Phương Thức Tác động Của Tâm Lý Tiểu Nông đến Con Người Việt Nam ...
Có thể bạn quan tâm
Tâm lý tiểu nông là một dạng biểu hiện của văn hóa truyền thống đã ăn sâu bén rễ vào từng con người Việt Nam hàng ngàn năm nay, nó chi phối suy nghĩ và hành vi của con người Việt Nam trước đây và cả bây giờ. Tâm lý ấy nảy sinh và phản ánh trực tiếp phương thức sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, mang tính tự phát, manh mún, tự cung, tự cấp, với những biểu hiện tiêu cực như tâm lý thu vén cá nhân, tư lợi; nếp nghĩ theo kinh nghiệm, tính bảo thủ, ngại thay đổi; tâm lý cộng đồng không dám thể hiện chính kiến, quan điểm riêng; thói tùy tiện, vô nguyên tắc, ý thức kỷ luật kém, trọng lệ hơn luật, trọng tình hơn lý; tâm lý địa phương, cục bộ, dòng họ, thụ động, cầu an, tầm nhìn thiển cận; tâm lý bình quân chủ nghĩa… Do đó, chúng ta cần nhận diện phương thức tác động trực tiếp của tâm lý tiểu nông đến con người để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của nó trong quá trình xây dựng con người mới Việt Nam.
1. Phương thức tác động của tâm lý tiểu nông đến suy nghĩ và hành động của con người Việt Nam hiện nay
Tâm lý tiểu nông thông qua hương ước
Hương ước có nguồn gốc từ phong tục, tập quán, biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, được truyền miệng hoặc thành văn, có tính hệ thống, có chế tài đối với các trường hợp vi phạm. Theo các nhà nghiên cứu, hương ước xuất hiện thành văn ở nước ta vào cuối thời Trần, đến thời Lê sơ ngày càng phát triển và trở thành phổ biến. Về bản chất, hương ước là một dạng quy phạm xã hội nhằm điều tiết hành vi con người trong các quan hệ xã hội. Tác giả Nguyễn Hữu Thông cho biết: “Ngôi nhà rường truyền thống có thể không còn nhiều, viên đá tảng mất đi vai trò; máy xay xát gạo đã hoàn toàn thay thế cối giã gạo… nhưng trên thực tế, những hành vi bị chi phối bởi hương ước vẫn tồn tại đậm nhạt khác nhau trong sự ứng xử cá nhân lẫn cộng đồng và đâu đó, chi phối đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ phạm vi sinh hoạt thường nhật cho tới không gian lễ nghi” (1).
Hương ước góp phần hình thành phong cách sống của người Việt Nam. Tâm lý tiểu nông tồn tại trong các phong tục tập quán, được hiện thực hóa trong các quy định của hương ước. Nó chi phối, uốn nắn tư tưởng và hành vi của các cá nhân trong xã hội, làm cho tâm lý tiểu nông vẫn tiếp tục hằn sâu và chi phối mọi suy nghĩ và hành động của con người Việt Nam hiện nay. Hương ước chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, song cũng có không ít biểu hiện tiêu cực trong tâm lý tiểu nông, làng xã. Theo tác giả Hồ Liên, “Hương ước là sự bộc lộ tư tưởng cục bộ địa phương, óc bè phái hình thành trên cơ sở tâm lý làng. Sự phân biệt làng với thiên hạ làm nảy sinh sự đối lập giữa giá trị làng với giá trị ngoài làng. Đó là tư tưởng địa vị ngôi thứ, gắn với cả trật tự gia trưởng, trật tự lão quyền và nhất là trật tự quan liêu. Địa vị kèm theo lợi ích, bổng lộc. Địa vị là danh phận, là tất cả, là nỗi vinh nhục của kiếp người” (2). Chung quan điểm ấy, tác giả Đào Trí Úc viết: “Hương ước chứa đựng không ít những quy tắc mang tính tiêu cực, thể hiện tư tưởng cục bộ, địa phương, bè phái trên cơ sở tâm lý làng (...). Chính cái tâm lý làng với đầy rẫy các quy tắc về hệ thống đẳng cấp, ngôi thứ trong làng, về các hủ tục cưới xin, ma chay, khao vọng, hội hè đã được giới chức dịch trong làng bao đời lợi dụng để trói buộc người nông dân vào hằng hà vô số các nghĩa vụ, trách nhiệm, cấm đoán và hạn chế, tạo nên một lối sống chỉ theo lệ làng, coi thường luật nước theo đúng ý nghĩa phép vua thua lệ làng” (3).
Biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong các bản hương ước cổ là tâm lý địa phương, cục bộ, bình quân chủ nghĩa, trọng lệ hơn luật, coi thường pháp luật: “phép vua thua lệ làng”. Sự cục bộ, địa phương trước hết thể hiện ở việc phân biệt giữa dân ngụ cư và dân chính cư. Dân chính cư mới được coi là người của làng, họ được ghi danh vào sổ hương ẩm, được hưởng nhiều quyền lợi, như được chia công điền công thổ, được tham gia các việc tế lễ trong đình làng, được chia phẩm lộc trong các ngày hội lễ. Ngược lại, dân ngụ cư bị xem như người ngoài làng và chịu thua thiệt đủ điều, muốn trở thành dân chính cư, họ phải trải qua thử thách nhiều đời. Hương ước làng Hành Thiện, tổng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định quy định “những người ngụ cư có đóng sưu ở làng xã và chịu tạp dịch thì được hưởng nửa phần cấp. Nếu đã được 3 đời hoặc 30 năm liên tục thì được hưởng cả phần cấp như chính đinh” (4). Tâm lý cục bộ, địa phương còn thể hiện ở quy định cheo nội, cheo ngoại trong cưới hỏi. Cheo nội áp dụng cho trai gái cùng làng lấy nhau, cheo ngoại dành cho con trai làng khác lấy con gái của làng. Thường cheo nội có giá trị tượng trưng vài đồng bạc nhưng cheo ngoại có giá trị gấp 5 - 6 thậm chí 10 lần. Không chỉ khuyến khích hôn nhân hướng nội, nhiều hương ước còn quy định rất khắt khe việc không truyền nghề cho con gái, con nuôi và con rể nhằm giữ bí quyết nghề của làng.
Tâm lý bình quân chủ nghĩa thể hiện trong hương ước qua các quy định từ chia ruộng đất đến thờ cúng hội hè, tế lễ, chia phẩm lộc, từ lao động công ích (đắp đê chống lụt, bảo vệ an ninh làng xã) đến nộp thuế đều tính theo đầu người hoặc hộ gia đình, mọi người được phân phát và có trách nhiệm gần như nhau, không phân biệt mức sống hay thu nhập.
Tâm lý trọng lệ hơn trọng luật thể hiện ngay ở phần mở đầu hương ước. Phần lớn các hương ước mở đầu bằng câu “nước có luật nước, làng có ước lệ của làng” như lời tuyên ngôn khẳng định quyền tự trị của mỗi làng - một tâm lý tiểu nông điển hình, trọng lệ hơn luật. Trong một số trường hợp, giá trị điều khoản của hương ước còn được coi trọng hơn luật nước. Chẳng hạn, trong hương ước có quy định các điều khoản ngăn ngừa và xử phạt những người khiếu nại, kiện cáo lên trên mà không thông qua làng. Ai kiện lên quan trên mà không thông qua làng sẽ bị phạt, hoặc giả người đó không hài lòng với hình phạt của làng, tiếp tục kiện lên trên mà vẫn xử như làng thì người đó phải chịu thêm phí tổn do làng chi ra cho việc xét kiện đó. Chính những quy định này càng củng cố tâm lý sống bằng lệ làng, coi trọng lệ làng hơn phép nước.
