[Review Sách] Tuổi 20 - Con đường Của Sự Chông Chênh Với Những ...

Tên sách: Tuổi 20 – Tôi đã sống như một bông hoa dại

“Con tập đi bằng cái tuổi hai mươi Khi mái tóc cha hơn nửa đời đã bạc Vẫn những bước bình thường ngày xưa cha dặn Mà thấy khó vô cùng giữa xã hội bon chen.”

Tuổi mười tám đôi mươi có lẽ là đẹp nhất của cuộc đời con người. Cái tuổi đầy nhiệt huyết, say mê với bao nhiêu dự định trọng đại trong tương lai… Là khoảnh khắc kỳ diệu dám liều mình làm thứ bản thân muốn, dám đứng lên vỗ ngực kể về giấc mơ, dám sống thật và trọn vẹn tuổi trẻ. Nhưng, giữa cái cuộc đời ”đa sắc đa hương” này không hề đơn giản một chút nào! Liệu rằng những mơ mộng, nhiệt huyết của tuổi hai mươi có đủ để làm vơi đi cái “bản chất nghịch lí cơ bản” của cuộc sống hay không? Tất nhiên là không thể!

Cũng vì lẽ đó, người ta mới truyền tai nhau câu nói “ Tuổi 20 đẹp như một bông hoa xương rồng, xuất hiện hiếm hoi và rực rỡ, gồng mình giữa những khắc nghiệt của cát và nắng buổi sớm mai trên sa mạc”. Khi ta 20, ta suy nghĩ nhiều hơn về cả quá khứ, tương lai và hiện tại. Ta không chỉ thấy nhớ những tháng năm tuổi thơ, mà còn lo lắng cả về chặng đường dài phía trước. Tuổi 20, bước chân chập chững một mình tiến vào đời… Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng đó là quy luật của sự trưởng thành, dù muốn hay không ai rồi cũng phải đi qua chặng đường ấy!

Chỉ sơ lược thì chúng ta không thể nào hiểu hết được con đường ấy nó đa màu đa vị như thế nào! Ngoài việc trải nghiệm thì cách hay nhất chính là nghe, nhìn và đọc! Chính vì lẽ đó, tôi - một cô gái sắp sửa chạm ngưỡng cửa đôi mươi xin gửi tới mọi người một cuốn sách mang tên “Tuổi 20 – Tôi đã sống như một bông hoa dại”.

Tác phẩm là những câu chuyện nhỏ về trải nghiệm sống, về gia đình, bạn bè và những góc nhìn rất riêng của Trang Xtd – Tác giả của cuốn sách.

Chưa bàn đến nội dung như thế nào, chỉ cần cầm trên tay người bạn tri thức này, bạn đã bị một lực hút vô hình đến từ phông bìa cuốn sách. Với một gam màu vàng trắng nhám, hiện lên 1 hình ảnh cô gái đang nhắm mắt cùng các họa tiết lạ mắt kết hợp với phông chữ trẻ trung, khiến bất cứ ai cũng phải tò mò muốn có được “em nó” trong tay.

“Tuổi 20 Tôi Đã Sống Như Một Bông Hoa Dại” với hơn 200 trang, không quá dài, cũng không quá ngắn đơn giản tái hiện lại những mảnh chuyện nhỏ, những cảm xúc và trải nghiệm thiết thực của tuổi đôi mươi, mang người đọc đến với nhiều trạng thái, suy nghĩ đặc biệt.

Trong những tháng ngày bập bênh của tuổi trẻ, nếu như tình cờ bắt gặp “Tuổi 20 - Tôi Đã Sống Như Một Bông Hoa Dại”, bạn sẽ phải yêu nó ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tại sao tuổi hai mươi lại như bông hoa dại mà không phải là một bông hồng hay thứ gì khác? Hoa dại là loài hoa tự nhiên, không tên không tuổi nhưng lại rực rỡ, tinh khôi và có sức sống mãnh liệt, nó đẹp như cô gái tuổi đôi mươi. Càng đọc, chúng ta càng “giật mình” bởi sao mà giống mình đến thế, thấy như có một “tôi” đang đứng trong những trang sách của Trang Xtd.

“Tuổi 20 - Tôi Đã Sống Như Một Bông Hoa Dại” không phải một câu chuyện li kì, gay cấn mà chỉ là lời tâm sự của một cô gái tuổi đôi mươi về gia đình và cuộc sống. Không ồn ào, không phô trương. Trang Xtd nhẹ nhàng đưa chúng ta vào trong từng sự chiêm nghiệm và diễn biến thực tế của cuộc sống, đến độ nó quá đúng, phải vỡ òa “Sao lại có thể như vậy”?

