[Review] Mảnh đất Lắm Người Nhiều Ma | Waterlily's Blog

“Đất và Người”, chuyển thể từ tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” là một trong số ít những bộ phim Việt Nam để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, mỗi lần xem lại đều hào hứng với từng cảnh quay, từng nhân vật. Bộ phim Việt khai thác bối cảnh nông thôn thời kỳ đổi mới mà cô bạn cùng phòng đại học đã chọn để mỗi bữa cơm chúng tôi cùng ngồi xem – bộ phim hiếm hoi xuất hiện trong một “rừng” những phim Hàn, phim Mỹ nổi như cồn của người chúng tôi gọi là “ánh sáng văn hóa”. Mê phim tìm đến truyện và sau khi đọc hết cuốn sách của Nguyễn Khắc Trường, một vài so sánh, những dòng suy nghĩ bất chợt xuất hiện trong đầu.

images827605_manh_dat_lam_nguoi_nhieu_ma1_230

1. Cái kết có hậu hơn của phim Phim Việt Nam vẫn thường tròn trịa, người tốt ắt sẽ gặp những điều tốt đẹp và cái kết của Đất và Người không nằm ngoài vòng tròn ấy, nó thỏa mãn một người xem như tôi vì sự trọn vẹn. Cái kết có hậu của phim thể hiện rõ ràng nhất qua hai nhân vật: anh Quềnh và bà Son. • Anh Quềnh Có lẽ ai đã xem qua bộ phim sẽ chẳng thể anh Quềnh (do diễn viên Hán Văn Tình thủ vai) – một người nông dân chân chất làm lụng quanh năm với ruộng vườn. Đây thậm chí còn là nhân vật được nhận xét là đắt nhất của phim, được ví như Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao – người nông dân bị bần cùng hóa. Tôi đã háo hức bao nhiêu khi đọc những dòng văn của Nguyễn Khắc Trường để xem anh Quềnh dưới ngòi bút của ông được khắc họa ra sao nhưng đáng tiếc đây lại là nhân vật đoản mệnh, xuất hiện và biến mất. Anh Quềnh khỏe như vâm xuất hiện ngay đầu truyện, trong cảnh đói quay quắt của làng Giếng Chùa và bị cái đói rút đến gần cạn sức lực. Anh Quềnh – người đã bị cả Giếng Chùa quay lưng vì lời đồn bị ma trên đồi Ông Bụt ám, đến trong đám ma cụ tổ họ Vũ Đình, trộm rượu trong bếp rồi uống đến say khật khưỡng. Tôi gắng đi tìm những lời Chí Phèo “chửi trời, chửi đời” nhưng không thấy, người đàn ông ấy trong truyện ít lời quá, những lời đầu tiên và cũng là cuối cùng của anh là lời tự sự trong căn lều rách nát, với người đàn bà tha hương ôm đứa con chết yểu vì đói. Sáng sớm hôm sau, tỉnh dậy sau cơn say, anh Quềnh có bao giờ nghĩ, độc giả có bao giờ đoán đó lại là những phút cuối cùng? Không ăn gì, người đàn ông sức vóc ấy lao đi làm giúp hàng xóm để rồi “chết vì ăn quá no”. Và đến khi chết người đàn ông ấy vẫn chẳng được yên, người em ruột chôn anh mình trong một manh chiếu rách, để sau khi bị tố giác lại đào mộ người đã khuất lên để tránh điều tiếng. Vảo phim, anh Quềnh từ một kẻ nát rượu bị ông Hàm lợi dụng đã có những giây phút hoàn lương trở về cuộc sống của một nông dân chân chính, đóng góp vào công cuộc đổi mới ở làng quê nghèo. Cái hoàn lương khi có một cô vợ bên cạnh, có người chăm lo mình và để mình quan tâm đã mang lại những niềm vui và sự hồi sinh cho nhân vật, để anh ríu rít hát ca cùng vợ “tình cốp là tình tình cốp”. Vẫn là một Quềnh ham uống rượu đến mức bị người mưu đồ làm hỏng cái máy xây xát nhưng không còn dễ nổi nóng và bị lợi dụng nữa. Đạo diễn đã đưa người vợ vào phim để cứu thoát Quềnh, đưa anh về trở thành một người nông dân, một người công nhân đóng góp sức lực cải cách quê hương. Nếu như Nam Cao cho Chí Phèo gặp Thị Nở rồi bị cô cự tuyệt và tìm đến cái chết để giải thoát thì bộ phim đã giải quyết trọn vẹn hơn, cho Quềnh gặp vợ và để anh được sống, hiền hậu, chân chất, không giàu nhưng lương thiện và hạnh phúc. • Bà Son Người phụ nữ Việt Nam điển hình, hết lòng vì chồng vì con, người đã hi sinh sự ngại ngần, xấu hổ và có lẽ là cả sĩ diện của một người phụ nữ để đến gặp người yêu cũ để xin rút đơn kiện về, cho chồng mình một con đường thoát khỏi tù tội. Không đoản mệnh như Quềnh nhưng người phụ nữ này cũng không được tác giả truyện chọn cho một con đường sống. Bị vợ của người yêu cũ chửi đổng vì vu oan, lại cảm thấy bị làm nhục có kẻ bịt mặt xưng danh người cũ bắt cóc rồi lột trần quần áo, bà đã tìm đến con đường tự vẫn. Người phụ nữ sắc nước hương trời mà số phận bất hạnh, đến chết vẫn không thể nhắm mắt vì oan khuất chưa tan. Trong phim, bà đã kịp ngăn mình lại để bơi qua thay vì trẫm mình xuống dòng nước lạnh. Con sông có phải là một ẩn dụ cho những ràng buộc, những kìm kẹp bà chịu đựng bao lâu nay và bơi qua đó, bà đã tìm cho mình một con đường mới, bà thực sự được sống chứ không còn như một cái bóng để người ta ép buộc và lợi dụng.

