Sự Tích Chùa Hương Tích Trên Núi Ngàn Hống - Hà Tĩnh - Thế Giới Cổ ...
Sự tích chùa Hương Tích – Hà Tĩnh
Sự tích chùa Hương Tích trên núi Ngàn Hồng là truyền thuyết Việt Nam, gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Bà chúa Ba, hiện thân của công chúa Diệu Thiện.
1. Công chúa Diệu Thiện
Vua Trang Vương nước Sở chỉ sinh được ba người con gái, khi các công chúa đến tuổi cập kê, Trang Vương xuống chiếu kén phò mã để giúp mình lo việc nước. Hai công chúa là Diệu Thanh và Diệu Am đều vâng lời, lấy hai đại thần trong triều làm chồng. Riêng công chúa thứ ba là Diệu Thiện bị ép lấy một tên quan tham lam, gian ác. Tên này thường bày mưu tính kế xui Trang Vương làm nhiều điều bạo ngược, Vua không rõ bản chất của hắn nên vẫn tin dùng.
Tuy là người con hiếu thảo, nhưng Diệu Thiện một mực từ chối, không chịu làm vợ kẻ vô liêm sỉ ấy. Vua cha hết lời khuyên, khuyên không được thì doạ nạt, nhưng Diệu Thiện vẫn cự tuyệt. Nàng tâu bày:
– Con thà xin cam tội bất hiếu với phụ vương, nhưng con không thể nào ăn ở với người bạc phúc ấy được.
Trang Vương bảo:
– Hắn là viên quan tài trí, hết sức trung thành, giúp ta giữ gìn ngôi báu. Con hãy vì ta mà kết duyên với hắn.
Diệu Thiện lại thưa:
– Xin cúi đầu lạy phụ vương soi xét. Nếu chỉ vì phụ vương muốn đền công lao cho hắn mà bắt con phải chung sống với tên bạo ngược ấy, con xin đập đầu chết trước mặt phụ vương.
Nàng nói đến đó thì khóc nức nở. Nhưng Trang Vương mặt vẫn hằm hằm giận phán:
– Đứa con gái bất hiếu kia, ngươi hãy đi cho khuất mắt ta!
Từ đó nhà Vua đối xử với nàng hết sức tàn tệ. Hoàng hậu dù có thương con cũng không dám bênh vực. Rồi nhà vua truyền giam công chúa ngoài vườn. Hoàng hậu và hai chị trốn ra thăm, khuyên nhủ nàng nên vâng lời vua cha, nhưng nàng vẫn cương quyết không nghe. Quá phẫn uất, nàng tìm cách quyên sinh để thoát khỏi cảnh khổ nhục.
Một hôm thị tì biết chuyện liền thưa:
– Công chúa ơi, không nên phí tấm thân vàng ngọc của mình. Công chúa hãy tạm lánh một nơi nào đó ít lâu, chờ cho hoàng thượng nguôi giận, hãy tỏ bày lại với người.
Biết Vua cha là người bạo ngược, không bao giờ tha thứ cho mình nếu trốn đi, nhưng công chúa cũng nghe lời thị tì, nhờ cô ta nhân đêm tối, tìm cách đưa nàng ra khỏi nơi cung cấm.
Người thị tì dẫn nàng đến một ngôi chùa lớn ngoài kinh thành. Sư cụ nghe nàng bày tỏ sự tình thì lo sợ bảo:
– Công chúa ơi, nỗi éo le của công chúa thì bần tăng đã có nghe, nhưng không ngờ đến nông nỗi này. Tình cảnh của công chúa thật đáng thương. Song nếu bần tăng để công chúa ở lại thì nhà chùa ắt không tránh khỏi tai vạ.
Nghe vị sư già nói đến đây, Diệu Thiện biết không nên để vì mình mà người khác mang hoạ, bèn cảm tạ rồi quay gót trở ra. Nàng vừa đi được mấy bước thì nghe thấy tiếng sư cụ gọi:
– Xin mời công chúa cứ vào chùa, bần tăng sẽ thu xếp.
