Sáng Bừng “Đám Lá Tối Trời” - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Xe chúng tôi băng qua những cánh đồng lúa chín vàng ở Gia Thuận. Nhìn những đồng lúa mênh mông, hương lúa chín ngào ngạt lan trong cái gió nhẹ của những ngày chớm thu, khó ai hình dung ra hơn trăm năm trước, nơi đây vẫn còn là một vùng sình lầy đầy rắn rết và dã thú. Bao quanh chỉ toàn là dừa nước bạt ngàn trải dài hàng chục cây số, che kín bóng mặt trời, tạo thành một lãnh địa u minh, hoang vu không bóng dáng con người.

Để lẩn tránh sự càn quét của quân Pháp, Trương Định và nghĩa quân của mình đã chọn nơi đây làm nơi ẩn mình. “Tiếng đồn đám lá tối trời/ Có ông Trương Định trải phơi gan vàng…”.

Ao Dinh, nơi Trương Định tuẫn tiết khi ông bị giặc pháp bao vây.

Trương Định, người được nhân dân ở đây thành kính gọi là Đức Bình Tây Đại nguyên soái, vốn là người Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 24 tuổi, cha ông được triều đình cắt đặt làm Chưởng lý ở Gia Định nên ông theo cha vào Nam. Là người võ dõng, ông thi đỗ cử nhân võ và ra làm việc cho triều đình. Ông là người có công chiêu mộ dân Ngũ Quảng vào khẩn hoang, lập ấp vùng Gia Thuận, Gò Công nên được triều đình phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm, người đương thời vẫn gọi ông là Quản Định.

Năm 1859, Pháp tấn công Gia Định, ông dẫn quân đồn điền lên Thuận Kiều để hưởng ứng cho Nguyễn Tri Phương, rồi sau đó tham gia trận giữ đồn Chí Hòa. Đại đồn Chí Hòa thất thủ, thất thế triều đình đành phải ký hòa ước Nhâm Tuất nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp. Quân đội Trương Định nhận được chỉ dụ giải giáp rút lui, ông được giao chức Lãnh binh An Giang. Tuyên bố “Triều đình hòa nghị thì cứ hòa nghị, việc Định thì Định cứ làm. Định không nỡ ngồi nhìn giang sơn chìm đắm”, ông không ngần ngại bỏ lại quan tước, quyết định ở lại cùng nhân dân ba tỉnh tiếp tục kháng Pháp.

Trong “Văn tế Trương Định”, Nguyễn Đình Chiểu đã viết:

“Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền.

Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại

Gồm ba tỉnh dựng cờ phấn nghĩa, sĩ phu lắm kẻ xui theo

Tóm muôn dân gầy sổ mộ binh, luật lệnh mấy ai dám trái…”.

Hai năm lẩn khuất trong đám lá tối trời, nghĩa quân Trương Định đã gieo rắc biết bao kinh hãi cho giặc Pháp. Địa bàn nghĩa quân trải rộng khắp ba tỉnh miền Đông, từ Biên Hòa cho đến tận biên giới Campuchia. Trong thư gởi các quan lại ở Vĩnh Long tỏ ý ly khai với triều đình, ông viết: “Muốn trở lại y như thuở xưa, dân chúng ba tỉnh yêu cầu chúng tôi đứng đầu khởi nghĩa, chúng tôi không thể làm gì được khác. Chúng tôi chuẩn bị chiến đấu vào hướng Đông cũng như hướng Tây. Chúng tôi sẽ đánh ngã bọn giặc cướp...”.

Ngày giỗ ông, miền Tây đang là mùa thu hoạch lúa. Hai bên đường đồng lúa rập rờn. Vài cánh đồng đang thu hoạch, máy gặt liên hợp chạy trên đồng vẽ nên những đường ruộng thẳng tăm tắp nhìn thật thích mắt. Vài nơi thì đã gặt xong, thóc lúa rơi vãi trở thành bữa tiệc thịnh soạn cho những đàn vịt chạy đồng. Hai bên đường, những bao lúa chất đống la liệt chờ xe thương lái tới chở đi.

Nhìn cảnh sung túc mới chạnh lòng thấu hiểu thanh bình này phải đổi bằng biết bao nhiêu xương máu. Một anh giữ vịt ven đường chỉ cặn kẽ: “Anh cứ đi tới chợ Gia Thuận, cuối đường quẹo trái có con đường nhỏ treo cờ nhiều lắm, có bảng chỉ dẫn, vào là thấy nhà dân hai bên đường ai cũng cúng, không sợ lạc đâu. Họ bày bàn thờ ổng trước sân, có để hình ổng nữa, hình mặc áo dài đen đó…”. Anh còn rủ rê chúng tôi: “Tối nay ở lại Gia Thuận luôn đi, dân đi cúng đông lắm. Đêm có hát cải lương, có Kim Tử Long, Bảo Chung về hát nữa… Lễ lớn lắm, gắn đèn như sân vận động luôn…”.

Lễ kỷ niệm 155 năm ngày Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định tuẫn tiết.

