Rong Kinh, Rong Huyết: Nguyên Nhân, Chẩn đoán Và Cách điều Trị

Trungtamthuoc.com - Rong kinh rong huyết là một vấn đề trong phụ khoa mà khá nhiều người gặp phải. Nó được xem là triệu chứng có rất nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Vậy rong kinh rong huyết là gì? Có nguyên nhân từ đâu? Và điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay qua bài viết này nhé!

1 Định nghĩa rong kinh, rong huyết

Rong kinh là tình trạng người phụ nữ có chu kỳ kinh đúng như bình thường, tuy nhiên thời gian hành kinh mỗi tháng lại kéo dài hơn 7 ngày, lượng máu kinh có thể nhiều hoặc ít.

Rong huyết là hiện tượng ảnh máu chảy ra từ đường sinh dục không theo một chu kỳ nào, tình trạng này rất hay bị nhầm với kinh nguyệt không đều.

Rong kinh rong huyết
Rong kinh rong huyết

Rong kinh rong huyết được chia thành các loại sau:

  • Rong kinh, rong huyết tuổi trẻ.
  • Rong kinh, rong huyết tiền mãn kinh.
  • Cường kinh.
  • Rong kinh do chảy máu trước kinh.
  • Rong kinh do chảy máu sau kinh.

2 Nguyên nhân thường gặp

Nguyên nhân gây ra tình trạng rong kinh rong huyết có thể là do tuổi tác. Đặc biệt ở tuổi dậy thì thì do rối loạn phóng noãn, các bé gái ở độ tuổi này thường rất dễ gặp phải tình trạng rong kinh rong huyết.

Ở độ tuổi sinh sản và mãn kinh, người phụ nữ có thể gặp phải tình trạng này do một số nguyên nhân sau:

  • Liên quan đến việc mang thai: có thể là bị sảy thai, thai lưu, mang thai ngoài tử cung,...[1]
  • Phụ nữ bị mắc một số bệnh đường sinh dục như u xơ tử cung, tăng sinh nội mạc tử cung,...
  • Do sử dụng một số loại thuốc như Aspirin, Heparin, thuốc bổ sung estrogen,...
  • Do đường sinh dục bị chấn thương hoặc có dị vật bên trong.
  • Do thể trạng người bệnh có bệnh tự miễn, bệnh bạch cầu, bệnh gan thận,...
  • Tuổi dậy thì dễ gặp tình trạng rong kinh.
Tuổi dậy thì dễ gặp tình trạng rong kinh
Tuổi dậy thì dễ gặp tình trạng rong kinh

3 Chẩn đoán rong kinh, rong huyết

3.1 Lâm sàng

Khi bệnh nhân đến khám, bác sĩ cần khai thác các thông tin như: thời gian tần suất chất và lượng máu chảy, máu chảy theo chu kỳ hay không, tuổi tác người bệnh, các bệnh phụ khoa đã hoặc đang mắc phải, tình trạng sinh hoạt tình dục, có đang sử dụng thuốc điều trị bệnh hay thuốc tránh thai không?

Khi khám thực thể cần chú ý đến các dấu hiệu và triệu chứng của nhược năng giáp, bệnh gan, bệnh đông máu,...

Chẩn đoán việc xuất huyết là do rối loạn chức năng hay tổ có tổn thương trên đường sinh dục.

3.2 Cận lâm sàng

Tình trạng bệnh cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm thăm dò cho phù hợp. Một số xét nghiệm thường được chỉ định đó là:

Xét nghiệm công thức máu, chức năng đông máu,...

Với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thường sẽ được test thử thai.

Siêu âm phụ khoa đường bụng và đường âm đạo để khảo sát tử cung và 2 phần phụ.

Siêu âm phụ khoa đường âm đạo 
Siêu âm phụ khoa đường âm đạo

Xét nghiệm chỉ số nội tiết tố như estrogen, progesteron, prolactin,...

Nếu nghi ngờ có thể xét nghiệm dịch âm đạo cổ tử cung để tìm các tác nhân gây bệnh viêm nhiễm đường sinh dục.

Soi buồng tử cung.

Nạo sinh thiết niêm mạc tử cung và một số phần khác.[2]

Dựa vào kết quả khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh và đề ra phương án điều trị phù hợp với bệnh nhân.

4 Điều trị rong kinh, rong huyết

4.1 Nguyên tắc chung

Điều trị nguyên nhân (nếu có).

Cầm máu chảy ra từ niêm mạc tử cung.

Thiết lập lại chu kỳ kinh nguyệt bình thường (với người còn trong tuổi sinh đẻ).

Nâng cao thể trạng cho người bệnh.

4.2 Điều trị cụ thể

4.2.1 Rong kinh, rong huyết tuổi trẻ

Cần xác nhận và loại trừ những nguyên nhân ác tính. Đặc biệt là với các bé gái lần đầu có kinh đã bị rong kinh. Tiếp theo là điều trị cầm máu.