Nàng ngập ngừng nói:
– Nhưng phụ vương tôi là người nhẫn tâm lắm. Lỡ ra …
Nhà sư đáp:
– Điều đó thì bần tăng cũng có biết. Song, đây là cửa từ bi, lẽ nào… Vả chăng, có sao thì Phật tổ cũng chứng giám và ra tay cứu giúp, xin công chúa cứ yên tâm…
Thế là Diệu Thiện ở lại chùa, dốc lòng đọc kinh niệm Phật, mong lãng quên cuộc đời đau khổ.
1. Công chúa Diệu Thiện
Trong khi đó, Trang Vương sai người dò la tin tức con gái, biết nàng đang tu hành trong ngôi chùa kia, liền mật lệnh cho vị sư trụ trì bắt công chúa làm lụng sớm khuya rất nặng nhọc để công chúa hối tâm về nhà. Nhưng Diệu Thiện không hề nản chí, ngày đêm không ngớt tọa thiền niệm Phật, rồi gánh nước, nhặt rau, nấu cơm, quét nhà, làm mọi việc trong chùa. Những lúc công việc bề bộn, chim tới nhặt rau, rồng đen lấy nước giúp Diệu Thiện.
Nhiều tuần lễ trôi qua, thấy Diệu Thiện không bỏ chùa về cung, vua nghi ngờ các vị tăng trong chùa không tuân theo mệnh lệnh mà đọa đầy công chúa, lại bị tên quan gian ác đang tức giận vì công chúa ruồng rẽ, xúc xiểm. Vua liền hạ lệnh đốt chùa. Chính tên quan ấy đã được Vua giao cho ba nghìn quân đi trừng phạt lũ tăng ni khi quân và đứa con bất hiếu.
Đến nơi, hắn cho quân vây chặt bốn phía, rồi cho phóng hoả đốt chùa. Diệu Thiện tự cho mình là nguyên do khiến cho chùa bị đốt, liền cắn tay ngửa mặt lên trời mà cầu nguyện. Lửa đang cháy ngùn ngụt, hàng mấy trăm nhà của ngôi chùa và năm trăm tăng ni tưởng sẽ biến thành một đống tro tàn, bỗng rồng lượn xuống phun nước làm tắt lửa. Năm trăm tăng ni vẫn điềm nhiên ngồi gõ mõ, đọc kinh như thường. Bọn quân của triều đình thấy thế, đều kinh sợ chạy. Chúng đâu có hiểu rằng, Phật đã ngăn chặn bàn tay tội ác của chúng, che chở cho các tăng ni.
Vua xuống lệnh đem Diệu Thiện ra xử chém. Nhưng lưỡi gươm của đao phủ gãy đôi khi chạm vào cổ của Diệu Thiện. Bỗng nhiên, trời tối sầm lại, sấm chớp giông tố nổi lên, một con mãnh hổ nhảy vào mang Diệu Thiện đi mất.
3. Sự tích Quan Âm Nam Hải ở chùa Hương Tích
Mãnh hổ mang Diệu Thiện lên một hòn núi, đặt nàng lên một hòn đá phẳng lì, rồi bỏ đi. Trong lúc thiêm thiếp, Diệu Thiện thấy nàng đi xuống âm phủ, qua mười tám cửa địa ngục, chứng kiến biết bao cảnh trừng phạt đau đớn dưới địa ngục của những người gây bao tội ác, tàn nhẫn lúc còn sống ở dương gian. Diệu Thiện nghĩ là mình đã bị vua cha xử trảm, đã chết, bây giờ linh hồn đi xuống địa ngục.
Bỗng xứ giả chỉ cho Diệu Thiện biết đây là ngục xe lửa và ngục cột đồng để trừng phạt những kẻ lộng quyền, ức hiếp hại dân:
– Xe lửa là ngục hoả xa Quay đi quay lại thịt da tan tành. Bởi vì cậy thế cậy thần Hiếp kẻ cô quả cướp tranh ruộng vườn. Cột đồng là ngục đốt than Mấy tay chức dịch tham tàn phải ôm.
