Quyền đặt Cột điện? Ai Chịu Trách Nhiệm Di Dời Cột điện Trước Nhà Dân?

Trong thực tế cuộc sống có rất nhiều tranh chấp phát sinh từ cột điện, trụ điện bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, Luật điện lực năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2012 và Nghị định số 14/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 51/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện đang có hiệu lực thi hành điều chỉnh cơ bản quyền yêu cầu di dời cột điện và trách nhiệm di dời cột điện trước nhà dân.

Mục lục bài viết

  • 1 1. Thẩm quyền yêu cầu di dời cột điện trước nhà dân:
  • 2 2. Trách nhiệm di dời cột điện trước nhà dân:
  • 3 3. Thủ tục di dời cột điện:
  • 4 4. Điện lực chuyển cột điện về trước của nhà, tôi không đồng ý được không?

1. Thẩm quyền yêu cầu di dời cột điện trước nhà dân:

Theo quy định của pháp luật, nếu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và nếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp trước khi ngành Điện lực thiết kế, thi công lắp đặt xây dựng cột điện. Nếu các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu di dời cột điện vì các lý do khác nhau thì các hộ gia đình, cá nhân phải chịu toàn bộ chi phí cho việc di dời cột điện và địa điểm mà cột điện sẽ được chuyển đến sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Cơ quan điện lực sẽ phối hợp với hộ gia đình, cá nhân để xác định các chi phí này.

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện có hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không. Tuy nhiên Điều luật này đã bị bãi bỏ bởi Nghị định số 51/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 21 tháng 4 năm 2020. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương.

2. Trách nhiệm di dời cột điện trước nhà dân:

Trên thực tế có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề trách nhiệm di dời cột điện trước nhà dân. Nếu trụ điện, cột điện nằm trong phần đất sử dụng hợp pháp của các hộ gia đình cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không bảo đảm về an toàn điện, có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của hộ gia đình, cá nhân đó thì hộ gia đình, cá nhân có quyền gửi đơn đề nghị di dời cột điện. Căn cứ theo sự phù hợp với kế hoạch sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện, nếu phần diện tích đất di dời cột điện đến phù hợp, các hộ gia đình, cá nhân sẽ không phải chịu chi phí. 

Hoặc nếu việc di dời trụ điện, cột điện không đảm bảo an toàn lưới điện, người dân sẽ được hỗ trợ, bồi thường theo quy định của pháp luật. Còn nếu trụ điện, cột điện không nằm trong diện tích đất sử dụng hợp pháp thì cá nhân, hộ gia đình có yêu cầu sẽ được xem xét và phải chịu chi phí di dời trên hoặc sẽ không được bồi thường, không được phép di dời. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về an toàn điện tại địa phương theo quy định của Bộ Công Thương và các Bộ chuyên ngành; Xây dựng các mục tiêu bảo đảm an toàn điện đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách của địa phương; Tổ chức quản lý, bảo vệ an toàn công trình điện lực theo quy định của pháp luật.

3. Thủ tục di dời cột điện:

Để có thể di dời cột điện thì cần có những giấy tờ sau:

– Đơn đề nghị di dời cột điện, dây điện. Nội dung trong đơn cần có nêu rõ sự việc, lý do do yêu cầu di dời, thông tin chủ thể yêu cầu di dời, địa điểm cột điện, dây điện cần di dời.

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để chứng minh cột điện hay dây chuyên tải điện đó đang đi trên phần đất thuộc quyền sở hữu của mình.

– Cung cấp hình ảnh, bằng chứng của cột điện, dây điện đi qua để chứng minh rõ vị trí cột điện, dây điện xâm phạm.

– Nộp hồ sơ yêu cầu trực tiếp hoặc qua bưu điện lên đơn vị điện đang trực tiếp quản lý hệ thống điện đó. Kể từ ngày nhận được đơn, hồ sơ phải được xem xét giải quyết trong vòng 30 ngày. Nếu hồ sơ bị từ chối thì cơ quan chức năng có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản cho người có yêu cầu và nêu rõ lý do.

4. Điện lực chuyển cột điện về trước của nhà, tôi không đồng ý được không?

