Quyền Lực Xã Hội – Wikipedia Tiếng Việt

Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. Mời bạn giúp hoàn thiện bài viết này bằng cách bổ sung chú thích tới các nguồn đáng tin cậy. Các nội dung không có nguồn có thể bị nghi ngờ và xóa bỏ. (Tìm hiểu cách thức và thời điểm xóa thông báo này)

Quyền lực xã hội là một dạng quan hệ xã hội theo chiều dọc biểu hiện ở khả năng một cá nhân hoặc nhóm điều khiển hành vi, thái độ, quan điểm của cá nhân khác, nhóm khác. Chủ thể và khách thể thực hiện quyền lực xã hội có thể là một cá nhân, một nhóm xã hội hay một cộng đồng, một xã hội. Thực chất, quyền lực chính là việc giới hạn đồng thời mở rộng mức độ tự do của các chủ thể và khách thể thực hiện quyền lực.

Khái niệm

[sửa | sửa mã nguồn]

Một trong các lý do để tổ chức tồn tại và phát triển là sự phân chia quyền lực. Nhưng quyền lực còn tồn tại tất cả trong các nhóm xã hội kể cả giai cấp, gia đình, thân tộc, bạn bè, v.v... Khi chúng ta tham gia vào quan hệ quyền lực lập tức chúng ta sẽ bị hạn chế mức độ tự do hành động so với mức tự do hành động trước đó, mặt khác đồng thời chúng ta cũng sẽ được mở rộng thêm những mức tự do mới mà trước đó chúng ta chưa hề có. Ví dụ, một người lao động tự do chỉ phải tuân theo những quy định của pháp luật. Nhưng khi anh ta vào làm việc tại một công ty nào đó thì anh ta một mặt không được tự do như khi làm việc mà phải tuân theo những quy định của công ty về giờ làm việc, về tốc độ, về chất lượng, v.v...; nhưng mặt khác, anh ta cũng có thể được tham gia vào những điều mà trước đó anh ta không được phép làm, có được những thông tin mà trước đó anh ta không hề có. Tất nhiên, những cái bị giới hạn và những cái được mở rộng không phải như nhau. Do đó, việc so sánh giữa cái "được" và cái "mất" khi tham gia vào các quan hệ quyền lực sẽ giúp cho các quyết định có tham gia vào nó hay không.

Thông thường, mức tự do hành động của chủ thể quyền lực rộng hơn khách thể quyền lực. Do vậy, nhìn từ góc độ chủ thể đến khách thể quyền lực thì quyền lực là sự lãnh đạo, phục tùng; là cái "được" của chủ thể quyền lực nhiều hơn cái "mất". Chình vì lẽ đó, việc trở thành một chủ thể quyền lực là một ham muốn phổ biến trong xã hội. Hơn thế nữa, quyền lực đã trở thành một giá trị xã hội.

Max Weber (1864-1920) là một trong những người có công lớn đóng góp trong việc nghiên cứu quyền lực xã hội đưa ra định nghĩa về quyền lực (power) là "khả năng mà một kẻ hành động trong mối quan hệ xã hội sẽ có một vị trí để thực hiện ý chí mong muốn của mình bất chấp sự chống đối". Định nghĩa này đề cập đến mối liên hệ giữa hai nhóm hoặc các phái trong một nhóm thực hiện quyền lực với một nhóm khác. Quyền lực này có thể dựa trên việc sử dụng cưỡng bức (force) hay là uy quyền (authority) như người cha với con mình.

Việc xem xét quyền lực phải được đặt trong bối cảnh toàn xã hội nói chung, chứ không thể đặt trong mối quan hệ giữa hai bên cá nhân, nhóm như Max Weber, Talcott Parsons (1902-1979) định nghĩa quyền lực là "năng lực của một xã hội động viên những nguồn lực của nó để đạt được mục đích" và là "năng lực tạo ra những quyết định, những sự ngăn chặn mà mọi người phải tuân theo". Như vậy, theo Parsons, thì quyền lực là các nguồn lực (tiền bạc), đồng thời cũng là năng lực của xã hội trong việc thông qua luật pháp để giữ gìn an ninh, quốc phòng chống lại kẻ thù.

Tóm lại, quyền lực là khả năng áp đặt ý chí của một các nhân với cá nhân khác tác động đến khả năng động viên các nguồn lực để đạt được một mục đích của các nhân áp đặt ý chí đó.

Nguồn gốc của quyền lực xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Những yếu tố tạo tạo ra quan hệ quyền lực xã hội?, khi các cá nhân hoàn toàn xa lạ lần đầu tương tác với nhau thì quan hệ đó chưa có quan hệ quyền lực. Khi quan hệ xã hội giữa các cá nhân này xác lập thì quan hệ quyền lực mới xuất hiện. Theo quan điểm của Karl Marx (1818-1883) thì nguồn gốc của sự bất bình đẳng xã hội chính là việc sở hữu hay không sở hữu tư liệu sản xuất. Chế độ sở hữu tư nhân là nguồn gốc tạo ra sự phân chia quyền lực trong xã hội, mà ở đó người chiếm hữu tư liệu sản xuất là người có quyền lực điều chỉnh hành vi và cơ hội của người không có tư liệu sản xuất. Max Weber cho rằng quyền lực không chỉ có nguồn gốc là kinh tế mà còn có từ nhiều yếu tố phi kinh tế khác nữa (gia đình, học vấn, tôn giáo, uy tín,...). Trong các dạng quyền lực xã hội, quyền lực quan trọng nhất là quyền lực chính trị. Quyền lực chính trị thường được các cơ quan của chính phủ thực hiện.

Talcott Parsons, thì cho rằng nguồn gốc của quyền lực nằm ở vị thế của một cấu trúc xã hội. Cấu trúc này hoạt động hài hòa, ổn định; nó quy định cho mỗi vị thế xã hội một quyền hạn tương ứng. Để thực hiện quyền hạn này, nó đặt ra cho vị thế đó một mô hình hành vi được phép, đáng được mong đợi; nghĩa là khi chúng ta thực hiện các vai trò được xã hội trao cho, thì chúng ta cũng thực hiện quyền lực mà chúng ta được ủy nhiệm. Như vậy xã hội đã tạo cho các vai trò này một sự hợp pháp, hay một sự chính đáng; tức là, nếu chúng ta có sự chính đáng, có sự hợp pháp, thì chúng ta có quyền lực. Quyền lực của các vai trò xã hội không giống nhau, nhưng chúng phối hợp với nhau để tạo ra một cơ cấu thống nhất và hài hòa.

Hình thức của quyền lực xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Cưỡng bức (force);
  • Uy quyền (authority);
  • Quyền lực tuyệt đối;
  • Quyền lực quân chủ;
  • Quyền lực thiểu số;
  • Quyền lực dân chủ.

Xem thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Tổ chức xã hội
  • Bộ máy quan liêu
  • Quyền lực mềm
  • Quyền lực thông minh
  • Trật tự xã hội

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Macionis, Jonh J., Xã hội học (1987), Nhà xuất bản Thống kê - Hà Nội.
  • Schaefer, Richard T., Xã hội học (2007), Nhà xuất bản Thống kê - Hà Nội.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ khóa » Trình Bày Khái Niệm Quyền Lực Xã Hội