Phương Pháp Giáo Dục Trẻ Mầm Non Nhận Biết Cảm Xúc Của Mình

Phương pháp giáo dục trẻ Mầm non nhận biết cảm xúc của mình Thứ Bảy, 21/05/2022, 10:05 (GMT+7)

Việc trẻ nhận biết về cảm xúc của chính mình là một trong những bước đầu tiên để phát triển kỹ năng Tình cảm Xã hội, cũng như là nền tảng để trẻ phát triển Trí tuệ cảm xúc. Nhận biết và phân biệt cảm xúc góp phần quan trọng trên hành trình trẻ học cách quản trị cảm xúc của chính mình và thấu hiểu cảm xúc của những người xung quanh, từ đó biết điều chỉnh hành vi và đưa ra quyết định đúng đắn.

Tiến sĩ Laura Markham, nhà Tâm lý học lâm sàng tại Mỹ, đồng thời là chuyên gia về các phương pháp nuôi dạy con cái (Parenting) đã chia sẻ những lời khuyên hữu ích về việc nên giáo dục trẻ nhận biết về cảm xúc từ khi nào và bằng cách nào.

1. Gọi tên cảm xúc của trẻ thông qua sự đồng cảm Cha mẹ có thể thực hành gọi tên cảm xúc và thể hiện sự đồng cảm của mình với cảm xúc của con từ rất sớm:

  • “Ôi! Lạnh quá con nhỉ!
  • “Bé cưng cười kìa! Con đang rất vui phải không?”
  • “Con đang buồn à? Con cứ khóc nhé, không sao đâu… Mẹ ôm con để con thoải mái thể hiện cảm xúc của mình…”
  • “Con giận lắm phải không? Chắc chắn là con không hề vui khi bạn ấy đã đẩy con ngã như vậy. Con hãy nói với bạn là “Bạn đừng đẩy tớ!”

Tương tự, cha mẹ có thể ôm trẻ và thể hiện sự đồng cảm khi thay lời trẻ giao tiếp với người khác:

  • “Thiên An rất thích chiếc xe tải này dì ơi! Cảm ơn dì rất nhiều!”
  • “Nam à, con nhìn thấy em không con? Em đang muốn nói với con là em không vui khi con đẩy em ngã như vậy!”

Bằng cách gọi tên, cha mẹ có thể giúp trẻ nhận diện cảm xúc từ khi còn rất nhỏ, thậm chí từ trước khi trẻ 18 tháng tuổi. Việc gọi tên cảm xúc thông qua sự đồng cảm như vậy khá đơn giản và dễ thực hiện. Từ 0-3 tuổi, sự tiếp nhận vốn từ của trẻ mang tính thụ động, hầu hết thông qua việc lắng nghe và cảm nhận lời nói, hành vi và phản hồi của người lớn. Thông thường, trẻ cần được nghe và tiếp cận từ vựng trong 6 tháng trước khi có thể tự sử dụng nó, vậy nên cha mẹ hãy sử dụng các từ ngữ chỉ cảm xúc khi giao tiếp với trẻ từ sớm nhất có thể.

2. Chơi trò chơi “Đặt tên cho cảm xúc” (Name that feeling) Trò chơi này diễn ra đơn giản bằng cách: Cha mẹ diễn tả bất kỳ cảm xúc nào thông qua gương mặt, để trẻ đoán xem cảm xúc gì đang được thể hiện? Trẻ nhỏ cực kỳ thích trò chơi này, nhưng thường thì đến khoảng 2 tuổi mới có thể sử dụng ngôn từ để chơi tốt được. Cha mẹ cũng có thể sử dụng gấu bông, diễn tả cảm xúc của chú gấu và để trẻ đoán. Sau khi trẻ đoán được, hãy tiếp tục giao tiếp để tăng sự gắn kết và thấu hiểu với mọi cảm xúc của trẻ. Ví dụ khi con nói “Bạn gấu đang buồn ạ” – có thể phản hồi rằng “Con đoán đúng rồi, vậy mẹ con mình cũng vỗ vai an ủi bạn nhé! Bạn gấu đừng buồn, tớ ở bên cạnh bạn đây rồi!”

3. Nhận biết cảm xúc thông qua bài hát Một số bài hát thú vị thường được sử dụng trong giáo dục nhận biết cảm xúc cho trẻ mầm non, phù hợp với mọi lứa tuổi như:

  • If you’re happy and you know it:

“If you’re happy and you know it – clap your hands” <Nếu con thấy vui, hãy vỗ tay> “If you’re mad and you know it – stomp your feet” <Nếu con thấy giận, hãy dậm chân> “If you’re sad and you know it – cry a tear” <Nếu con thấy buồn, hãy khóc nhé> “If you’re hungry and you know it – pat your belly” <Nếu con thấy đói, hãy xoa bụng> “If you’re tired and you know it – stretch and yawn” <Nếu con thấy mệt, vươn vai và ngáp> “If you’re funny and you know it – giggle and twist” <Nếu con thấy hài, hãy cười khúc khích> “If you’re angry and you know it, take a breathe!” <Nếu con thấy giận, hãy hít thật sâu> “If you’re loved and you know it – hug your mom <Nếu con được yêu thương, hãy ôm mẹ>

Cha mẹ có thể tham khảo một số phiên bản Tiếng Anh rất thú vị của bài hát này từ Super Simple Song hoặc CoComelon, hoặc phiên bản tiếng Việt của Super Jojo.