Cuốn sách không chỉ đơn giản là kể, là tái hiện lại sự đa chiều của cuộc sống mà nó còn là một bức tranh màu nhiệm về các khía cạnh khác nhau trong nhận thức, bao gồm: gia đình, tình yêu, tuổi thơ, tiêu chí của con gái và chuẩn mực trong học tập - sự nghiệp cũng như cảm nhận sâu sắc về các vấn đề xã hội dưới góc nhìn của một cô gái chập chững bước vào đời…

Đầu tiên là nhận thức toàn diện về chuẩn mực trong học tập – sự nghiệp :

Học tập là hai chữ đi dài theo chúng ta suốt đời, thế nhưng hiểu theo nghĩa của những bạn trẻ, nó được hiểu là kiến thức, là bút là những con điểm trải dài trên ghế nhà trường! Tác giả đã chỉ ra những mặt trái của áp lực vô hình trong học tập. Đó là sự cạnh tranh trên “chiến trường” về những con điểm, thành tích và cuộc chạy đua về “những ngôi trường top” trong danh từ của cha mẹ. Tác giả nói: “ Từ nhỏ chúng ta đã luôn tin sống là một cuộc đấu tranh sinh tồn. Các kỳ thi đã dạy chúng ta điều đó..” hay “Bạn tôi được 9 điểm, về nhà mẹ đánh phải được 10 cơ”; “Sau này vào đại học, tôi trót đưa chân mình vào vào ngôi trường chưa từng thích mà chỉ bố mẹ thích, tôi rơi xuống top cuối..” Tất cả những thứ mà tác giả Trang Xtd nói quá sát với cái hiện thực mà mỗi bạn trẻ đang đối mặt. Tự khi nào, con điểm và thành tích lại là tấm áo cho danh dự bạn có? Liệu bạn có đang hạnh phúc vì chạy theo những điều mang tên là “số 1”, là “top”. Nghe thật vô lý nhưng đó là thứ ta đang trải qua, rồi đến ngưỡng của 20, bạn phải thốt lên như lời tác giả nói: “Tôi không còn giải thưởng nào để làm tấm khiên che chắn cho danh dự của mình (...) Có một ngày chúng ta nhận ra những tổn thương đã đưa ta đến gần với cuộc đời này.

Học tập luôn gắn liền với sự nghiệp, “sự nghiệp” luôn song hành với “tự lập” và “thành công”! Nói nghe có vẻ dễ dàng nhưng bản chất của sự nghiệp đó là một quá trình lập thân, lập nghiệp không ngừng nghỉ. Nói đến chuyện lập thân chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có lần chùn bước, đắn đo suy nghĩ liệu rằng mình làm vậy đã tốt hay chưa? Có làm bố mẹ mình, gia đình mình hài lòng hay chưa? Và khi đó niềm tin chúng ta có thể bám víu chính là những cuốn sách kỹ năng. Những cuốn sách ấy vạch định cho chúng ta hướng đi đến thành công một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những gì mà tác giả của “Tuổi 20 - Tôi Đã Sống Như Một Bông Hoa Dại” đã chia sẽ rằng những điều chúng ta không thể thực hiện được theo những cuốn sách ấy chỉ dẫn đã khiến chúng ta tự hoài nghi về bản thân mình thậm chí là ám ảnh, hoang mang. Có phải đôi khi những người trẻ chúng ta tự hỏi rằng những điều chúng ta đang tranh đấu, vượt lên trên người khác sẽ đẩy thành công ra xa mình không? Có lẽ điều đó là đúng, chúng ta luôn xem thứ hạng, hay thành tựu của người khác là một quy chuẩn để đo đạt sự thành công. Lắm lúc lại thấy những bài báo về những câu chuyện khởi nghiệp thành công của những bạn trẻ chỉ vừa mới ngoài hai mươi, rồi điều đó lại làm chúng ta hoang mang ở cái tuổi của chính mình.