Những biểu hiện tiêu cực này của tâm lý tiểu nông trong hương ước đã chế ước tâm lý, nhận thức của nhiều người thông qua sức mạnh bắt buộc mọi người phải thực thi hương ước trên thực tế. Hương ước có sức mạnh bắt buộc mọi cá nhân trong cộng đồng làng xã phải nghiêm túc thực hiện, trong đó có những quy định thể hiện tâm lý tiểu nông, qua đó tâm lý này được củng cố bền chặt ở mọi người. Trong các bản hương ước đều quy định rất rõ những hình phạt cụ thể đối với những hành vi không chấp hành các quy định, đồng thời có những hình thức khen thưởng đối với các hành vi chấp hành tốt hương ước, qua đó những quy định này có tính thực thi trong cuộc sống. Các hình thức khen thưởng phổ biến là thưởng tiền và hiện vật hoặc tăng vị trí ngôi thứ trong làng, tùy thuộc vào công trạng và thành phần xuất thân của người lập công. Các hình phạt đối với những người vi phạm hương ước thường rất nghiêm khắc. Bên cạnh hình thức xử phạt phổ biến là tiền và hiện vật, hạ vị trí ngôi thứ của kẻ vi phạm cũng là một hình phạt tinh vi của hương ước. Đuổi khỏi làng là hình phạt cao nhất của làng xã đối với kẻ vi phạm hương ước. Như vậy, các hình thức xử phạt trong hương ước có tác dụng răn đe, ngăn ngừa các vụ vi phạm rất lớn. Ngoài ra, hương ước còn dựa vào dư luận làng, sự giám sát của cộng đồng để quản lý các cá nhân, buộc cá nhân phải chấp hành các quy định trong hương ước. Hương ước quy định sự giám sát của tập thể, cộng đồng đối với hành vi của từng cá nhân thông qua chế độ xử phạt trực tiếp kẻ vi phạm (ai làm người ấy chịu) kết hợp với chính sách chịu trách nhiệm liên đới. Ví dụ, hương ước làng Đại Tảo (Bắc Ninh) quy định: “Ai đang tại lính mà đào ngũ thì dòng họ của người đó phải đi tìm để giải quan trên và phải cử người khác thay thế. Cũng ở làng này, khi có người chết, quan viên sở sổ khoán bạ (sổ ghi những người vi phạm khoán ước) xem lúc còn sống người đó có vi phạm khoản ước mà chưa nộp đủ thì bắt thân nhân và bà con trong họ phải nộp cho đủ mới được cử hành chôn cất” (5). Hương ước có nhiều hình thức khác nhau buộc các thành viên phải tuân thủ mọi quy định, do đó những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong hương ước được củng cố, duy trì bền chặt trong các thế hệ người Việt Nam.
Biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông được trao truyền qua các thế hệ người Việt Nam thông qua giáo dục gia đình
Gia đình là một hiện tượng đặc trưng của văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện đậm nét trong đạo đức, văn hóa gia đình. Giáo sư Trần Đình Hượu khẳng định: “Gia đình là một thiết chế xã hội mang màu sắc dân tộc và đánh dấu tiến trình phát triển về văn hóa. Đó là một hiện tượng đặc trưng của văn hóa dân tộc” (6). Chính vì vậy, tâm lý tiểu nông với tư cách là một biểu hiện của văn hóa truyền thống dân tộc cũng in đậm trong văn hóa gia đình và được trao truyền thông qua giáo dục gia đình. Trong xã hội hiện nay, việc trao truyền các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống của gia đình vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng, không thiết chế nào có thể thay thế. “Gia đình là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” (7). Mỗi cá nhân trong điều kiện sản xuất, sinh hoạt của nền tiểu nông đều có ít nhiều biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông, khi trở về nhà, họ lại là thành viên của mỗi gia đình. Chính mối quan hệ bền chặt, thường xuyên giữa các thành viên trong gia đình đã làm cho những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông tiếp tục được truyền đi, lan tỏa trong không gian văn hóa gia đình. Chẳng hạn, khi ông bà, cha mẹ có những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông thì con cái cũng thường chịu ảnh hưởng. Tục ngữ có câu “giỏ nhà ai quai nhà ấy”, không chỉ là cách nói giống nhau về hình thức mà còn là sự kế thừa về tính cách, thái độ, gia phong của gia đình.
Vậy giáo dục gia đình đã trao truyền những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông cho các thế hệ sau thông qua các phương thức nào?
Có thể nói, cha mẹ truyền thụ nhân cách cho con cái, trong đó có tâm lý tiểu nông thông qua nhiều phương thức tác động của giáo dục gia đình. Những lời phân tích, dạy bảo, những câu chuyện nhắn nhủ hàng ngày, nếu chứa đựng những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông sẽ được truyền thụ từ ông bà, cha mẹ sang con trẻ. Trong các phương thức giáo dục gia đình, tâm lý tiểu nông trao truyền cho các thế hệ sau thông qua tấm gương sống của ông bà, cha mẹ có một vai trò đặc biệt. Đối với trẻ thơ, cha mẹ luôn luôn đúng. Chúng bắt chước cha mẹ trong mọi hành động, lời nói. Do đó, nếu từng cử chỉ, hành động, cách ứng xử của cha mẹ, ông bà chứa đựng những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông dù có chủ đích hay không, sẽ hằn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của chúng từ nhỏ đến lúc trưởng thành.
