Quyền Lực Cứng, Quyền Lực Mềm, Quyền Lực Thông Minh Trong Nền ...
Có thể bạn quan tâm
1. Quyền lực cứng và quyền lực mềm
Trong đời sống chính trị - xã hội, các quyền cũng như các cá nhân con người không tồn tại và vận động một cách cô lập. Quyền không phải là sở hữu riêng của cá nhân mà nó chỉ tồn tại khi được thừa nhận bởi các thành viên khác của xã hội. Các định nghĩa về quyền lực đều thống nhất rằng quyền lực hàm chứa năng lực của một chủ thể nhằm thay đổi hành vi của các chủ thể khác trong quan hệ quyền lực. Trong quan hệ quyền lực, có ba cách cơ bản để tác động tới hành vi của người khác để có được kết quả một chủ thể mong muốn: đó là ép buộc họ bằng sự đe dọa (bạo lực...), dụ dỗ họ bằng lợi ích (vật chất, danh vọng,...), thu hút, hấp dẫn họ (bằng sức hấp dẫn, các giá trị, tư tưởng,...). Hai cách trước thường được biết đến như dùng quyền lực cứng, cách thứ ba là cách dùng quyền lực mềm.
Quyền lực cứng (hard power) là quyền lực có được dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế. Thomas Schelling đã chỉ ra hai nguồn chính của quyền lực cứng là sự đe dọa và dụ dỗ, và hai nguồn này có liên hệ rất gần gũi với nhau.
Quyền lực mềm (soft power) là quyền lực được thực hiện thông qua sự hấp dẫn (attraction) và thuyết phục (persuation). Những tư tưởng cơ bản của "Quyền lực mềm" - coi sự hấp dẫn là một loại quyền lực -xuất hiện trong tư tưởng kinh tế - chính trị phương Đông cổ đại (năm 630 trước công nguyên, Lão Tử đã nói: “Một nhà lãnh đạo tốt nhất khi mọi người biết rõ ràng rằng anh ta tồn tại, không tốt lắm khi mọi người vâng lời và tôn anh ta lên, và tồi tệ nhất khi họ khinh miệt anh ta”). Nhưng quyền lực mềm chỉ thực sự phát triển thành một lý thuyết hiện đại vào cuối thế kỷ XX với những nghiên cứu của Joseph Nye và Lukes. Khái niệm này, sau đó, được Joseph Nye nghiên cứu và phát triển thành một học thuyết.
Joseph Nye (nguyên là hiệu trưởng Trường Hành chính John F. Kennedy thuộc Đại học Havard. Ông từng là trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chủ tịch Ủy ban tình báo quốc gia, là cha đẻ của thuyết quyền lực mềm), ông cho rằng quyền lực mềm là khả năng đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc. Quan niệm về quyền lực mềm của phương Tây rất gần gũi với quan điểm đức trị của phương Đông: “dĩ đức phục nhân” (lấy nhân đức để thu phục người), hay là “Trị dân mà dùng đức thì như sao Bắc Đẩu, ở một nơi mà các ngôi sao khác hướng về cả”.Về bản chất, quyền lực mềm là khả năng tạo ra ảnh hưởng với người khác bằng cách tác động tới hệ thống giá trị của người khác, làm thay đổi cách suy nghĩ của người khác, và qua đó khiến người khác mong muốn chính điều mà mình mong muốn.
Quyền lực cứng và quyền lực mềm có liên hệ với nhau. Chúng là hai khía cạnh thể hiện khả năng giành được mục tiêu của một người bằng việc tác động lên hành vi của những người khác. Quyền lực cứng rất quan trọng nhưng nó không thể giải quyết được mọi vấn đề. Quyền lực cứng là sự tác động từ bên ngoài đến các đối tượng của quyền lực, vì vậy chi phí để sử dụng và duy trì quyền lực cứng thường cao và tiềm ẩn nguy cơ chống đối. Quyền lực chỉ thực sự hiệu quả khi nó có được tính chính đáng. Quyền lực mềm nằm ở lẽ phải và sự thuyết phục, nó tác động đến các đối tượng của quyền lực, làm cho sự thay đổi nhận thức và hành vi diễn ra từ bên trong. Sự thuyết phục để tạo ra lòng tin, sự tin tưởng, được coi là tạo nên tính chính đáng. Vì vậy, quyền lực cứng và quyền lực mềm có tác động và có khả năng củng cố lẫn nhau. Quyền lực cứng là “hậu phương”, là một trong những cơ sở để phát huy quyền lực mềm. Quyền lực mềm hấp dẫn khi chúng bắt nguồn từ thành công về vật chất, những thứ do quyền lực cứng mang lại.
