Quyền Sở Hữu Tài Sản Là Gì? - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Quyền sở hữu là gì?
  • Tài sản là gì?
  • Quyền sở hữu tài sản là gì?
  • Ví dụ về quyền sở hữu tài sản?
  • Quyền sở hữu tài sản bao gồm những quyền nào?

Quyền sở hữu tài sản là một trong những quyền cơ bản của công dân. Đây là vấn đề cơ bản của pháp luật dân sự, là tiền đề của các quan hệ pháp luật dân sự về tài sản ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bộ luật dân sự của Việt Nam coi đây là chế định cơ bản cần tập trung quy định, làm cơ sở quan trọng cho việc quy định các chế định khác như hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế,… 

Nhằm giúp quý độc giả có thể hiểu hơn về vấn đề này, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả những thông tin  dưới bài viết sau về quyền sở hữu tài sản là gì?

Quyền sở hữu là gì?

Quyền sở hữu là quyền trong đó bao gồm ba quyền năng cơ bản là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Thuật ngữ “Quyền sở hữu” xuất hiện cũng với sự ra đời của Nhà nước La mã cổ đại cùng với hệ thống pháp Luật La mã- Đây là hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nhất của Nhà nước chiếm hữu nô lệ được xây dựng cách đây khoảng hơn 2000 năm (449 TCN), áp dụng cho thành Roma và sau đó là cả Đế quốc La mã; đây cũng là nguồn luật quan trọng của phần lớn các quốc gia Châu Âu. Mặc dù vậy, các luật gia La mã không đưa ra khái niệm về “quyền sở hữu” mà chỉ có sự phân loại vật để chỉ rõ đối tượng của quyền sở hữu, phương thức dịch chuyển quyền sở hữu đối với những đối tượng quan trọng của quyền sở hữu và nội dung của quyền sở hữu mà thôi.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng chưa có khái niệm tường minh “quyền sở hữu là gì” mà chỉ có sự phân định các tài sản là đối tượng quyền, phương thức dịch chuyển và nội dung quyền sở hữu. Do đó, có thể hiểu khái niệm “Quyền sở hữu” như sau:

Th nhất: Trong khoa học pháp lý

Quyền sở hữu được hiểu là một phạm trù pháp lý phản ánh các quan hệ sở hữu trong một chế độ sở hữu nhất định, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật về sở hữu nhằm điều chỉnh các quan hệ sở hữu trong đời sống xã hội. Các quy phạm pháp luật về sở hữu là cơ sở để xác nhận, quy định và bảo vệ các quyền lợi của chủ sở hữu trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản.

Thứ hai: Trên phương diện là một chế định của pháp luật dân sự

Một bộ phận thuộc thượng tầng kiến trúc, quyền sở hữu chỉ xuất hiện khi xã hội đã có sự phân chia giai cấp và có Nhà nước. Pháp luật về sở hữu chính là sản phẩm của xã hội có giai cấp nhằm bảo vệ lợi ích trước hết là của giai cấp thống trị, giai cấp nắm quyền lãnh đạo trong xã hội. Pháp luật về sở hữu dù được ghi nhận và quy định dưới bất kỳ góc độ nào cũng luôn mang tính giai cấp và phản ánh những phương thức chiếm giữ của cải vật chất trong xã hội. Vì vậy, pháp luật về sở hữu bao giờ cũng nhằm mục đích:

– Xác nhận và bảo vệ bằng pháp luật việc chiếm giữ những tư liệu sản xuất chủ yếu của giai cấp thống trị.

– Bảo vệ những quan hệ sở hữu phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị.

Tạo Điều kiện pháp lý cần thiết bảo đảm cho giai cấp thống trị khai thác được nhiều nhất những tư liệu sản xuất đang chiếm hữu để phục vụ cho sự thống trị; đồng thời xác định mức độ xử sự và các ranh giới hạn chế cho các chủ sở hữu trong phạm vi các quyền năng: chiếm hữu, sử dụng, định đoạt.

Với cách hiểu này, khái niệm quyền sở hữu có thể hiểu theo hai nghĩa sau:

– Theo nghĩa khách quan (còn được gọi là nghĩa rộng), quyền sở hữu là luật pháp về sở hữu trong một hệ thống pháp luật nhất định. Do đó, quyền sở hữu là tổng hợp một hệ thống các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng, những của cải vật chất trong đời sống xã hội.

