Phòng Và Trị Bệnh Cước Chân Cho Trâu, Bò - Báo Yên Bái

1. Nguyên nhân:

Khi thời tiết lạnh dưới 10oC, chuồng nuôi ẩm ướt, trâu, bò phải làm việc ngâm chân lâu trong nước lạnh, chuồng trại lầy thụt mất vệ sinh làm cho chân tê cóng, hệ thống mao mạch ở chân bị co lại gây trở ngại cho việc lưu thông máu. Nếu tiếp diễn khoảng 2 - 3 ngày thì hệ thống mao mạch ở chân trâu bò bị tắc từng đám, dẫn đến hiện tượng phù nề xung quanh móng chân, bàn chân, cổ chân, đau đớn không đi lại được, hiện tượng đó được gọi là bệnh cước chân.

2. Nhận biết bệnh:

Đầu tiên, da vùng chân con vật dày cộm lên, vùng sưng có hiện tượng xung huyết, da nứt nẻ. Sau đó, lớp biểu bì bong ra, có chảy dịch màu vàng, lộ ra một lớp tổ chức màu đỏ thẫm. Nếu vết thương sâu làm con vật bị què nằm tại chỗ, da và tổ chức dưới da bị hoại tử từng đám có chỗ tím bầm, có chỗ phồng rộp lên. Cuối cùng, các tổ chức hoại tử ăn sâu xuống làm lộ ra cả những sợi cơ và xương. Bệnh nặng gây biến chứng có thể làm tắc mạch máu, gây xung huyết ở phổi và bầm huyết ở não.

3. Phòng bệnh:

Bà con cần dùng chất độn chuồng như rơm, rạ, lá chuối khô để trải nền chuồng cho trâu, bò nằm; không để chuồng ẩm ướt, lầy lội, nhất là những ngày thời tiết quá lạnh, mưa xuân kéo dài; che chắn chuồng nuôi bảo đảm không bị mưa tạt, gió lùa.

- Chế độ ăn: cho ăn đủ khẩu phần và cân đối về dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng, cụ thể như sau: bảo đảm lượng thức ăn thô xanh 10% trọng lượng cơ thể, thức ăn tinh 1,5 - 2 kg/con (cám ngô, cám gạo, cám sắn), cho uống đủ nước có thể pha muối với nước ấm cho gia súc uống với lượng 25 - 30 g/con/ngày.

- Chế độ chăn thả: thực hiện chế độ chăn thả và làm việc hợp lý (những ngày quá lạnh dưới 12 độ C không chăn thả trâu, bò ngoài đồi bãi mà cắt cỏ cho ăn tại chuồng, đốt lửa sưởi, thực hiện chế độ đi muộn, về sớm, mặc áo chống rét); thường xuyên quan sát sự đi lại của trâu, bò.

4. Trị bệnh:

- Nếu bệnh mới xuất hiện thì cần rửa sạch, lau khô chân trâu, bò; dùng gừng, riềng giã nhỏ, đảo nóng, cho vào túi vải rồi chườm vào chỗ sưng hoặc dùng rơm, rạ, bao tải... trà xát nhiều lần vào chỗ sưng làm cho máu tụ tan ra, mạch máu lưu thông trở lại, chườm 2 lần/ngày; dùng cồn Methylxalixilate xoa vào chân trâu, bò sau khi đã rửa sạch, lau khô.

- Nếu chân có chỗ bị vỡ, loét đã nhiễm trùng thì phải rửa sạch bằng dung dịch thuốc tím sau đó rắc bột Tetracylin hoặc Sunfamid.

- Nếu chân có nhiều chỗ hoại tử cần cắt bỏ những tổ chức hoại tử, sau đó mới điều trị. Tiêm bắp một trong các loại kháng sinh sau, điều trị liên tục trong 3 - 5 ngày (Ampicillin 7 - 10 mg/kg thể trọng/ngày; Colinorxacin 1ml/15 kg thể trọng/ngày; Amtyo 7 - 8 ml/100 kg thể trọng/ngày); trợ sức: tiêm bắp Cafein 20 - 25 mg/kg thể trọng/ngày, vitamin B1 2 - 3 mg/kg thể trọng/ngày, vitamin C 3-5 mg/kg thể trọng/ngày

*Chú ý: Không để trâu, bò nằm lâu một bên sẽ gây hoại tử phần da tiếp xúc xuống nền chuồng; cần giữ nền chuồng khô sạch; chuồng kín và ấm, cho ăn uống đầy đủ, bệnh sẽ nhanh khỏi.

Nguyễn Thị Nhàn (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)

Từ khóa » Bò Bị Hà ăn Chân