Sản Xuất Lúa Đông Xuân: Động Lực Và Gánh Nặng - Báo Hậu Giang
Có thể bạn quan tâm
Vào thời điểm này, nông dân trên nhiều cánh đồng lúa trong tỉnh đang tất bật vệ sinh đồng ruộng và xuống giống vụ lúa Đông xuân 2021-2022 trong tâm thế đặt nhiều kỳ vọng nhưng cùng với đó là những gánh nặng không nhỏ phải đối mặt.
Tất bật vệ sinh đồng ruộng để xuống giống lúa Đông xuân là hình ảnh dễ nhận thấy tại các cánh đồng lúa trong tỉnh vào thời điểm này.
Xuống giống sớm để né hạn, mặn
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, do sự thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng từ thượng nguồn sông Mekong trong mùa mưa năm nay nên qua cập nhật thông tin dự báo của cơ quan Trung ương thì khu vực tỉnh Hậu Giang, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô tới đây sẽ xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm từ 10-20 ngày và diễn ra gay gắt trong tháng 3 và tháng 4-2022. Trước dự báo trên và thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh là chủ động xuống giống sớm vụ lúa Đông xuân tại những vùng có điều kiện cạnh tác thuận lợi nhằm né hạn, mặn vào cuối vụ để bảo vệ năng suất lúa, những ngày qua, nông dân trên nhiều cánh đồng lúa trong tỉnh đã tất bật bơm rút nước trên ruộng ra ngoài, thực hiện vệ sinh đồng ruộng và tiến hành gieo sạ được nhiều diện tích lúa Đông xuân.
Đang rảo quanh thăm 1,5ha lúa Đông xuân của gia đình đã xuống giống được 7 ngày, ông Lâm Thanh Truyền, ở ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, thông tin: “Giống như vụ lúa Đông xuân năm trước, năm nay tôi và bà con nơi đây đã gieo sạ sớm theo khung lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện. Việc làm này nhằm đảm bảo về nguồn nước cho cây lúa sinh trưởng và phát triển trong tình hình dự báo về hạn hán tới đây sẽ diễn ra gay gắt, nhất là ở giai đoạn lúa trổ chín. Hiện tại, cả cánh đồng lúa phía sau nhà tôi gần 142ha đều được bà con xuống giống dứt điểm cách nay 6-7 ngày, với 2 loại giống chủ lực là Đài thơm 8 và OM 5451. Do gieo sạ trong điều kiện thời tiết nắng tốt nên các ruộng lúa đang phát triển xanh tốt”.
Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Long, ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, chia sẻ: Năm nay, bà con xuống giống lúa Đông xuân trong tâm trạng phấn khởi và có động lực lớn do giá lúa Thu đông cuối vụ ở mức cao, khi dao động từ 5.800-6.000 đồng/kg (tùy giống). Chính yếu tố thuận lợi trên nên những ngày qua, nông dân nơi đây đã tích cực vệ sinh đồng ruộng và tiến hành gieo sạ được nhiều diện tích lúa Đông xuân và dự kiến trong vài ngày tới sẽ xuống giống dứt điểm với diện tích hơn 500ha, với một số giống lúa chủ lực như: ST 24, ST 25, OM 18 và RVT.
Theo nông dân đã và đang gieo sạ lúa Đông xuân trên địa bàn tỉnh, năm nay tuy nước lũ ít hơn so với cùng kỳ nhưng nhờ đất được ngâm trong nước gần 2 tháng nên lượng phù sa được tích lũy trong đất tương đối nhiều nên sẽ là yếu tố quan trọng giúp cây lúa phát triển về sau. Mặt khác, thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện hầu hết nông dân đã xuống giống lúa Đông xuân đều áp dụng biện pháp sạ thưa, hạ hàng, một số diện tích áp dụng máy cấy nhằm giảm lượng lúa giống trong gieo sạ và tới đây là giảm sinh vật gây hại tấn công, cũng như số lần phun thuốc phòng trừ dịch hại. Qua đây, giúp nông dân nhẹ công chăm sóc, hạ giá thành sản xuất, sản phẩm làm ra đạt năng suất và chất lượng, từ đó nâng cao giá trị và tăng lợi nhuận cho bà con ở vụ lúa chính trong năm.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Để đảm bảo cho vụ lúa chính trong năm đạt thắng lợi trên các mặt, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và ban hành khung lịch thời vụ gieo sạ để các địa phương trong tỉnh làm cơ sở xây dựng thời gian xuống giống cho phù hợp với từng vùng. Trên tinh thần chỉ đạo chung của Bộ NN&PTNT là các địa phương trong tỉnh phải chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng thường ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm nhằm đảm bảo đủ lượng nước sản xuất và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra cho người dân. Về cơ cấu giống lúa tiếp tục khuyến cáo người dân sử dụng nhóm giống lúa thơm, lúa đặc sản và lúa chất lượng cao nhằm tạo thuận lợi về đầu ra và xuất khẩu. Điều phấn khởi trong lúc này là qua ghi nhận từ các địa phương có diện tích xuống giống lúa Đông xuân trong tỉnh, hiện bà con tuân thủ nghiêm theo các khuyến nghị mà ngành nông nghiệp đề ra nên đây sẽ là tiền đề quan trọng giúp cho vụ lúa chính trong năm đạt thắng lợi.