– Theo nghĩa chủ quan (còn được gọi là nghĩa hẹp), quyền sở hữu là mức độ xử sự mà pháp luật cho phép một chủ thể được thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt trong những điều kiện nhất định.Với cách hiểu này thì quyền sở hữu chính là những quyền năng dân sự chủ quan của từng loại chủ sở hữu nhất định đối với một tài sản cụ thể, được quy định trong các quy phạm pháp luật về sở hữu cụ thể.

Thứ ba: Trên phương diện khoa học luật dân sự, quyền sở hữu

Được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự – quan hệ pháp luật dân sự về sở hữu. Bởi, bản thân nó chính là hệ quả của sự tác động của một bộ phận pháp luật vào các quan hệ xã hội (các quan hệ sở hữu). Theo cách hiểu này, quyền sở hữu bao gồm đầy đủ ba yếu tố của quan hệ pháp luật dân sự: chủ thể, khách thể và nội dung như một quan hệ pháp luật dân sự bất kỳ.

Từ những phân tích ở trên ta thấy, khái niệm “quyền sở hữu” sử dụng trong luật dân sự được hiểu theo ba phương diện khác nhau: khoa học pháp lý, chế định luật dân sự và khoa học luật dân sự. Chỉ khi nào hiểu “quyền sở hữu” trên cả ba tư cách này thì mới có thể hiểu hết nghĩa của khái niệm “quyền sở hữu”.

Điều 158 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền sở hữu như sau: Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

Nội dung trên đã giải thích được khái niệm quyền sở hữu vậy quyền sở hữu tài sản là gì?

Tài sản là gì?

Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.

Theo Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định về tài sản như sau:

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Quyền sở hữu tài sản là gì?

Quyền sở hữu tài sản là mức độ xử sử mà pháp luật cho phép chủ thể được thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản thuộc sở hữu của chủ thể đó trong những điều kiện nhất định.

Ví dụ về quyền sở hữu tài sản?

Quyền sở hữu tài sản là gì? đã được giải thích ở nội dung trên, ở nội dung này sẽ nêu ví dụ về quyền sở hữu tài sản.

Anh A nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyển sở hữu nhà ở gắn liền với đất từ anh B, đã thực hiện thủ tục sang tên và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Như vậy:

– Anh A có quyền sở hữu đối với căn nhà trên mảnh đất đã nhận chuyển nhượng ( tài sản ở đây là bất động sản hiện có)

– Anh A có quyền sử dụng đất, bản chất ở đây là anh A có quyền sở hữu đối với quyền tài sản (hay chính là quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất). Vì đất đai là loại tài sản đặc biệt, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu trao quyền sử dụng cho người dân. Chính bởi vậy, anh A có quyền sở hữu tài sản với quyền sử dụng đất chứ không phải quyền sở hữu với đất.

Quyền sở hữu tài sản bao gồm những quyền nào?

Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì quyền sở hữu là những quyền dân sự đối với tài sản và Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 xác nhận: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”. Đây là những quyền dân sự cụ thể của chủ sở hữu, ba quyền năng trên hợp thành nội dung quyền sở hữu.

Quyền chiếm hữu bao gồm những quyền gì?

Quyền chiếm hữu bao gồm những quyền sau:

Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu

Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản

1. Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định.

2. Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

Quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự

1. Khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch.

2. Người được giao tài sản có quyền sử dụng tài sản được giao, được chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đó cho người khác nếu được chủ sở hữu đồng ý.

3. Người được giao tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

Quyền sử dụng bao gồm những quyền gì?

Quyền sử dụng

Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.

Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Quyền sử dụng của chủ sở hữu

Chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu

Người không phải là chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.

Quyền định đoạt bao gồm những quyền gì?

Quyền định đoạt

Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.

Điều kiện thực hiện quyền định đoạt

Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy định của pháp luật.

Trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.

Quyền định đoạt của chủ sở hữu

Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu

Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.

Hạn chế quyền định đoạt

1. Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định.

2. Khi tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.

Trường hợp cá nhân, pháp nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó.

Từ khóa » Ví Dụ Về Quyền Sở Hữu Của Luật Dân Sự