Còn đây là ngục kéo lưỡi, trừng phạt những người ăn nói đảo điên:
– Kìa ngục bạt thiên lạ sao Cầm kìm lôi lưỡi máu đào mà kinh Bởi vì miệng lưỡi co quanh Đảo điên đơm đặt làm khuynh hãm người.
Chứng kiến tất cả đau khổ đó, Diệu Thiện rất đau xót, càng quyết tâm trì chú niệm Phật tu hành. Sau đó hồn Diệu Thiện trở về dương gian, nhập vào xác trở lại. Đang phân vân chưa biết đi về hướng nào thì Phật Tổ Như Lai hoá thân làm một chàng trai tuấn tú, tới gần kề thử nàng lần nữa về chuyện kết nghĩa trăm năm. Khi thấy Diệu Thiện tâm nguyện vững chắc, Phật lại sai mãnh hổ đưa nàng về phương Nam. Chỉ một đêm, nàng đã đến trước một cửa hang trong dãy Ngàn Hống, thuộc đất Việt Thường. Hang tuy không rộng lớn, nhưng sâu hun hút, tối om. Trước cửa hang, mái đá nhô ra như mái nhà. Cảnh quan ở đây được ví như:
Núi non ngân ngất mịt mù Âm thanh cảnh vắng, bốn mùa cỏ cây. Trên thì trăm sắc tầng mây, Dưới thì bể nước trong đầy như gương. Cá chim chầu lại tĩnh đường, Hạc thường hiến quả, hươu thường dâng hoa.
Trong khi Diệu Thiện đang còn bỡ ngỡ trước cảnh non xa nước lạ, thì bỗng nghe văng vẳng có tiếng người kêu cứu trong hang. Nàng quên hết sợ hãi, lao vội xuống. Nhưng đó chỉ là Phật thử thách lòng hỉ xả của nàng để giúp cho nàng tu luyện mà thôi.
Từ đó Diệu Thiện lập am dưới mái đá trước cửa hang. Ngày ngày đọc kinh niệm Phật và đem hết sức mình làm điều thiện. Chẳng bao lâu lòng bác ái của vị sư nữ Ngàn Hống truyền khắp cõi Việt Thường và cả nước lân Quốc. Sau nhiều năm tu đạo, bà thành Phật Quan Âm Nam Hải, ngồi trên toà sen báu:
Thần thông biến hoá tự nhiên Một thân hoá được ra nghìn muôn thân. Mắt trông khắp hết cõi trần Lắng tai nghe thấu xa gần bốn bên.
4. Người con hiếu thảo
Sau này, Sở Trang Vương bị bệnh nan y. Thầy thuốc cả nước đều bó tay, thuốc tốt bốn phương đều không hiệu nghiệm. Vua yết bảng lương y, hứa rằng hễ ai chữa lành bệnh cho Vua thì sẽ được trao ngôi báu. Không có thầy thuốc nào chữa được. Cuối cùng, Diệu Thiện, bấy giờ là Quan Thế Âm Bồ Tát, biến thành một lương y, sang kinh thành nước Sở, giật bảng yết, xin vào cứu vua.
Xem mạch xong, lương y nói:
– Bệnh này không thể chữa trị được, vì nhà vua đã làm nhiều điều ác, ác khí ngấm nhập vào người đã thành ung, nay chỉ cần một mắt một tay của người con gái, mới mong khỏi được.
Cả triều đình khắp văn võ bá quan không ai làm điều đó. Ngay hai công chúa mà vua thương cũng không làm điều đó. Nhà vua buồn lắm. Bệnh mỗi ngày một nặng thêm.
Vị lương y lại nói:
– Vậy hãy sang Nam Việt, đến chốn Việt Thường, lên núi Hương Tích mà xin mắt xin tay. Thần cam quyết rằng, nếu Vua cho người tới xin, vị sư ấy sẵn sàng bố thí.
Vua giữ lương y ở lại và cho người đi qua Nam Việt, lên chùa Hương Tích xin được một mắt một tay của vị sư nữ đem về. Nhưng bệnh chỉ thuyên giảm được có phân nửa. Lương y bảo phải xin nốt con mắt và cánh tay còn lại của vị sư nữ kia thì ai cũng thấy như vậy quá đáng. Nhưng lương y quả quyết rằng, vị bồ tát xả thân cứu người, nên thế nào qua cũng xin được. Kết quả là sư nữ bố thí con mắt và cánh tay còn lại.