2. Romeo và Juliet của Việt Nam Đào và Tùng – hai người yêu nhau bất chấp hai dòng họ có mối thù trải qua bao đời. Những cuộc hẹn hò nơi gốc nhãn, những ám thị mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu khiến người đọc chẳng đừng liên tưởng đến mối tình Romeo và Juliet của Shakespear. Cũng là mối tình trái ngang và gặp nhiều trở ngại nhưng tư tưởng thời kỳ đổi mới, Nguyễn Khắc Trường đã cho hai nhân vật của mình sống thay vì chọn cái chết xót xa như nhà viết kịch Anh thế kỉ 17. Song tình yêu của đôi lứa vẫn bị chi phối bởi ý thức dòng họ, gia đình, khi Tùng say đắm trong tay người yêu vẫn kịp tỉnh táo nhận ra âm mưu của ông Hàm (bố Đào) để báo cho họ hàng và Đào, dù biết mười mươi hành động của bố là sai, cũng quy chụp rằng Tùng đã lợi dụng cơ hội để làm hại bố cô, làm hại dòng họ cô. Sự gay gắt của Đào với Tùng trong cả phim vào truyện chính là nút thắt tác giả hướng tới vì họ là người đại diện của thanh niên thời đại ấy và tình yêu của họ là thứ duy nhất có thể hóa giải mối thù hằn truyền kiếp giữa hai dòng họ. Có ai đã như tôi, dẫu biết mười mươi tác giả sẽ chẳng dễ dàng để đôi lứa chia lìa vẫn lo lắng khi đọc đến trang Tùng nói sẽ ra nước ngoài lao động học tập vì không được mọi người ủng hộ, ngay cả người yêu cũng không nghi ngờ, rồi chút khó chịu khi cô Đào trong phim cặp kè với một anh chàng trên phố huyện giàu chỉ để chọc tức người yêu dù anh chàng kia chẳng lấy gì làm tử tế? Thế mới biết tình yêu chẳng bao giờ là một chủ đề cũ, ngay cả trong bối cảnh viết về nông thôn thời đổi mới, người ta cũng muốn viết về một tình yêu mới – thứ tình yêu vượt lên mọi trở ngại, mọi chông gai để đến được với nhau. Gọi tình yêu của Đào và Tùng là một Romeo – Juliet của Việt Nam hẳn cũng chẳng quá lời.

3. Mảnh đất ít người nhiều ma Có nhà văn đã từng nhận xét rằng tiểu thuyết này nên được đặt tên là “Mảnh đất ít người nhiều ma” – những con ma sống thực chứ không phải là những linh hồn đã chết. Đọc tác phẩm, tôi dường như chỉ thấy những Đào, Tùng, Minh, trung tá Chỉnh hay hai nhân vật bạc mệnh – bà Son và anh Quềnh là người, còn những nhân vật khác – những cái đinh của tác phẩm đều là những con ma, bị tư tưởng họ hàng gia tộc đè nặng và dùng đủ mọi thủ đoạn, mưu mô để đạt được mục đích. Đó là ông Hàm – người đàn ông mờ mắt vì mối thù “tiền, tình” đến mức nỡ lòng quật tung cả nấm mồ người đã chết. Đó là Thủ – một bí thư xã mà vì muốn cứu anh mình đã xúi chị dâu gặp người tình cũ xin xỏ rồi đổ oan cho hai người rằng nửa đêm tằng tựu, trùm mũ giả danh là người tình cũ bắt cóc “lột trần” chị dâu mình hòng mong bà tố cáo làm ầm lên. Là Phúc – người họp các Đảng viên trong họ tại nhà để đưa ra những chiến lược để chống lại họ hàng bên Trịnh Bá. Đi cùng với hai nhân vật đình đám nhất trong hai họ Trịnh Bá – Vũ Đình, còn là những nhân vật tưởng chừng như nhỏ nhưng cũng là ma giữa cuộc đời, con ma tham nhũng trục lợi, con ma chỉ chờ cơ hội để hạ bệ lẫn nhau. Lời cảm thán của ông thống Biệu “chỉ có thể trị được ma chết, chứ không trị được ma sống” như ám ảnh trong tâm người đọc. Vậy là người thày phù thủy của cả vùng cũng đã phải chịu thua những cái xấu đang hiển hiện trước mắt, và càng đau đớn hơn khi sau khi con người ấy chết thì người ta đã lợi dụng tâm linh để phục vụ lợi ích cá nhân. Chị Bé – người đàn bà bị chủ nhà bạc bẽo đuổi khỏi nhà mang theo cái xác của đứa con gái nhỏ, người không một trốn nương thân phải trú nhờ nhà anh Quềnh, sau phụ việc cho nhà ông Hàm đã xin được lư hương của cụ thống Biệu và trở thành người cai quản tâm linh của làng. Mong muốn được sống, mong muốn được “ngồi mát ăn bát vàng”, nhà cao cửa rộng đã tiếp sức mạnh để chị “hiếp” người đàn ông mưu mô tên Hàm ngay trong đêm bà Son được chôn cất xong, để rồi chị chiếm được cái phần xác thịt của ông và bắt tay cùng Thủ, cùng Hàm trong “ma đồ bát quái” của hai cái đầu hiểm ác. Tác giả đã để ngỏ, không miêu tả cảnh chị bé nói những gì tại đám ma ông thống Biệu mà thay bằng cảnh Đào và Tùng ôm nhau “hòa làm một” trong đêm để cho người đọc tự vẽ ra những cái kết riêng, nhưng có lẽ khỏi cần nói thì ai cũng hiểu ông hướng đến một kết thúc tròn trịa: cái đôi Romeo và Juliet kia hẳn sẽ chẳng để mọi thứ yên.