Các loại quyền lực, tự nó, không thể được đánh giá là tốt hay không tốt hoặc loại nào tốt hơn, mà hiệu quả sử dụng quyền lực là do các chủ thể mang lại. Quyền lực mềm là sự bồi đắp cho những khiếm khuyết của quyền lực cứng chứ không phải là sự phản chiếu hay mặt đối lập của quyền lực cứng. Trong nhiều trường hợp, chỉ sử dụng quyền lực mềm là không đủ mà cần phải có sự kết hợp giữa quyền lực mềm và quyền lực cứng. Nói cách khác, quyền lực mềm là khả năng tự nâng cao tố chất để hấp dẫn và thuyết phục người khác, từ đó đạt được điều mình cần. Do đó, tính hiệu lực của quyền lực mềm không thể được đo lường chính xác. Trong rất nhiều trường hợp, quyền lực cứng không được trực tiếp sử dụng, nhưng nó là hậu phương để quyền lực mềm được thực thi hoặc làm tăng sức thuyết phục và hiệu quả của quyền lực mềm. Các nhà lãnh đạo hay thậm chí các cá nhân cũng đều sử dụng cả hai loại quyền lực này tuỳ theo thời điểm và hoàn cảnh. Khả năng kết hợp giữa “quyền lực mềm” và “quyền lực cứng” được gọi là “quyền lực thông minh” (smart power), một hình thức sử dụng quyền lực quan trọng ngày càng có ý nghĩa và ảnh hưởng trong thế giới hiện đại.
Mặc dù quyền lực mềm ban đầu được nói tới trong quan hệ giữa các quốc gia, nhưng chủ thể của quyền lực mềm hiện nay không chỉ là các quốc gia mà là tất cả các chủ thể trong quan hệ quốc tế, chẳng hạn như các NGO, các thể chế quốc tế, các chủ thể khác trong các mối quan hệ quyền lực trong một quốc gia, trong các tổ chức và giữa các cá nhân. Quyền lực mềm thể hiện trong các mối quan hệ giữa các nước, giữa người lãnh đạo và nhân viên, giữa những người cầm quyền và nhân dân, giữa các thành viên của một tổ chức, giữa các tổ chức với nhau... Quyền lực mềm được sử dụng rộng rãi cả trong quan hệ đối ngoại và đối nội, cho dù cách gọi tên có khác nhau.
Trong đối nội của các quốc gia, các nhà điều hành thông minh đều biết rằng việc lãnh đạo không chỉ là ra lệnh, mà nó còn liên quan đến việc lãnh đạo bằng cách làm gương và thu hút những người khác làm những điều mình muốn. Việc điều hành một tổ chức hay các cá nhân hiệu quả không phải lúc nào cũng bằng việc ra lệnh hoặc đe dọa. Quyền lực của một nhà lãnh đạo sẽ lớn hơn nếu người đó có thể làm cho những người khác chia sẻ và đóng góp vào hệ giá trị của mình. Điều này được thực hiện dần dần, kết hợp với những điều không nhìn thấy được, chẳng hạn như tính cách, các giá trị, sự định hướng và một tầm nhìn được xem là hợp lý và có đạo đức.
Trong một nền dân chủ, sự cưỡng bức không bao giờ là một lựa chọn ưu tiên.Với ưu thế tạo ra sự đồng thuận, huy động được vốn xã hội với chi phí ít nhất và đặc biệt là huy động được sự tham gia tự nguyện lớn nhất, các mục tiêu như thúc đẩy dân chủ trong một quốc gia sẽ dễ đạt được hơn thông qua quyền lực mềm và trong đa số các trường hợp, hiệu quả hơn khi sử dụng được quyền lực thông minh.
