Số: 9/LN-KL - Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn
Có thể bạn quan tâm
BỘ LÂM NGHIỆP Số: 9/LN-KL |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 1 tháng 6 năm 1993 |
THÔNG TƯ CỦA BỘ LÂM NGHIỆP Hướng dẫn thực hiện Nghị định 14/CP của Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/CP ngày 5 tháng 12 năm 1992 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng. Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn thực hiện như sau:
I. NHỮNG HÀNH VI VI PHẠM VÀ VẬN DỤNG MỨC ĐỘ XỬ PHẠT A. XÁC ĐỊNH HÀNH VI VI PHẠM. 1- Phá rừng trái phép (Điều 1, Nghị định 14-CP) Là hành vi chặt, phá rừng mà không được cấp có thẩm quyền cho phép, vi phạm Điều 13 của Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các hành vi như: Phá rừng lấy đất để trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng đường dây điện, đào đắp bờ trong rừng ngập mặn để nuôi tôm. 2- Khai thác rừng trái phép (Điều 2) Là hành vi khai thác, chặt cây rừng lấy lâm sản để sử dụng hoặc để bán trái với quy định tại các Điều 19, 37, 38 và 39 của Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các hành vi như: 2.1- Khai thác rừng hoặc chặt cây không có giấy phép, giấy phép khai thác không hợp lệ. 2.2- Chủ rừng vi phạm quy chế quản lý rừng, quy trình quy phạm như: Khai thác không có thiết kế, không có quyết định mở cửa rừng, sai địa điểm, cây không có dấu búa bài chặt, cây chưa đủ tuổi khai thác, vượt sản lượng... 2.3- Khai thác gỗ nhóm IIA không được Bộ Lâm nghiệp cho phép, vi phạm quy định tại Nghị định 18-HĐBT ngày 17 tháng 1 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm và chế độ quản lý bảo vệ. Đối với nhóm IA, Nhà nước nghiêm cấm việc khai thác, sử dụng, không thuộc phạm vi xử phạt hành chính mà phải lập hồ sơ theo thẩm quyền quy định để truy cứu trách nhiệm hình sự. 2.4- Trường hợp khai thác trái phép trên làm cho rừng bị tàn kiệt, giảm chất lượng, giảm phẩm cấp thì coi như hành vi phá rừng, xử lý theo Điều 1, Nghị định 14-CP. 3- Phát đốt rừng trái phép để làm nương rẫy (Điều 3). Là hành vi chặt, phá đốt rừng lấy đất trồng trọt ra ngoài vùng do Uỷ ban nhân dân huyện quy định, vi phạm Điều 21 Luật bảo vệ và phát triển rừng. Để hạn chế việc phá rừng làm nương rẫy, hạt kiểm lâm phải tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân huyện quy vùng hướng dẫn cho đồng bào ở vùng cao làm nương rẫy ổn định. 4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng (Điều 4). Là hành vi vi phạm những quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng hoặc gây cháy rừng, vi phạm Điều 22, Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các hành vi như: 4.1. Cá nhân, tổ chức gây cháy rừng làm thiệt hại tài nguyên rừng. 4.2. Vi phạm quy định cấm dùng lửa trong rừng dễ cháy như: Đun nấu thức ăn, sưởi ấm, đốt nương rẫy. Dùng lửa săn bắt động vật rừng, hoặc vi phạm quy định cấm mang chất nổ, chất dễ cháy vào rừng... 4.3. Chủ rừng vi phạm quy phạm phòng cháy, chữa cháy rừng như: Trồng rừng không thiết kế làm đường ranh, kênh mương cản lửa, không thực hiện hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về lâm nghiệp trong việc thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng... 4.4. Khi chủ rừng phát hiện có cháy rừng, không tổ chức huy động ngay lực lượng chữa cháy rừng, không báo cáo kịp thời lên cấp trên để có biện pháp cứu chữa... 5. Vi phạm quy định về phòng trừ sâu, bệnh hại rừng (Điều5). Là hành vi vi phạm những quy định về phòng trừ sâu bệnh hại rừng, vi phạm Điều 23 Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các hành vi như: Chủ rừng không thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại rừng theo quy định; thiếu trách nhiệm trong việc điều tra phát hiện, để dịch sâu bệnh hại rừng phát triển hoặc không tổ chức diệt trừ khi có dịch sâu bệnh; sử dụng thuốc không đúng quy định như: Loại thuốc cấm dùng, dùng sai thuốc, không đúng liều lượng và nồng độ... 6. Chăn thả trái phép gia súc vào rừng (Điều 6). Là hành vi chăn thả gia súc vào những khu rừng được quy định cấm chăn thả, vi phạm Điều 20, 21 của Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các hành vi như: Chăn thả gia súc vào khu rừng mới trồng, mới dặm cây con, chăn thả gia súc vào rừng đặc dụng, đã có quy định cấm chăn thả gia súc. 7. Săn bắt trái phép động vật rừng (Điều 7). Là hành vi săn, bắt động vật rừng trái với quy định hiện hành về săn bắt động vật rừng vi phạm Điều 19 Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các hành vi như: 7.1. Săn, bắt động vật rừng không có giấy phép của cơ quan kiểm lâm từ cấp tỉnh trở lên cho phép hoặc giấy phép không hợp lệ, săn bắt không đúng nội dung cho phép, hoặc sử dụng những phương pháp, phương tiện cấm sử dụng để săn bắt động vật rừng. 7.2. Săn bắt động vật rừng thuộc nhóm IIB không được Bộ Lâm nghiệp cho phép, vi phạm quy định tại Nghị định 18-HĐBT ngày 17 tháng 1 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng. Đối với nhóm IB, Nhà nước nghiêm cấm việc khai thác, sử dụng, không thuộc phạm vi xử phạt hành chính mà phải lập hồ sơ theo thẩm quyền quy định để truy cứu trách nhiệm hình sự. 8. Lấn chiếm đất có rừng (Điều8) và đất gây trồng rừng (Điều 9). Là hành vi tự ý sử dụng đất có rừng hoặc đất gây trồng rừng vào bất kỳ mục đích gì không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, vi phạm Điều 11 và Điều 13 của Luật bảo vệ và phát triển rừng. Trường hợp lấn chiếm đất có rừng và đã chặt phá cây rừng trên diện tích đất đó thì xử lý theo Điều 1 Nghị định 14-CP. 9. Gây thiệt hại đất rừng (Điều 10). Là hành vi vi phạm quy định về bảo vệ đất rừng tại Điều 24 Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các hành vi như: Đào bới, san lấp, nổ mìn, lấy đất, đá, đào gốc rễ cây rừng không được phép của cơ quan có thẩm quyền. 10. Gây thiệt hại đến rừng (Điều 11) Là hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sinh thái rừng, vi phạm Điều 24 Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các hành vi như: Đào đắp để làm cho rừng bị ngập nước, để chất độc hại trong rừng hoặc xả chất thải độc hại vào rừng... 11. Vi phạm quy định về xuất, nhập khẩu lâm sản (Điều 12). Là hành vi vi phạm những quy định về xuất, nhập khẩu lâm sản, thực vật rừng, giống cây rừng, động vật rừng, vi phạm Điều 25 Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các hành vi như: Xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, giống cây rừng, động vật rừng không được Bộ Lâm nghiệp cho phép. Xuất khẩu các loại lâm sản hoặc chủng loại lâm sản của sản phẩm (theo Thông tư 09-TT/LB ngày 18 tháng 5 năm 1992) mà Nhà nước đã có quy định cấm xuất khẩu. 12. Vận chuyển trái phép lâm sản (Điều 13). Là hành vi vi phạm thủ tục vận chuyển lâm sản, vi phạm Điều 20 Luật bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể là vi phạm các quy định tại Thông tư số 08-LN/KL ngày 25 tháng 4 năm 1992 về việc hướng dẫn kiểm tra khai thác và vận chuyển lâm sản và Thông tư số 13-LN/KL ngày 12 tháng 10 năm 1992 của Bộ Lâm nghiệp về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 18-HĐBT quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ. 