Rách Sụn Chêm Khớp Gối
Có thể bạn quan tâm
Khớp gối là khớp bản lề, là một khớp yếu nhất của cơ thể. Khớp gối gồm 3 khớp là khớp chày-đùi, khớp chè-đùi và khớp chày-chè. Sự vững khớp gối được bảo đảm bởi các yếu tố cân cơ, dây chằng, bao khớp… Do khớp gối là khớp lỏng lẻo nên rất hay bị chấn thương như: trật khớp, gãy xương, đứt dây chằng, tổn thương sụn… trong đó rách sụn chêm cũng là một tổn thương thường gặp.
Khớp gối chịu lực từ 4,5 - 6,2 lần trọng lượng cơ thể. Sụn chêm có cấu trúc nhỏ có tác dụng hấp thu và truyền lực đều từ lồi cầu đùi xuống mâm chày, giúp giữ vững gối, chống hư khớp.
Giải phẫu khớp gối. (Ảnh minh họa)
Về mặt tính chất cấp máu của sụn chêm chia thành 3 vùng:
- Vùng 1/3 ngoài sát bao khớp (red-red): vùng này có nguồn máu nuôi dồi dào nên rách dễ lành.
- Vùng 1/3 giữa (red-white): vùng này còn máu nuôi nhưng ít, cơ hội lành là 50 - 50.
- Vùng 1/3 trong (white-white): không có máu nuôi lên rách không lành.****
Nguyên nhân rách sụn chêm
Ở người trẻ rách sụn chêm có thể xảy ra sau một chấn thương đột ngột trong tình trạng gối gấp mà bàn chân giữ nguyên mà khớp gối bị vặn xoắn.
Ở người già sụn chêm thường bị rách do thoái hóa.
Triệu chứng lâm sàng rách sụn chêm
Với các sụn chêm rách nhỏ có cảm giác đau nhẹ và sưng khớp gối, thường kéo dài từ 2 - 3 tuần.
Với rách trung bình có thể là nguyên nhân gây đau ở khe khớp hoặc trung tâm khớp gối. Sưng xuất hiện muộn sau 2 - 3 ngày. Có thể dẫn đến cứng hoặc giới hạn vận động khớp gối khi gấp khớp gối. Bệnh nhân có thể xuất hiện đau ở bề mặt khớp gối khi ngồi xổm. Triệu chứng này kéo dài từ 1 - 2 tuần nhưng có thể trở lại nếu bệnh nhân có các động tác vặn xoắn hoặc quá tải khớp gối. Triệu chứng đau có thể kéo dài nếu không được điều trị.
Với rách lớn: miếng rách sụn chêm có thể di chuyển vào trong khe khớp, có thể là nguyên nhân gây kẹt khớp, khóa khớp làm cho bệnh nhân không thể duỗi thẳng khớp gối được. Xuất hiện sưng hoặc cứng khớp sau chấn thương từ 2 - 3 ngày.
Với những bệnh nhân lớn tuổi, sụn chêm rách có thể không biết. Bệnh nhân chỉ biết cảm giác đau khớp gối khi ngồi xổm hoặc khi gối vặn xoắn. Đau và sưng nhẹ khớp gối thường là triệu chứng duy nhất.
Chẩn đoán rách sụn chêm
Với các triệu chứng trên các bác sĩ sẽ hỏi thêm về tiền sử chấn thương và các điều trị của bạn trước đó khi khớp gối bắt đầu đau. Các nghiệm pháp các bác sĩ thường làm để chẩn đoán rách sụn chêm nguyên nhân gây đau gối là Mc Murray và Appley.
Khi có các triệu chứng trên các bác sĩ chuyên khoa sẽ cho chỉ định chụp Xquang và MRI khớp gối. Chụp X-quang có thể thấy hình ảnh hẹp khe khớp. Chụp cộng hưởng từ khớp gối ngoài giúp chẩn đoán rách sụn chêm còn giúp phát hiện các tổn thương kèm theo như dây chằng chéo trước, sụn khớp, dây chằng chéo sau, dây chằng bên.
