Rong Kinh Rong Huyết: Chẩn đoán Nguyên Nhân Và điều Trị - YouMed

Nội dung bài viết

  • Rong kinh rong huyết là gì?
  • Bác sĩ có thể sẽ cần những thông tin gì?
  • Chẩn đoán nguyên nhân
  • Rong kinh rong huyết được điều trị như thế nào?

Rong kinh rong huyết là một tình trạng chảy máu kinh nguyệt bất thường rất hay gặp. Bệnh gì gây ra triệu chứng này? Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm gì để chẩn đoán và điều trị? Nếu bạn hay người thân chẳng may gặp phải tình trạng này, đây là bài viết dành cho bạn. Cùng tìm hiểu về các xét nghiệm chẩn đoán và phương pháp điều trị rong kinh rong huyết cùng YouMed nhé.

Rong kinh rong huyết là gì?

Rong kinh hay rong huyết là tình trạng chảy máu âm đạo rất thường gặp. Có khoảng 1/3 phụ nữ cần điều trị vì lý do này.

Để dễ dàng phân biệt các triệu chứng, Liên đoàn Sản phụ khoa Quốc tế đã quy định một vài thuật ngữ như sau:

  • Chảy máu kinh nặng: là chảy máu kinh quá mức, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của phụ nữ. Bao gồm rong kinh và cường kinh.
  • Rong kinh: là chảy máu kinh kéo dài về số ngày.
  • Cường kinh: là số lượng máu kinh nhiều.
  • Rong huyết: là chảy máu âm đạo bất thường kéo dài không liên quan đến chu kỳ.

Liệu bạn đã biết cách theo dõi kinh nguyệt của mình? Theo dõi ngay bài viết: Cách tính chu kỳ kinh nguyệt dễ dàng cho các bạn gái.

Lượng máu mỗi chu kỳ kinh nguyệt báo hiệu nhiều điều về sức khỏe của bạn
Lượng máu mỗi chu kỳ kinh nguyệt báo hiệu nhiều điều về sức khỏe của bạn

Có nhiều nguyên nhân gây rong kinh rong huyết, chẳng hạn như:

Bệnh lý tại cơ quan sinh sản

  • Mất cân bằng hóc-môn. Những tình trạng có thể gây mất cân bằng hóc-môn bao gồm: hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn chức năng buồng trứng, béo phì, đề kháng insulin như bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp.
  • U xơ cơ tử cung và polyp tử cung. Những loại u lành tính của tử cung có thể gây rong kinh hay cường kinh.
  • Bệnh tuyến cơ tử cung – Adenomyosis. Thường gây chảy máu tử cung bất thường, đau bụng kinh và nặng hơn là hiếm muộn – vô sinh.
  • Các bệnh lý ác tính. Ung thư cổ tử cung hay ung thư nội mạc tử cung có thể gây rong kinh, cường kinh hay rong huyết.

Liên quan đến tránh thai hay thai kỳ

  • Dụng cụ tránh thai. Vòng tránh thai chứa đồng có thể gây rong kinh. Triệu chứng này thường sẽ ổn sau vài chu kỳ. Nếu kéo dài hơn, hãy trao đổi với bác sĩ.
  • Thuốc tránh thai khẩn cấp. Sau khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể có chảy máu âm đạo bất thường. Đây có thể là tác dụng phụ của thuốc nhưng cũng có thể là báo hiệu sớm của thai kỳ. Do đó, để chắc chắn rằng mình có mang thai hay không và triệu chứng này liệu có nguy hiểm, hãy đến gặp bác sĩ.
  • Biến cố liên quan đến thai kỳ. Bất kỳ chảy máu nào trong thai kỳ đều cần được thăm khám bởi bác sĩ.

Nguyên nhân khác

  • Bệnh lý đông cầm máu.
  • Do thuốc. Những thuốc như kháng viêm, thuốc nội tiết, thuốc chống đông máu khi điều trị bệnh lý tim mạch.
  • Các bệnh lý khác. Những bệnh xơ gan, suy gan hay suy chức năng thận có thể gây ảnh hưởng toàn thân, trong đó có chu kỳ kinh nguyệt.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh

Bác sĩ có thể sẽ cần những thông tin gì?

