Quan Âm Của Người Việt | Giác Ngộ Online
GN - Ở đất nước ta, Bồ-tát Quán Thế Âm trong kinh Pháp hoa đã được Việt hóa hoàn toàn thành Quan Âm của riêng người Việt, với hai thân pháp: “Quan Âm Thị Kính” và “Phật bà Chùa Hương”.
Hai thân pháp Quán Thế Âm người Việt này có chung đặc điểm: Hình ảnh Bồ-tát hóa thân đến cuộc đời và sống trong đời để hóa độ chúng sinh qua biểu tượng một bà mẹ, cùng ca ngợi đức hiếu và nhân.
Quan Âm Thị Kính - chùa Tây Phương
Phật Bà của chữ Hiếu - Nhân
Ở truyện thơ Quan Âm Thị Kính, khắc họa một tiền kiếp của Quan Âm là chú tiểu Kính Tâm. Mặc dù bị Thị Mầu vu oan, nhưng tiểu Kính Tâm lại hết lòng nuôi con Thị Mầu, chu đáo tận tình như con đẻ. Bởi, Đức Phật dạy, người xuất gia phải có lòng từ rộng lớn, phải thương yêu tất cả mọi chúng sinh như là người mẹ thương yêu con của mình. Trải qua hai nỗi oan khuất, với “án giết chồng” và “án chửa hoang”, nhưng không chút oán hận mà xuất gia sống với lòng từ bi vô hạn. Khi chú tiểu Kính Tâm nhập cõi Niết-bàn, hiện nguyên vẹn thân nữ, Phật Tổ Như Lai đã hiện lên chứng cho bà trở thành Phật Quan Âm:
"Giữa trời một đóa tường vân
Đức Thế Tôn hiện toàn thân xuống đàn
Vần vần tỏ rạng tường loan
Tràng phan, bảo cái giao hoan âm thầm
Truyền cho nào tiểu Kính Tâm
Thị thăng làm Phật Quan Âm tức thì”.
(trích truyện thơ Quan Âm Thị Kính)
Bà xuất gia tu đạo Phật, đã đền đáp đầy đủ công ơn cha mẹ, giúp đời cứu người, chữ hiếu chữ nhân đều vẹn toàn. Hình ảnh Quan Âm Thị Kính xuất hiện phổ biến trong rất nhiều ngôi chùa ở miền Bắc, đó là những pho tượng “Quan Âm Tống Tử” - người phụ nữ bế đứa trẻ con:
"Nay bà Thị Kính hóa duyên
Nam-mô Phật độ vô biên hằng hà
Hóa thân được cả mẹ cha,
Kìa là bạn cũ, nọ là con thơ…”.
Trong chuyện dân gian Việt Nam, có truyện thơ “Nam Hải Quan Âm” được lưu truyền trong dân gian qua nhiều đời, ngày nay nhiều người thuộc, kể về một công chúa ở nước Hùng Lâm bên Ấn Độ nhưng lại sang tu ở núi Hương Tích của Việt Nam. Truyện mở đầu bằng những câu thơ:
“Chân như đạo Phật rất mầu
Tâm trung chữ hiếu niệm đầu chữ nhân
Hiếu là độ được đấng thân
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài.
Thần thông nghìn mắt nghìn tay
Cũng trong một điểm linh đài mà ra
Rằng trong bể nước Nam ta
Chùa Hương có Đức Phật Bà Quan Âm”.
Truyện kể rằng, vào đời vua Diệu Trang Vương ở nước Hùng Lâm, vua không có con để kế vị ngai vàng, bèn đến một ngôi chùa làm lễ cầu tự. Lòng thành của nhà vua khiến Thiên Đế cảm động, cho ba linh hồn đầu thai làm con gái của Diệu Trang Vương. Hoàng hậu nước Hùng Lâm mang thai, sinh được ba người con gái, đặt tên là Diệu Thanh, Diệu Âm và Diệu Thiện. Thời gian qua đi, các công chúa dần lớn khôn.
Vì không có con trai nối ngôi nên nhà vua gả chồng cho các công chúa hy vọng kén được rể tốt để nhường ngôi báu. Hai người rể đều là những kẻ tham lam nên không xứng đáng để nhà vua nhường ngôi. Vua mong muốn công chúa thứ ba lấy được chồng có tài, có đức để nối ngôi, gìn giữ cơ nghiệp. Nhưng công chúa Diệu Thiện mặc dù vô cùng xinh đẹp, lại một mực cự tuyệt không muốn xuất giá mà muốn xuất gia đi tu. Công chúa tìm đến chùa Bạch Tước ở gần hoàng cung để tu hành. Vua biết chuyện, bèn đuổi hết các nhà sư ra khỏi chùa, rồi cho phóng hỏa đốt chùa Bạch Tước. Không muốn chùa bị cháy, công chúa cắt tay chảy máu và vung lên trời. Ngọc Hoàng thương cảm, liền biến những giọt máu đó thành mưa, dập tắt lửa.
