Vụ Đông Xuân Vùng Nam Bộ: Diện Tích Giảm Nhưng Năng Suất Lúa Tăng

Ảnh minh họa (Nguồn: B.T).

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vụ Đông Xuân 2021-2022, tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ đạt 1.578 nghìn ha, giảm 18,26 nghìn ha; sản lượng ước đạt 11.358 nghìn tấn, giảm 87 nghìn tấn. Dù vậy, năng suất ước đạt 71,91 tạ/ha, tăng 0,28 tạ/ha so với vụ Đông Xuân 2020–2021.

Cụ thể, trong vụ Đông Xuân 2021-2022, vùng ĐBSCL xuống giống 1.505 nghìn ha, giảm 15 nghìn ha; năng suất ước đạt 72,51 tạ/ha, tăng 0,22 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10.912 nghìn tấn, giảm 75 nghìn tấn.

Vùng Đông Nam Bộ xuống giống 75 nghìn ha, giảm 3 nghìn ha; năng suất ước đạt 59,7 tạ/ha, tăng 1,06 tạ/ha; sản lượng đạt 446 nghìn tấn, giảm 12 nghìn tấn.

Lý giải về việc giảm diện tích và sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2021-2022, Cục Trồng trọt cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thực hiện giãn cách trong những tháng sản xuất vụ Thu Đông năm 2021 nên việc đi lại chăm sóc và thu hoạch lúa Thu Đông 2021 bị muộn. Bên cạnh đó, một số vùng nước lũ chưa rút kịp nên kéo theo việc xuống giống vụ Đông Xuân bị chậm trễ hơn so với chỉ đạo xuống giống sớm để né hạn hán và xâm nhập mặn. Vì vậy, một số tỉnh ĐBSCL đã điều chỉnh giảm diện tích lúa khoảng 14,82 nghìn haso với cùng kỳ năm trước và 15,25 nghìn ha so với kế hoạch (Long An 1,88 nghìn ha, Tiền Giang 1 nghìn ha, Đồng Tháp 6,94 nghìn ha,…). Diện tích không trồng lúa được chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn.

Ngoài ra, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 các tỉnh Nam bộ ước đạt 21.544 ha, trong đó ĐBSCL 20.427 ha; Đông Nam bộ 1.117 ha cũng ảnh hưởng đến diện tích và sản lượng lúa vụ Đông Xuân của toàn vùng Nam bộ.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, trong vụ Đông Xuân 2021-2022 của vùng Nam bộ, nhìn chung, thời tiết thuận lợi hơn giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít. Thời gian lúa trổ gặp thời tiết tương đối thuận lợi giúp đậu hạt tốt; xâm nhập mặn không gay gắt nên vẫn đủ nước cung cấp cho cây lúa trong suốt quá trình cây sinh trưởng, phát triển nên cho năng suất cao.

Cùng với đó, cơ cấu giống vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đã có chiều hướng dịch chuyển từ nhóm giống chất lượng trung bình, nếp sang nhóm lúa thơm, đặc sản nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Nguyên nhân, trong gần một năm trở lại đây giá lúa gạo thơm và gạo chất lượng cao ổn định, bán được giá, trong khi đó giá nếp giảm thấp, có thời điểm bằng giống IR 50404 và chi phí đầu tư cao nên lợi nhuận giảm sâu.

Cũng trong vụ Đông Xuân 2021-2022, đã có sự nâng cao về nhận thức của nông dân về giảm lượng giống gieo sạ; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”,… Qua đó, góp phần giúp giảm và ổn định giá thành sản xuất trong điều kiện giá phân bón tăng cao và giá bán lúa luôn biến động như hiện nay.

Theo báo cáo từ các Sở NN&PTNT vùng Nam bộ, vụ Đông Xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh tăng cao, ước khoảng 15 - 20% chi phí so với cùng kỳ, do giá vật tư đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, nhờ được dự báo trước từ đầu vụ nên việc thực hiện nhiều mô hình sản xuất lúa nổi bật của các tỉnh đã đem lại hiệu quả về kinh tế vừa giúp cho nhận thức của người nông dân dần thay đổi trong việc chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng an toàn và giảm giá thành. Do vậy, mặc dù đầu tư ít giống và phân bón nhưng năng suất lúa vẫn đạt cao. Tính trung bình giá thu mua 5.500 đồng/kg thóc tươi thì lợi nhuận trên 1 ha đạt 18 triệu đồng./.

Từ khóa » Diện Tích Trồng Lúa Vụ đông Xuân