2. Quyền lực thông minh và nền dân chủ
Trước hết phải khẳng định rằng quyền lực thông minh không phải là một loại quyền lực thứ ba. Quyền lực thông minh là sự kết hợp hay pha trộn giữa quyền lực mềm và quyền lực cứng. Đó là khả năng xác định bối cảnh, lợi dụng các xu hướng và sử dụng hợp lý quyền lực cứng và quyền lực mềm để đạt được hiệu quả cao nhất. Nó được coi là phù hợp hơn với các nền dân chủ, nơi mà sự tham gia có tính tự giác được đặt lên hàng đầu và mọi sự cưỡng bức đều bị coi là phá vỡ các nguyên tắc dân chủ.
Diane Ravitch đã viết: “Dân chủ là một quá trình, một cách thức sống và làm việc cùng nhau. Đó là một quá trình luôn phát triển chứ không đứng im. Nó đòi hỏi sự hợp tác, thỏa hiệp, và dung hòa giữa các công dân. Làm cho dân chủ được thực hiện là một điều khó khăn chứ không dễ dàng. Tự do đồng nghĩa với nghĩa vụ chứ không phải tự do từ nghĩa vụ”. Quyền làm chủ của dân phải được nhận thức một cách tự giác, và người dân thực hiện quyền làm chủ của mình cũng dựa trên một trình độ cao của nhận thức và văn hoá công dân.
Với tất cả sự tinh tế của nền dân chủ, bạo lực hay ép buộc không phải là lựa chọn tối ưu, và quyền lực thông minh đã tìm được một sân khấu lớn để thể hiện mặc dù sử dụng quyền lực thông minh là một vấn đề rất khó, nó đòi hỏi cùng lúc phải có một quyền lực cứng đủ mạnh để cưỡng chế hoặc thể hiện năng lực cưỡng chế khi cần thiết và sự nhạy cảm chính trị, sự sáng tạo và linh hoạt của người cầm quyền.
Quyền lực thông minh phù hợp với nền dân chủ, vì dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Điều này không có nghĩa là quyền lực lãnh đạo không tồn tại trong nền dân chủ, mà nó tồn tại dưới một hình thức hợp lý hơn, phù hợp hơn với nền dân chủ. Phong cách lãnh đạo cũng đã có nhiều thay đổi, lãnh đạo bằng quyền lực cứng giảm dần, các nhà lãnh đạo chú trọng nhiều hơn đến việc tạo ra ảnh hưởng và thu hút người dân vào các mục tiêu chính trị của mình. Tuy vậy, quyền lực cứng vẫn giữ một vai trò quan trọng trong nền dân chủ, nó là điểm tựa cho quyền lực mềm thăng hoa.
Việc sử dụng quyền lực thông minh là đặc trưng của nền dân chủ. Thứ nhất, nó thể hiện được sự tôn trọng các quyền con người, quyền cá nhân, những yếu tố quan trọng nhất trong nền dân chủ, vì vậy, nó dễ được chấp nhận hơn và tạo được hiệu ứng tâm lý tích cực hơn. Sự tôn trọng lẫn nhau giữa nhà nước và các công dân mang tính hai chiều. Khi nhà nước tôn trọng và bảo vệ các quyền cho các công dân thì các công dân cũng sẽ tôn trọng, bảo vệ và hỗ trợ nhà nước, coi việc ủng hộ nhà nước là trách nhiệm của mình để thực hiện các mục tiêu chung. Quyền lực mềm trong lãnh đạo là ở chỗ chính quyền có đủ uy tín và ảnh hưởng để người dân lắng nghe, chia sẻ, ủng hộ và hỗ trợ trong các vấn đề. Quyền lực mềm này chỉ có được trên cơ sở một chính quyền minh bạch và hiệu quả, hệ thống chính sách là pháp luật đầy đủ và có hiệu lực cao và một nền kinh tế phát triển bền vững. Thứ hai, nhà nước cũng phải thể hiện có đủ năng lực và nguồn lực để phục vụ nền dân chủ và đồng thời có đủ nguồn lực để duy trì các giá trị cơ bản, duy trì trật tự xã hội và mở ra một tầm nhìn cho sự phát triển chung.
