn 11% đến hơn 22%, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát “chống dịch như chống giặc” của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan ban ngành(9).
Hai là, chủ thể lời nói là nhà chuyên môn khoa học.
Nhà chuyên môn khoa học là những người có chuyên môn sâu về một lĩnh vực nào đó, hoặc có kiến thức uyên thâm, như: nhà giáo, nhà khoa học, doanh nhân, kỹ sư, bác sỹ, sĩ quan quân đội, công an, luật sư,... Đây là những người có thể dùng chuyên môn sâu của mình để nói về vụ việc, có thể làm rõ bản chất sự việc, hoặc đánh giá mức độ, tính chất của vụ việc. Đặc điểm chung trong lời nói của nhà chuyên môn khoa học là mang phong cách khoa học: chính xác, rõ ràng, khúc chiết, đôi khi có tính chất trào lộng. Ví dụ: Về vấn đề chặt cây xanh ở TP. Hà Nội năm 2015, các nhà chuyên môn khoa học đưa ra ý kiến phản đối chủ trương này của Hà Nội.
Bài: “Chặt 6.700 cây xanh: đề nghị thanh tra chính phủ vào cuộc” dẫn lời của GS, TS Nguyễn Lân Dũng (lời 1): “Theo tôi, vấn đề đặt ra là phải truy cứu trách nhiệm của những người đề ra chủ trương này, chứ không thể dừng ở đây được. Hà Nội đã vi phạm, gây bức xúc cả nước, thì Hà Nội không thể tự thanh tra, mà Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc”. (lời 2):“Thủ đô Việt Nam rộng thứ 3 thế giới, chỉ sau Bắc Kinh và Tokyo. Hà Nội đẹp nhờ hồ và cây. Chúng ta đã lấp rất nhiều hồ. Bài học đó đau đớn lắm rồi, giờ lại đến cây xanh. Có 50.000 cây mà chặt tới 1/7 thì tôi không thể tưởng tượng được”(10). GS, TS Nguyễn Lân Dũng dẫn ra những con số mang tính khoa học để chứng minh cho việc vì sao lại phản đối việc chặt cây xanh ở Hà Nội. Những lời cảnh báo có tính khoa học chính xác của các nhà chuyên môn khoa học về chặt cây, phá rừng từ những năm trước mà không được xử lý triệt để, ngày nay chúng ta đang phải đối mặt với hậu quả tàn khốc là lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng,...
Ba là, chủ thể lời nói là những người của công chúng.
Họ là những người có thành tích cao trong cuộc sống, hoặc những nét đặc biệt về quan điểm sống, tính cách, tình cảm, hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, giải trí, du lịch, thể thao,... BMĐT thường khắc họa về họ bằng những bài báo hoặc phỏng vấn chân dung, với mục đích thu hút công chúng đọc báo, bởi lời nói của người nổi tiếng có tác động rất lớn đến một lượng công dân trẻ đông đảo - các fan của họ. Thông tin về họ thường được BMĐT khai thác từ nhiều nguồn, trong đó có cả việc khai thác thông tin từ MXH, những trang web của cá nhân. Đặc điểm chung trong lời nói của những người của công chúng là phóng khoáng, gần gũi và thân mật, đôi khi hơi bốc đồng. vnexpress.net, vnn.vn có nhiều bài về lĩnh vực giải trí có trích dẫn lời của ca sĩ, nhạc sĩ, hoa hậu, người đẹp trong nước và quốc tế,...
Bốn là, chủ thể lời nói là dân thường có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vụ việc.
Hầu hết các tác phẩm báo chí của BMĐT đều dẫn lời nhân vật là dân thường có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới vụ việc, đặc biệt là những vụ việc trong hai lĩnh vực: Xã hội (gồm: pháp luật, y tế - sức khỏe, đời sống xã hội, nhân ái), Văn hóa (gồm: giáo dục, giải trí, du lịch, thể thao). Tuy nhiên, những vụ việc liên quan đến chính trị, ngoại giao, chủ quyền biển đảo,... thì việc sử dụng lời nói của dân thường rất hạn chế. Ví dụ: Trong 15 tin - bài của vnexpress.net (từ 17.2.2016 đến 28.3.2016) về vấn đề Trung Quốc đặt hệ thống tên lửa lên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hầu như không có tác phẩm nào sử dụng lời của dân thường, chỉ sử dụng lời của cá nhân có thẩm quyền (30 lời) và nhà chuyên môn khoa học (42 lời)(11). Tùy theo tính chất vụ việc mà lời nói của dân thường được sử dụng hay không trong tác phẩm BMĐT, tuy nhiên, lời nói của dân thường chỉ tập trung ở các bài phóng sự và bài phản ánh. Đặc điểm chung lời nói của dân thường là mộc mạc, tự nhiên, dung dị, dễ hiểu, thường sử dụng phương ngữ của nơi mình sinh ra, đôi khi có sắc thái thông tục.