Gánh nặng giá vật tư nông nghiệp
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi ngay thời điểm đầu vụ xuống giống lúa Đông xuân thì bà con trồng lúa trong tỉnh cũng đang đối mặt với không ít những khó khăn, nhất là gánh nặng về giá vật tư nông nghiệp tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là giá phân bón đang tăng gấp đôi, có loại tăng hơn 150%. Qua ghi nhận thực tế từ bà con tại một số cánh đồng lúa trong tỉnh thì hiện giá phân urê Phú Mỹ từ 350.000 đồng/bao ở vụ lúa Đông xuân năm trước thì nay nông dân nơi đây phải mua với mức giá 925.000 đồng/bao, còn đạm Cà Mau từ 370.000 đồng/bao nay tăng lên 960.000 đồng/bao; tương tự, phân DAP từ 580.000 đồng/bao nay tăng lên 1,3 triệu đồng/bao, phân NPK 20-20-15 cũng từ 560.000 đồng/bao nay tăng lên 970.000 đồng/bao, phân kali từ 340.000 đồng/bao nay tăng lên 850.000 đồng/bao.
Đang kéo hàng xuống giống cho 2ha lúa Đông xuân của gia đình, ông Nguyễn Văn Dũng, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Chưa có vụ lúa nào mà nông dân xuống giống gặp áp lực và gánh nặng lớn về giá phân bón tăng mạnh như năm nay. Nếu như giá lúa được 6.000 đồng/kg thì phải mất hơn 200kg lúa nông dân mới mua được một bao phân DAP. Ngoài phân DAP thì bà con còn phải rải thêm phân urê, kali... nên số tiền phải bỏ ra riêng cho phân bón là không nhỏ (bình quân khoảng 1 triệu đồng/công). Do đó, nếu không tính toán kỹ ở các khâu trong sản xuất, nhất là cân đối phân bón và chú trọng chăm sóc lúa để đạt năng suất cao thì vụ lúa Đông xuân năm nay, bà con sẽ khó có nguồn lợi nhuận như những vụ Đông xuân trước”.
Cùng với phân bón thì giá xăng dầu cũng đang ở mức cao so với cùng kỳ; trong khi nông dân cũng đang có nhu cầu sử dụng xăng dầu trong lúc này để bơm rút nước trên ruộng ra ngoài để sạ lúa; đồng thời giá lúa giống cũng tăng từ 1.000-5.000 đồng/kg (tùy loại), trong đó tăng mạnh nhất là giống RVT từ 22.000-23.000 đồng/kg lên 27.000 đồng/kg. Qua đây, đã tạo áp lực không nhỏ về chi phí mà nông dân phải bỏ ra ngay từ đầu vụ. Ông Lâm Thanh Truyền, ở ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, thông tin thêm: “Do khu vực này chưa có trạm bơm tập trung nên đa phần bà con thực hiện theo hình thức ruộng ai nấy bơm. Lúc này giá xăng dầu tăng cao nên chi phí cũng đội lên và bình quân mỗi công lúa nông dân phải tốn 100.000 đồng. Năm nay, nhờ nước lũ ít nên cũng nhẹ bơm, chứ như mùa nước lũ năm rồi thì chi phí mua xăng dầu có thể tăng lên gần gấp đôi”.