Tôi thích cái cách chị viết mặt sau trang bìa:

“Bố mẹ không hỏi con đi học vui không, chỉ hỏi điểm cao không. Bố mẹ không hỏi con đi làm vui không, chỉ hỏi lương cao không. Kết hôn không hỏi yêu nhau không, chỉ hỏi hợp tuổi không. Ly dị không hỏi sao không sống cùng nhau, chỉ hỏi định nhìn mặt cha mẹ xóm giềng thế nào. Đâu phải đến lúc đi làm bạn mới sợ thứ Hai, bạn sợ thứ Hai từ lúc đi học cơ mà. Hóa ra chúng ta vẫn là những đứa trẻ đi dưới sân trường, chỉ vì tiếng trống mà chạy đua náo loạn trong sợ hãi. Tiếng trống tuổi 25, tiếng trống tuổi 30, chưa gióng lên mà ta đã vội lao đi rồi. Người ta nói kẻ dùng trái tim là yếu đuối, thực ra chỉ kẻ mạnh mới dám dùng thôi”

Xin bạn đừng bị ám ảnh việc mình phải thành công, thành công một cách ảo tưởng và phi thực tế, đừng bị đe dọa vì một bài báo về anh X chị Y có lương nghìn đô. Chúng ta nên nghĩ rằng mình sẽ không ngừng học hỏi, nhưng với tâm thế muốn mình tốt hơn, hoàn thiện hơn chứ không phải muốn hiếu thắng, muốn vượt qua người khác, nếu không chúng ta sẽ chỉ mãi dằn vặt với bản thân tại sao không đi được tới đích...

Bạn ơi, hãy nhớ một điều rằng ước mơ là của riêng chúng ta, không ai có thể áp đặt ước mơ của họ lên mình cả. Nếu có cũng chỉ là sự ích kỷ của riêng họ, ép buộc chúng ta phải làm thế. Vậy nên đừng bao giờ vay mượn ước mơ, quy chuẩn của người khác để áp đặt lên bản thân mình. Bởi mỗi con người, “từ khi sinh ra đã không có tố nhất như nhau, không có sứ mệnh như nhau, và không có nền tảng như nhau” mà phải không?

Thứ 2 là nhận thức sâu sắc về tình yêu:

Nói đến tình yêu thì không thể có được một định nghĩa chân thực. Nói như Xuân Diệu:

“Có ai định nghĩa được tình yêu Có khó gì đâu một buổi chiều” Còn có tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi, tình yêu đồng loại, và cả những tình yêu không biết gọi tên là gì. Đâu mới thực sự là tình yêu mà ta nên chăm chút nhất?

Khi đọc “Tuổi 20 - Tôi Đã Sống Như Một Bông Hoa Dại” bạn sẽ thấy được hết tất thảy những tình yêu, dù nhỏ bé, len lỏi trong cuộc sống, dù đôi lúc chúng ta không để ý, nhưng chính đó lại là nguồn sức mạnh to lớn.

Tác giả đã nói rằng: “Người ta bắt đầu đến với mùa yêu háo hức y như được nghỉ hè. Một kì nghỉ hè cho tâm hồn sau những tất bật, lo toang cho cuộc sống” và rồi “Những kẻ ngã vào tình yêu sẽ như bị ném vào một cái hộp, đột nhiên quên hết quá khứ và tương lai”

Cuộc sống vận động, bốn mùa tuần hoàn, mùa hè bắt đầu rồi lại kết thúc. Tình yêu cũng như thế, chớm nở rồi tàn phai. Đời không như là mơ, sẽ có những chuyện vô tình xảy đến, mà chúng ta không bao giờ đoán trước được. Không gì là mãi mãi, thế nên có một ngày chúng ta sẽ già nua, chúng ta nhận ra mọi thứ đều có vòng đời, kể cả tình yêu. Dù còn hay mất nó cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mình, về những thứ ta trải qua. “Chuyện buồn rồi cũng sẽ qua, nên đừng buồn quá. Chuyện vui sẽ qua, nên đừng vui quá”. Trân trọng và hết lòng với mọi thứ hiện tại chúng ta đang có là đủ. Tình yêu và sự sống cũng vậy, đến cuối cùng rồi cũng sẽ qua đi. Mọi thứ đều có ý nghĩa riêng của nó cả.

Đôi khi “Tình yêu lại là thứ người ta nói đến nhiều nhất, nhưng hình như cũng là thứ con người ta đói khát nhất, chẳng hiểu gì về nó nhất.” Có phải chính chúng ta hoài nghi về tương lai, về cuộc sống hôn nhân sau này nên chẳng dám yêu. Từ đó cũng đâm ra sợ yêu, sợ cảm giác lìa tan, sợ sẽ tổn thương thật nhiều.

“Biết yêu là sẽ mất hết Yêu là mang máu nuôi con tim..” Nhưng đời này ngắn lắm, dại gì không tận hưởng yêu thương! Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm”.

Có thể bạn đã từng hoài nghi về tình yêu. Yêu ở đây không đơn thuần chỉ là tình yêu nam nữ, yêu còn là tình yêu gia đình, bạn bè, cuộc sống xung quanh. Khi không đón nhận được điều đó, cuộc sống xung quanh bạn bỗng trở nên “đáng ghét”, bạn sẽ rơi vào trạng thái “nhìn đời với con mắt bi quan”. Và đừng bao giờ chối bỏ sự thật là trái tim mình đang yêu và cần yêu nữa nhé!