Việc sử dụng quyền lực thông minh sẽ đem lại hiệu quả cao nhất, huy động được sự đồng thuận và vốn xã hội. Mọi cơ quan nhà nước, những người lãnh đạo dù được bầu ra dưới hình thức nào cũng phải làm việc nhân danh người dân và chịu trách nhiệm trước dân. Vốn xã hội là cái vô tận và luôn sẵn có, nhưng không dễ nắm bắt, sử dụng và càng không thể thu hút được bằng sự cưỡng chế. Những chính sách, những vấn đề đưa ra có sự đóng góp của người dân sẽ vượt qua được khó khăn dễ dàng hơn và được sự ủng hộ và hỗ trợ của người dân nhiều hơn nhờ huy động được nội lực của xã hội và của từng cá nhân trong cộng đồng.
Cơ chế phản hồi trong sử dụng quyền lực thông minh linh hoạt hơn. Người dân có điều kiện đưa ra các phản biện và yêu cầu, giúp cho các chính sách sát với thực tế hơn và đa dạng hơn. Cơ chế phản hồi này giúp cho chính quyền củng cố được cả quyền lực cứng và quyền lực mềm của mình theo hướng phù hợp hơn với yêu cầu thực tế và nguyện vọng của người dân. Việc xây dựng và củng cố quyền lực cứng và quyền lực mềm của cả chính quyền và người dân sẽ hoàn thiện dần các kỹ năng dân chủ, từ đó giúp cho việc phân tích các tình huống chính trị chính xác hơn và chất lượng của dân chủ được nâng cao hơn.
Với một cơ chế phản hồi hiệu quả và thiết thực, sử dụng quyền lực thông minh là một phương thức để cân bằng giữa tính hiệu quả trong hoạt động của nhà nước và sự tham gia của người dân. Điều này sẽ tiết kiệm được chi phí triển khai các quyết định chính sách trong các đơn vị chính trị phù hợp và duy trì được sự chủ động và tích cực của người dân trong các vấn đề họ quan tâm.
Một nền dân chủ bao gồm một chính phủ dân chủ và xã hội dân chủ. Quyền lực thông minh được nói đến ở đây là quyền lực thông minh trong lãnh đạo và quyền lực thông minh của người dân trong nền dân chủ, hay quyền lực thông minh của tổ chức và quyền lực thông minh của các cá nhân.
Một quốc gia muốn có được quyền lực thông minh trong nền dân chủ thì bên cạnh sự hấp dẫn về chính sách và pháp luật, nền hành chính tinh gọn, hiệu quả và sự minh bạch trong hoạt động của chính quyền, cần có đội ngũ cán bộ lãnh đạo có trình độ, có trách nhiệm và đạo đức, biết và dám chịu trách nhiệm trước công dân. Việc sử dụng quyền lực thông minh dựa rất nhiều vào năng lực và uy tín, sức hấp dẫn của cá nhân người lãnh đạo, và vì sức hút của các cá nhân chỉ kéo dài chừng nào nó nhận được sự thừa nhận và có thể làm thoả mãn những người đi theo, nên đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo là cả một quá trình liên tục. Người lãnh đạo sẽ như một điểm sáng để thu hút những người khác về phía mục tiêu của mình, làm cho họ vượt qua sở thích cá nhân vì ích lợi cao hơn của cộng đồng. Bên cạnh đó, người lãnh đạo phải đánh giá được hoàn cảnh, biết được khi nào sử dụng quyền lực cứng và khi nào sử dụng quyền lực mềm để đạt được các mục tiêu một cách hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất. Sự hiệu quả của các chính sách và nền hành chính trong thực tiễn, sự ổn định của xã hội là những yếu tố tạo nên uy tín và sức lôi cuốn cho quyền lực lãnh đạo.
Vì dân chủ đi đôi với sự phát triển kinh tế và sự phát triển xã hội, sự thịnh vượng về vật chất kéo theo sự phát triển về ý thức, tư tưởng, nên để có một nền dân chủ phát triển, phải xây dựng được một nền kinh tế phát triển ở trình độ cao. Những quốc gia muốn tăng cường quyền lực mềm trong đối nội, cần có một đường lối phát triển kinh tế bền vững, hợp lý, được lòng dân, một hệ thống pháp luật đầy đủ, hiệu lực, bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, hiệu quả. Chỉ có như vậy mới kết hợp được trách nhiệm dân chủ của chính quyền và sự tham gia dân chủ của người dân.
Trong sử dụng quyền lực thông minh, sự cưỡng chế cũng là một công cụ được tính đến để tạo ra một hậu phương vững chắc cho việc thực thi quyền lực mềm. Mặc dù sự cưỡng chế không phải là một ưu tiên trong nền dân chủ, nhưng nó là cần thiết để duy trì trật tự xã hội và giữ ổn định các giá trị cơ bản, bao quát, được cả xã hội thừa nhận.
