Tác Dụng Của Rau Cần Và Những Ai Nên Hạn Chế ăn?

Mục Lục Tổng quan về rau cần Tác dụng của rau cần Ai không nên ăn rau cần Tại sao không nên ăn lá rau cần?

Tổng quan về rau cần

Rau cần hay còn gọi là rau cần ta (để phân biệt với rau cần tây) còn có tên là “rau cần nước”, “rau cần cơm”, “rau cần ống”. Tên khoa học của rau cần ta là Oenanthe javanica (Blume) DC. (Oenanthe stolonifera Wall), thuộc họ Hoa tán - Apiaceae.

Rau cần ta là loại cây thảo sống dai, nhẵn, mọc nằm hoặc mọc nổi rồi đứng lên, có rễ dạng sợi, thân rỗng, có đốt và khía dọc, dài 0,3 - 1m. Lá rau cần có hình dạng thay đổi, có cuống, nhưng các lá gốc và lá ngọn lại giống nhau, chia thùy hình lông chim 1 - 2 lần với các phiến hình mác hơi có dạng trái xoan hay hình thoi có chóp nhọn và mép nhăn nheo.

Cụm hoa của cây rau cần gồm những tán kép đối diện với lá, có 5 - 15 nhánh mang các tán con; mỗi tán còn lại chia 10 - 20 nhánh gần bằng nhau mang những hoa màu trắng. Quả hình trụ thuôn, có 5 cạnh lồi.

Cây rau cần ra hoa vào tháng 4. Rau cần ưa nhiệt độ thấp, sinh trưởng mạnh trong mùa đông - xuân. Thường được trồng ở ruộng ngập nước, có nhiều bùn hoặc ở ao sau khi đã tát cạn nước bắt cá.

Điểm đặc biệt là rau cần chia làm nhiều đốt thân. Những đốt ở đoạn giữa, khi bẻ ra thì thân rỗng bên trong. Những đốt trên ngọn thường chỉ có một lá. Cây có cuống lá dài và có bẹ ôm lấy thân.

Tác dụng của rau cần và những ai nên hạn chế ăn? - 1

Rau cần ta là một loại rau tốt cho sức khỏe

Lá rau cần ta có màu xanh đậm, xẻ nhiều thùy. Hai bên viền lá có hình răng cưa. Ngay tại điểm nách lá cây có thể mọc ra nhánh con và chúng có thể phát triển thành cây độc lập.

Phần gốc cây rau cần già hơn nên thường cứng và dai. Cây có bộ rễ chùm ăn sâu vào lớp bùn đất để tìm hút dinh dưỡng nuôi cây. Ngoài ra, rễ cây rau cần còn mọc rải rác trên những đốt thân cây.

Tác dụng của rau cần

Tác dụng của rau cần trong Đông y

Người ta sử dụng toàn bộ cây để làm thuốc. Theo Đông y, cây rau cần còn được gọi là thủy cần có vị tân cam (cay, ngọt), tính lương (mát); vào 2 kinh phế và vị. Rau cần có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy. Rau cần thường được dùng để chữa các bệnh lý như bạo nhiệt phiền khát (sốt cao, khát nước), hoàng đản (vàng da), thủy thũng (phù thũng), lâm bệnh (tiểu nhỏ giọt, đau buốt), đới hạ (khí hư, huyết trắng), loa lịch (tràng nhạc), quai bị (viêm tuyến nước bọt).

Tác dụng của rau cần còn là thanh nhiệt, lương huyết, lợi tiểu tiện, tiêu thũng, chỉ huyết, chỉ thống.

Quả có tác dụng chống đầy chướng hơi và buồn nôn.

Rau cần ta còn được dùng chữa sốt, cảm lạnh cao huyết áp. Rau chữa viêm nhiễm đường tiết niệu, đái khó, rong kinh, bạch đới.

Để dùng ngoài da, lấy rau cần tươi rửa sạch, giã nát, đắp lên vết thương. Cách làm này có thể chữa tổn thương do té ngã, áp xe, rắn cắn, bò cạp đốt.

Ngoài ra, rau cần là một loại rau quen thuộc, thường được dùng làm nhiều món ăn bổ dưỡng trong đời sống người Việt.

Thành phần hoá học trong rau cần

Rau cần chứa tinh dầu, nhiều glucosid, isorhamnetin sulfat (persicarin), quercitrin, acid o — coumaric, hyperin. Rau cần tươi chứa nhiều dinh dưỡng như carbohydrat, protein, chất béo, vi chất khoáng. Sau đó là kali, natri, canxi, magie.