4. Kết luận
Ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng lời nói của nhân vật trong tác phẩm BMĐT là bảo đảm độ chính xác, khách quan của thông tin khi được phơi bày dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Thông qua lời nói của nhân vật trong tác phẩm BMĐT, người tiếp nhận thông tin có thể nhìn nhận rõ hơn bản chất vấn đề là tích cực hay tiêu cực, cảm nhận được sự “gần gũi” của sự việc đối với cuộc sống của mình, từ đó có thể tìm cho mình những bài học đắt giá chính từ sự việc đó, hoặc khơi gợi cho mình ý muốn bàn luận về sự thật đó dưới mỗi tác phẩm báo chí. Với câu B15, mục 1, trong số 821 công dân có truy cập BMĐT, thì chỉ có 17 người có sử dụng công cụ “lời nói miệng”, “lời nói viết” để thực hiện quyền tự do ngôn luận trong tác phẩm báo chí (làm nhân chứng, làm người phát ngôn trong tác phẩm báo chí). Như vậy, công dân vẫn chưa thực sự chủ động sử dụng “quyền được nói” của mình trên báo chí.
Kết quả điều tra của tác giả về lý do công dân có phát ngôn trong tác phẩm báo chí, thì chỉ có 14 ý kiến/ 17 người trả lời, trong đó, có 01 người là người trong cuộc (mua nhà chung cư gần 10 năm chưa được nhận nhà). Đáng chú ý là, trong 5 ý kiến không chọn công cụ “lời nói miệng”, “lời nói viết” để thực hiện QTDNL, có 01 ý kiến “sợ” bị trả thù nếu nói về tiêu cực ở nơi mình ở(12). Điều này thể hiện người dân vẫn còn tâm lý “bất an” khi “nói trên báo chí” và cũng cảnh báo rằng, pháp luật vẫn chưa thực sự đủ mạnh, đủ chi tiết để bảo vệ sự an toàn của người dân trong quá trình thực hiện dân chủ mở rộng.
BMĐT sử dụng lời nói của công dân là cá nhân có thẩm quyền, nhà chuyên môn khoa học là chủ yếu, khoảng 10 - 50 % trong tổng số bài. Ưu điểm khi sử dụng lời nói của hai loại đối tượng này là sẽ làm cho tác phẩm có “sức nặng”, bởi những giá trị mang lại cho người đọc rất lớn từ địa vị xã hội cao, kiến thức khoa học, hiểu biết vấn đề chuyên sâu, kinh nghiệm thực tiễn vững chắc của người phát ngôn, rất cần khi truyền thông về những vấn đề lớn của đất nước cần phải thuyết phục người dân đồng thuận. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều lời nói của cá nhân có thẩm quyền, nhà chuyên môn khoa học, cũng dễ dẫn đến bài báo nặng về tính hàn lâm, khô khan, khó thu hút những người dân bình thường khi đọc báo. Họ có thể “lướt” mà không thật chú tâm, không có ý thức đọc kỹ, không muốn bình luận, dẫn đến sức lan tỏa trong xã hội của thông điệp trong tác phẩm không được rộng rãi như mong muốn của người làm ra tác phẩm.
Tỷ lệ sử dụng lời nói của công dân là dân thường khá thấp, tỷ lệ trung bình chỉ chiếm 10 - 30% trong tổng số tin - bài có sử dụng lời nói của nhân vật. Điều này cũng có thể lý giải được dưới góc độ kiểm chứng thông tin, bởi lời nói của dân thường xuất phát từ việc trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy, thường mang tính chất cảm tính, chưa được kiểm chứng dưới góc độ khoa học và luật pháp, do vậy, thông tin do dân thường cung cấp có thể không tuyệt đối chính xác, đôi khi còn bị phóng đại, hoặc “tam sao thất bản”, hoặc không đúng về góc độ luật pháp, đòi hỏi người phóng viên phải mất nhiều thời gian kiểm chứng thông tin, làm mất đi “sức nóng” của thông tin khi có mặt trên sản phẩm BMĐT. Tuy nhiên, nếu chỉ vì ngại “gác cổng” mà sử dụng ít hoặc không sử dụng lời nói của dân thường, vô hình trung tạo ra cho người đọc một tâm lý “dân thường ít được chú ý”, dẫn đến việc họ sẽ “rụt rè hơn” khi tham gia vào quá trình sản xuất thông tin của BMĐT. Mặt khác, bản thân công dân cũng có tâm lý “ngại” xuất hiện trên báo chí, thể hiện rất rõ trong kết quả trả lời cho câu B12: những lý do công dân “ngại”, không muốn tham gia ngôn luận trên BMĐT: (i) không thích thể hiện quan điểm cá nhân; (ii) vì trình độ hiểu biết, kiến thức còn hạn chế(13).