Vua khỏi bệnh, định làm lễ truyền ngôi cho lương y. Nhưng chưa thực hành được lời cam kết thì lương y đã bỏ đi mất rồi.
Sau khi bình phục, nhà vua và hoàng hậu lên đường qua Nam Việt tới núi Hương Tích để tạ ơn sư nữ. Trong khi hoàng gia đang trên đường đi tới dãy Ngàn Hống, thì kinh đô nước Sở có biến. Phật bà Hương Tích dùng thần thông thấy được, đã sai các đệ tử đem pháp thuật sang giải cứu, đồng thời cứu thoát Diệu Thanh và Diệu Am. Hai người này đều bị quân phiến loạn bắt giam nơi ngục tối. Hai công chúa được cứu thoát liền tháp tùng theo đoàn hoàng gia.
Vượt qua bao nhiêu núi non hiểm trở, Sở Trang Vương và mọi người cũng tới được dãy Ngàn Hống, lên chùa Hương Tích. Cảnh tượng thật là trang nghiêm u nhã. Vào được tới động ngoài, vua, hoàng hậu và các công chúa chờ đợi để được tiếp nữ Bồ Tát quảng đại hỉ xả từ bi. Trang Vương lên tiếng, nhưng từ phía động không có tiếng trả lời. Vua nghĩ mình là đàn ông, không tiện bước vào động trong, nên bảo hoàng hậu và hai công chúa bước vào trước để làm lễ tạ ơn sư nữ.
Lúc đó Phật bà Nam Hải hiện thân là công chúa Diệu Thiện, đứng thẳng giữa động, hai mắt bị móc, hai tay bị cắt, máu chảy ròng ròng. Nhận ra con mình trong hoá thân ấy, hoàng hậu khóc và ngã ra bất tỉnh. Hai công chúa và nhà vua cũng khóc.
Thấy tình cảnh như vậy, Diệu Thiện nói rằng, mình đã móc mắt và cắt tay để cứu cha, nhưng nếu như cha mẹ phát nguyện bỏ ác làm lành, tu hành theo đạo Phật, thì nàng sẽ có mắt và tay nguyên vẹn trở lại. Vua cha và hoàng hậu phát nguyện. Lập tức tay mắt của Diệu Thiện trở lại y nguyên như cũ, và đó là vị Quan Âm Nam Hải Bồ Tát.
5. Sự tích chùa Hương Tích
Cả nhà ở lại tu hành tại chùa Hương Tích trên núi Ngàn Hống. Sau đó Diệu Thanh trở thành Văn Thù Bồ Tát, cưỡi con sư tử xanh và Diệu Am trở thành Phổ Hiền Bồ Tát, cưỡi con voi trắng .
Phật Quan Âm Hương Tích có hai đệ tử nhỏ: Thiện Tài, em bé trai mồ côi từ nhỏ xin theo bà, và Long Nữ, em bé gái con của Long Vương đội lốt lý ngư mắc cạn, được bà cứu vớt, trả về thuỷ cung, sau trở lại xin theo bà để tu hành.
Chuyện nàng Diệu Thiện tu hành tại Ngàn Hống ở ngọn núi Sư Tử để trở thành Quan Thế Âm Nam Hải Bồ Tát đã lâu lắm rồi. Cuộc đời nàng ra sao, quá trình nàng tu hành thế nào, chưa ai rõ tường tận. Nhưng không ai quên được đức độ của nàng. Nàng đã để lại tiếng thơm trên đời, nên nơi nàng tu hành được gọi là động Hương Tích (có nghĩa là dấu thơm).
Đã lâu rồi, cứ ba năm một lần, vào ngày 18 tháng 2 Âm lịch – ngày Diệu Thiện thành Phật – người dân trong vùng lại tổ chức lễ hội chùa. Hội chùa Hương Tích rất vui, thu hút hàng nghìn người. Bà con ở Châu Hoan, Châu Ái, Châu Bố Chính và nhiều nơi khác tấp nập về dự.