Điều thứ ba mà tác giả gửi gắm chính là nhận thức một cách đong đầy về Gia đình và tuổi thơ:

Tình cảm gia đình - một tình yêu mà có lẽ chúng ta sẽ nhớ nhung đong đầy và ấm áp nhất! Dù bạn có đi vạn nơi trên khắp thế giới này thì cánh cửa cuối cùng dang tay đón bạn chính là tổ ấm yêu thương.

Tác phẩm “Tuổi 20 - Tôi Đã Sống Như Một Bông Hoa Dại” được viết bởi một cô gái có xuất thân từ 1 vùng quê. Có lẽ những bạn trẻ được sinh ra từ miền quê như chị sẽ hiểu hơn, đồng cảm hơn, thậm chí một nỗi nhớ về tuổi thơ sẽ ùa về như đang hiện diện trước mặt.

“Con tàu nào Qua sân ga mười lăm Em mua về Trốn về miền ký ức..”

Tuổi thơ với bao kỷ niệm đẹp đẽ khiến người ta mong muốn thời gian ấy ngưng đọng, nhưng không, như tác giả Trang Xtd đã nói “Quy luật của cuộc sống là vận động. Không thể chống lại sự thay đổi.” Bởi vậy, hãy cứ sống và cảm nhận tuổi hồng một cách trọn vẹn nhất, nó chỉ đến với bạn duy nhất một lần trong đời mà thôi!

Điều thứ tư mà tác giả gửi gắm chính là những tiêu chí của một người con gái:

Người ta rất hay quan niệm sai lầm về nữ quyền. Nữ quyền phải là một cô gái thành công và sang trọng? Còn nếu bạn là một cô gái yêu màu hồng, ghét giả dối sẽ bị cho ngay là “bánh bèo”. Nữ quyền là phụ nữ phải như đàn ông, họ biết gì thì chúng tôi cùng không được thua kém? Nhưng đâu phải tự dưng mà phụ nữ sinh ra đã là “phái yếu”. Tôi tin rằng những gì ông trời sắp đặt đều có lý do.

“Sinh ra là con gái, điều đó thuần túy mang nghĩa giới tính, không liên quan đến việc con gái thì phải thế này hay thế kia. Là một cô gái như thế nào, điều đó là ở bạn. Mỗi tính từ bạn thêm vào cho danh từ cô gái là một lần bạn lớn lên, trả giá, học hỏi, lột xác và có cả đau đớn. Nhưng dù sao cũng hãy chọn lấy, cố gắng có được những tính từ mà bạn muốn, để bạn luôn có thể miêu tả về chính mình, một cách tự nhiên và tự tại”.

Cái gì cũng có hai mặt của nó. Tất nhiên bạn có thể cố gắng để tốt hơn ngày hôm qua nhưng cứ mãi chạy theo hai chữ hoàn hảo mà người đời áp đặt, bạn có thực sự cảm thấy hạnh phúc hay không? Ở nhà ba mẹ vẫn hay bảo con gái thì mình phải đảm đang ngoan ngoãn mới tốt. Đến trường hay khi ra ngoài xã hội, bạn phải là người có thể làm được mọi việc như cánh đàn ông, về nhà lại phải trở thành một người vợ đảm đang.

“Khi đi xem cá heo làm trò, bạn gọi nó là con cá heo tuyệt vời. Để trở thành con cá heo tuyệt vời, nó phải bơi loanh quanh trong bể, biết nghe lời, biết làm mọi người vui, đầy tính giải trí, nhưng đó là điều tuyệt vời đối với bạn- người xem, chứ không phải tuyệt vời với nó! Tôi nghĩ rằng nếu bạn đi loanh quanh trong nhà, biết nghe lời, biết làm mọi người vui, đầy tính giải trí, bạn cần những tràng pháo tay của mọi người xung quanh như một sự ghi nhận, thì bạn sẽ là một cô gái tuyệt vời với phần lớn xã hội đấy, nhưng có tuyệt vời với chính bản thân mình không?”

Đến đây, bạn đã nhận ra một điều gì chưa. Phải chăng ta quá áp đặt mình vào những yêu cầu khắc nghiệt?