2. Giải pháp khắc phục tâm lý tiểu nông trong con người Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, phát huy, kế thừa những hương ước, quy ước tiến bộ, từng bước loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, chứa đựng tâm lý tiểu nông nhằm khắc phục tâm lý tiểu nông trong con người Việt Nam hiện nay
Hương ước có tác động mạnh mẽ đến chế ước suy nghĩ và tâm lý của những người thực hiện, trong đó có việc củng cố tâm lý tiểu nông. Vì vậy, để khắc phục những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông ở người dân, cần bắt đầu từ hương ước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đời sống mới không phải cái gì cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm”(8). Do vậy, biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong những quy định của các bản hương ước cũ cần được xóa bỏ một cách triệt để khi xây dựng hương ước, quy ước mới. Đồng thời, cần chọn lọc, kế thừa những giá trị tích cực của hương ước cũ, đặc biệt những giá trị này góp phần trực tiếp vào việc khắc phục những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông. Chẳng hạn, giá trị đề cao tính cộng đồng của hương ước xưa có tác dụng ngăn ngừa tâm lý tư lợi, vun vén cá nhân. Những quy định về trách nhiệm bảo vệ, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, khi có công to việc lớn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức đối với công việc chung và nhà nước... Cách thức xây dựng và phổ biến hương ước của người xưa cần được kế thừa nhằm phát huy tinh thần làm chủ của người dân trong xây dựng và thực thi hương ước, quy ước mới. Chúng ta không phủ nhận vai trò to lớn của các bậc văn nho trong Hội tư văn của làng “dự thảo” nội dung, kể cả trong ý tưởng của các bản hương ước, nhưng rõ ràng, tất cả các hương ước đều là kết quả của một quá trình bàn luận, bổ sung góp ý của toàn thể dân làng, đặc biệt, các bậc cao niên theo đúng nguyên tắc trọng lão, lão quyền trên cơ sở lệ làng bất thành văn vốn đã vận hành xưa nay, trở thành một “nghị quyết” của làng. Cách thức xây dựng, phổ biến và thực hiện hương ước xưa đã thể hiện nhiều giá trị dân chủ, người dân thực sự là chủ thể tham gia xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện hương ước, qua đó ý thức làm chủ của người dân được củng cố. Ngoài ra, để hương ước, quy ước mới từng bước khắc phục những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông, chúng ta cần nghiên cứu, bổ sung những giá trị mới vào trong các bản hương ước, quy ước. Ví dụ như: trách nhiệm cá nhân, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, tư duy đổi mới, đề cao tính thượng tôn của pháp luật…
Thứ hai, đổi mới giáo dục gia đình theo hướng nhân văn, tiến bộ để từng bước khắc phục tâm lý tiểu nông trong con người Việt Nam hiện nay
Giáo dục gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Bởi vậy, cần đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ giáo dục gia đình về nội dung và phương pháp. Bên cạnh việc tiếp tục bảo tồn những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống như tinh thần cộng đồng, đức tính cần cù, hiếu học…, giáo dục gia đình hiện nay cần truyền bá những giá trị tiên tiến, mang tính nhân văn của thời đại. Ví dụ như quyền tự do cá nhân trong phát triển nhân cách để mỗi cá nhân có điều kiện phát triển và tỏa sáng, giáo dục sự tự ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ, biết sống tự lập, năng động, sáng tạo… Đây không chỉ là những nét nhân cách mới của con người hiện đại mà những giá trị, lối sống, nhân cách mới này khi được hình thành sẽ loại bỏ dần những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông.
Như vậy, giáo dục gia đình là con đường ngắn nhất và chắc chắn nhất để giáo dục con người theo những chuẩn mực mà xã hội mong muốn. Do đó, để khắc phục những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong mỗi con người Việt Nam, giáo dục gia đình cần loại bỏ những nội dung chứa đựng tâm lý tiểu nông, đồng thời bổ sung những nội dung, giá trị mới, tiến bộ, nhân văn, hỗ trợ đắc lực cùng với nhà trường và xã hội tạo nên những cơ sở ban đầu vững chắc cho con người Việt Nam hiện đại, có nét tâm lý, phẩm chất mới của xã hội công nghiệp.
