Săn Thú Trong Rừng Cấm - Tuổi Trẻ Online

P9sWB6Td.jpgPhóng to
Mắc võng ngủ chờ bẫy thú - Ảnh: S.B.

“Bây giờ ra khu chợ Đồng Xoài, trung tâm mua bán bẫy thú của cả vùng Đông Nam bộ mua vài chục cái bẫy kẹp và dây cáp để chế cạm cò ke. Nếu cần có thể đặt mua súng tự chế (súng kíp) nhưng phải đặt trước. Nói thật nhé, đây là địa điểm duy nhất mà tụi mày có thể mua bẫy. Mấy ông bạn đi săn ở Đồng Nai, Đắc Nông… cũng nhờ tao chuyển lên giùm” - Minh, một thợ săn với bảy năm kinh nghiệm đi săn lén trong rừng Tây Cát Tiên, căn dặn các “cộng sự” trước chuyến đi săn thú.

Từ Trảng Cầy đến Bù Đăng

Rừng nguyên sinh Tây Cát Tiên nằm trên địa bàn huyện Bù Đăng và Đồng Phú. Đây là địa danh nằm trong quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Phước đến năm 2010 và thuộc quần thể khu dự trữ sinh quyển vườn quốc gia Cát Tiên được công nhận năm 1998.

Một nơi bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Nổi tiếng với cảnh quan đẹp, phong phú các hệ động thực vật, trong rừng có nhiều loại thú quý hiếm như: tê giác, bò rừng, bò Bonten, ngan cánh ngắn, gà so cổ hung...

Trước chuyến đi, Minh và các “cộng sự” tiến vào khu rừng cao su nằm gần khu rừng nguyên sinh để gặp Út N. và Sáu S., hai thợ săn thú có thâm niên thuộc hàng lão làng nhất ở Tây Cát Tiên. Minh và những người này đều là dân tứ xứ, trôi dạt về cư ngụ xung quanh khu vườn quốc gia để kiếm sống bằng nghề săn thú lậu.

Sáu S. cho biết: “Ngày nào cũng có những nhóm người đi vào rừng cấm săn thú. Thợ săn khu vực nào thì hoạt động trên khu vực đó, trường hợp dân tứ xứ thì ngoại lệ. Điều tối kỵ là tham lam gỡ bẫy thú của người khác và đụng phải địa bàn săn thú của người dân tộc cũng như đụng phải lực lượng kiểm lâm là xem như mất trắng, có khi còn tù tội”.

Đám thợ săn thường xé rừng mà đi, mò mẫm tìm những dấu chân bò, heo, hươu, nai... còn in đậm đêm qua. Khi phát hiện dấu vết, các gã thợ săn dừng lại, túm lấy đọt cây dẻo, cột chặt dây cáp, ráng hết sức đến còng lưng, nổi gân tay, gân cổ mới mắc được xuống cây cò ở mặt đất được đóng cọc cứng như bưng. Khoảng 50m làm một lần, chỗ nào có dấu bẫy của người khác thì tránh. “Với sức bật kiểu này, một con heo rừng 60kg giẫm phải sẽ treo hổng mặt đất…”, một tay thợ săn bảo vậy.

“Chịu khó luồn rừng, vừa để bẫy cò ke, vừa xem dấu vết của thú ăn đêm mà đặt bẫy kẹp. Ở đây có cứt chồn ướt lẫn khô, ra ngoài kẻ luồng, giăng so le năm cái bẫy theo hướng tây thì y như rằng ngày mai sẽ có chắc chồn hương bự chảng”, Minh miệng nói, tay cầm cục phân đen đưa lên mũi ngửi đầy vẻ khoái trá.

Dứt lời, tay thợ săn bước gần ra bìa rừng, nhìn trời, nhìn đất, lôi “cần câu cơm” ra đặt. Anh ta đào một cái hố tròn, giương bẫy bỏ xuống, lấy cọng dừa khô xỏ qua bàn đạp, phủ nhẹ lớp giấy mỏng, rồi cẩn thận rải cát đều lên phía trên. Sau đó, bẻ cây khô chắn lối đi hai bên, tạo thuận lợi cho thú qua bẫy. Những bẫy kẹp cứ thế được đặt rải rác theo chân dọc ranh giới tỉnh Bình Phước, Đồng Nai hướng lên Tek Xong, Tek Nhỏ. Men theo những cánh rừng này, phút chốc lại có người mang túi xách đỏ xanh và bao nilông, chui ra chui vào những khu rừng rậm. Minh nghiêm giọng: “Cùng là dân săn lậu cả đấy, bẫy hoài đâm ra quen mặt. Tính sơ sơ cũng phải vài chục người săn “cơm gạo” quanh năm”.

Lúc quay về trời ngả tối, mấy gã thợ săn nghỉ nhờ qua đêm tại lán trại của công nhân nhặt hạt điều ở bìa rừng để chờ kết quả. Hôm sau ở Chảng Cầy, một con chồn hương dính bẫy, cổ chân bị kẹp chặt, máu đỏ cả lùm cây. Nó cố cắn cho đứt bàn chân để thoát thân nhưng đành tuyệt vọng. “Nhỏ nhưng quý, hàng này đắt lắm, 600.000đồng/kg, được hàng triệu đồng rồi. Chỉ có heo rừng, nhím, gà lôi, gà rừng mới... tự bẻ gãy chân trốn chứ chồn hương khó thoát”, mấy gã thợ săn hí hửng, cho thú vào bao lưới và tiếp tục đi thăm bẫy…

Cả nhóm thợ săn quyết định cuốc bộ hơn 10 cây số đường rừng đến ngã ba Vườn Chuối (Bù Đăng). Chiều nay, cả nhóm liên kết với nhau khuân đất đá, phát dọn gai nhọn, cây chắn lối để giăng ba luồng bẫy kẹp làm bầm giập một bìa rừng.