Một vấn đề khác là trong nền dân chủ phải nói đến quyền lực cứng và quyền lực mềm của các nhóm và các cá nhân. Thực tế cho thấy các cá nhân có rất nhiều nguồn lực và khả năng, mà những nguồn lực và khả năng đó tạo ra được cả quyền lực cứng và quyền lực mềm. Chính việc khẳng định được quyền lực cứng và quyền lực mềm của các cá nhân và nhóm sẽ có tác dụng nâng cao chất lượng dân chủ. Sự độc lập về kinh tế, trình độ dân trí ngày càng cao, uy tín của các cá nhân trong cộng đồng... là những yếu tố tạo ra sự ảnh hưởng lớn trong xã hội, có thể trở thành tiếng nói gây áp lực cho những người cầm quyền trong nhiều lĩnh vực, góp phần đảm bảo dân chủ sẽ được thực thi. Đó là nguyên nhân các tổ chức xã hội công dân xuất hiện ngày càng nhiều trong các nền dân chủ.
Một xã hội dân chủ lành mạnh dựa trên sự tham gia liên tục, công khai của số đông công dân. Các công dân có thể lựa chọn tham gia hoặc không tham gia vào các hoạt động chính trị. Nhưng nếu không có sự tham gia tích cực của công dân thì sẽ không có được nền dân chủ đích thực. Nền dân chủ không đòi hỏi con người phải có một đạo đức toàn diện, nó chỉ đòi hỏi con người có trách nhiệm. Các công dân của nền dân chủ được tận hưởng quyền tự do cá nhân, nhưng họ cũng phải chia sẻ trách nhiệm xã hội, xây dựng một hệ giá trị cơ bản, tìm hiểu và học hỏi các vấn đề nảy sinh, biết dung hòa những quan điểm trái ngược, và biết thỏa hiệp khi cần thiết để đạt được thỏa thuận. Đó là những yêu cầu và kỹ năng, thể hiện quyền lực mềm không chỉ của các nhà lãnh đạo mà còn của người dân trong một nền dân chủ.
Trong xã hội dân chủ có sự tương tác giữa quyền lực thông minh của lãnh đạo dân chủ và người dân. Dân chủ không đi liền với cưỡng bức mà đi liền với tính tự giác, tự nguyện; và tính tự giác, tự nguyện là cái có thể tạo ra được, có nghĩa là dân chủ là cái có thể được cải thiện để đạt tới chất lượng và trình độ cao hơn thông qua sự tương tác. Cả chính quyền và người dân đều có thể sử dụng quyền lực cứng và quyền lực mềm để giúp nhau phát triển tốt hơn và hoạt động có hiệu quả hơn. Vì dân chủ được đặt trên cơ sở tính tự nguyện, tự giác nên cả hai bên đều phải học cách lắng nghe và thoả hiệp trong nhiều vấn đề để đạt được lợi ích tối đa cho cộng đồng.
Những người cầm quyền có thể tác động đến hệ giá trị của người dân bằng cách tác động đến nhận thức của người dân trong các lĩnh vực hay vấn đề cụ thể. Trong thế giới hiện đại, nơi mà tư tưởng và thực tiễn dân chủ ngày càng chiếm nhiều không gian, việc hướng cho người dân theo các giá trị và mục tiêu của những người lãnh đạo chính trị lại là một vấn đề quan trọng. Tính tự nguyện càng cao thì lãnh đạo càng hiệu quả và càng cần ít sự cưỡng ép. Đây chính là ngọn nguồn của quyền lực mềm theo tư tưởng của Lão Tử: lãnh đạo mà như không lãnh đạo.
A. Gramsci cho rằng, mọi giai cấp khi nắm giữ nhà nước (và vai trò lãnh đạo) đều phải xây dựng được tính tiền phong của hệ giá trị của mình, để hệ giá trị này thẩm thấu và được coi là giá trị tốt mặc định trong xã hội đó. Giai cấp cầm quyền hoàn toàn có ưu thế trong việc sử dụng vị trí tiền phong của mình hay quảng bá hệ tư tưởngcủa giai cấp cầm quyền, làm cho nó ăn sâu vào quần chúng. Từ nhận thức rằng các giá trị đó là tốt, các giá trị đó sẽ dần dần và tự động được hấp thụ và lan toả trong xã hội. Người lãnh đạo có thể thực hiện ý đồ của mình bằng việc tác động vào hệ giá trị của từng nhóm thông qua tác động vào các cá nhân tinh hoa của nhóm, hướng nhóm hay cộng đồng đó vào những mục tiêu chính trị đã được xác lập.
