Rau Cần Ta: Tác Dụng Chữa Bệnh Từ Loại Rau Quen Thuộc - YouMed

Nội dung bài viết

  • Rau cần ta là gì ?
  • Tác dụng Rau cần ta
  • Bài thuốc kinh nghiệm từ Rau cần ta
  • Kết luận

Rau cần ta là loại rau được trồng nhiều ở nước ta. Rau dễ trồng và dễ dùng làm thuốc. Chúng được phân biệt với rau cần tây bởi thân chúng hình ống, rỗng bên trong. Dược liệu này có công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm đau, kháng viêm, hạ sốt, hạ huyết áp. Chúng ta cùng tìm hiểu tác dụng của rau dưới đây.

Rau cần ta là gì ?

Mô tả

Rau cần ta còn có tên gọi khác là Cần nước, hồ cần, cần ống, hương cần. Rau có tên khoa học là Oenanthe javanica (Blume), thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Chúng có các đặc điểm sau:

  • Cây thảo nhẵn, sống dai.
  • Thân mọc dài và ngập trong bùn. Thân bén rễ ở những mấu, sau đứng thẳng, rỗng, có nhiều đốt và khía đọc.
  • Lá mọc so le, chia thùy kiểu lông chim, 1-2 lần. Thuỳ hình trái xoan, hình mác hoặc hình thoi, có gốc tròn, đầu nhọn, răng không đều ở mép khía. Bẹ lá rộng, to, ôm khít vào thân. Cuống lá dài khoảng 3 – 8cm; lá gần ngọn thì không có cuống.
  • Cụm hoa mọc đối với lá thành tán kép, mỗi tán đơn lại mang 10 — 20 hoa màu trắng. Tràng hoa có cánh gập xuống.
  • Mùa hoa quả: tháng 4-6.

Rau cần ta có tính ưa nước, ưa sáng hoặc có thể chịu bóng. Cây thường được trồng ở ruộng ngập nước có nhiều bùn hoặc ở ao sau khi đã tát cạn nước bắt cá. Lớp bùn càng dày, càng màu mỡ, cây càng sinh trưởng tốt. Ẩm mát là khí hậu ưa chuộng của rau cần ta, do đó rau thường được trồng vào đầu mùa đông. Đến đầu mùa hè, cây sinh trưởng chậm lại. Nhưng phần gốc và các nhánh con vẫn tổn tại. Nếu không được thu hoạch có thể ra hoa vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu. Rau được trồng từ lâu đời ở các tỉnh phía bác, từ Nghệ An trở ra.

Rau cần ta phân biệt với rau cần tây do thân hình ống, rỗng bên trong
Rau cần ta phân biệt với rau cần tây do thân hình ống, rỗng bên trong

Bộ phận dùng:

Toàn cây, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Tác dụng Rau cần ta

Thành phần hoá học

  • Rau cần ta chứa tinh dầu, nhiều glucosid, isorhamnetin sulfat (persicarin), quercitrin, acid o — coumaric, hyperin. Ngoài ra, rau cần tây còn chứa α-tocopherol, axit gallic, axit chlorogenic.
  • Rau cần tươi chứa nhiều dinh dưỡng như carbohydrat, protein, chất béo, vi chất khoáng. Sau đó là kali, natri, canxi, magie
  • Rễ và thân có falcarinol.
  • Quả chứa 1,5% tinh dầu, trong đó có phenlandren và myristicin.

Tính chất dược lý

Rau cần ta có hoạt tính kháng viêm, hạ đường huyết, tăng miễn dịch, giảm ho
Rau cần ta có hoạt tính kháng viêm, hạ đường huyết, tăng miễn dịch, giảm ho
  • Hoạt tính chống viêm gan:

Rau cần ta chứa các hoạt chất  ức chế hiệu quả sự nhân lên của virus viêm gan B. Do đó có triển vọng tiềm năng điều trị viêm gan siêu vi B. Hoạt tính bảo vệ gan từ phenol đối với tổn thương gan cấp, xơ gan, gan nhiễm mỡ không do rượu ở chuột.