Như vậy, qua kết quả khảo cứu các chủ thể lời nói được BMĐT sử dụng trong tác phẩm báo chí, cho thấy, BMĐT đã chú trọng sử dụng lời nói của công dân trong tác phẩm báo chí, thực hiện tốt quyền được nói trên báo chí của công dân, mặc dù mức độ sử dụng lời nói của các chủ thể rất khác nhau, chưa thật cân bằng./.
_____________________________________
(1), (4) Viện Ngôn ngữ (1995), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr.1034, 566.
(2) Nguyễn Thị Thoa (Chủ biên), Nguyễn Thị Hằng Thu, (2012, Tái bản lần 1), Giáo trình Tác phẩm báo chí đại cương, Nxb. Giáo dục Việt Nam, tr. 92 - 97.
(3) Seth Stephens - Davidowitz, (2017), Everybody Lies - Big Data, New Data, and What the Internet Can tell Us About Who We Really Are, USA, (2019, Mọi người đều nói dối - Dữ liệu lớn, dữ liệu mới và những điều Internet tiết lộ về chính chúng ta), Người dịch: Nguyễn Hạo Nhiên và Nguyễn Hưởng, Nxb. Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh.
(5) Nguyễn Quỳnh, Cơ sở ngôn ngữ học, T. 1 (1977), T. 2 (1979), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
(6) Xem: Hiến pháp năm 2013; Luật Báo chí năm 2016; Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.
(7) Kết quả khảo sát BMĐT của tác giả về dịch sốt xuất huyết Dengue gây chết người nhanh chóng và bệnh to đầu ở trẻ em do vi rút Zika gây ra, từ tháng 3.2016 đến tháng 12.2016.
(8) Donald J.Trump, (2015), Crippled America: How to Make America Great Again, (2016), Nước Mỹ nhìn từ bên trong: Làm thế nào để nước Mỹ què quặt hùng mạnh trở lại), Người dịch: Đỗ Trí Vương, Nxb. Thế giới, H., tr. 28-33.
(9) Kết quả khảo sát BMĐT của tác giả về sự kiện Covid-19 ở miền Trung, từ ngày 25.7.2020 đến ngày 13.9.2020.
(10) “Chặt 6.700 cây xanh: đề nghị thanh tra chính phủ vào cuộc”, vnn.vn, ngày 23.3.2015.
(11) Kết quả khảo sát BMĐT của tác giả về sự kiện Trung Quốc lắp đặt hệ thống tên lửa lên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, từ ngày 17.02.2016 đến ngày 28.3.2016.
(12), (13) Kết quả điều tra ý kiến công dân của tác giả, từ tháng 3.2018 đến tháng 12.2018.
Từ khóa » Tờ Báo Có Nghĩa Là Gì
-
Báo Viết – Wikipedia Tiếng Việt
-
'tờ Báo' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Báo Lá Cải – Wikipedia Tiếng Việt
-
TỜ BÁO - Nghĩa Trong Tiếng Tiếng Anh - Từ điển
-
Sức Sống Của Tờ Báo Là Niềm Tin Yêu Từ Bạn đọc
-
Tờ Báo Trong Tiếng Anh Là Gì? - English Sticky
-
03. Thuật Ngữ Chuyên Ngành Báo Viết - 24h Dans Une Rédaction
-
Báo Tạp Chí - Sự Giống Nhau Và Khác Biệt
-
Các Nguyên Tắc Cơ Bản Trong Trình Bày Báo
-
Những Tờ Báo Và Nhà Báo đầu Tiên Của Việt Nam
-
Lịch Sử Của Báo Giấy - Báo Thanh Niên
-
Lao Động Là Tờ Báo Trong Nhóm Báo Chí Chủ Lực Quốc Gia
-
Chuyển đổi Số Trong Báo Chí Là Phải Giải được Bài Toán “Đến Với độc ...
-
Cội Nguồn Báo Chí Cách Mạng Việt Nam
-
Báo In Thế Giới: Từ Chuyện Của Những Tờ Báo đầu Tiên…
-
Báo “Thanh Niên” Ra đời - Khai Sinh Nền Báo Chí Cách Mạng Việt Nam
-
Tiêu Chí Nào để đánh Giá Một Tờ Báo Hiệu Quả? - Báo Nghệ An
-
Phong Cách Báo Chí Hồ Chí Minh
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Báo Chí Cách Mạng Việt Nam