Quan điểm Duy Vật Biện Chứng Trong Tư Tưởng Hồ Chí Minh

Cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh là triết lý biện chứng duy vật. Hồ Chí Minh đã kết hợp nhuần nhuyễn triết lý ấy với tinh hoa của nền văn hóa phương Đông và phương Tây, với thực tiễn Việt Nam và thế giới. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà hạt nhân là thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và Nhân dân ta. Tìm hiểu quan điểm biện chứng duy vật trong tư tưởng Hồ Chí Minh giúp chúng ta không chỉ hiểu rõ hơn về chủ nghĩa duy vật biện chứng, mà còn hiểu rõ hơn tư tưởng của Người; đồng thời, cũng gợi mở cho chúng ta cách thức vận dụng quan điểm duy vật biện chứng vào công việc, cuộc sống.

Chủ nghĩa duy vật biện chứng là một bộ phận của học thuyết triết học do C.Mác và Ph.Ăngghen đề xướng1. Cốt lõi của chủ nghĩa duy vật biện chứng là chủ nghĩa duy vật kết hợp với phép biện chứng. Đặc trưng của phương pháp duy vật biện chứng là coi một sự vật hay một hiện tượng trong trạng thái luôn phát triển và xem xét nó trong mối quan hệ với các sự vật và hiện tượng khác. Biện chứng duy vật là một học thuyết khoa học, là linh hồn của chủ nghĩa Mác, là đỉnh cao của tư duy khoa học mà nhân loại đã đạt được thông qua bộ óc thiên tài của C.Mác vào giữa thế kỷ XIX. Sau đó đã được Ph.Ăngghen bổ sung và hoàn thiện vào cuối thế kỷ XIX và V.I.Lênin phát triển trong điều kiện cách mạng mới vào đầu thế kỷ XX. Sau khi tiếp thu, nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được hạt nhân của chủ nghĩa Mác - Lênin chính là Phép biện chứng duy vật với nhận xét rất cô đọng: “Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng”2. Trên cơ sở nắm chắc nội dung cơ bản của phép biện chứng duy vật và nhận thức rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Người đã vận dụng một cách sáng tạo để giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam; đồng thời, Người đặt ra yêu cầu đối với những người cộng sản là phải hiểu biết chắc chắn về phép biện chứng duy vật để vận dụng vào việc phân tích và giải quyết các vấn đề của thực tiễn cách mạng. Có thể nói, với tài năng thiên bẩm của mình, trong tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sẵn yếu tố duy vật biện chứng nên khi đến với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin thì tự nhiên tư duy đó đã thấm nhuần phép biện chứng duy vật một cách khoa học, như Người đã khái quát trong tác phẩm Thường thức chính trị (1950): “Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành”. Người đã sử dụng vũ khí sắc bén đó để giải quyết mọi vấn đề khó khăn, phức tạp trên con đường lãnh đạo cách mạng Việt Nam để giành lấy độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội theo con đường mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã vạch ra.

Có thể nhận thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện đặc trưng của phương pháp duy vật biện chứng, đó là coi một sự vật hay một hiện tượng trong trạng thái luôn phát triển và xem xét nó trong mối quan hệ với các sự vật và hiện tượng khác. Người quan điểm: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hoá. Tư tưởng con người cũng biến hoá”3. Trên cơ sở quan điểm biện chứng, Người luôn đề cao việc vận dụng nguyên tắc toàn diện và nguyên tắc phát triển trong xem xét sự vật. Với nguyên tắc toàn diện trong nhận thức phải đặt sự vật trong mối liên hệ đa dạng, vốn có cả bên trong lẫn bên ngoài của nó, nhận thức được vị trí, vai trò của từng mối liên hệ, từng mặt, từng thuộc tính, tức có trọng tâm, trọng điểm. Với nguyên tắc phát triển, trong nhận thức phải đặt sự vật trong sự vận động, phát triển không ngừng và thấy được xu thế vận động, phát triển của nó. Từ đó, Người căn dặn, khi nhìn nhận và đánh giá cán bộ hay cá nhân nào đó phải trên cơ sở tư duy biện chứng, tránh cứng nhắc, siêu hình, thành kiến. Người nói: “Cách xem xét cán bộ quyết không chấp nhất, vì nó cũng phải biến hoá. Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ trước nay chưa mắc sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”; “Xem xét cán bộ, không phải xem xét mặt ngoài mà phải xem xét tính chất của họ. Không phải xem xét một việc, một lúc mà phải x em toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”4.