Về phương pháp, cha mẹ cần thay đổi cách thức giáo dục truyền thống. Thế hệ trẻ ngày nay thông minh và được tiếp cận nhiều luồng thông tin hơn cha ông trước đây, do vậy, thay vì dùng quyền uy, mệnh lệnh buộc con cái theo ý mình, nên lắng nghe, thuyết phục con cái bằng điều hay, lẽ phải, giảng giải, phân tích để con cái tự nhận ra, lựa chọn những giá trị, chuẩn mực phù hợp với chúng. Việc cha mẹ tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của con trẻ, không chỉ giúp cha mẹ hiểu con hơn mà còn giúp đứa trẻ chủ động, dám bộc lộ và thể hiện quan điểm riêng. Cha mẹ cũng cần chủ động để con tham gia các công việc gia đình, giúp hình thành tâm lý độc lập, có trách nhiệm với bản thân và gia đình, tránh hình thành thói ích kỷ, ỷ lại, thụ động. Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý đến hình thức giáo dục thông qua tấm gương “Cây ngay thì bóng tròn”. Muốn con cái không có những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông thì bản thân cha mẹ cần tự hoàn thiện mình, nâng mình lên, trở thành những tấm gương sáng trong mọi cử chỉ, hành động, ứng xử đều thể hiện những nét nhân cách mới tiến bộ, không có biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông. Cùng với gia đình, vai trò của Đảng và Nhà nước rất quan trọng trong việc định hướng, phát triển giáo dục gia đình.
Tóm lại, tâm lý tiểu nông với những biểu hiện tiêu cực vẫn đang tồn tại dai dẳng trong con người Việt Nam là một trở ngại trong quá trình xây dựng con người Việt Nam hiện đại, từ đó cản trở đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển toàn diện đất nước. Việc khắc phục những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông là cần thiết, đòi hỏi một hệ giải pháp đồng bộ, từ xóa bỏ cơ sở vật chất của tâm lý tiểu nông đến giáo dục, hoàn thiện hệ thống pháp luật… trong đó, việc thay đổi phương pháp tác động của tâm lý tiểu nông đến suy nghĩ và hành động của con người bằng hương ước và giáo dục gia đình là những giải pháp nhanh chóng, hiệu quả nhất trong việc xây dựng con người mới hiện nay ở nước ta.
_____________
1. Nguyễn Hữu Thông, Mạch sống của Hương ước trong làng Việt Trung bộ, Nxb Văn hóa dân tộc, 2012.
2. Hồ Liên, Đôi điều về cái thiêng và văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc -Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2002.
3. Đào Trí Úc, Hương ước trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, 2003.
4. Cao Văn Bên, Cơ sở kinh tế cộng đồng của làng xã Bắc Kỳ trước cách mạng tháng 8 - 1945, Nông thôn và nông dân Việt Nam thời cận đại, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.
5. Viện Sử học, Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.
6. Trần Đình Hượu, Gia đình và giáo dục gia đình, Nghiên cứu xã hội học về gia đình Việt Nam (quyển 2), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5.
Tác giả: Nguyễn Tiến Thư
Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020
Từ khóa » Những Hạn Chế Của Tâm Lý Tiểu Nông
-
Ảnh Hưởng Tiêu Cực Của Tâm Lý Tiểu Nông Trong Công Tác Cán Bộ Của ...
-
[PDF] ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TÂM LÝ TIỂU NÔNG ĐẾN THỰC ...
-
Ảnh Hưởng Tiêu Cực Của Tâm Lý Tiểu Nông đến Quá Trình Xây Dựng ...
-
Mối Quan Hệ Giữa Tâm Lý Tiểu Nông Và Kinh Tế Thị Trường ở Việt Nam
-
Ảnh Hưởng Tiêu Cực Của Tâm Lý Tiểu Nông đến Thực Hiện Dân Chủ ở ...
-
Khắc Phục Tâm Lý Tiểu Nông Trong Xây Dựng NTM: Chuyện Cần Làm ...
-
Ảnh Hưởng Tiêu Cực Của Tâm Lý Tiểu Nông Trong Công Tác Cán Bộ
-
Tâm Lý Tiểu Nông - Báo Nghệ An
-
[PDF] Mối Quan Hệ Giữa Tâm Lý Tiểu Nông Và Kinh Tế Thị Trường ở Việt Nam
-
Về Lối Sống Tiểu Nông Của Người Việt Trong Thế Kỷ 21
-
Đọc Và Suy Ngẫm - Đoàn Khối Các Cơ Quan Tỉnh Long An
-
Tâm Lý Tiểu Nông :: Suy Ngẫm & Tự Vấn :: Chú
-
Tư Duy Tiểu Nông Của Người Việt Nam
-
Tâm Lý Tiểu Nông, Sức ỳ Nghìn Năm - Tự Hiểu Mình's Blog