Săn Cá Dưới đáy Sông ở Hà Tĩnh

Video: Săn cá “khủng” ở bãi đá ngầm ven chân núi Nam Giới.

Độ này, khi thủy triều lên cao, nước trong xanh, anh Nguyễn Huy Hoàng (ở thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, Lộc Hà) cùng bạn nghề là Trần Văn Thắng (thị trấn Lộc Hà) lại rủ nhau đi bắn cá. Gần 10h trưa, khi thủy triều sắp đạt đỉnh cũng là lúc họ lên đường.

Điểm đến của “thợ săn” là các chân cầu nằm ở vùng hạ lưu sông Nghèn (bara Đò Điệm, cầu Thạch Sơn, cầu Hộ Độ, cầu Cửa Sót) và dưới các lồng bè nuôi hàu, bãi nuôi hến, bãi đá ngầm… ở khu vực núi Nam Giới (giáp ranh giữa huyện Lộc Hà với huyện Thạch Hà). Đây là những vị trí cá tự nhiên loại lớn thường vào săn mồi, hoặc trú ngụ khi thủy triều lên nên rất lý tưởng để đi đánh bắt.

Săn cá dưới đáy sông ở Hà Tĩnh

Đồ nghề của những người thợ săn cá dưới đáy sông.

Dù môi trường làm việc dưới đáy sông, đáy lạch với độ sâu từ 2 – 4m nhưng dụng cụ để hành nghề “độc” và lạ này rất đơn sơ. Họ sử dụng thuyền nhỏ (công suất 15CV), mang theo 1 bình ắc quy tạo khí oxy khi lặn, 30m ống nhựa mềm cỡ nhỏ làm vòi cấp dưỡng khí, thùng xốp đựng đá lạnh bảo quản sản phẩm, 1 bộ quần áo lặn (trị giá 5 – 8 triệu đồng/bộ, gồm 1 kính lặn, 1 đôi chân vịt) và không quên 1 chiếc nỏ.

Săn cá dưới đáy sông ở Hà Tĩnh

Mỗi thợ lặn luôn mang theo nỏ gỗ dài khoảng 1m, nặng gần 1 kg (được mua trên thị trường với giá từ 3 - 7 triệu đồng) để bắn cá.

Ngoài ra, để có thể lặn xuống sâu và hạn chế tối đa bị dòng nước xô đẩy, các thợ săn còn mang theo nhiều dây chì có trọng lượng từ 2 – 4 kg dùng để đeo quanh thắt lưng khi làm việc.

Vì lặn sâu rất mất sức nên mỗi chuyến đi, anh Hoàng, anh Thắng còn mang theo mỳ tôm, nước lọc, sữa hộp và một ít đồ ăn vặt để nạp lại năng lượng những lúc lên thuyền nghỉ ngơi.

Săn cá dưới đáy sông ở Hà Tĩnh

Nỏ dùng để bắn cá.

Anh Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Bản thân làm nghề đã gần 5 năm, còn các bạn đi cùng thì tôi mới chỉ cách cho họ làm vài năm. Đây là nghề khá mới mẻ trong vùng nên cả huyện Lộc Hà chỉ có 3 người biết và cả tỉnh cũng không quá 10 người".

Săn cá dưới đáy sông ở Hà Tĩnh

Các thợ săn bắn được cá lớn ở khu vực bãi nuôi vẹm ven sông Nghèn ở khu vực xã Mai Phụ (Lộc Hà).

Cũng theo anh Hoàng, làm nghề ngày tuy không vất vả, không cần nhiều vốn nhưng phải rèn luyện để có thể nín thở dài, chịu được sức ép dưới nước, biết kiên trì chờ đợi cơ hội, biết được tập tính của từng loài...

Địa điểm săn cá chỉ thực hiện được ở những vùng nước mặn hoặc lợ, tuyệt đối không đi làm ở những vùng nước ngọt vì sức ép lớn, rủi ro nhiều, giá trị các loài cá bắn được không cao.

Săn cá dưới đáy sông ở Hà Tĩnh

Một con cá chẽm gần 3 kg được đưa lên thuyền.

Dưới cái nắng hè ỏi ả, các thợ lặn rong ruổi khắp vùng sông nước trong quãng đường gần 8 km của hạ lưu sông Nghèn và một vùng cửa biển rộng lớn. Ở bất cứ đâu, khi cảm nhận có cá ở phía dưới là Hoàng và đồng đội neo thuyền nhảy xuống.

Nếu mực nước sâu khoảng 2m trở lại thì lặn bộ (không sử dụng bình oxy, không đeo chì) trong thời gian tối đa 2,5 phút/nhịp lặn. Ở mực nước sâu hơn thì dùng bình oxy cùng chì hỗ trợ và có thể ở dưới nước khoảng 10 phút. Mỗi khu vực gầm cầu, bãi san hô, bãi bồi…, các thợ lặn sẽ tìm kiếm, đánh bắt trong khoảng thời gian 10 – 20 phút.

Săn cá dưới đáy sông ở Hà Tĩnh

3 con cá hồng đỏ có trọng lượng từ 0,7 - 1,2 kg được anh Hoàng bắn được sau 10 phút lặn dưới cầu Thạch Sơn (thuộc QL 15B nối huyện Thạch Hà với Lộc Hà).

Nhờ nước trong, dòng chảy nhẹ, triều cường đạt đỉnh lâu nên hôm nay, các thợ săn trúng lớn. Ở khu vực lặn nào cũng bắn được cá, chủ yếu là cá chẽm, cá hồng đỏ, cá nâu, cá trô... Vì mỗi khi phát hiện các đàn cá họ thường lựa chọn những con to nhất, ngon nhất, có giá trị cao nhất để bắn nên sản phẩm rất chất lượng.

Sau hơn 6 tiếng làm việc cật lực, Hoàng và Thắng đã bắn được 20 con cá các loại, con bé nhất khoảng 0,4 kg, con cá chẽm lớn nhất nặng hơn 4kg, với tổng trọng lượng hơn 23kg. Do cá tự nhiên tươi ngon nên trên đường về đã có khách quen gọi điện mua hết với giá từ 200 – 220 ngàn đồng/kg.

Săn cá dưới đáy sông ở Hà Tĩnh

Bạn nghề đồng hành với Hoàng cũng thu hoạch được những con cá chất lượng.

Anh Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ: “Tùy thuộc vào thời tiết, con nước và thói quen của từng loài cá nên mỗi tháng, chúng tôi chỉ đi lặn được 15 – 20 ngày. Trung bình mỗi chuyến đi (khoảng 5 – 7 tiếng), cho thu nhập 1 – 2 triệu đồng/người (mỗi thuyền chỉ có 1 - 2 người đi); có khi may mắn bắn được được nhiều cá và cá to thì được hơn 3 triệu đồng/người/chuyến".

Săn cá dưới đáy sông ở Hà Tĩnh

Cá săn được thường rất tươi ngon

Khép lại một ngày làm việc vất vả nhưng đầy hiệu quả, hôm nay, mỗi người thợ lặn có thu nhập 2,4 triệu đồng nên ai nấy đều rất phấn khởi.

Từ khóa » Cá đáy Sông