Quan Niệm Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh Về Chữ “Liêm”

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chữ “Liêm”

Thứ nhất, quan niệm về chữ “Liêm”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập nhiều đến chữ “Liêm” trên mọi khía cạnh, phản ánh đầy đủ, sâu sắc nhất bản chất của phạm trù đó trong quan điểm của mình. Trong bài báo “Thế nào là Liêm?”, Người cho rằng: “Liêm là trong sạch, không tham lam”(1), là liêm khiết, là luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân. Người nhấn mạnh: “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”(2). Do đó, đối với mỗi cán bộ, đảng viên khi “dám hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho đồng bào, hy sinh vì nghĩa, thì không tham gì hết”(3). “Liêm” là một phẩm chất đạo đức của con người, thể hiện qua lối sống trong sạch, không hám danh, không bận tâm toan tính nhỏ nhen, ích kỷ. Năm 1949, trong tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Liêm” của ngày xưa để chỉ “những người làm quan không đục khoét dân”, còn “Liêm” ngày nay có nghĩa rộng hơn và “mọi người đều phải Liêm”, “… Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn, là mọi người đều phải Liêm”(4). Đồng thời, Người cũng cho rằng, “Liêm” cần đi đôi với “Kiệm” bởi vì “có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh ra tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất Liêm”(5).

Như vậy, trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ “Liêm” là phẩm chất đạo đức không thể thiếu không phải chỉ của một nhóm, một bộ phận nhỏ mà là của tất cả mọi người trong xã hội. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm giáo dục đức tính "Liêm" cho người khác, nếu không, dù họ trong sạch đến mấy vẫn chỉ là “Liêm một nửa”(6). Để “Liêm” thật sự hoàn chỉnh thì không phải chỉ mình thực hiện “Liêm”, mà còn phải giúp người khác cũng thực hiện được “Liêm”.

Thứ hai, đề cao vai trò, vị trí của đức tính “Liêm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “Liêm” là thước đo đạo đức và cũng là thước đo bản lĩnh con người, nhất là khi được giao chức vụ, quyền hạn lãnh đạo, quản lý. Có “Liêm”, sẽ không làm điều gì mờ ám, khuất tất, giấu giếm; biết phân biệt đúng sai, xấu tốt, biết tự răn mình tránh điều xấu xa; tạo ra uy tín và sự kính trọng đối với mọi người. Đức “Liêm” của cán bộ, đảng viên sẽ tạo lòng tin đối với Nhân dân, nếu không có hoặc thiếu “Liêm” “mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”(7). Trong điều kiện Đảng cầm quyền, hiểu đầy đủ và thực hành đúng chữ “Liêm” là yêu cầu nhất thiết phải được đặt lên hàng đầu đối với mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Thứ ba, đưa ra những phương pháp để thực hiện chữ “Liêm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để thực hiện được “Liêm”, cần quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Người nhấn mạnh: “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu… Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người tài năng, làm được việc… Chớ lên mặt làm quan cách mệnh”(8).

Để thực hiện “Liêm”, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu. Người cho rằng: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”(9). Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải thực hành chữ “Liêm” trước, để làm kiểu mẫu cho Nhân dân. Người khẳng định: “Mỗi người phải nhận rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”(10). Mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt và năng lực công tác: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”(11). Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thi đua thực hành liêm khiết để làm tấm gương cho quần chúng noi theo.

Để thực hiện “Liêm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải không ngừng nâng cao dân trí: “Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra liêm”(12). Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần có những giải pháp phù hợp và tạo điều kiện nâng cao dân trí để người dân biết quyền hạn của mình, biết kiểm soát cán bộ, để “giúp” cán bộ thực hiện chữ “Liêm”.

Thứ tư, chỉ ra những biểu hiện trái với “Liêm”.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trái với “Liêm” là bất “Liêm”. Người chỉ rõ, do bất “Liêm” mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất “Liêm” tức là trộm cắp, là “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên,… Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình... Gặp việc phải mà sợ khó nhọc, nguy hiểm không dám làm”(13).

Đã bất liêm, thì đều là hành vi “trộm cắp”, vô liêm sỉ, không còn sự day dứt, xấu hổ khi làm điều xấu xa. Bất liêm đồng nghĩa với việc con người bị tha hóa về mặt nhân cách, phẩm giá, làm băng hoại mọi giá trị đạo đức tốt đẹp. Hành vi bất liêm của cán bộ là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, thói quan liêu, hách dịch, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm. Những điều bất liêm và trái với chữ Liêm cần phải bị nghiêm khắc phê phán, loại bỏ.

