Quế Có Tác Dụng Gì? Thảo Dược Có Nhiều Tác Dụng Hữu ích • Hello ...

Quế đã được biết đến và sử dụng từ lâu đời. Ngoài việc là một loại gia vị, quế còn xuất hiện trong nhiều bài thuốc dân gian với các tác dụng chữa đau mắt, ho hen, bồi bổ cho phụ nữ sau sinh, đau bụng tiêu chảy… Các nghiên cứu hiện đại càng làm rõ cơ chế của các tác dụng cũ đồng thời bổ sung các hoạt tính mới cho vị thuốc này.

Cùng tìm hiểu về cách dùng và công dụng của quế qua bài viết sau!

Tìm hiểu chung

Tổng quan về cây quế

Tên thường gọi: Quế Thanh, quế Quỳ, nhục quế

Tên khoa học: Cinnamomum loureirii Nees

Họ: Long não (Lauraceae)

Quế là một loại cây khá quen thuộc với đời sống, vừa có thể dùng làm gia vị vừa là một vị thuốc từ xa xưa đến nay. Trong chi Cinnamomum có rất nhiều loài khác nhau. Trên thế giới, hai loài phổ biến được biết đến là:

  • Quế Trung Quốc (tên khoa học là Cinnamomum cassia Blume)
  • Quế Srilanka, hay quế quan (tên khoa học là Cinnamomum zeylanicum Nees)

Ở Việt Nam, tại các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An cũng có một loài quế quý với tên khoa học là Cinnamomum loureirii Nees. Bài viết này sẽ chủ yếu đề cập đến loài này.

Đây là một loài cây thân gỗ với lá thường xanh, có quan hệ họ hàng gần với loài ở Trung Quốc hơn so với Srilanka mặc dù thuộc cùng một chi thực vật. Lá có hình trứng hai đầu hẹp lại, hơi nhọn. Hoa màu trắng mọc thành cụm ở kẽ lá hay đầu cành. Quả hạch hình trứng dài.

Vỏ cây, vỏ cành có vị cay, có mùi thơm nồng. Người ta khai thác vỏ của thân, cành cây để làm thuốc trong Đông y, làm gia vị, thảo mộc dưỡng da… Lá cây có thể được dùng để chưng cất tinh dầu. Gỗ được dùng làm đồ mỹ nghệ, đồ trang trí nội thất…

Bộ phận dùng

Quế

Thông thường, người ta bóc vỏ (nhục quế) để sử dụng làm thuốc hay gia vị. Trong đời sống, tinh dầu quế cũng hay được dùng vì mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Việc thu hoạch vỏ thường tiến hành vào các tháng 4-5 và 9-10. Thời gian này cây có nhiều nhựa, dễ bóc vỏ, không sót lòng (nếu bóc sót lòng sẽ bị xem là kém giá trị). Vỏ bóc ở những vị trí khác được phân chia riêng và có các tên gọi khác nhau:

  • Phần vỏ lấy từ dưới cách mặt đất từ 0,2–0,4m đến 1,2m gọi là quế hạ căn, không có giá trị cao.
  • Phần vỏ từ 1,2m cách mặt đất trở lên đến chỗ thân cây chia cành thứ nhất được gọi là quế thượng châu. Đây là phần tốt nhất, có giá trị cao.
  • Vỏ bóc ở những cành to sẽ được gọi là quế thượng biểu.
  • Vỏ bóc ở cành nhỏ gọi là quế chi. Tên gọi này đôi khi cũng dùng để chỉ các cành non phơi khô.

Một cây quế cho trung bình 30kg loại tốt và 10kg loại vừa. Đối với vỏ bóc ở thân và cành to, sau khi thu hái phải đem về ủ. Nếu không ủ, thành phẩm cũng sẽ mất giá trị. Với vỏ ở các cành nhỏ chỉ cần đem phơi khô trong mát.

Đôi khi người ta nghiền quế thành dạng bột hoặc ngâm rượu, chế tạo siro để sử dụng.

Thành phần hóa học

Thành phần quan trọng nhất trong loài cây này là tinh dầu. Ở quế Việt Nam, tinh dầu chiếm khoảng 1–5% khối lượng dược liệu, trong đó có khoảng 95% aldehyd cinnamic.

Đối với Tây y hay thị trường quốc tế, người ta thường căn cứ vào tỷ lệ tinh dầu trong dược liệu này mà phân định loại tốt hay kém.

Tác dụng của quế

Trong Tây y, tác dụng của quế gồm kích thích tuần hoàn máu (lưu thông huyết), tăng cường hô hấp. Ngoài ra, nó còn gây co mạch, tăng bài tiết, co bóp tử cung và tăng nhu động ruột. Tinh dầu quế có tính sát trùng mạnh.

Theo Đông y, công dụng của quế được biết đến như chữa đau mắt, ho hen, bồi bổ cho phụ nữ sau sinh, đau bụng tiêu chảy, đái tháo đường… Tuy nhiên, một số người dùng đã gặp phải tác dụng phụ khiến bệnh nặng thêm. Do đó, bạn cần tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi muốn sử dụng. Dược liệu này có thể phối hợp với các vị thuốc khác hoặc dùng riêng một mình.

