Trải Lòng Khủng Hoảng Tuổi 20 - Tiền Phong

> Nguyễn Lê Tâm và bài hát “cứu người”

Khách mời và bạn trẻ giao lưu trong chương trình
Khách mời và bạn trẻ giao lưu trong chương trình .

Bạn trẻ Hà Nội đồng cảm về lời mào đầu buổi trò chuyện Tuổi 20 và khủng hoảng của tôi trích từ Nhật ký son môi của Gào. Chương trình do dự án xã hội Tea Talk tổ chức gần đây tại Hà Nội.

Câu chuyện thực tế

Cô gái mặc chiếc đầm trẻ trung giới thiệu mình tên Đỗ Hạnh Nguyên, 23 tuổi đến từ Hà Nội. Cô thuật lại quá trình khủng hoảng tuổi 20 của mình một cách bình tĩnh, trong khi ở phía dưới, nhiều khán giả nữ rơm rớm nước mắt. “Bị bạn trai bỏ rơi khi 19 tuổi.

Tôi suy sụp. Tình yêu với tôi khi đó bao chiếm cảm xúc. Thiếu vắng người yêu mỗi ngày, tôi đau đớn đến ê ẩm, bỏ nhà ra thuê phòng trọ nhỏ ở ngoài mặc bố mẹ tìm kiếm.

Tôi đã hoài phí thời gian vào những ngày trốn học đi tìm người yêu. Tôi nhận về nước mắt và sự vô vọng. Điều nghĩ lại, tôi thấy kinh khủng nhất là giấc ngủ mỗi đêm về chập chờn, mộng mị và tôi từng cắt tay nghĩ đến cái chết.

Tình trạng đó kéo dài gần 1 năm liền. May mắn hôm nay tôi vẫn ở đây để chia sẻ câu chuyện về mình - đó là nhờ chính bản thân tôi. Một ngày tôi chợt ngộ ra - tôi cần phải sống khác.

Tôi đã nỗ lực để lấy lại từng thứ một tôi đã mất đi, đó là bạn bè, học tập, gia đình…và giờ đây khi 23 tuổi, tôi tự tin mình đã vượt qua được khủng hoảng". Khán phòng vang dài tràng pháo tay khi Hạnh Nguyên kết thúc câu chuyện.

Câu chuyện thứ hai của Hương khiến nhiều bạn trẻ tham gia chương trình thấy hình ảnh của mình trong đó.

Hương 22 tuổi, tốt nghiệp cao đẳng, thất nghiệp, thất tình, cảm giác bản thân vô dụng đeo bám. "Gần trọn một năm nay, tôi chưa có giấc ngủ sâu", Hương chia sẻ.

Đối mặt thử thách

Ông Michael Ong, chuyên gia tham vấn đến từ Singapore, gọi Nguyên là cô gái dũng cảm, như nhiều cô gái khác đã vượt qua nút thắt cuộc đời, cách ông gọi lứa tuổi 20. Với khủng hoảng của Hương, ông Michael cho rằng, đây là một trong những thử thách quan trọng đầu đời, bất cứ ai cũng gặp phải.

"Sự kiên trì, tự tin và tận dụng thời gian rỗi để đọc sách, học thêm một bộ môn nghệ thuật, kỹ năng yêu thích là điều cần thiết cho cuộc sống về sau", ông khuyên.

Ông Michael chia sẻ câu chuyện của một vị khách đặc biệt, một cô gái 23 tuổi, đến từ Mỹ.

Khủng hoảng của cô gái này đơn giản: Cô khát vọng được xinh đẹp, nổi tiếng nhưng thực tại lại thấy bản thân xấu xí và thua kém bạn bè. "Khát vọng càng lớn, tự ti càng nhiều chính là nguyên nhân kéo cô rơi vào khủng hoảng", ông Michael nói.

Cuối cùng, gia đình phát hiện cô trong trạng thái nghẹt thở, suýt chết phải đi cấp cứu. Quá trình tham vấn một năm kèm những bài tập tĩnh tâm, giúp cô cân bằng cuộc sống thành công.

Từ câu chuyện khủng hoảng của bản thân, ông đúc rút: "Mỗi người nên tìm ra những điểm mạnh là giá trị của chính mình trước khi có thể làm điều gì đó. Vì khi biết mình có giá trị như thế nào bạn sẽ coi khó khăn là thử thách để vượt qua".

Câu chuyện khủng hoảng của ông Michael đeo bám ông đến độ tuổi 30. Đó là giai đoạn ông mới đưa gia đình sang Việt Nam làm tình nguyện.

Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, lối sống đã làm gia đình nhỏ của ông thường xuyên căng thẳng, xung đột. Ông chia sẻ: “Cũng có lúc tôi ngồi một góc chỉ để khóc và sắp xếp lại mọi thứ”.

Hai khách mời của buổi trò chuyện là 2 chàng giám đốc trẻ. Nguyễn Thành Long, 25 tuổi, Giám đốc Cty Kết nối trẻ, chia sẻ, từng rạch tay bằng bất cứ vật sắc nhọn nào vì đang ở đỉnh cao của sự khởi đầu lại bị cho xuống vực.

Theo cách nói của Long, một ngày mở mắt bị đập bộp tờ thông báo nghỉ việc, hết tiền, nhiều người hiểu nhầm trong mối quan hệ làm ăn. "Đó thực sự là giai đoạn bóng tối, tôi sẽ chìm nếu không có một bàn tay chìa ra nâng đỡ", Long nói.

Hoàng Đức Minh, Giám đốc dự án Tôi ghét nylon, nói rằng, mình là người sống nội tâm, có nhiều suy nghĩ không thể nói ra.

Theo Đức Minh, việc người nội tâm có những tâm sự, suy nghĩ khó trải lòng với bạn bè, người thân lại chính là nguyên nhân dẫn đến stress, khủng hoảng.

Nhiều bạn trẻ chia sẻ những ấm ức được cho là nguyên nhân khiến họ khủng hoảng nhất, đó là mâu thuẫn bản thân, mâu thuẫn với cha mẹ. Biết cha mẹ khuyên không sai nhưng rất khó để làm theo vì đó là điều lứa tuổi không thích. Hay bản thân rơi vào vòng luẩn quẩn giữa đam mê và hiện thực.

Tuổi 20 cần “vắc-xin" ý chí

Lắng nghe các chia sẻ từ người trẻ, ông Michael nói: “Khủng hoảng ở rất gần trong cuộc sống và có thể tấn công bất cứ ai, từ những việc rất nhỏ. Áp lực cuộc sống giúp con người trưởng thành hơn nhưng cũng dễ dàng khiến chúng ta ngã quỵ".

Trả lời câu hỏi đối mặt thế nào với mỗi cú sốc của lứa tuổi, ông nói: “Tuổi 20 hay 30, 40 đều có những khó khăn của từng giai đoạn. Điều quan trọng của lứa tuổi 20 là bạn bắt đầu đứng một mình chống chọi với mọi vấn đề trong cuộc sống. Niềm tin, ý chí là những liều vắc-xin cần thiết bạn cần có cho những khó khăn về sau".

Hoàng Đức Minh chia sẻ bí quyết vượt qua những giai đoạn mâu thuẫn giữa hiện tại và suy nghĩ: Vạch những thứ đó ra giấy, so sánh với khả năng của bản thân để giải quyết từng việc một; những việc quá sức mình thì cậy nhờ những người có kinh nghiệm hơn.

Nguyễn Hà Theo Báo giấy

Từ khóa » đau đớn Tuổi 20