Không chỉ đưa ra quan điểm về đức tính “Liêm” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn là tấm gương sáng về sự giản dị, liêm khiết, trong sáng. Cả cuộc đời Người chỉ lo cho dân, cho nước; là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm, giữ liêm khiết, trong sạch ở mọi lúc, mọi nơi. Người còn là hiện thân cho sự đấu tranh không mệt mỏi chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội, trong mỗi con người, chống lại những biểu hiện tiêu cực, nhất là căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu trong bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có thái độ rõ ràng, công minh trước công và tội của từng cá nhân. Người viết nhiều bài báo giáo dục, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên không được phép làm “quan cách mạng”, phòng tránh những cám dỗ đời thường để không bị gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”. Người đã trực tiếp chỉ đạo xét xử những vụ án lớn; phân tích thấu tình đạt lý những nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm của cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên có chức, có quyền. Người chỉ ra hậu quả kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức mà các hành vi vi phạm của những cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất gây ra, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân vào luật pháp, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chữ “Liêm” trong giai đoạn cách mạng hiện nay

35 năm đổi mới đã đưa đất nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, trong từng lĩnh vực công tác, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã gắn việc rèn luyện “cần, kiệm, liêm, chính” với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng được Đảng ta nhận thức rõ hơn, người dân càng tin tưởng vào sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, để đi tới mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, chúng ta còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Trong đó, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là tình trạng tha hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Những thói hư, tật xấu của một bộ phận cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các đơn vị nói riêng bị tha hóa và suy thoái đã dẫn đến tình trạng cánh hẩu, phe nhóm lợi ích… Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ xâm hại tới lợi ích chung mà còn gây tác động xấu, làm phân liệt ý chí và tan rã sức mạnh đoàn kết, thống nhất nội bộ; làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, trở thành một trong những nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Vì vậy, để đẩy mạnh học tập và thực hành chữ “Liêm” theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức thực hành đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo hướng cụ thể, thiết thực, gắn liền với các tiêu chí thi đua, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên. Cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tích cực vận động các tầng lớp Nhân dân thực hành chữ “Liêm”. Để xây dựng đức tính “Liêm”, phòng chống bất “Liêm”, cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; gương mẫu, đi đầu trong việc tu dưỡng, rèn luyện và phát huy đức “Liêm” ở mọi lúc, mọi nơi và trong mọi công việc. Chú trọng giáo dục, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Hai là, phát huy tính tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hành chữ “Liêm”. Sự tự giác thực hành chữ “Liêm” của mỗi cán bộ, đảng viên trong cuộc sống và trên mọi cương vị được giao là điều vô cùng quan trọng. Mặt khác, cần xây dựng cơ chế cụ thể, rõ ràng để huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện bất liêm; hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực, có chính sách dưỡng liêm thỏa đáng, đồng thời có biện pháp trừng trị nghiêm khắc, công khai hành vi bất liêm, để cán bộ, đảng viên phải tự mình “không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng và không cần tham nhũng”.

Ba là, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân để giúp cán bộ, đảng viên thực hành chữ “Liêm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác giám sát, kiểm soát cán bộ là để “Giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm”(14). Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tiếp thu, sửa chữa kịp thời những phê bình, góp ý đúng đắn của Nhân dân và khuyến khích mọi người dân thực hiện vai trò giám sát của mình một cách tự nguyện, tự giác. Coi sự đánh giá của Nhân dân là thước đo, là một trong những tiêu chí để đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của người đứng đầu cấp ủy, của cán bộ, đảng viên trong mọi mặt công tác, nhất là trong quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, để hạn chế tiêu cực, phát huy đoàn kết thống nhất và lựa chọn được những người thật xứng đáng. Vì vậy, cần nâng cao ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, bồi dưỡng và phát huy năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của Nhân dân.

Bốn là, cần thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Khẩn trương và thường xuyên hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp... một cách chặt chẽ, đồng bộ để phòng, chống tham nhũng lâu dài. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành yêu cầu thường xuyên đối với cán bộ, đảng viên. Phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân - một thứ “giặc nội xâm”, là nguồn cội của bất “Liêm”.

Năm là, siết chặt kỷ luật Đảng, tăng cường kỷ cương hành chính, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(15). Tăng cường, siết chặt kỷ luật Đảng và kỷ cương hành chính sẽ giúp nâng cao nhận thức và hành động chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mỗi cán bộ, đảng viên. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chữ “Liêm” đối với mọi người trong xã hội nói chung, đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên nói riêng là vô cùng sâu sắc và ý nghĩa. Thực hành tốt chữ “Liêm” theo quan điểm của Người là chúng ta đã góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Đồng thời, thực hành tốt chữ “Liêm” sẽ góp phần xây dựng bộ máy hệ thống chính trị các cấp liêm chính, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương trong giai đoạn hội nhập và phát triển./

----------------------------------

Ghi chú:

(1), (2), (3), (5), (7),(8), Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.640, tr.292, tr.260, tr.262, tr.240, tr.123, tr.123.

(4),(10),(11),(12),(13),,(14),(15) Sđd, tập 6, tr.126, tr.127-128, tr.208, tr.127, tr.127, tr.127, tr.127, tr.127.

(6) Sđd, tập 7, tr.220.

(9) Sđd, tập 9, tr.98.

ThS Lê Đức Thọ, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng

tcnn.vn

Từ khóa » Chữ Liêm Có Nghĩa Là Gì