Nếu đến khám vì rong kinh rong huyết, bác sĩ thường sẽ hỏi bạn những câu sau:

  • Chu kỳ kinh nguyệt gần nhất của bạn là ngày nào và kéo dài bao lâu?
  • Bạn có kinh lần đầu năm bao nhiêu tuổi?
  • Chu kỳ kinh nguyệt bình thường như thế nào? Gần đây có thay đổi gì không?
  • Bạn có cảm giác căng tức ngực hay đau bụng trong chu kỳ kinh không?
  • Trong chu kỳ, bao lâu bạn phải thay 1 băng vệ sinh hay 1 tampon?
  • Cân nặng của bạn gần đây có thay đổi gì không?
  • Bạn có còn hoạt động tình dục không?
  • Bạn sử dụng phương pháp tránh thai nào?
  • Gia đình có ai mắc các bệnh lý dễ chảy máu hay bệnh huyết học không?
  • Triệu chứng có giới hạn hay ảnh hưởng đến công việc không? Ví dụ, bạn có từng phải nghỉ học hay nghỉ làm vì những ngày hành kinh không?
  • Gần đây bạn có dùng thuốc gì không?

Nếu có thể, hãy theo dõi các triệu chứng rong kinh rong huyết và ghi lại những cảm giác bất thường mà bạn gặp phải. Khi gặp bác sĩ, hãy trao đổi với họ liệu những triệu chứng này có đáng ngại và cần được điều trị không.

Chẩn đoán nguyên nhân

Sau khi hỏi các câu liên quan về tiền sử bệnh và các triệu chứng của bạn, bác sĩ sẽ khám phụ khoa và làm xét nghiệm.

Bác sĩ có thể đề nghị một hay nhiều xét nghiệm sau đây:

  • Thử thai. Các triệu chứng chảy máu âm đạo bất thường đều có thể là dấu hiệu của một thai kỳ. Do đó, trước khi tìm nguyên nhân, bác sĩ sẽ loại trừ khả năng mang thai.
  • Xét nghiệm máu. Đánh giá tình trạng thiếu máu thiếu sắt (nếu có) do mất máu kinh quá nhiều. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn phát hiện các bệnh lý khác như bệnh lý tuyến giáp hay rối loạn đông máu.
  • Pap’s test – xét nghiệm tế bào cổ tử cung. Một que nhỏ sẽ đưa qua âm đạo để lấy các tế bào cổ tử cung. Các tế bào này sẽ được kiểm tra sự viêm nhiễm, các tổn thương ung thư hay các tổn thương có thể dẫn đến ung thư.
Xét nghiệm tế bào cổ tử cung Pap’s test
Xét nghiệm tế bào cổ tử cung Pap’s test
  • Sinh thiết nội mạc tử cung. Nội mạc tử cung là lớp tế bào lót mặt trong tử cung. Lớp tế bào này liên quan đến kinh nguyệt mỗi tháng và là nơi phôi làm tổ trong thai kỳ. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô tế bào này để tìm các bệnh viêm nhiễm hay ung thư tử cung.
  • Siêu âm. Phương tiện hình ảnh này dùng sóng siêu âm để quan sát hình dạng, những bất thường của tử cung, vòi trứng và vùng chậu.

Dựa trên những xét nghiệm ban đầu này, bác sĩ có thể đề nghị thêm các xét nghiệm cao cấp hơn để chẩn đoán nguyên nhân:

  • Siêu âm bơm nước lòng tử cung. Bác sĩ sẽ đặt một ống nhỏ qua âm đạo vào tử cung. Qua ống này, nước muối được bơm vào tử cung để làm căng giãn các lớp thành tử cung. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để quan sát các lớp thành tử cung.
  • Nội soi buồng tử cung. Bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ dài nhỏ, có camera qua âm đạo vào buồng tử cung. Qua camera này, bác sĩ có thể quan sát bên trong buồng tử cung.
Nội soi buồng tử cung
Nội soi buồng tử cung

Sau khi xác định được “thủ phạm” gây ra triệu chứng rong kinh, rong huyết, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.

Rong kinh rong huyết được điều trị như thế nào?

Điều trị rong kinh rong huyết phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Tình trạng sức khỏe chung và các tiền sử y khoa đáng chú ý.
  • Nguyên nhân và mức độ nặng của triệu chứng, những ảnh hưởng của triệu chứng đến cuộc sống và sinh hoạt.
  • Khả năng chịu đựng/dung nạp của bệnh nhân với thuốc, phẫu thuật hay các phương pháp điều trị khác.
  • Kế hoạch sinh con của bệnh nhân trong tương lai.
  • Mong muốn cá nhân của người bệnh.

Dưới đây là những phương pháp điều trị có thể được áp dụng (chỉ mang tính tham khảo).