Rễ và thân rau cần có chứa falcarinol.

Quả của cây rau cần chứa 1,5% tinh dầu, trong đó có phenlandren và myristicin.

Tính chất dược lý

Rau cần ta có hoạt tính kháng viêm, hạ đường huyết, tăng miễn dịch, giảm ho

Rau cần có tác dụng chống viêm gan

Rau cần được biết với các hoạt chất ức chế hiệu quả sự nhân lên của virus viêm gan B. Do đó rau cần có tiềm năng là có thể phòng chống và điều trị viêm gan siêu vi B. Hoạt tính bảo vệ gan từ phenol có trong rau cần đối với tổn thương gan cấp, xơ gan, gan nhiễm mỡ không do rượu đã được nghiên cứu ở chuột.

Tác dụng của rau cần và những ai nên hạn chế ăn? - 2

Rau cần có thể ức chế virus gây viêm gan B

Tuy nhiên vẫn còn cần nhiều thêm nghiên cứu ở người.

Rau cần có tác dụng hạ đường huyết

Rau cần có tác dụng hạ đường huyết. Tác dụng hạ đường huyết của rau cần là do sự thúc đẩy giải phóng insulin từ các tế bào B đảo langerhans.

Rau cần có thể có tác dụng chống ung thư

Nhiều nghiên cứu cho thấy ăn nhiều các loại rau có màu xanh, giàu chất diệp lục, vitamin C, vitamin E có thể làm giảm nguy cơ ung thư và tăng cường sức khỏe nói chung. Trong khi đó, rau cần chứa các hoạt chất có tính chống độc và chống oxy hoá. Những hoạt chất này có tác dụng ức chế kích hoạt chất gây ung thư.

Rau cần có tác dụng kháng viêm

Thành phần isorhamnetin trong rau cần có tác dụng ức chế giải phóng các chất gây viêm.

Rau cần có tác dụng tăng miễn dịch

Flavone chiết xuất từ rau cần có tác động đối với miễn dịch tế bào; miễn dịch dịch thể và miễn dịch không đặc hiệu ở mô hình chuột suy giảm miễn dịch do hydrocortisone gây ra. Thông qua cơ chế thúc đẩy sự tăng sinh tế bào lympho T.

Rau cần có tác dụng giảm ho

Chất p – pinen trong rau cần có tác dụng giảm ho, loãng đờm, kháng viêm và kháng nấm; ngoài ra chất myrcen có tác dụng giảm ho đàm.

Rau cần có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa

Rau cần chứa một lượng lớn chất xơ. Chất xơ có tác dụng giúp hệ tiêu hóa

Ai không nên ăn rau cần

Rau cần là một loại rau nhiều dinh dưỡng tuy nhiên có một số đối tượng không nên sử dụng rau cần.

Phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt không nên ăn rau cần vì rau cần có tính mát, có thể khiến khí huyết trong cơ thể khó lưu thông hơn. Từ đó gây nên tình trạng đau bụng kinh trở nên nặng hơn.

Người huyết áp thấp cũng không nên ăn rau cần vì rau cần có tác dụng hạ huyết áp. Ngược lại, người huyết áp cao thì nên bổ sung thêm rau cần vào chế độ ăn.

Rau cần là loại rau sinh trưởng và phát triển ở khu vực bùn nước nên có thể nhiễm trứng sán. Khi mua về cần rửa thật sạch và kỹ, nếu không dễ bị ngộ độc thực phẩm.

Tại sao không nên ăn lá rau cần?

Nhiều người thắc mắc vì sao nhiều nơi người ta bỏ lá rau cần. Đơn giản là do phần thân của rau cần giòn hơn phần lá, nếu nấu cả lá sẽ có mùi nồng hơn và nhanh nát. Tuy nhiên, phần lá rau cần cũng chứa rất nhiều vitamin, chất xơ nên bạn vẫn hoàn toàn có thể ăn cả lá cần để không lãng phí.

Nguồn tham khảo:

Cần tây & cần ta: công dụng chữa bệnh khác nhau - đăng tải trên trang Sức khỏe đời sống. Xuất bản ngày 26/6/2018.

Loại rau có thể giảm nguy cơ ung thư lên tới 45% nhưng ăn thế nào để có lợi nhất? Loại rau có thể giảm nguy cơ ung thư lên tới 45% nhưng ăn thế nào để có lợi nhất? Đây là loại rau rất quen thuộc nhưng ít ai biết đến những tác dụng to lớn của nó với sức khỏe. Bấm xem >>

Từ khóa » Hoa Cần Nước Có Tác Dụng Gì