Điều thứ năm mà tác giả gửi đến chúng ta là những vấn đề của xã hội, cụ thể là Mạng xã hội:

Đã bao giờ bạn thấy những con người cắm cúi mặt vào chiếc điện thoại trên đường hay chưa? Đã bao giờ bạn đã buông chiếc điện thoại thông minh ra trừ khi ngủ? Không thể phủ nhận mạng xã hội sinh ra ban đầu là công cụ giúp chúng ta dễ dàng kết nối với nhau nhưng có một điều là càng kết nối dễ lại càng “Mất kết nối!”. Chúng ta mất kết nối với tự nhiên, với bạn bè, với những người xung quanh. Nhưng thiếu đi wifi, điện thoại và mạng xã hội, con người ta lại như “Con robot thụ động” không được bảo trì. Từ khi nào chúng ta đã quen với cảm giác chờ đợi cái gì đó mới mẻ trên mạng xã hội vậy?

“Khi đang lướt trên smartphone, bạn chỉ cần dùng 1 ngón tay cái. Và đã có bao nhiêu ngày, thứ duy nhất cử động là ngón tay cái của bạn? Không động não, không động tay động chân, không có gì cảm động, đó là tuổi thanh xuân bất động.”

Tắt điện thoại đi, đứng lên đi, đi tìm ý nghĩa thực sự của cuộc sống này đi. Hãy tự tạo ra triết lý cho cuộc đời mình chứ không phải những triết lý mà ngày đêm bạn đang share điên đảo trên facebook. Đừng để thanh xuân của chính bạn phải rơi vào hoàn cảnh “bất động”.

Bằng giọng văn nhẹ nhàng pha chút châm biếm, hài hước nhưng đong đầy tâm tình; giống như gặp một người bạn thân trong một chiều thu Hà Nội, Trang Xtd cùng ta ngồi tâm sự chuyện đời, chuyện người. Cuốn sách tuy giống những cuộc trò chuyện thường ngày nhưng lại mang hơi thở của văn học.

Nhiều người nghĩ tản văn chỉ là những tản mạn vu vơ, nhưng bằng cách nhìn cuộc đời và cảm nhận cuộc sống rất riêng, rất độc đáo, Trang Xtd đã đem đến cho người đọc và cả cô gái chập chững gần kề cái tuổi đôi mươi như tôi nhiều cảm xúc khác biệt. “Tuổi 20 - tôi đã sống như một bông hoa dại” pha lẫn chút gì đó chiêm nghiệm để người đọc bừng tỉnh và suy ngẫm, pha lẫn nhớ thương về tuổi thơ đã trôi qua như triền đê lộng gió, và thêm chút lãng đãng, để yêu thương hiện tại và nhớ về chút gì của quá khứ đã sớm trôi theo mây trời.

Tôi thích cách chị viết về tuổi trẻ nhiều ngây ngô, chưa trải đời nhưng dám sửa sai sau những lần vấp ngã. Tôi yêu cách nhìn đa chiều chị cảm nhận về cuộc sống dù có nhiều điều ngang trái. Chị viết: “Công việc toàn thời gian của chúng ta là làm người, các công việc khác chỉ là bán thời gian”; chị nói: “Người ta bị tổn thương đi khi không còn yêu thứ gì cả”,... chị nói cho tôi hãy biết yêu bản thân, hãy cứ ước mơ đi nhưng đừng ảo tưởng. Cuộc sống vốn dĩ có hai mặt, con người cũng như vậy, nếu chúng ta cứ chỉ quan tâm với những điều người khác nói thì đến bao giờ cho đủ. Hãy sống và tạo cho mình một trái tim đong đầy, tận hưởng và nhìn nhận cuộc sống toàn diện.

Cảm ơn Trang Xtd, “Những ngày hai mươi” cô viết cho chính mình, cho những “Khoảng trời bỏ lại”, cũng là viết cho biết bao bạn trẻ. Hi vọng tất cả chúng ta những ai đã, đang và sẽ hai mươi sẽ bước đi thật kiên cường bằng chính đôi chân và trái tim trẻ nhiệt huyết của mình. Trên chặng đường đó, “Tuổi 20 - Tôi Đã Sống Như Một Bông Hoa Dại” sẽ mãi là người bạn đồng hành không bao giờ bỏ rơi chúng ta ở lại:

“Nhiều năm sau loay hoay Gom những thứ viết, vẽ, vui chơi thành một tập Lúc đấy già lập cập Năm tháng bỗng đẹp không lời Có giấc mơ nào trọn vẹn hoặc tả tơi Cũng buông lơi Cho bằng hết Mỉm cười thay cho cái kết Là Xong”

Nguồn: Fanpage CLB sách và hành động - Trường Đại học Đông Á

Từ khóa » đau đớn Tuổi 20