Quế Chi: Vị Thuốc Quen Thuộc Chữa Cảm Cúm

Nội dung bài viết

  • 1. Bộ phận Quế chi dùng, thu hái và chế biến
  • 2. Tác dụng Quế chi theo Y học cổ truyền
  • 3. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
  • 4. Chỉ định theo Y học cổ truyền
  • 5. Chống chỉ định
  • 6. Một số bài thuốc Y học cổ truyền từ Quế chi

Quế chi xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, sản lượng lớn nhất  được xuất khẩu là từ Srilanca. Ở Việt Nam, quế được trồng ở dọc dãy Trường Sơn từ Thanh Hóa đến Quãng Ngãi và một số tỉnh lẻ khác, trong đó nổi tiếng là quế Thanh Hóa.

Hiện nay, vị thuốc Quế chi được cung cấp từ trong nước. Không những thế, Quế nhục và bột quế làm gia vị cũng được sản xuất từ trong nước.

1. Bộ phận Quế chi dùng, thu hái và chế biến

Quế chi (Ramalus Cinnamomi) được lấy từ cành con hoặc vỏ cây quế bóc ở cành nhỏ. Thường được dùng chữa cảm lạnh, làm ấm cơ thể. Quế không chỉ là vị thuốc trong Đông y mà còn là gia vị gần gũi với mọi nhà. Thuộc họ Long não Laureacea.

Bộ phận dùng: cành non của cây quế hoặc vỏ cây quế bóc ở cành nhỏ..

Thu hái: thường thu hoạch vào tháng 4 – 5 và tháng 9 – 10 cùng với nhục quế.

Chế biến: chặt cành quế thành những phiến mỏng, đem phơi.

Bảo quản nơi khô ráo thoáng mát.

2. Tác dụng Quế chi theo Y học cổ truyền

Quế chi vị ấm, cay, ngọt. Đi vào kinh Tâm, Phế, Bàng Quang.

Thuộc nhóm phát tán phong hàn.

Liều dùng: 03 – 10g

Tác dụng: làm cho ra mồ hôi, làm ấm và lưu thông kinh mạch, trợ dương hóa khí, hỗ trợ hoạt động cơ thể tốt hơn.

Quế chi so với Ma hoàng đều thuộc nhóm phát tán phong hàn, làm cho ra mồ hôi. Tuy nhiên Quế chi làm cho ra mồ hôi chậm và đều. Có khả năng làm lưu thông bế tắc, kinh mạch, bổ tim. Còn Ma hoàng có tác dụng làm cho ra mồ hôi qua lỗ chân lông rất mạnh, cho ra mồ hôi nhiều. Ngoài ra Ma hoàng còn có khả năng tác dụng vào phổi, giảm được cơn suyễn và lợi tiểu.

Cây Quế chi
Cây Quế chi

3. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

Thành phần hóa học trong vỏ quế: các hợp chất diterpenoid, phenyl glycosid, chất nhầy, các hợp chất flavonoid, tanin, coumarin. Tinh dầu chiếm 1 – 5%, trong đó chứa 65 – 95% là andehit cinnamic αD, acetat cinamyl, acetat propyl phenyl, eugenol. Trong tinh dầu quế Trung Quốc người ta không thấy eugenol. Tinh dầu dễ tan trong ethanol 70% và acid acetic khan.

Tác dụng dược lý: Nước sắc Quế chi có tác dụng ức chế tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), tụ cầu trắng (Staphylococcus albus), trực khuẩn thương hàn (Salmonella typhi), một số trực khuẩn ngoài da.

Tinh dầu Quế gây giảm co thắt đường tiêu hóa, lợi tiểu, giảm đau, trấn tĩnh, chống co giật.