Câu chuyện Sự tích chùa Hương Tích – TheGioiCoTich.Vn –
Truyện truyền thuyết chọn lọcĐôi nét về chùa Hương Tích
Chùa Hương Tích được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII và trùng tu tôn tạo ở thế kỷ thứ XIII, gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Bà Chúa Ba (Nam Hải Bồ Tát). Theo truyền thuyết thì ở vùng “Linh sơn phúc địa này” vào thế kỷ đầu tiên đã có công chúa Diệu Thiện tục gọi là Chúa Ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, đã vào tu hành 9 năm đắc đạo thành phật đi cứu độ chúng sinh. ( Ngày Phật Đản là ngày 19 tháng Hai hàng năm theo Âm lịch ). Đây cũng là giữa mùa xuân, mùa của trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tươi khí trời mát mẻ.
Nói đến chùa Hương, người ta thường nghĩ ngay đến chùa Hương Tích ở Mỹ Đức, Hà Nội mà ít ai biết rằng, chùa Hương Tích ở Hà Nội thật ra chỉ là một “phiên bản” đầy ý nghĩa của chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh. Theo cuốn Hương Sơn thiên trù thiền phả, một vị hòa thượng được lệnh của chúa Trịnh (sau khi đi tuần thú) xác định địa điểm và cho xây dựng chùa Hương Tích ở Hà Nội từ đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1704). Trong khi theo sách Hương Sơn báu quyển, chùa Hương ở Hà Tĩnh là một động cao và khuất, thường có mây mù bao phủ.
Vậy vì sao lại có thêm một chùa Hương “phiên bản” ở phía Bắc? Câu trả lời là vào thời vua Lê – chúa Trịnh, các vua Lê – chúa Trịnh phần lớn có quê ở xứ Thanh (xem Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái) nên các phi tần, mỹ nữ đa số được chọn tuyển ở miền Hoan Châu. Hàng năm, các cung phi, cung nữ của xứ Thanh – Nghệ – Tĩnh thường trẩy hội chùa Hương trên núi Hồng Lĩnh vào ngày 18 tháng 2 Âm lịch bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò bây giờ).
Mỗi lần những “người đẹp” đi xa như vậy khiến chúa Trịnh rất phân vân (tuy đã bố trí lính vệ phục dịch dọc đường), do đó chúa Trịnh mới gọi một vị hòa thượng xác định địa điểm ở miền rừng núi Hà Sơn Bình (cũ) để xây chùa Hương Tích thứ hai mà thờ vọng, để các “người đẹp” đi trẩy hội gần hơn (theo dẫn giải của ông Bùi Văn Nguyên, nguyên tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam). Như vậy, nhờ “sáng kiến” của chúa Trịnh mà Việt Nam mới có hai chùa Hương Tích.
Từ khóa » Sự Tích Quan âm Hương Tích
-
[PDF] Sự Tích Quan Âm Hương Tích - Thư Viện Hoa Sen
-
Sự Tích Và Chứng Tích Quán Âm Diệu Thiện ở Chùa Hương Tích Hà ...
-
Sự Tích Quan Âm Hương Tích Paperback – January 1, 1997
-
Truyện Cổ Phật Giáo Sự Tích Quan Âm Hương Tích - YouTube
-
Sự Tích Quan Âm Hương Tích .Kể Chuyện Đêm Khuya - YouTube
-
Sự Tích Quan Âm Hương Tích - Chùa Phong Hanh
-
Sự Tích Quan Âm Hương Tích
-
Sự Tích Quan Âm Hương Tích - Khóa Học OnlineKhóa Học Online
-
Chuyện Phật Bà Quán Thế Âm Chùa Hương
-
Quan Âm Của Người Việt | Giác Ngộ Online
-
Sự Tích Phật Bà Quan âm - Sách Hay 24H
-
Bài Viết Bồ Tát Quán Âm - Chùa Hương
-
Sự Tích Phật Bà Nam Hải Quan Âm Phần 2
-
Quan Âm Tọa Sơn Chùa Hương – Giá Trị độc đáo Và Nổi Bật