  • Hoạt tính hạ đường huyết:

Rau cần ta có tác động hạ đường huyết. Tác dụng hạ đường huyết do  thúc đấy giải phóng insulin từ các tế bào B đảo langerhans.

  • Hoạt tính chống ung thư:

Các nghiên cứu dịch tễ cho thấy khi dùng các loại rau có màu xanh, giàu chất diệp lục, vitamin C, vitamin E làm giảm nguy cơ ung thư. Rau cần ta chứa hoạt chất có tính chống độc và chống oxy hoá. Tác dụng ức chế kích hoạt chất gây ung thư.

  • Hoạt tính kháng viêm:

Thành phần isorhamnetin có tác dụng ức chế giải phóng các chất gây viêm.

  • Miễn dịch:

Flavone chiết xuất từ ra có tác động đối với miễn dịch tế bào; miễn dịch dịch thể và miễn dịch không đặc hiệu ở mô hình chuột suy giảm miễn dịch do hydrocortisone gây ra. Thông qua cơ chế thúc đẩy sự tăng sinh tế bào lympho T.

  • Tác dụng trên hoạt động tự nhiên:

Cao khô rau cần ta chiết bằng cồn 50°, rồi cô dưới áp lực giảm, có tác dụng ức chế hoạt động vận động tự nhiên ở chuột nhắt trắng.

  • Tác dụng giảm ho, chống viêm:

Chất p – pinen có tác dụng giảm ho, loãng đờm, kháng viêm và kháng nấm; ngoài ra chất myrcen có tác dụng giảm ho đàm.

  • Độc tính cấp:

Cao khô toàn cây rau cần ta có liều chết trung bình là LD50 = 375 mg/kg. Thử nghiệm tiêm phúc mạc ở chuột nhắt trắng. Rau cần ta còn chiết được chất diethylphtalat có tác dụng diệt muỗi và côn trùng. Thử nghiệm dùng đường uống ở thỏ có liều chết trung bình LD50 = 1,0 g/kg.

Công dụng

Rau cần ta được dùng làm nhiều món ăn bổ dưỡng.
Rau cần ta được dùng làm nhiều món ăn bổ dưỡng.
  • Theo y học cổ truyền, rau cần ta vị ngọt, hơi cay, tính mát.
  • Tác dụng: thanh nhiệt, lương huyết, lợi tiểu tiện, tiêu thũng, chỉ huyết, chỉ thống.
  • Quả có tác dụng chống đầy chướng hơi và buồn nôn.
  • Rau cần ta còn được dùng chữa sốt, cảm lạnh cao huyết áp. Rau chữa viêm nhiễm đường tiết niệu, đái khó, rong kinh, bạch đới.
  • Dùng ngoài, rau cần ta để tươi, giã nát, đắp. Chữa tổn thương do té ngã, áp xe, rắn cắn, bò cạp đốt.

Bài thuốc kinh nghiệm từ Rau cần ta

Rau cần ta có tác dụng hỗ trợ điều trị tiểu máu, tiểu buốt.
Rau cần ta có tác dụng hỗ trợ điều trị tiểu máu, tiểu buốt.

Đái tháo đường:

Rau cần nước 500mg, rửa sạch, vò nát, ép lấy nước, chia uống 2 lần trong ngày.

Đầy bụng, nôn mửa trẻ em:

Rau cần ta 40g, thái nhỏ, sắc uống.

Tiểu ra máu, tiểu buốt:

Dùng 100-200g rau cần ta ( cả rễ), rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống trong ngày.

Kết luận

Rau cần ta vốn dĩ là một thực phẩm quen thuộc của người dân. Rau chứa nhiều chất khoáng, vitamin nên tạo nhiều món ngon bổ dưỡng. Ngoài ra rau cần ta cũng được nghiên cứu nhiều về các tác dụng chữa bệnh. Dùng chữa các chứng tiểu máu, tiểu khó, giảm đau, cầm máu, sốt,… Tuy nhiên các thông tin và bài thuốc trên đây mang tính tham khảo. Nếu muốn dùng như là thuốc chữa bệnh, độc giả cần tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị.

Từ khóa » Hoa Cần Nước Có Tác Dụng Gì