MRI rách sụn chêm. (Ảnh minh họa)
Điều trị rách sụn chêm
Quyết định điều trị rách sụn chêm dựa vào một số yếu tố như: loại rách, vị trí rách và mức độ trầm trọng của rách. Tuổi tác và mức độ vận động của bệnh nhân cũng ảnh hưởng tới quyết định điều trị.
Điều trị bảo tồn
Áp dụng cho những loại rách nhỏ, ở vị trí 1/3 ngoài sát bao khớp máu nuôi dồi dào, bệnh nhân ít đau, gối còn vững.Điều trị chủ yếu bằng chườm đá, bất động khớp gối, hạn chế vận động, các thuốc giảm đau, chống viêm, chống phù nề.
Điều trị phẫu thuật
Có thể mổ hở hoặc nội soi. Đây là phẫu thuật ít xâm lấn nhằm mục đích giúp cho bệnh nhân phục hồi nhanh sau phẫu thuật, đảm bảo tính thẩm mỹ, điều trị triệt để.
* Khâu sụn chêm rách
Chỉ định:
- Rách dọc.
- Vùng 1/3 ngoài sát bao khớp nơi có nguồn cấp máu dồi dào.
- Rách mới trước 4 tuần.
Kỹ thuật: có thể áp dụng các kỹ thuật khâu inside-out, outside-in hoặc allinside tùy theo kinh nghiệm, kỹ năng được đào tạo của phẫu thuật viên và dụng cụ đang có.
* Cắt sụn chêm rách
Chỉ định:
- Rách cũ trên 6 tuần.
- Vị trí rách ở vùng 2/3 trong, vùng máu nuôi nghèo nàn.
Kỹ thuật:
- Cắt tiết kiệm vùng rách.
- Chừa vùng nguyên giáp bao khớp nhằm giữ vững khớp và chịu lực.
* Ghép sụn chêm
Hiện nay tại Việt Nam chưa áp dụng kỹ thuật này.
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật cắt tạo hình sụn chêm
- Ngày 1 - 2 tập gồng cơ tứ đầu đùi, tập gấp duỗi gối chủ động không đau.
- Ngày 3 - 7 tập sức cơ, gấp duỗi gối chủ động tăng dần, đi 2 nạng chịu lực tăng dần.
- Từ tuần thứ 2 - tuần thứ 5: tăng sức chịu đựng, sức cơ, tập thăng bằng.
- Từ tuần thứ 6 trở đi tập lại thể thao.
BS.CK2 Trần Văn Dương Phụ trách khoa Y học thể thao - BV Nhân dân 115
Từ khóa » Giải Phẫu Sụn Chêm Khớp Gối
-
Đặc điểm Giải Phẫu Sụn Chêm Khớp Gối | Vinmec
-
Rách Sụn Chêm đầu Gối: Khi Nào Cần Phẫu Thuật? | Vinmec
-
Giải Phẫu Và Chức Năng Của Sụn Chêm - Kiến Thức Chuyên Ngành
-
Rách Sụn Chêm đầu Gối: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách điều Trị
-
Một Số điều Cần Biết Về Nang Sụn Chêm Khớp Gối
-
Nhận Biết Và điều Trị Rách Sụn Chêm Khớp Gối
-
Rách Sụn Chêm Khớp Gối Và điều Trị
-
Tổn Thương Sụn Chêm Khớp Gối: Triệu Chứng Và Chẩn đoán
-
Rách Sụn Chêm Khớp Gối – Khi Nào Cần Phẫu Thuật?
-
Rách Sụn Chêm đầu Gối: Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách điều Trị
-
Bảo Vệ Khớp Gối: Cách Phòng Tránh Những Cuộc đại Phẫu
-
RÁCH SỤN CHÊM KHỚP GỐI? NHẬN BIẾT QUA TRIỆU CHỨNG
-
Cộng Hưởng Từ Khớp Gối | BvNTP