Tay thợ săn tên S. khẽ giọng: “Địa hình bẫy kẹp “thơm” quá, mai về chắc có nhiều thú. Bốn người với súng săn lùng thêm con nai, con hoẵng… để kiếm thêm tiền”. Nghe lọt tai, tất cả ngược hướng xuống bìa rừng bằng một cây đèn pin nhỏ có ánh sáng vừa đủ, hạn chế tối đa khả năng phát hiện của lực lượng kiểm lâm.

Giữa những lớp cây rừng, một con hoẵng khép mình bên bụi rậm, đầu quay về hướng đèn pin tò mò. Một tiếng súng chát chúa thấu màng nhĩ. Thú hoang “é ẹ” giãy giụa, rồi bật dậy rướn chạy loạn xạ để trút hơi thở cuối cùng...

2M8po08a.jpgPhóng to

Một thợ săn đặt bẫy kẹp trong rừng cấm - Ảnh: S.B.

Trả giá

Sau khi thu được một số “chiến lợi phẩm”, Út N. kêu nhóm thợ săn đi thêm khoảng 2 cây số, sang tận phía bên kia đồi trống, trải võng ra nằm dưới đất trong đêm. “Đi săn như vầy biết là phạm pháp nhưng số tiền thu được rất khá nên tụi tao vẫn làm. Vả lại cũng chẳng có nghề gì khác để mưu sinh. Còn chịu nguy hiểm một tí nhưng thú trong rừng nhiều, thế nào cũng bẫy được, lại có các vựa thú ở Đồng Xoài lúc nào cũng thu mua với giá cao, thậm chí còn ứng tiền trước nên tụi tao chấp nhận làm liều”, N. nói.

Cũng theo lời N., hầu như ít ngày là lại có thợ săn bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, bắt giữ, tịch thu dụng cụ hành nghề, bị xử phạt hành chính, đến chuyển cơ quan công an xử lý hình sự nhưng số người vào rừng cấm săn thú lậu vẫn không giảm vì tiền kiếm được khá béo bở.

Cũng có rất nhiều cái chết từ tai nạn nghề nghiệp đối với dân đi săn thú lén. “Tao đã thoát chết hai lần ở Bù Đăng và Mã Đà vì bị cánh thợ săn khác đòi thanh toán khi mình lỡ lấn địa bàn của chúng. Những vụ xô xát, thanh toán lẫn nhau giữa các nhóm thợ săn dẫn đến mất mạng, thương tật xảy ra như cơm bữa”, ông S. kể.

Cuối năm 2008, một thợ săn tên Triệu Hữu Hòa (ở sóc Bom Bo, Bù Đăng, Bình Phước) dùng súng kíp đi săn thú với người anh vợ là Triệu Văn Dâm ở rừng Bù Gia Mập. Hòa nổ súng bắn hạ bầy khỉ nhưng không ngờ đạn lạc, xuyên vào đầu Dâm làm người này chết ngay tại chỗ. Vật vã đau khổ vì đã giết chết anh vợ của mình, Hòa đến công an địa phương thú tội và giao nộp súng săn. “Chắc rồi cuộc đời nó sẽ khó quên hình ảnh gã thợ săn trút hơi thở cuối cùng bên cây súng “cơm gạo”, mưu sinh phi pháp bao năm qua”, S. nói.

Thời gian vừa qua, giới thợ săn và người dân Bình Phước, Đồng Nai cũng xôn xao về cái chết của một thanh niên bị viên đạn xuyên qua cổ họng ở khu rừng cấm Mã Đà. Đến nay chưa tìm được thủ phạm. Theo thông tin của dân trong giới, đây là một thanh niên chuyên rình rập người ta đặt bẫy rồi đi trộm thú. Có lẽ cánh thợ săn tức giận nên mai phục trả thù.

Khu dự trữ sinh quyển vườn quốc gia Cát Tiên đang bị “gặm nhấm” đến mức đáng báo động. Rừng cấm tưởng chừng là nơi ẩn náu cuối cùng để thú hoang sinh tồn. Vậy mà từng giờ, từng ngày sự sống của chúng bị tước đi bởi “thiên la địa võng” bẫy giăng, bởi những tiếng nổ chát chúa của súng săn… trong những cánh rừng ngày càng teo tóp.

OWSWZ8rT.jpgPhóng to
Một con chồn hương bị dính bẫy - Ảnh: S.B.

Theo Hạt kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên (VQGCT), trung bình mỗi tháng lực lượng kiểm lâm phát hiện hơn 2.000 bẫy thú các loại. Mỗi năm phát hiện hàng trăm vụ săn bắt thú rừng trái phép với 150-170 đối tượng vi phạm. Riêng năm 2009 có tháng phải tháo gỡ gần 5.000 bẫy thú cài cắm ở những cánh rừng thuộc VQGCT rộng hơn 70.000 ha. Hiện lực lượng kiểm lâm tại đây đang triển khai các hoạt động tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt động săn, bắt thú lén lút trong khu vực này.

Cũng theo Hạt kiểm lâm VQGCT, đa số thú và thịt thú săn trộm đều bán cho các đầu nậu ngay tại các xã vùng đệm. Tháng 3-2009 vừa qua, chỉ trong hai ngày truy quét đột xuất tại xã Đắc Lua (Tân Phú, Đồng Nai), cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu hơn 280 kg thú và thịt thú rừng. Qua trinh sát tại các xã vùng đệm của VQGCT thuộc các huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh (Lâm Đồng), hạt cũng phát hiện mười mấy tụ điểm buôn bán động vật hoang dã trái phép nhiều năm.

Từ khóa » Cách đi Săn Thú Rừng