Quán Triệt Nguyên Tắc “Bảo đảm Lợi ích Tối Cao Của Quốc Gia - Dân Tộc ...

TCQPTD Tòa soạn: 38A Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội ĐT: (0243)8.457.044; (069)552.364 Fax: (0243)7.473.956 ISSN 2815-6277
  • tcqp
  • tcqp
  • Những chủ trương công tác lớn
    • Tin tức - Thời sự
    • |
    • Chuyên luận chỉ đạo
  • tcqptd
  • Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
    • Quán triệt, thực hiện nghị quyết
    • |
    • Bảo vệ Tổ quốc
    • |
    • Theo gương Bác
  • tcqptd
  • Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm
    • Thực tiễn và kinh nghiệm
    • |
    • Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
  • tcqptd
  • Bình luận - Phê phán
    • Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
    • |
    • Quốc phòng, quân sự nước ngoài
    • |
    • Sinh hoạt tư tưởng
  • tcqptd
  • Nghiên cứu - Tìm hiểu
    • Nghiên cứu - Trao đổi
    • |
    • Lịch sử Quân sự Việt Nam
  • tcqptd
  • Biển đảo Việt Nam
    • Bảo hiểm xã hội
    • |
    • Bảo hiểm y tế
    • |
    • Văn bản, chính sách mới
    • |
    • Chính sách Quân đội
    • |
    • Tư liệu
  • tcqptd
  • Tạp chí và Tòa soạn
    • Tạp chí
    • |
    • Tòa soạn
    • |
    • Cấu trúc Website

Thứ Tư, 25/12/2024, 20:35 (GMT+7)

Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sốngQuán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Chủ Nhật, 06/09/2020, 09:31 (GMT+7)Quán triệt nguyên tắc “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi” trong quan hệ đối ngoại thời kỳ hội nhập quốc tế

Lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề có nội hàm rộng, bao hàm trong đó tất cả những gì tạo thành điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của cộng đồng với tư cách quốc gia - dân tộc có chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, thể hiện sự phát triển đi lên về mọi mặt của quốc gia dân tộc theo hướng làm cho đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn; cho sự nâng cao không ngừng sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế, vị trí, vai trò, uy tín quốc tế của quốc gia, dân tộc. Các dân tộc trên thế giới đều coi lợi ích quốc gia - dân tộc căn bản nhất là Tổ quốc độc lập, thống nhất, giàu mạnh, lãnh thổ toàn vẹn (bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa), nhân dân làm chủ đối với Tổ quốc mình. Lợi ích quốc gia - dân tộc chính đáng trong thế giới văn minh thường được xác định trong luật pháp quốc gia và phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, được công luận đồng tình. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả những gì mà các chính phủ tuyên bố là “lợi ích quốc gia” đều là “lợi ích dân tộc” chính đáng. Cá biệt có không ít trường hợp giới cầm quyền ở một số nước sẵn sàng từ bỏ lợi ích dân tộc cơ bản để phục vụ lợi ích giai cấp, lợi ích phe nhóm. Điển hình như: Năm 1870, thủ đô Paris của nước Pháp bị quân Phổ bao vây. Lúc đó lợi ích quốc gia đòi hỏi giới cầm quyền tập trung mọi lực lượng của dân tộc để tổ chức kháng chiến, nhưng chính phủ Chie của giai cấp tư sản, vốn tự xưng là “chính phủ quốc phòng”, đã không làm thế. Tác phẩm “Nội chiến ở Pháp”, C.Mác viết: “Trong khi phải chọn giữa hai điều: nghĩa vụ dân tộc và lợi ích giai cấp thì chính phủ quốc phòng đã không hề do dự một phút nào mà biến ngay thành một chính phủ phản quốc”1.