4. Chỉ định theo Y học cổ truyền

  • Chủ trị biểu thực phong hàn (cảm lạnh) với triệu chứng: sốt, không ra mồ hôi thường phối hợp với Ma hoàng. (Như bài Ma hoàng thang).
  • Chứng biểu hư phong hàn (cảm lạnh) với triệu chứng: sốt, ra mồ hôi thì điều trị thường kết hợp với Bạch thược. (Như bài Quế chi thang).
  • Với chứng Tâm mạch ứ trệ gây đau tức ngực khi điều trị thường phối hợp với Bạch thược, Giới bạch. (Như bài Chỉ thực giới bạch quế chi thang).
  • Điều trị chứng trung tiêu hư hàn (bệnh tiêu hóa) với biểu hiện đau bụng, lạnh làm đau tăng. Khi điều trị phối hợp với Bạch thược, Di đường. (Như bài Tiểu kiến trung thang).
  • Chứng huyết hàn ứ trệ trong bệnh phụ khoa gây đau bụng kinh, không có kinh. Điều trị thường phối hợp với Đương Quy, Ngô thù du. (Như bài Ôn kinh thang).
  • Nếu do phong hàn thấp tý gây đau vai, lưng (đau do thời tiết) thường phối hợp với Phụ tử. (Như bài Quế chi phụ tử thang).

5. Chống chỉ định

Những người ngoại cảm nhiệt bệnh, âm hư hỏa vượng, huyết nhiệt vong hành… (bệnh nhiệt chứng) không được dùng. Do quế chi có tính ấm, cay dễ gây tác động đến huyết dịch và tổn thương phần âm.

Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang trong kỳ kinh mà kinh nguyệt ra nhiều.

6. Một số bài thuốc Y học cổ truyền từ Quế chi

6.1. Ma hoàng thang

Ma hoàng 12g, Quế chi 8g, Hạnh nhân 12g, Chích thảo 4g. Sắc uống ngày 3 lần, chú ý uống khi còn nóng. Dùng thuốc cho tới khi ra mồ hôi là được, không cần uống tiếp. Trong bài thuốc, Quế chi có tác dụng làm cho ra mồ hôi, làm ấm và lưu thông kinh mạch. Giúp hỗ trợ thêm tác dụng của vị thuốc chủ dược Ma hoàng.

6.2. Quế chi thang

Quế chi 12g, Bạch thược 12g, Sinh khương 12g, Đại táo 4 quả, Chích cam thảo 6g. Ngày sắc uống 3 lần, chú ý uống khi còn nóng. Uống xong chùm chăn cho ra mồ hôi vừa phải, mùa đông nên ăn cháo nóng sau khi uống thuốc. Quế chi là chủ dược, có tác dụng giải cơ biểu, làm ấm, lưu thông kinh mạch.

6.3. Tiểu kiến trung thang

Bạch thược 12g, Quế chi 6g, Sinh khương 8g, Đại táo 4 quả, Chích cam thảo 4g, Đường phèn 20g. Sắc nước bỏ bã, cho đường phèn vào uống cùng. Quế chi và đường phèn làm chủ dược, Quế chi có tác dụng làm ấm trung tiêu (về phần tiêu hóa, tỳ, dạ dày…), tán khí lạnh ở trung tiêu.

6.4. Ôn kinh thang

Ngô thù du 12g, Xuyên khung 6 – 12g, Xích thược 8 – 12g, A giao 8 – 12g, Sinh khương 8 – 12g, Bán hạ chế 6 – 12g, Đương quy 12g, Đảng sâm 12g, Quế chi 4 – 12g, Đơn bì 8 – 12g, Mạch môn 12g, Chích thảo 4g.

Sắc nước chia 2 lần, uống trong ngày. Trong bài thuốc, vị Quế chi có tác dụng làm ấm kinh mạch, phát tán hàn lạnh để cho huyết dễ lưu thông. Từ đó giúp cho triệu chứng đau bụng kinh giảm, kinh nguyệt được lưu thông không bị tắc, mất kinh.

>> Ngoài ra bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về những dược liệu sau:

Đinh hương: công dụng trị nấc lâu đời

Đại hồi hương: ngôi sao hương liệu trong y học

Tiểu hồi: Vị thuốc giúp cho đường tiêu hóa

Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin hữu ích cho độc giả về Quế chi, loại dược liệu – gia vị thông dụng của mọi nhà. Mong quí độc giả có những góp ý, trao đổi để cùng chúng tôi phát triển hơn về dược liệu Y học cổ truyền. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Từ khóa » Cây Thuốc Quế Chi