Theo quan điểm duy vật biện chứng, trong sự vật luôn tồn tại mâu thuẫn, nhờ giải quyết mẫu thuẫn mà sự vật vận động và phát triển. Vận dụng quan điểm này, Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giải quyết mâu thuẫn một cách triệt để trên cơ sở hiểu rõ nguyên nhân của nó: “Khi việc gì có mâu thuẫn, khi phải tìm cách giải quyếtm tức là có vấn đề. Khi đã có vấn đề, ta phải nghiên cứu cho rõ cái gốc mâu thuẫn trong vấn đề đó là gì. Phải điều tra, phải nguyên cứu cái mẫu thuẫn đó, phải phân tách rõ ràng và có hệ thống, phải biết rõ cái nào là mâu thuẫn chính, cái nào là mâu thuẫn phụ. Phải đề ra cách giải quyết”5. Vận dụng tài tình quy luật mâu thuẫn để lãnh đạo cách mạng, trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, Người đã xác định đúng hai mâu thuẫn của xã hội Việt Nam lúc đó. Mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam, tổ quốc Việt Nam với thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa quần chúng lao động với giai cấp địa chủ phong kiến. Đây là mâu thuẫn dân tộc, giai cấp. Từ việc xác định mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam lúc đó, Người xác định đúng chiến lược, nhiệm vụ lâu dài của cách mạng. Trong từng giai đoạn cách mạng, Người đã xác định đúng đắn mâu thuẫn chủ yếu, mâu thuẫn và xác định đúng nhiệm vụ trước mắt của cách mạng. Hồ Chí Minh đã nhạy bén, linh hoạt trong việc phát hiện, nắm bắt và giải quyết mâu thuẫn. Chính thời kỳ chuẩn bị và tiến hành cách mạng tháng 8 năm 1945 và thời kỳ sau cách mạng tháng 8 trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" là biểu hiện rõ nét trong lịch sử cách mạng nước ta về nghệ thuật sử dụng mâu thuẫn và nắm bắt thời cơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quy luật mâu thuẫn không chỉ được Hồ Chí Minh sử dụng để đề ra chiến lược cách mạng mà còn để xác định phương pháp cách mạng khoa học. Mâu thuẫn được tạo nên từ quan hệ giữa các mặt đối lập, các mặt đối lập vừa thống nhất, vừa đấu tranh. Trong nhiều trường hợp, chính sự thống nhất tạo nên sự phát triển, như sự phù hợp, thống nhất giữa quan hệ sản xuất với trình độ lực lượng sản xuất sẽ tạo ra sự phát triển. Trong hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh có xu hướng coi trọng thống nhất hơn đấu tranh. Có thể thấy, Người đặc biệt coi trọng đoàn kết, coi trọng thống nhất trong cơ quan, tổ chức, vì thống nhất, đoàn kết là sức mạnh, là tiền đề tạo nên thành công. Tư tưởng coi trọng sự thống nhất còn thể hiện trong quan điểm của Hồ Chí Minh về tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức của người cán bộ. Đó là, mỗi người cán bộ cần phải thống nhất giữa tài và đức, nói và làm, học và hành, xây với chống, lý luận với thực tiễn, tăng gia sản xuất với thực hành tiết kiệm…Quan điểm có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó; lý luận mà không gắn với thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng; nói phải đi đôi với làm… là minh chứng cụ thể cho quan điểm đề cao sự thống nhất của Người.