Ở Việt Nam, vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc đã được dân tộc ta khẳng định từ rất sớm. Dưới thời chế độ phong kiến, lợi ích cốt lõi của quốc gia - dân tộc là độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ. Khi đất nước được trị vì bởi các vị vua sáng, tôi hiền, danh tướng lỗi lạc, như: Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi... lợi ích của giới cầm quyền và lợi ích dân tộc được kết hợp hài hòa, nên khi quốc gia hữu sự đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc nhất tề khởi nghĩa đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Những bài thơ bất hủ: Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo được xem như là “Bản Tuyên ngôn độc lập” và những chiến công hiển hách: Trận tuyến sông Như Nguyệt, Bạch Đằng, Chi Lăng… đã minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Tuy nhiên, vào nửa cuối thế kỷ XVIII, trong bối cảnh chế độ phong kiến suy tàn, giới vua, chúa triều đình phong kiến hoặc bất lực không bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc, hoặc vì quyền lợi riêng mà bán rẻ lợi ích dân tộc. Trong cuộc giao tranh với Tây Sơn, để cầu xin viện trợ của thực dân Pháp, Nguyễn Ánh đã đem lợi ích của Đại Việt ra thương thảo với Pháp quốc (Hiệp ước 1787), nhường cho Pháp cửa Hội An, đảo Côn Lôn độc quyền buôn bán. Đây là bước mở đầu cho thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta. Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp được quy tụ thống nhất, nhằm thực hiện mục tiêu xuyên suốt là Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, tháng 8/2018. Ảnh: baoquocte.vn

Lợi ích cốt lõi quốc gia - dân tộc Việt Nam hiện nay là Độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và chế độ xã hội (xã hội chủ nghĩa); xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần tích cực vào xây dựng một thế giới hòa bình, độc lập, tự do và phát triển bền vững. Điều đó được thể hiện rõ nét thông qua sự kế thừa, phát triển sáng tạo, liên tục bổ sung, hoàn chỉnh đường lối đối ngoại của Đảng. Nổi bật hơn cả là, từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Hội nghị Trung ương 3 khóa VII (tháng 6/1992) khẳng định, mục tiêu “hòa bình và phát triển” trở thành chuẩn mực trong hoạt động quốc tế của Việt Nam, phục vụ cho lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc là “nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng, giữ vững, tăng cường ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập và tự do của Tổ quốc”2. Trên tinh thần đó, “công tác đối ngoại phải phục vụ lợi ích đó của dân tộc... coi lợi ích dân tộc là cao nhất và thiêng liêng nhất”3. Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 8 khóa IX (tháng 7/2003) Đảng ta chỉ rõ: “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của Tổ quốc”4. Đại hội XI của Đảng (năm 2011) xác định, mục tiêu của đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ mới là “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” và “vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”5.

Kế thừa, phát triển đường lối đối ngoại của các kỳ đại hội trước và quan điểm đối ngoại trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng một lần nữa khẳng định: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi”. Điều này đã thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại; phản ánh tư duy lô-gíc, khoa học về giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam với các quốc gia trên thế giới trong tiến trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, khẳng định sự kiên định nguyên tắc cao nhất “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân: lấy lợi ích cốt lõi quốc gia - dân tộc là Độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và chế độ xã hội (xã hội chủ nghĩa) - “bất biến”, làm cơ sở gốc, kim chỉ Nam để ứng xử một cách có nguyên tắc nhưng rất linh hoạt - “vạn biến” khi quan hệ đối ngoại thời kỳ hội nhập quốc tế.