Mặt khác, cũng chính trong quá trình này, người dân sẽ tạo áp lực để các cơ quan nhà nước và các quan chức củng cố quyền lực cứng, cụ thể là phải thiết lập, phải tôn trọng và thực thi nghiêm quy định pháp luật do chính họ đưa ra, phải chứng minh được hiệu quả và ảnh hưởng của những chính sách hay mục tiêu chính trị đó. Củng cố hiệu quả quyền lực cứng này sẽ tạo ra quyền lực mềm đối với toàn xã hội, và củng cố được quyền lực mềm sẽ tạo ra được cả quyền lực cứng và quyền lực mềm. Đó là quan hệ hai chiều. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng nền dân chủ chỉ giới hạn quyền lực của chính quyền chứ không làm cho chính quyền yếu đi.
Việc kết hợp được quyền lực cứng và quyền lực mềm trong đối nội là cái gốc tạo ra các nguồn lực, giá trị, cơ sở cho quyền lực cứng và mềm trong quan hệ đối ngoại. Chỉ có thực sự tôn trọng các quyền con người, nhất là quyền của cá nhân, của thiểu số, tạo cơ hội cho tranh luận lành mạnh, các cơ quan nhà nước và quan chức nhà nước phải gương mẫu trước tiên trong tuân thủ pháp luật... thì từng bước chúng ta mới củng cố được quyền lực cứng và quyền lực mềm của mình, cả trong đối nội lẫn đối ngoại.
Quyền lực cứng, quyền lực mềm hay quyền lực thông minh là những điều được vận dụng hàng ngày trong đời sống, dù có đặt tên cho nó hay không. Điều quan trọng là nhận thức được trong hoàn cảnh và thời điểm nào sử dụng quyền lực loại nào là hợp lý. Và còn quan trọng hơn nữa là nhận thức đúng ý nghĩa của từng loại quyền lực, quan tâm củng cố các loại quyền lực một cách hợp lý, tạo ra được sức mạnh tối đa của một quốc gia. Các loại quyền lực này đều tồn tại trong nền dân chủ, và việc nhận thức và kiểm soát được các quyền lực này sẽ làm cho dân chủ đạt tới một chất lượng cao hơn./.
ThS. Bùi Việt Hương
Viện Chính trị học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
Theo: lyluanchinhtri.vn
Từ khóa » Trình Bày Khái Niệm Quyền Lực Xã Hội
-
Quyền Lực Xã Hội – Wikipedia Tiếng Việt
-
Quyền Lực – Wikipedia Tiếng Việt
-
Quyền Lực Là Gì ? Tìm Hiểu Về Quyền Lực Xã Hội - Luật Minh Khuê
-
Quyền Lực Là Gì? Quyền Lực Xã Hội Và Quyền Lực Nhà Nước?
-
(PDF) Bàn Về Khái Niệm Quyền Lực - ResearchGate
-
Luận Giải Của R.A.Dahl Về "quyền Lực" Và Sự Phân Bố Quyền Lực ...
-
[PDF] Và Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa
-
Về Khái Niệm Quyền Lực Trong điều Kiện Hiện đại
-
[PDF] 1 Chuyên đề 1 NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT ...
-
[PDF] Quyền Lực Chính Trị Là Một Dạng Quyền Lực Trong Xã Hội Có Giai Cấp ...
-
[PDF] “Quyền Lực Nhà Nước Là Thống Nhất, Có Sự Phân Công, Phối Hợp ...
-
Quyền Lực Chính Trị Và Vấn đề Thực Hiện Quyền Lực Chính Trị Trong Thời ...
-
Trình Bày Khái Niệm Quyền Lực, Nguồn Gốc Của Quyền Lực Và Các ...
-
[DOC] Nhân Dân Thực Hiện Quyền Lực Nhà Nước Bằng Dân Chủ Trực Tiếp ...