Việc làm của nàng khiến nhà vua càng tức giận, sai quan quân đưa ra pháp trường xử chém. Ngọc Hoàng sai thần núi Hương Tích hóa thành mãnh hổ biến thành trận cuồng phong tối tăm, rồi lao ra cõng nàng công chúa chạy trên mây vượt ngàn dặm. Công chúa ngất đi, khi tỉnh dậy thấy một mình ở giữa chốn rừng xanh. Đang lúc ngỡ ngàng thì thấy một chàng trai tuấn tú đi đến chào hỏi tỏ tình. Công chúa cương quyết từ chối. Người nam nhi đó chính là Đức Phật Tổ Như Lai linh hiện để thử lòng dạ công chúa. Thấy sự kiên định của Diệu Thiện, Phật đưa cho công chúa một quả đào ăn đường và chỉ cho đường vào động Hương Tích tu hành:
"Đức Phật mới chỉ đường tu
Rằng có một chùa tại Hương Tích sơn
Gần bể Nam Việt thanh nhàn
Sang tu chốn ấy sẽ toan viên thành
Núi cao ngân ngất mịt mù
Âm thanh cảnh vắng bốn mùa cỏ cây
Trên thì năm sắc từng mây
Dưới thì bể nước trong vầy như gương
Cá chim chầu tại tĩnh đường
Hạc thường hiến quả, hươu thường dâng hoa".
Công chúa Diệu Thiện tu hành khổ hạnh ở động Hương Tích, nước Đại Việt sau chín năm thì đắc đạo, được chư Phật ấn chứng là Bồ-tát Quán Thế Âm, còn gọi là “Bà Chúa Ba”. Nghe tin cha mẹ và các chị bị yêu quái hãm hại, đất nước rối ren. Bà Chúa Ba vội trở về chữa bệnh cho cha. Bà đã tự chặt tay, khoét mắt cứu được nước Hưng Lâm qua cơn bệnh lửa cha mẹ và hai chị thoát khỏi tai ương, phổ độ cho cả gia đình bỏ tà tâm ác nghiệp, bỏ lòng tham quyền lực, tâm hoàn lương thiện.
Sau khi vua cha khỏi bệnh, bà quay lại động Hương Tích để tu hành. Đất nước Hưng Lâm trở lại thái bình, nhà vua đã dò hỏi và dẫn cả gia đình tới động Hương Tích để cảm tạ, lúc đó mới nhận ra người chữa bệnh cho mình chính là công chúa thứ ba. Cả nhà khi nhìn thấy Bà Chúa Ba bị mất cả tay và mắt thì rất đau lòng. Nhà vua thức tỉnh và mong được xuất gia tu hành để chuộc lại lỗi lầm. Thấy tấm lòng thành của cả gia đình, Ngọc Hoàng hóa phép cho bà được trở lại lành lặn như xưa. Chúa Ba được Ngọc Hoàng sắc phong là: Đại từ, Đại bi, Cứu khổ, Cứu nạn, Nam-mô Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ-tát, giao làm chủ đạo tràng Hương Tích Sơn. Đến nay, dân gian còn lưu truyền câu thơ:
“Rằng trong bể nước Nam ta
Chùa Hương có Đức Phật Bà Quan Âm”.
Truyện Quan Âm Nam Hải cũng như truyện Quan Âm Thị Kính đều có nội dung ca ngợi chữ hiếu và chữ nhân. Con cái báo hiếu cha mẹ, không phải chỉ phụng dưỡng cha mẹ bằng của cải vật chất, mà còn giúp cho cha mẹ có được lòng tin chân chính, sống có giới - định - tuệ. Nhân là độ thoát tất cả mọi loài, mọi chúng sanh, hướng dẫn tất cả mọi chúng sanh thoát khỏi vòng tội lỗi và mê lầm đến với giới hạnh và trí tuệ.
Độc đáo tượng Quan Âm ở chùa Hương
Chuyện Phật Bà chùa Hương đã nhắc nhở mọi người lấy tâm đức, hiếu nghĩa làm trọng, lấy sự hy sinh quên mình đem lại hạnh phúc, an lạc cho mọi người. Ngày nay, chùa Hương đã trở thành một sơn môn lớn quy tụ một hệ thống 18 các đền chùa hang động nằm ở 4 thôn của xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Hình ảnh Bồ-tát Quan Âm hiện hữu khắp các địa danh của Thánh tích chùa Hương, với vô vàn các tôn tượng Quan Âm ở nhiều hình tướng: Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Tống Tử, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Chuẩn Đề, Quan Âm Thập Nhất Diện, Diệu Thanh, Diệu Âm... Trong khu vực thắng tích này, có một nơi hiện giờ vẫn lưu truyền thờ phụng gia đình Bà Chúa Ba đó là động chùa Tiên Sơn - chùa Hương. Đặc biệt là tại động Hương Tích, nơi đây hiện tôn trí pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tọa sơn vô cùng giá trị.