4. Truyện thực tế hơn, trần trụi hơn Cảm giác của tôi là như vậy khi thấy tình cảm của Minh – bạn thân của Đào dành cho Tùng. Trong truyện, ta bắt gặp đôi Romeo – Juliet trốn gia đình gặp nhau và những “nhu cầu” rất đời thường, nói toạc ra là nhu cầu xác thịt. Tác giả tả về cái “rạo rực” của Tùng khi chạm vào da thịt Đào, cũng chẳng ngại ngần nói thẳng rằng áo sống cô chẳng còn ngay ngắn. Miêu tả một lần thôi nhưng người đọc thì ai cũng hiểu rằng cái sự “manh động” ấy hẳn đã là quen thuộc. Thậm chí đời cha chú của Tùng – đôi nam nữ yêu mà không đến được, hay không dám đến với nhau là bà Son và ông Phúc cũng đã hò hẹn nhau ra gần bờ sông, cây được dựng như thành giường để “ôm ấp” nhau. Vào phim, trước sự kiểm duyệt của các đơn vị quản lý, hay vì văn hóa của Việt Nam chưa quen với việc phim về “thời cũ” lại đưa vào những cảnh tế nhị ra trắng trợn như thế nên cái đôi Romeo – Juliet kia có gặp nhau cũng gặp ban ngày ban mặt, trốn ra một góc nói chuyện, hay có gặp buổi tối cũng đừng mong nhìn thấy “ái ân” trên màn ảnh. Vậy nên cũng không khó hiểu tại sao đạo diễn cũng không ngần ngại cắt phéng đoạn “lỡ” khi Tùng chẳng kìm được mình trước ánh mắt rạo rực của Minh để lôi cô vào bụi rậm. Ở ngay gần người yêu, chỉ đang giận hờn nhau thôi mà Tùng đã không kìm lại được và Minh – dù biết có thể gây khó xử cho hai người cũng “mê muội” trong một giây phút, dù cuối cùng đã kịp ngăn mình lại. Vậy mới nói truyện “trần trụi” hơn khi tác giả dám miêu tả sự “táo tợn” của tình yêu tuổi trẻ, nhất là khi tình yêu ấy bị ngăn cản. Câu kết thúc truyện “Em khóc” khi nói về giọt nước mắt của Minh khi chứng kiến cảnh Đào và Tùng ôm nhau, hòa làm một dù mới mấy tiếng trước anh đã “lỡ” rung động trước cô có thể khiến nhiều người day dứt. Minh từ bỏ, Minh hi sinh cho tình yêu của hai bạn nhưng liệu cô có thực sự cam lòng? Bao nhiêu nước mắt rồi sẽ phải rơi khi chứng kiến bạn bè hạnh phúc và liệu một ngày cô có nổi dậy để giành giật và bị tình yêu làm mù quáng để rồi lại bị lợi dụng? Hay sẽ lại có một Bà Son khác ở Giếng Chùa? Trần trụi hơn còn là ở đó.

5. Sạn của bản in Bản in mà mình mua có nhiều lỗi chính tả, và tần suất xuất hiện nhiều hơn khi truyện càng đi đến hồi kết. Đọc có cảm giác người soát lỗi đã ngủ gật hay quá vội vàng mà bỏ qua đoạn cuối, những lỗi này gây khó chịu lớn trong quá trình đọc.

Đánh giá: 4/5 Waterlily, 27/08/2014

Share this post

  • Tweet
  • More
  • Print
  • Email
Like Loading...

Related

Từ khóa » Phim Mảnh đất Lắm Người Nhiều Ma