1. “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi” trong quan hệ đối ngoại thời kỳ hội nhập quốc tế - cơ sở quan trọng thực hiện thắng lợi bài học “ phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tiến trình phát triển của mỗi quốc gia dân tộc luôn có sự gắn kết chặt chẽ với những nhân tố quốc tế. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của sự kết hợp thành công nhân tố dân tộc với nhân tố thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Việt Nam đã phát huy tối đa sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại kết hợp một cách vô cùng hiệu quả với sức mạnh dân tộc, làm thay đổi tương quan lực lượng ngày càng có lợi trong chiến đấu và chiến thắng thực dân, đế quốc, các thế lực phản động, làm nên một trong những bản hùng ca đẹp nhất của loài người tiến bộ trong thế kỷ XX. Sau gần 35 năm đổi mới, một lần nữa bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại lại để lại dấu ấn đặc sắc qua các kết quả, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; trong đó, tư duy mới về đường lối đối ngoại của Đảng là một nguyên nhân quan trọng làm nên kết quả đó. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận ngặt nghèo, đến nay, nước ta là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế: có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, thiết lập quan hệ đối tác với 16 quốc gia, quan hệ đối tác toàn diện với 14 quốc gia; là nước duy nhất trong ASEAN đã thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, với toàn bộ các nước trong nhóm phát triển (G7), với 17/20 nước và tổ chức trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20). Đồng thời, tham gia vào 70 tổ chức quốc tế và khu vực, ký trên 40 hiệp định thương mại song phương; có quan hệ kinh tế - thương mại với trên 220/255 quốc gia và vùng lãnh thổ; kim ngạch ngoại thương nhiều năm qua đạt từ 150 - 200% quy mô GDP, thu hút 270 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và gần 90 tỷ USD viện trợ phát triển chính thức (ODA) được cam kết. Nhờ có đường lối đối ngoại đúng đắn, đến nay, nước ta đã tham gia hầu hết các thiết chế liên kết khu vực và toàn cầu, như: AFTA, APEC, ASEM, TPP, WTO...; đảm nhiệm ngày càng nhiều chức trách trong ASEAN, Liên hợp quốc và một số tổ chức quốc tế khác. Những kết quả, thành tựu đó đã đem lại cho đất nước môi trường quốc tế hòa bình, hữu nghị và các điều kiện thuận lợi kết hợp với các nguồn lực nội sinh trong nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp để làm nên những thành tựu chung của công cuộc đổi mới. Nhờ đó, chế độ xã hội trụ vững trước các thách thức lịch sử thời kỳ hậu Xô viết; đất nước khắc phục được khủng hoảng và ra khỏi tình trạng kém phát triển; kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; xã hội ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; quốc phòng và an ninh được giữ vững; vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Đó là cơ sở vững chắc tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục vững bước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, trên phương diện quốc tế, bất lợi, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam chính là quá trình điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, với xu hướng “Không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”, nên họ sẵn sàng thỏa hiệp một cách hết sức thực dụng, bấp chấp lợi ích, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác có liên quan. Trong khi đó, mặc dù nước ta có mối quan hệ quốc tế đa phương, đa dạng, nhưng chưa đủ chiều sâu, sự ổn định, tính vững chắc. Bởi vậy, đường lối chiến lược trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam là “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi”, đã và đang trở thành hướng đi tích cực, chủ động trên con đường hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, bền vững; phương châm chỉ đạo khoa học, phù hợp xu thế, nắm bắt trúng thời cơ, xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng, làm cơ sở phát triển mạnh mẽ sự kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế, tạo sức mạnh tổng hợp để khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

2. “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi” trong quan hệ đối ngoại thời kỳ hội nhập quốc tế - sự cụ thể hóa tư duy mới của Đảng về đối tác, đối tượng trong tình hình mới.

Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là xu hướng thời đại hiện nay. Nếu đứng ngoài xu thế đó, đất nước không thể phát triển và khó bảo vệ được vững chắc. Tuy nhiên, tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế, bên cạnh những mặt tích cực là chủ yếu, cũng có những mặt tiêu cực. Vì vậy, để hội nhập quốc tế đạt được hiệu quả, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược, kế hoạch tổng thể, xác định nội dung, lộ trình phù hợp; trong đó, nhận thức về đối tác, đối tượng là vấn đề rất quan trọng. Bởi, chỉ có nhận thức đúng về đối tác, đối tượng, chúng ta mới xác định đúng giải pháp, phương châm chỉ đạo đối với các vấn đề về đối ngoại, đối nội, các tình huống phức tạp, nhạy cảm một cách hiệu quả trong quá trình hội nhập. Thực tế cho thấy, trước đây, nhất là trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, quan điểm về đối tác, đối tượng (bạn, thù) của cách mạng Việt Nam chỉ rõ ai là bạn, ai là thù, nhưng hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, quan hệ quốc tế có những phát triển mới, tư duy về đối tác, đối tượng đã được Đảng ta phát triển theo hướng biện chứng, linh hoạt. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” xác định: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng.