Trước áp lực về giá phân bón vô cơ tăng cao nên việc nhiều nông dân trong tỉnh đã chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ để giảm gánh nặng về chi phí đầu tư đang được xem là hướng đi phù hợp. Điển hình như tại HTX Tân Long (HTX sản xuất gạo sạch Vị Thủy), ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, khi nhận thấy về giá phân bón vô cơ sẽ ở mức cao trong vụ lúa Đông xuân này nên trước đó ban giám đốc HTX đã chuẩn bị sẵn vài trăm tấn phân hữu cơ để phục vụ cho bà con xã viên và những diện tích lúa được HTX liên kết bên ngoài. Nhờ sự chuẩn bị này đã góp phần phát huy hiệu quả và nhận được sự đồng tình cao của bà con.
Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Tân Long, cho hay: Giá phân hữu cơ chỉ ở mức 14.000 đồng/kg và mỗi công lúa nông dân thường sử dụng 60kg. Như vậy, so với việc bón phân vô cơ thì bà con dùng phân hữu cơ sẽ tiết kiệm từ 300.000-400.000 đồng/công. Điều nông dân an tâm là qua 2 năm dùng phân hữu cơ thì thấy năng suất lúa không thua so với hộ sử dụng phân bón vô cơ. Đồng thời, khi dùng phân hữu cơ còn tạo ra chất lượng hạt gạo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu sản xuất gạo sạch của HTX và đặc biệt là được thị trường ưa chuộng nên giá trị hạt gạo được nâng lên.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm: Để phần nào giảm áp lực về giá vật tư nông nghiệp ở mức cao, hiện Sở NN&PTNT tỉnh chỉ đạo cán bộ nông nghiệp ở cơ sở tăng cường phối hợp cùng nông dân ngay từ đầu vụ xuống giống là đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hướng dẫn nông dân áp dụng tốt các biện pháp về sản xuất lúa giảm giá thành nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và tạo ra hạt lúa gạo chất lượng cho thị trường. Trong đó, mô hình sản xuất lúa theo hướng sử dụng phân bón hữu cơ tại HTX Tân Long cần được nhân rộng trong điều kiện giá phân bón vô cơ ở mức cao như hiện nay.
Theo kế hoạch, vụ lúa Đông xuân 2021-2022, nông dân trên địa bàn tỉnh phấn đấu xuống giống đạt 76.200ha. Đến thời điểm này, bà con đã xuống giống được hơn 10.000ha, tập trung ở huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Một số giống lúa được nông dân ưu tiên gieo sạ trong lúc này là OM 18, Đài Thơm 8, nhóm giống ST, Jasmine 85, RVT, OM 5451… |
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC
Từ khóa » Diện Tích Trồng Lúa Vụ đông Xuân
-
Vì Sao Diện Tích Lúa Vụ Đông Xuân 2019 - 2020 ở Đồng Bằng Sông ...
-
Kinh Tế - Nam Bộ: Sản Lượng Lúa Vụ Đông Xuân ước đạt...
-
Thắng Lợi Của Vụ Lúa đông Xuân 2021 - Tổng Cục Thống Kê
-
Vụ Đông Xuân Vùng Nam Bộ: Diện Tích Giảm Nhưng Năng Suất Lúa Tăng
-
Tổng Diện Tích Gieo Trồng Cây Hàng Năm Vụ Đông Xuân 2022 đạt ...
-
Năng Suất Lúa Vụ đông Xuân ước đạt 62,7 Tạ/ha - UBND Tỉnh Thái Bình
-
Lợi Nhuận Trồng Lúa Vụ đông Xuân Giảm Do Chi Phí Sản Xuất Tăng
-
Cát Tiên: Diện Tích Lúa Chất Lượng Cao Chiếm 82% Vụ Đông - Xuân
-
Năng Suất Lúa Vụ đông Xuân ước đạt 62,7 Tạ/ha - Dân Việt
-
Lúa Đông Xuân Trúng Mùa, Trúng Giá - Cổng Thông Tin điện Tử Tỉnh ...
-
Vụ đông Xuân 2021-2022: Mục Tiêu Tăng Cả Diện Tích, Năng Suất Và ...
-
Hội Nghị Sơ Kết Sản Xuất Trồng Trọt Vụ Đông Xuân 2021 - 2022 Các ...
-
Sản Xuất Nông Nghiệp Vụ Đông Xuân 2012
-
Năng Suất, Sản Lượng Lúa đông Xuân Phía Bắc Tụt Giảm