Bên cạnh đó, Người còn coi trọng sự thống nhất hài hoà trong đa dạng. Người từng nói: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta”6. Với quan điểm này, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Người luôn kêu gọi các tầng lớp nhân dân gạt bỏ mọi thành kiến về thành phần, giai cấp, tôn giáo…hướng tới cái chung, cái thống nhất là quốc gia, dân tộc. Hồ Chí Minh quan điểm: “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích tập thể thì không có gì là xấu”7. Từ đó, trong quá trình sử dụng cán bộ, tránh tư tưởng cho rằng giống mình mới là tốt, khác mình là không tốt, mắc phải việc “ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”8.

Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng, để nâng cao đạo đức cách mạng, phải đấu tranh chống lại các căn bệnh như chủ quan duy ý chí, giáo điều, kinh nghiệm chủ nghĩa, quan liêu…Nguyên nhân của những căn bệnh ấy, xét đến cùng là do vi phạm các nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Về chủ quan duy ý chí, quan liêu, biểu hiện cả chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa duy ý chí. Biểu hiện của chủ nghĩa chủ quan là tuyệt đối hóa chủ thể nhận thức, phủ nhận vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội. Biểu hiện của chủ nghĩa duy ý chí là tuyệt đối hóa vai trò của ý chí con người trong cải tạo hiện thực mà không tính đến và tính đủ điều kiện hiện thực, coi thường hoặc thoát ly quy luật khách quan. Phổ biến của chủ quan duy ý chí là tình trạng nóng vội, đốt cháy giai đoạn, bắt thực tiễn khuôn theo ý chí của con người, bất chấp quy luật khách quan. Hậu quả của căn bệnh chủ quan duy ý chí là đề ra các quyết định sai lầm, dẫn tới hệ lụy tiêu cực đối với đời sống kinh tế - xã hội; nếu không được phát hiện, sửa chữa có thể dẫn tới khủng hoảng và thất bại; nếu được phát hiện và sửa chữa cũng sẽ kéo lùi, làm chậm tốc độ phát triển và trả giá cho các tổn thất. Trong nhận thức lý luận, bệnh quan liêu, thường xuất hiện khi phân tích, đánh giá từng luận điểm không gắn với nguồn gốc, xuất xứ, bối cảnh ra đời, các giá trị và giới hạn, điểm mạnh và điểm yếu của nó. Bệnh quan liêu có nguồn gôc từ bệnh chủ quan. Trong vận dụng lý luận vào thực tiễn, căn bệnh này thường dẫn tới áp dụng lý luận không tính đến những điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa, dân cư và các điều kiện chủ quan và khách quan khác. Nguyên nhân là vi phạm nguyên tắc khách quan trong xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng, ngoài ra còn vi phạm nguyên tắc toàn diện, chỉ xem xét thiên lệch về sự vật. Người khẳng định: “Những người mắc bệnh chủ quan không xem xét hoàn cảnh thực tế, không xem xét toà thể công việc, không nghiên cứu bản chất của công việc, không xét rõ quan hệ của việc này với việc khác, mà chỉ biết dùng mêhnhj lệnh, thì nhất định sẽ thất bại”9.