Suốt dọc đường, một không khí thiêng liêng, tôn kính bao trùm. Nhác thấy một nhà đang bày biện thắp hương cúng ông, chúng tôi dừng xe lại hỏi thăm. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhã cho biết, phong tục này đã có từ lâu rồi. Từ nhỏ đã thấy ông bà cúng như vậy rồi, lớn cứ cúng theo. Ông Nhã kể: “Ngày xưa mỗi năm đến kỳ giỗ ông, trong đình đều tổ chức lễ rước linh ông rất linh đình, có cả đoàn rước bằng xe ngựa. Hồi đó tụi tui là con nít, thấy xe ngựa chạy trước thì xúm lại chạy theo sau, vui lắm. Bây giờ còn vui hơn. Năm nay nhà nước đầu tư mở rộng đình tới 3-4 mẫu. Mai mốt còn phục dựng lại đám lá tối trời như ngày xưa nữa”.

Vào đình, từ xa đã nghe tiếng nhạc lễ Nam bộ văng vẳng. Rất nhiều đoàn đang đợi vào đình làm lễ. Đình khá nhỏ nhắn, nhưng tôn nghiêm. Đình do người dân cảm thương tự góp tiền xây dựng sau khi ông mất, trùng tu nhiều lần. Người dân khắp Gò Công tề tựu về đây thắp hương cho ông rất đông. Trải qua hơn trăm năm, sự tôn kính của người dân dành cho người nghĩa sỹ dường như vẫn không suy suyển. Đúng là “những người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ!”.

Khách viếng đều mặc áo dài, khăn đóng và hành lễ đúng kiểu Nam bộ xưa. Vào đình, thời gian đã ngưng lại cả trăm năm, chìm trong một không gian thiêng liêng, huyền diệu của lịch sử. Phía sau đình là nhà trưng bày các di tích của khởi nghĩa Trương Định, có kiếm (phục dựng), mảnh sành chén bát, nồi cơm… của nghĩa quân. Từ cửa chính nhìn vào là bức tranh vẽ lại cảnh người dân dâng kiếm và suy tôn ông làm Bình Tây Đại nguyên soái. Kế bên là hình chụp lại tranh vẽ của người Pháp về chiến thuyền và quân đội của họ…

Cách đình khoảng 2 km là ao Dinh – tương truyền là nơi ông tự sát để bảo toàn khí tiết. Ao nằm sát bên đường, chỉ là một ao nước trong chen lẫn vài bụi bông súng. Xung quanh là những bụi dừa nước bao quanh. Bà Ngọc, người trông coi di tích hơn 50 năm nay cho biết, bông súng này tự mọc, chẳng ai trồng. Phía trước ao là một tấm bia, ghi rõ câu chuyện: “Nơi đây, rạng sáng ngày 20-8-1864, tên Huỳnh Văn Tấn (đội Tấn) từng hoạt động với Trương Định đã phản lại, dẫn giặc Pháp về bao vây hòng bắt sống ông và nghĩa quân thân cận. Trương Định bị thương nặng trong cuộc tử chiến, để không bị giặc bắt sống, ông đã dùng gươm tuẫn tiết, thể hiện khí phách của người anh hùng”.

Trương Định mất, Pháp ra sức truy lùng những người tham gia nghĩa quân. Phó tướng Nguyễn Nhựt Chi dẫn tàn quân bị truy sát đến tận bến Chùa, sát cửa Tiểu. Bị Pháp bao vây, ông đưa gươm lên trời hướng về phía Bắc lạy ba lạy, uất ức thổ huyết mà chết. Tùy tướng Trịnh Viết Bàng thì bị giặc bắt sống, xử chém ở cồn Tân Long (Mỹ Tho). Tùy tướng Đặng Khánh Tình tập hợp nghĩa quân, về lập căn cứ ngay trên phần đất của gia đình. Quân Pháp muốn bắt sống ông nên bao vây đến ba ngày. Trước khi bị bắt, ông còn đứng trên bộ ván gõ, cầm chắc thanh gươm.

Dụ hàng không được, cuối cùng Pháp phải bắt, chặt đầu ông tại chợ Gò Công. Ông Trần Văn Thiện cũng là một người tham gia nghĩa quân khi còn rất trẻ. Trương Định mất, ông cùng nghĩa quân tiếp tục hoạt động cho đến mười một năm sau. Bị giặc bắt, ông khảng khái nói thà chịu chết chứ không đầu hàng. Sau khi bị chém, người em trai của ông lấy kim chỉ may tượng trưng, ráp đầu ông lại để chôn cất… Ông Võ Đăng Được, một tùy tướng khác, nghe tin thất trận đã dẫn quân băng qua Đồng Sơn. Đến một địa điểm cây cối rậm rạp, có nhiều lá dừa nước, ông nói “Ai muốn về nhà thì về, ai ở lại thề tử chiến!”. Sau một cuộc tấn công của Pháp, ông Được tử tiết, được chôn cất nơi này.

Rất nhiều những câu chuyện như thế lan truyền. Ông Phạm Triết Kỷ, 93 tuổi, sống gần lũy pháo đài đặt sông cửa Tiểu (cù lao Lợi Quan, huyện Tân Phú Đông, thị xã Giò Công, Tiền Giang) nơi Trương Định cùng nghĩa quân lập đồn để bắn tàu Pháp vẫn thường kể lại câu chuyện về nghĩa quân cho lớp con cháu sau nghe để họ tự hào rằng, quê hương mình có một vị anh hùng không chịu khuất phục giặc...

Từ khóa » Di Tích đám Lá Tối Trời