Tóm tắt câu hỏi:

Bên sườn nhà tôi đang ở có một phần đất lưu không nằm sát đường vào ngõ, gia đình tôi đã sử dụng từ năm 1980 làm sân nhà. Gia đình hàng xóm đối diện có một chiếc cột điện nằm trong đất của nhà họ. Gia đình họ muốn chuyển cột điện đó sang bên kia đường chôn cột vào phần đất lưu không bên nhà tôi nhưng tôi không đồng ý vì làm mất mỹ quan nhà tôi. Không ai muốn cột điện, dây điện giăng nhằng nhịt khắp nhà mình cả. Tôi muốn hỏi liệu họ có thể nhờ Công ty điện lực hay cơ quan quản lý đô thị chuyển chiếc cột điện đó sang bên phần đất lưu không đó mà không được sự đồng ý của tôi được không? Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định việc đó? Phải có những giấy tờ nào họ mới được quyền chuyển? Ở đây họ hay nhờ thợ điện làm dịch vụ lắm! Tôi xin chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Điều 18 của Nghị định 14/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 51/2020/NĐ-CP hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không như sau:

– Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phải di dời ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không điện áp đến 220 kV theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được bồi thường, hỗ trợ do làm hạn chế khả năng sử dụng và ảnh hưởng trong sinh hoạt. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện một (01) lần như sau:

+ Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không, được xây dựng trên đất đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày có thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được bồi thường, hỗ trợ phần diện tích trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không. Mức bồi thường, hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định.

+ Trường hợp nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được xây dựng trên đất không đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định của pháp luật về đất đai, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương.

– Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được xây dựng trước ngày có thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền:

+ Nếu chưa đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này thì chủ đầu tư lưới điện cao áp phải chịu kinh phí và tổ chức thực hiện việc cải tạo nhằm đáp ứng các điều kiện đó.

+ Trường hợp phá dỡ một phần, phần còn lại vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng và đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này thì chủ đầu tư lưới điện cao áp có trách nhiệm: Chi trả, bồi thường phần giá trị nhà, công trình bị phá dỡ và chi phí cải tạo hoàn thiện lại nhà, công trình theo tiêu chuẩn tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ hoặc bồi thường di dời nhà ở công trình theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

+ Trường hợp nhà ở, công trình không thể cải tạo được để đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này, mà phải dỡ bỏ hoặc di dời, thì chủ sở hữu nhà ở, công trình được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Hiện nay không có quy định, văn bản pháp quy nào quy định về “Đất lưu không”. Người dân thường hiểu hoặc quen gọi đất lưu không là hành lang an toàn giao thông, hành lang lưới điện, đê điều… Phần đất này có quy hoạch làm đất công để sử dụng, đáp ứng cho các công trình công cộng như giao thông, thủy lợi, đê điều, điện,… mà Nhà nước tạm thời chưa sử dụng đến.

Phần diện tích đất lưu không đó sẽ được các hộ gia đình, cá nhân sử dụng tạm nhưng nếu nhà nước cần sử dụng đất đó thì nhà nước sẽ thu hồi mà nhà bạn không được bồi thường về đất. Trường hợp đất đó không phải là đất đã bị nhà nước thu hồi mà là đất gia đình bạn sử dụng ổn định lâu dài từ năm 1980, được UBND cấp xã xác nhận là không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nếu đáp ứng điều kiện quy định của Khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai 2013 thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Mặt khác, dù trong trường hợp đất đó bạn có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không, thì theo quy định, dự án xây dựng công trình điện là nhằm phục vụ lợi ích của công cộng nên gia đình bạn không thể yêu cầu bên điện lực di chuyển cột và đường dây điện sang vị trí khác hay yêu cầu bên điện lực đặt cột điện ở vị trí cụ thể nào theo nhu cầu cá nhân của gia đình bạn.

Nếu trong trường hợp phần đất trên là phần đất gia đình bạn sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp, phù hợp với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đủ điều kiện được cấp sổ đỏ, mà phải theo kế hoạch cột điện được đặt trên vị trí đất đó, thì trong trường hợp này nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của gia đình bạn sẽ được bồi thường, hỗ trợ đối với nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không.

Từ khóa » Trồng Cột điện