Về giáo điều, kinh nghiệm chủ nghĩa, nguyên nhân do vi phạm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Biểu hiện của bệnh giáo điều không lấy thực tiễn để kiểm chứng các tri thức, mà tuyệt đối hóa vai trò của lý luận, tách lý luận khỏi thực tiễn. Những người mắc bệnh giáo điều sách vở không thấy được lý luận là tổng kết từ thực tiễn, nhưng khi đã trở thành lý luận thì có tính trễ tương đối so với tính năng động của thực tiễn. Giáo điều trong thực tiễn là sao chép nguyên xi, máy móc mô hình thực tiễn mà không tính đến các yêu cầu, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau cần phải vận dụng phù hợp. Những người giáo điều lý luận thường gắn liền với bệnh chữ nghĩa, hay dùng ngôn từ bóng bảy để lòe thiên hạ, không đặt mục đích áp dụng lý luận vào thực tiễn và lấy thực tiễn để kiểm chứng lý luận. Biểu hiện của căn bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa là cường điệu hóa tri thức kinh nghiệm, coi khinh lý luận, không thấy được những giới hạn của tri thức kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý. Bệnh này rất phổ biến đối với cán bộ yếu kém về lý luận, ngại học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực tư duy lý luận. Những người này không thấy rằng kinh nghiệm là rất tốt nhưng mới chỉ là từng bộ phận, một mặt nào đó, chỉ xử lý một công việc nào đó trong điều kiện cụ thể mà nếu vận dụng vào những điều kiện, hoàn cảnh khác có khi thất bại, nhất là khi thiếu lý luận dẫn dắt.

Về chủ nghĩa cá nhân, chỉ nhìn thấy lợi ích của mình, coi lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích tập thể, cộng đồng. Điều này vi phạm quan điểm toàn diện, quan điểm hệ thống của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người nói: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liên, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí…”10. Hiện nay, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, cùng với cơ chế, luật pháp chưa thật sự hoàn thiện, đã bị một bộ phận cán bộ lợi dụng “công quyền” để đạt “lợi tư”. Những người này miệng nói vì dân, nhưng hành vi thì lại theo dẫn dắt của lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Nó làm biến dạng các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Do vậy, theo Người: “ Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”11. Như vậy, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn được Hồ Chí Minh hiểu trên tinh thần biện chứng. Thực tiễn cần tới lý luận soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng để không mắc phải bệnh kinh nghiệm, còn lý luận phải dựa trên cơ sở thực tiễn, phản ánh thực tiễn và phải luôn liên hệ với thực tiễn, nếu không sẽ mắc phải bệnh giáo điều. Nghĩa là thực tiễn, lý luận cần đi cùng nhau, hỗ trợ cho nhau, bổ sung cho nhau. Hồ Chí Minh căn dặn: Học tập lý luận thì nhằm mục đích để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc để tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng.

Các căn bệnh, khuyết điểm ấy ngăn cản sự tiến bộ, phát triển của cá nhân, bộ phận, tập thể, chúng ta cần phòng ngừa và đấu tranh chống lại các căn bệnh đó. Phòng ngừa và đấu tranh các căn bệnh này không chỉ nâng cao nhận thức, mà quan trọng hơn là xây dựng cơ chế, luật pháp đủ mạnh và chặt chẽ để mỗi cá nhân không thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu lợi.

Quan điểm biện chứng duy vật trong tư tưởng của Người cho chúng ta thấy sự tinh tế, nhuần nhuyễn trong vận dụng lý luận vào thực tiễn. Tìm hiểu và nắm bắt quan điểm biện chứng duy vật trong tư tưởng của Người không chỉ giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn, còn đưa ra cho chúng ta phương pháp vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng trong công việc, cuộc sống./.

Kim Anh

1. Vào thập niên 1840, trùng với giai đoạn cuối cách mạng công nghiệp lần thứ nhất tại Mỹ và Châu Âu, Marx và Engels đã đề xuất chủ nghĩa duy vật biện chứng. 2. Dẫn theo Hồ Chí Minh truyện, bản dịch Trung văn của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6/1949.3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.127-128 4. Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.317-318 5. Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.3426. Hồ Chí Minh, Sđd, t.4, tr.2807. Hồ Chí Minh, Sđd, t.11, tr.6108. Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.3189. Hồ Chí Minh, Sđd, t.7, tr.12610. Hồ Chí Minh, Sđd, t.11, tr.611

Từ khóa » Nguyên Tắc Phương Pháp Luận Biện Chứng Duy Vật