Phật bà chùa Hương
Trong quần thể Hương Sơn, động Hương Tích là danh thắng nổi tiếng nhất với vẻ đẹp lộng lẫy kỳ vĩ chốn bồng lai tiên cảnh. Động được phát hiện vào thế kỷ XVI, đưa vào thờ Phật năm 1868. Cửa động bằng đá xanh đục từng phiến ghép từng viên gợi lên vẻ thâm nghiêm linh địa như hàm rồng khổng lồ, rộng và sâu hun hút.
Ngay cửa động nhìn lên vách trái có bút tích của Tĩnh vương Trịnh Sâm viết năm Canh Dần (1770) khi đi tuần thú Hương Sơn, với những chữ: “Nam thiên đệ nhất động”. Động Hương Tích như một cái hàm rồng rộng lớn, thênh thang, bên dưới, bên trên, bên phải, bên trái, đều cân đối nhau chằn chặn. Hòn thạch nhũ có tên là Đụn gạo, nằm ở chính giữa, gần lối cửa vào, giống như lưỡi trong miệng rồng. Trong lòng động, nhũ đá trên trần và cả nhũ đá mọc lên từ sàn động đều rất giống với sự vật hiện thực, tưởng như người xưa đã đem những thứ đó vào đây để thưởng ngoạn và cất giữ cho muôn đời con cháu. Đó là lợn mẹ, lợn con, đụn rơm, đụn gạo, trái bưởi, cây vàng, khánh đá, cà sa nhũ Phật…Lại còn có cả dòng sữa mẹ ngày đêm tí tách rơi nhỏ giọt, tặng người vãn cảnh: “Cảnh chùa cách một bước chân/ Trong mưa ngoài tạnh như ngăn nửa trời”.
Tòa Tam bảo trong động bày hệ thống tượng Phật như các ngôi chùa truyền thống Việt Nam. Mỗi pho tượng là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật độc đáo với chất liệu gỗ quý. Ở chính giữa tọa lạc pho tượng Đức Phật Bà Quan Thế Âm Bồ-tát, chất liệu bằng đá xanh. Tượng do võ quan Nguyễn Huy Nhật cho tạc vào thời Tây Sơn, năm Cảnh Thịnh thứ hai (1793) để cúng dàng. Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì Quần thể chùa Hương cho biết, đây là một trong 32 hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm. Tượng có dáng người thon, mặt trái xoan-kim diện mãn nguyệt, cổ cao ba ngấn, đầu đội mũ Tỳ-lư, sau lưng có hai lọn tóc buông xuống, y áo được tạo hình mềm mại sống động. Tòa ngồi là một bệ đá ma nhai. Chân trái đặt lên đóa sen nở, chân phải co lên, tư thế hai chân ngồi dáng ung dung tự tại. Tay phải cầm viên ngọc Như ý. Dưới chân là bông hoa sen, lá sen tỏa ra mềm mại như có gió lay động. Theo giới mỹ thuật nhận định: Đây là pho tượng bảo thạch thuần Việt, Bồ-tát tướng quý nhân hiếm thấy tại các Thánh tích Phật giáo nước ta. Pho tượng đẹp về phong cách mỹ thuật Phật giáo; linh thiêng mầu nhiệm nhất tại các động cổ Việt Nam.
Động Hương Tích là nơi trác tích tu hành của Phật Bà Quan Âm Diệu Thiện, đã tạo nên niềm tin tưởng trong lòng người dân Việt Nam. Người ta tin rằng, nơi đâu chúng sinh mắc nạn, Bồ-tát Quan Âm Diệu Thiện ở chùa Hương cũng nhìn thấy, vươn tay ra để cứu độ. Cả triệu người hành hương về Hương Tích mỗi năm chính là minh chứng cho niềm tin ấy.
Từ khóa » Sự Tích Quan âm Hương Tích
-
[PDF] Sự Tích Quan Âm Hương Tích - Thư Viện Hoa Sen
-
Sự Tích Và Chứng Tích Quán Âm Diệu Thiện ở Chùa Hương Tích Hà ...
-
Sự Tích Quan Âm Hương Tích Paperback – January 1, 1997
-
Truyện Cổ Phật Giáo Sự Tích Quan Âm Hương Tích - YouTube
-
Sự Tích Quan Âm Hương Tích .Kể Chuyện Đêm Khuya - YouTube
-
Sự Tích Quan Âm Hương Tích - Chùa Phong Hanh
-
Sự Tích Quan Âm Hương Tích
-
Sự Tích Quan Âm Hương Tích - Khóa Học OnlineKhóa Học Online
-
Chuyện Phật Bà Quán Thế Âm Chùa Hương
-
Sự Tích Chùa Hương Tích Trên Núi Ngàn Hống - Hà Tĩnh - Thế Giới Cổ ...
-
Sự Tích Phật Bà Quan âm - Sách Hay 24H
-
Bài Viết Bồ Tát Quán Âm - Chùa Hương
-
Sự Tích Phật Bà Nam Hải Quan Âm Phần 2
-
Quan Âm Tọa Sơn Chùa Hương – Giá Trị độc đáo Và Nổi Bật