  • Everything is going to be alright:

Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể thông qua các bài hát để chỉ cho con thực hành kỹ thuật “Dừng lại, nhắm mắt và hít một hơi thật sâu” (Stop, Close your eyes, Take a deep breath) mỗi khi thấy tức giận, buồn bã, xấu hổ, sợ hãi… như trong bài hát Everything Is Going To Be Alright của Super Simple Songs.

4. Kể về cảm xúc của con như một câu chuyện Cha mẹ có thể cùng trẻ kể lại câu chuyện cảm xúc sau một ngày, đặc biệt là khi trẻ đã dịu lại sau một cảm xúc mãnh liệt nào đó, ví dụ như: “Mẹ con mình cùng nhau kể lại câu chuyện hôm nay nhé. Hôm nay bạn Nam đến chơi với con, và con cũng rất hào hứng được chơi với bạn… Nhưng khi Nam chơi chiếc xe tải yêu thích của con, thì con bắt đầu cảm thấy lo lắng… Có lẽ con đã lo rằng bạn sẽ mang chiếc xe tải yêu thích của con về, phải không? Nhưng chiếc xe tải này là của con, xe tải ở nhà mình, vậy nên không ai sẽ lấy nó đi đâu cả, bạn Nam chỉ là rất thích chơi chiếc xe tải của con thôi… Nhưng khi ấy, con đã nói “Không!” và đánh bạn, đúng không nào? Con không muốn bạn chơi chiếc xe của mình. Rồi mẹ đã nói rằng “Con không được đánh bạn nhé!” và mẹ cất chiếc xe tải lên trên cao, và con đã khóc rất nhiều… Mẹ đã ôm con khi con khóc và rồi lát sau con đã cảm thấy khá hơn… Sau đó, con và bạn Nam lại vui vẻ chơi tàu hỏa với nhau, rồi Nam đi về nhà. Bây giờ, con đang ôm chiếc xe tải của mình và rất vui khi vẫn được chơi xe tải của con, phải không?” Câu chuyện được kể lại như vậy nhằm mục đích giúp trẻ hiểu về những cảm xúc mãnh liệt mà mình có, và quan trọng hơn là để trẻ biết rằng việc trải nghiệm mọi cảm xúc đều là bình thường. Tùy vào độ tuổi và năng lực của mỗi bé mà câu chuyện cha mẹ kể có thể có độ dài, ngắn các nhau. Mục đích chính ở đây là nhắc lại tình huống đã gây ra cảm xúc của con và cách cha mẹ cùng con trải qua những cảm xúc đó.

5. Đặt câu hỏi cho con về cảm xúc của người khác Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi cha mẹ “thắc mắc” với trẻ về cảm xúc của các em bé nhỏ hơn trong gia đình, trẻ sẽ dần hiểu được cảm xúc của em, phát triển sự đồng cảm và dần dần đối xử tốt hơn với em. “Em khóc kìa, không biết vì sao em lại khóc con nhỉ?”. Trẻ có thể nhận ra khi em bé khóc là em đang đói, đang muốn được chơi cùng, muốn được bế ẵm… Ngoài ra, bất cứ khi nào cùng trẻ quan sát thấy một bạn nhỏ có cảm xúc mãnh liệt, cha mẹ có thể chia sẻ sự quan tâm và thể hiện sự tò mò với trẻ:

  • “Cậu bé đó đang khóc kìa con…Mẹ nghĩ rằng bạn ấy đang buồn lắm”
  • “Vì sao bạn gái kia lại khó chịu vậy nhỉ?…À mẹ thấy rồi, cô bé bị rớt cây kem, chắc bạn ấy thất vọng lắm!”
  • “Con có thấy bạn nam kia đang dắt tay em gái mình không? Đúng là một người anh trai tình cảm, con nhỉ?”

Trên đây là 5 phương thức để các bậc phụ huynh tham khảo và lựa chọn trong việc giáo dục trẻ những bước đầu tiên nhận biết về cảm xúc. Bước đầu tiên này là rất quan trọng, vì từ việc nhận biết về cảm xúc của chính mình, trẻ mới có thể nhận biết về cảm xúc của người khác, và rồi có thể thấu hiểu sâu sắc, biết phân biệt và đưa ra những quyết định đúng đắn sau này.

Nguồn tham khảo: Aha Parenting.

Từ khóa » Dạy Cảm Xúc Vui Buồn Cho Trẻ Mầm Non