  • Nạo bằng hormone: tiêm progesteron hoặc cho bệnh nhân uống progestagen với liều 20mg mỗi ngày. Thông thường máu sẽ được cầm sau 4 đến 5 ngày sử dụng thuốc. Khi ngừng thuốc từ 2 đến 3 ngày máu sẽ ra trở lại và làm bong triệt để như mạc tử cung. Tao hết sẽ tương tự như máu kinh của những người bình thường.
Tiêm progesteron
Tiêm progesteron
  • Để chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo không bị rong kinh có thể cho bệnh nhân sử dụng progestin đơn thuần vào nửa sau kỳ kinh nguyệt dự kiến. Hoặc cũng có thể kết hợp estrogen với progesteron như một loại thuốc tránh thai.
  • Sử dụng thuốc kích thích phóng noãn như Clomifen.
  • Sử dụng thuốc cầm máu hoặc thuốc co hồi tử cung kết hợp nếu cần.

Nếu điều trị bằng mọi biện pháp mà không có kết quả tốt thì cần phải nạo buồng tử cung.

4.2.2 Rong kinh, rong huyết tiền mãn kinh

Cách điều trị triệu chứng tốt nhất là nạo niêm mạc tử cung bởi:

  • Cách này giúp cầm máu nhanh nhất.
  • Có thể loại trừ được các nguy cơ ác tính.
  • Xác định được rõ ràng tình trạng tăng sinh niêm mạc tử cung.

Việc nạo niêm mạc tử cung được thực hiện vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt kế tiếp.

Dùng progestin vào ngày thứ 16 của vòng kinh với liều 10mg trên ngày trong 10 ngày liên tiếp. Uống trong 3 chu kỳ kinh nguyệt.

4.2.3 Cường kinh (kinh nhiều)

Với người trẻ tuổi tử cung co bóp kém sẽ cho dùng thuốc co tử cung. Nếu tử cung phát triển kém thì dùng vòng kinh nhân tạo hoặc viên tránh thai.

Với người lớn tuổi nếu có tổn thương thực thể nhỏ không cần phẫu thuật thì có thể sử dụng progestin vài ngày trước kì kinh nguyệt.

Người trên 40 tuổi điều trị bằng thuốc không hiệu quả thì nên cắt tử cung.

4.2.4 Rong kinh do chảy máu trước kinh

Trên 35 tuổi sẽ được chỉ định nạo niêm mạc tử cung.

Một cách điều trị khác là dùng progestin hoặc uống thuốc tránh thai vào nửa sau vòng kinh.

4.2.5 Rong kinh do chảy máu sau kinh

Kiểm tra để tìm và loại trừ các nguyên nhân thực thể.

Nếu là do hoàng thể kéo dài thì dùng progestin hoặc estrogen + progestin vào ngày 20 và 25 của vòng kinh. Khi đến kỳ kinh nguyệt niêm mạc tử cung sẽ bong gọn và không có rong kinh.

Nếu do niêm mạc tử cung tái tạo chậm: dùng Ethinyl-estradiol hàm lượng 0,05mg. Liều dùng là 1-2 viên mỗi ngày trong ngày 3 đến 8 của chu kì kinh.[3]

4.2.6 Rong kinh do quá sản tuyến nang niêm mạc tử cung

Giải quyết vấn đề này đó là:

  • Nạo niêm mạc buồng tử cung.
  • Uống progestin trong 10 ngày mỗi ngày 10 mg. Bắt đầu vào ngày thứ 16 của vòng kinh và uống trong 3 tháng liên tục.
  • Phụ nữ trên 40 hoặc đã đủ con có thể cắt tử cung.
Bác sĩ tư vấn cách điều trị
Bác sĩ tư vấn cách điều trị

4.3 Điều trị hỗ trợ

Trường hợp bị thiếu máu nặng có thể truyền máu hoặc sử dụng các sản phẩm từ máu.

Tăng cường bổ sung dinh dưỡng giàu đạm và Sắt cho người bệnh.

5 Biện pháp phòng ngừa rong kinh, rong huyết

Chị em có thể chủ động phòng tránh tình trạng này bằng cách:

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày tốt nhất là nên ăn thêm các loại thực phẩm có tác dụng tốt với hệ sinh sản của người phụ nữ.

Hạn chế ăn các loại thực phẩm không dinh dưỡng, tránh xa rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.

Thực hiện thời gian sinh hoạt nghỉ ngơi khoa học.

Quan hệ tình dục an toàn và điều độ.

Thăm khám phụ khoa định kỳ kỳ 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện bệnh nếu có.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của CDC (Ngày đăng: ngày 20 tháng 12 năm 2017). Heavy Menstrual Bleeding, CDC. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: chuyên gia y tế của Cleveland Clinic (Ngày đăng: ngày 8 tháng 3 năm 2018). Menorrhagia (Heavy Menstrual Bleeding), Cleveland Clinic. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.
  3. ^ Tác giả: Matthew H. Walker, William Coffey, Judith Borger (Ngày đăng: ngày 2 tháng 9 năm 2021). Menorrhagia, NCBI. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2021.
Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây

Từ khóa » Chẩn đoán Bệnh Rong Kinh