Dùng thuốc

Những thuốc có thể được dùng để điều trị rong kinh rong huyết bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDs). Những thuốc này có thể làm giảm lượng máu kinh và giúp giảm đau bụng kinh.
  • Tranexamic acid.Thuốc có tác dụng cầm máu, giúp làm giảm lượng máu mất  và chỉ cần dùng trong lúc đang chảy máu.
  • Thuốc viên tránh thai dạng vỉ. Ngoài tác dụng tránh thai, viên tránh thai còn giúp điều hòa kinh nguyệt và giảm lượng máu kinh cũng như giảm số ngày hành kinh.
  • Thuốc nội tiết progesteron đường uống. Hóc-môn progesteron đường uống có giúp điều chỉnh sự mất cân bằng hóc-môn. Từ đó, thuốc làm giảm triệu chứng rong kinh rong huyết.
  • Dụng cụ tử cung phóng thích hóc-môn (vòng tránh thai nội tiết như vòng Liletta hay vòng Mirena). Những dụng cụ này phóng thích một hóc-môn có tác dụng tương tự progesteron. Hóc-môn làm cho lớp nội mạc tử cung mỏng hơn nên giảm lượng máu, đồng thời giảm đau bụng kinh.

Nếu tình trạng rong kinh rong huyết gây ra do thuốc, bác sĩ có thể đề nghị ngưng thuốc đang dùng hoặc đổi thuốc khác. Nếu chảy máu kinh kéo dài gây thiếu máu thiếu sắt, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc bổ sung sắt thường xuyên. Thậm chí khi chưa thiếu máu nhưng các chỉ số xét nghiệm sắt thấp, bạn cũng có thể được bổ sung sắt để phòng ngừa.

Trang bị thêm cho bản thân kiến thức về thiếu máu thiếu sắt: Y học thường thức: Thiếu máu thiếu sắt.

Bạn sẽ được kê một số loại thuốc để điều trị rong kinh rong huyết
Bạn sẽ được kê một số loại thuốc để điều trị rong kinh rong huyết

Phẫu thuật

Bệnh nhân có thể cần điều trị bằng thủ thuật hay phẫu thuật nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả. Có những phương pháp điều trị sau:

  • Nong và nạo buồng tử cung. Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ nong cổ tử cung, sau đó dùng một dụng cụ khác để nạo hay hút lớp tế bào nội mạc tử cung. Khi lớp tế bào này được nạo đi, triệu chứng chảy máu sẽ giảm ngay lập tức.
  • Phá hủy nội mạc tử cung. Phương pháp này dùng tia laser, nhiệt hay sóng cao tần để phá hủy lớp tế bào nội mạc tử cung.
  • Thuyên tắc động mạnh tử cung. Đây là phương pháp bơm thuốc làm tắc động mạch tử cung, cắt nguồn cung cấp máu cho tử cung. Phương pháp này được xem là tương đương với phẫu thuật cắt tử cung. Tuy nhiên, bệnh nhân không cần phải trải qua cuộc mổ và hồi phục nhanh hơn.
  • Phẫu thuật cắt tử cung: Đây là phương pháp điều trị triệt để rong kinh rong huyết. Nó thường được chỉ định khi các phương pháp khác thất bại và người phụ nữ không còn muốn có thêm con. Có thể cắt tử cung qua nội soi ổ bụng hay mổ hở. Phẫu thuật cắt tử cung cũng sẽ có những biến chứng như mọi cuộc phẫu thuật khác, dù tỉ lệ thấp.
  • Ngoài ra, tùy nguyên nhân gây rong kinh cường kinh hay rong huyết, các điều trị đặc hiệu khác có thể được áp dụng như bóc u xơ – cơ tử cung, cắt polyp hay cắt bỏ những phần mô bị bệnh ở cổ tử cung…
Phẫu thuật cũng sẽ được xem xét
Phẫu thuật cũng sẽ được xem xét

Rong kinh rong huyết là tình trạng thường gặp và gây nhiều trở ngại đến sinh hoạt cá nhân của phụ nữ. Tình trạng này có thể là báo hiệu của bệnh phụ khoa hay bệnh toàn thân. Ngoài ra, nếu không được điều trị, rong kinh rong huyết còn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như thiếu máu thiếu sắt hay ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Kỹ thuật hiện nay đã có thể chẩn đoán nguyên nhân và điều trị hiệu quả rong kinh rong huyết bằng nhiều phương pháp. Do đó, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy đến gặp bác sĩ sản phụ khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời nhé.

Từ khóa » Chẩn đoán Bệnh Rong Kinh