Quán triệt và thực hiện nguyên tắc “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi” không chỉ giúp ta có nhận thức đúng đối tác, đối tượng theo nguyên tắc, tiêu chí quy định, mà quan trọng hơn là để ta vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng vào thực tiễn quan hệ đối ngoại trong từng thời điểm, giai đoạn của cách mạng. Đồng thời, thấy rõ tính biện chứng, sự tồn tại đan xen và chuyển hóa lẫn nhau rất linh hoạt giữa đối tác và đối tượng trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. Trên cơ sở đó, có chủ trương, biện pháp tranh thủ mặt tích cực của đối tượng, hạn chế mặt tiêu cực của đối tác, phục vụ cho lợi ích quốc gia - dân tộc, theo phương châm: “… trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”. Đây là định hướng rất quan trọng để các cấp, ngành, lĩnh vực xử lý các vấn đề, các tình huống trong quan hệ hợp tác quốc tế một cách đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo, tích cực, chủ động vừa hợp tác, vừa đấu tranh với từng đối tác, đối tượng trong từng thời điểm cụ thể một cách có hiệu quả. Qua đó, tăng mặt đồng thuận, giảm thiểu bất đồng trong quan hệ quốc tế - “thêm bạn, bớt thù”, nhằm mục tiêu vì lợi ích quốc gia - dân tộc, đưa nước ta không ngừng phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới để xây dựng, phát triển đất nước.

3. “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi” trong quan hệ đối ngoại thời kỳ hội nhập quốc tế - nền tảng bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định phục vụ phát triển bền vững.

Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều coi trọng lợi ích quốc gia - dân tộc khi thực thi chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, do mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau, nên lợi ích quốc gia - dân tộc của mỗi nước cũng không hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, để có môi trường hòa bình, an ninh và ổn định phục vụ phát triển bền vững cho mỗi quốc gia, dân tộc và thế giới, vấn đề cốt lõi đặt ra cần phải tìm cho được “một chữ đồng”. Chữ “đồng” ở đây chính là sự tôn trọng luật pháp quốc tế - các nguyên tắc và quy phạm pháp luật được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận tạo dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế. Đó là các nguyên tắc và quy phạm áp dụng chung mà không có sự phân biệt về tính chất, hình thức hay vị thế của từng quốc gia khi thiết lập quan hệ quốc tế giữa những chủ thể này với nhau. Hiểu một cách khác, trong hội nhập và mở rộng quan hệ quốc tế, mọi quốc gia, tổ chức, cá nhân bên cạnh việc không được xem nhẹ lợi ích của quốc gia - dân tộc, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc mình lên trên hết, trước hết, thì cũng cần phải chấp hành nghiêm thông lệ quốc tế, các nguyên tắc, định chế của các tổ chức quốc tế trong quan hệ đối ngoại; tránh những tư tưởng, hành động vì lợi ích cục bộ, dân tộc chủ nghĩa, dân tộc cực đoan bất chấp luật pháp quốc tế.

Bạn bè quốc tế chúc mừng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ sau khi Việt Nam trúng cử làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193). Ảnh: TTXVN

Đối với Việt Nam, luôn xác định rõ hơn vị trí của mình trong phân công lao động quốc tế, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu. Đường lối, chính sách và mục tiêu trước sau như một của chúng ta luôn luôn phù hợp với xu thế lớn của thế giới; lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta góp phần bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để cùng phát triển. Thực tiễn cho thấy, trên cơ sở nhất quán đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”6, Việt Nam luôn nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà mình tham gia, tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng, khu vực và quốc tế. Đồng thời, chủ động tích cực đề xuất sáng kiến xây dựng, định hình các thể chế đa phương trên nguyên tắc cùng có lợi, với phương châm chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia”; là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhất là vào quá trình xây dựng và định hình các quy tắc, cơ chế hợp tác và những luật lệ mới, củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Việt Nam luôn đặt dân tộc mình vào dòng chảy của thời đại, nêu cao đại nghĩa của dân tộc, tranh thủ thiện cảm của nhân loại tiến bộ, nâng cao cả thực lực và vị thế của đất nước một cách bền vững nhất.

4. “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi” trong quan hệ đối ngoại thời kỳ hội nhập quốc tế là phải kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn làm phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam.

Các thế lực thù địch hiện đang triệt để lợi dụng xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế để chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Do vậy, cùng với thực hiện đồng bộ những biện pháp bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với hoạt động đối ngoại; phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa kinh tế, đối ngoại và quốc phòng, an ninh… chúng ta phải kiên quyết đấu tranh với những âm mưu và hành động xâm hại đến lợi ích hợp pháp của dân tộc ta; kích động, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế, khu vực; tư tưởng cực đoan, dân tộc chủ nghĩa, “cá lớn nuốt cá bé”, v.v. Trong đó, chú trọng đấu tranh bảo vệ lợi ích trực tiếp thông qua luật pháp quốc tế, định chế trong các tổ chức quốc tế, khu vực mà nước ta tham gia và ký kết hợp tác. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế; bảo vệ toàn vẹn lợi ích quốc gia - dân tộc, góp phần bảo vệ lợi ích của cộng đồng quốc tế trên các lĩnh vực.

Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu về đối ngoại; đổi mới nội dung, phương pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại, bảo hộ công dân và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Chú trọng chăm lo đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại; bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt các cấp. Tập trung nâng cao hiệu quả phối hợp giữa bộ, ban, ngành, địa phương. Đồng thời, phê phán và khắc phục kịp thời những biểu hiện chỉ thấy lợi ích trước mắt, không thấy lợi ích lâu dài, chỉ coi trọng lợi ích kinh tế, không thấy lợi ích chính trị, quốc phòng, an ninh trong quan hệ đối ngoại thời kỳ hội nhập quốc tế.

Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới với thế và lực mới đã lớn mạnh hơn nhiều, cơ hội rất lớn, song thách thức cũng không nhỏ. Chúng ta tin tưởng rằng, với kinh nghiệm hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng và đường lối đối ngoại đúng đắn “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi” trong tình hình mới, sức mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục được tỏa sáng trên trường quốc tế. Đây sẽ là cơ sở vững chắc cho phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển, sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa kết hợp với sức mạnh thời đại để đẩy mạnh phát triển đất nước nhanh và bền vững, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần to lớn thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. _______________

1 - C.Mác và Ph.Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 17, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 422.

2 - Đổi mới về đối ngoại và hội nhập quốc tế, Nxb CTQG, H. 2009, tr. 65.

3 - Tạp chí Cộng sản, Tháng 12/1992, tr. 12.

4 - Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương - Tài liệu học tập Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 46 - 47.

5 - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 236.

6 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, H. 2016, tr. 313.

TAG

Lợi ích quốc gia - dân tộc,đường lối đối ngoại

In bài Ý kiến bạn đọc (0) Các tin, bài đã đưa

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh phong trào Thi đua “Dân vận khéo” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng 12/12/2024

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng lực lượng vũ trang “tinh, gọn, mạnh” 05/12/2024

Sư đoàn 315 nâng cao chất lượng huấn luyện dự bị động viên theo Nghị quyết số 1659 của Quân ủy Trung ương 28/11/2024

Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024

Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024

Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024

Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024

Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024

Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024

Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024

ENGLISH 中文 Đọc tạp chí in Tiêu điểm Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chínhĐoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chínhSáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),... Tin, bài xem nhiều

Sư đoàn 315 nâng cao chất lượng huấn luyện dự bị động viên theo Nghị quyết số 1659 của Quân ủy Trung ương

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng lực lượng vũ trang “tinh, gọn, mạnh”

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh phong trào Thi đua “Dân vận khéo” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

mucluc 12/2024
  • tcqp
  • |
  • Những chủ trương công tác lớn
  • |
  • Sự kiện lịch sử
  • |
  • Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
  • |
  • Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm
  • |
  • Bình luận - Phê phán
  • |
  • Nghiên cứu - Tìm hiểu
  • |
  • Biển đảo Việt Nam
  • |
  • Tạp chí và Tòa soạn
Giấy phép số 478/GP-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 27/7/2021. Tổng Biên tập: Thiếu tướng, ThS. TẠ QUANG CHUYÊN Phó Tổng Biên tập: Đại tá, ThS. HOÀNG VĂN TRƯỜNG; Đại tá, PGS, TS. NHÂM CAO THÀNH; Đại tá, ThS. NGUYỄN MẠNH TUẤN © 2013 Bản quyền thuộc về Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Bảo lưu mọi quyền Địa chỉ: 38A - Lý Nam Đế - Hoàn Kiếm - Hà Nội; ĐT: (024)38.457.044; (069)552.364 Fax: (024)37.473.956 - Email: thukytoasoan.qptd@gmail.com Đại diện phía Nam: 161-163, Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP Hồ Chí Minh; Fax: (028) 62.905.671; ĐT: (069) 667.446

Từ khóa » Tồn Tại độc Lập In English