Quế có vị cay, ngọt, tính đại nhiệt, hơi độc, quy kinh can và thận. Theo tài liệu cổ, vị thuốc này có tác dụng bổ mệnh môn tướng hỏa, trị cố lãnh trầm hàn, dùng chữa chân tay co quắp, lưng gối tê mỏi, đau bụng, khó tiểu.

Liều dùng, cách dùng

tương tác của vỏ quế với các loại thuốc khác

Liều dùng loại thảo dược này sẽ khác nhau tùy từng đối tượng. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác của người sử dụng. Hãy trao đổi với thầy thuốc để được tư vấn liều dùng phù hợp.

Liều lượng dùng của quế theo từng dạng bào chế thường là:

  • Bột: 0,05–5g/ ngày
  • Rượu: 5–15g/ ngày
  • Siro: 30–69g/ ngày

Trong dân gian, người ta sử dụng dược liệu này như sau: lấy miếng quế mài với nước để uống hoặc pha như pha trà. Gọt quế thành những miếng mỏng cho vào chén có nắp, đổ nước sôi vào rồi rót bỏ nước đầu. Sau đó, cho thêm nước sôi lần thứ hai, chờ cho ngấm, để nguội rồi uống. Uống hết lại pha thêm nước sôi vào. Một lượt quế có thể pha 2–3 lần nước, loại tốt có thể pha tới 5–6 lần nước.

Tác dụng phụ

Sử dụng dược liệu này có thể khiến bạn gặp một số tác dụng không mong muốn như:

  • Viêm miệng, viêm lưỡi, viêm nướu
  • Chán ăn
  • Dị ứng
  • Hạ đường huyết
  • Có vấn đề hô hấp

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình sử dụng, hãy thông báo ngay với bác sĩ.

Thận trọng, lưu ý

Trước khi dùng quế, bạn nên biết những gì?

Bảo quản quế ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh nhiệt độ cao và độ ẩm. Đới với tinh dầu quế, bạn nên pha loãng trước khi sử dụng.

Một số đối tượng nên thận trọng hoặc không dùng dược liệu này:

  • Không dùng cho trẻ em và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Không dùng lượng lớn bột quế vì có thể bay vào mũi gây ngạt thở, viêm và bỏng đường hô hấp.
  • Người âm hư dương thịnh không được dùng.

Quế có thể tương tác với những gì?

Loại thảo dược này có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng.

Quế có thể tương tác với một số loại thuốc, nhóm thuốc như:

  • Thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh tim hay gan
  • Các thuốc có độc tính trên gan như paracetamol, thuốc điều trị mỡ máu nhóm statin

Những bài thuốc dân gian chứa quế

1. Chữa cảm mạo:

Quế chi thang: Quế chi 8g, cam thảo 6g, thược dược 6g, sinh khương 6g, táo đen 4 quả, nước 600ml. Đem sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày (uống nóng).

2. Chữa tiêu chảy:

Vỏ thân quế 4–8g, gạo nếp rang vàng 10g, hạt cau già 4g, gừng nướng 2 lát. Tất cả đem sắc nước uống.

3. Chữa suy nhược cơ thể do bệnh đường tiêu hóa:

Nhục quế 4g, đảng sâm, bạch truật, hoàng kỳ, đại táo mỗi vị 12g, trần bì, ngũ vị tử mỗi vị 6g, cam thảo 4g, gừng 2g. Tất cả đem sắc uống mỗi ngày một thang.

4. Chữa viêm loét dạ dày tá tràng:

Quế chi 8g, hoàng kỳ 16g, đại táo 12g, hương phụ, bạch thược mỗi vị 8g, sinh khương, cam thảo, cao lương khương mỗi vị 6g. Đem sắc uống mỗi ngày một thang.

5. Chữa kinh nguyệt không đều, chậm kinh:

Nhục quế 4g, bạch truật, đảng sâm, bạch thược, hoàng kỳ mỗi vị 12g, phục linh, thục địa, xuyên khung, đương quy mỗi vị 8g, cam thảo 4g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

6. Chữa viêm mũi dị ứng:

Quế chi 8g, hoàng kỳ 16g, bạch thược 12g, bạch truật 8g, phòng phong, đại táo mỗi vị 6g, gừng 2g. Nếu viêm cấp tính chảy nước mũi nhiều, thêm ma hoàng 4g, tế tân 6g. Nếu mệt mỏi, ăn kém, thêm đảng sâm 16g, kha tử 6g.

Quế là gia vị được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Đây cũng là một vị thuốc với nhiều công dụng chữa bệnh. Cần thận trọng khi sử dụng dược liệu này với trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú. Nếu đang mắc bệnh hoặc đang sử dụng thuốc, hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng quế để đảm bảo an toàn bạn nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Cây Thuốc Quế Chi