13. Mua bán, tàng trữ, sử dụng, kinh doanh trái phép lâm sản (Điều 14). Là hành vi vi phạm những quy định về quản lý và kinh doanh lâm sản, vi phạm Điều 20 Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các hành vi như: Mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại lâm sản có nguồn gốc khai thác, mua bán không hợp pháp. Kinh doanh lâm sản không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc sai nội dung giấy phép, hoặc kinh doanh lâm sản có nguồn gốc không hợp pháp. B. VẬN DỤNG MỨC ĐỘ XỬ PHẠT 1. Căn cứ để quyết định mức xử phạt Cơ quan kiểm lâm sau khi xác định hành vi vi phạm ở mục A Thông tư này. Căn cứ ba yếu tố sau đây để xem xét, quyết định mức xử phạt. a) Tính chất và mức độ vi phạm: Cần xem xét khách thể bị xâm hại; phương tiện và công cụ trực tiếp dùng để vi phạm; mục đích, động cơ, thái độ và hình thức lỗi (vô ý hay cố ý) của người vi phạm; hậu quả do vi phạm gây nên. b) Nhân thân người vi phạm như: Lịch sử bản thân (có tiền án, tiền sự chưa) sức khoẻ, lứa tuổi, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, môi trường sống. c) Các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. 2. Các hình thức xử phạt và biện pháp hành chính khác. a) Các hình thức xử phạt chính. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng phải chịu một trong các hình phạt chính sau đây: a1) Phạt cảnh cáo: Chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ do cơ quan kiểm lâm hoặc nhân viên kiểm lâm có thẩm quyền xử phạt quyết định bằng văn bản hoặc cảnh cáo miệng tại chỗ. a2) Phạt tiền: Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm lần đầu; có tính chất đơn giản, rõ ràng, chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không đáng kể đến rừng và lâm sản. Phạt tiền từ trên 50.000 đồng đến 10.000.000 đồng: Trong Nghị định đã quy định mức phạt tiền cụ thể đối với từng hành vi và từng mức độ vi phạm gây thiệt hại về rừng và lâm sản; trong trường hợp có tình tiết tăng nặng thì có thể áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định đối với hành vi đó. Những cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh tế, vi phạm Điều 12, 13, 14 Nghị định 14-CP có tình tiết tăng nặng thì áp dụng phạt tiền từ 1 lần đến 3 lần giá trị lâm sản phạm pháp hoặc từ 1 lần đến 3 lần số thu lợi bất chính. Số tiền phạt bằng biện pháp kinh tế này không phụ thuộc vào mức tiền phạt tối đa thuộc thẩm quyền mỗi cấp được xử phạt quy định tại Điều 15, Nghị định 14-CP. b) Hình thức phạt bổ sung. Ngoài hình thức phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể phải chịu các hình thức phạt bổ sung sau đây: b1) Thu hồi giấy phép trong các trường hợp sau: Giấy phép cấp không đúng thẩm quyền quy định, giấy phép có nội dung trái với quy định về quản lý rừng, quản lý lâm sản; giấy phép do người vi phạm thuê mượn, mua lại của người khác; giấy phép quá hạn; hoặc giấy phép hợp lệ nhưng do tính chất, mức độ của hành vi vi phạm xét cần phải thu hồi giấy phép của người vi phạm để ngăn chặn tái phạm. b2) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm gồm: Những lâm sản trái phép và những dụng cụ, phương tiện trực tiếp dùng để phạm pháp. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm là biện pháp xử phạt về kinh tế đối với người hoặc tổ chức vi phạm; xét thấy cần phải thu hồi tang vật, phương tiện đó về cho Nhà nước và ngăn chặn tái phạm. Biện pháp xử lý tịch thu tang vật, chủ yếu áp dụng đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cố ý, tái phạm và đối với các loại lâm sản, chim, thú quý hiếm. c) Những biện pháp hành chính khác. Ngoài hình thức phạt chính và hình thức phạt bổ sung, cơ quan kiểm lâm có thể áp dụng những biện pháp hành chính khác đối với cá nhân, tổ chức vi phạm: Buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; Đình chỉ những hoạt động gây ô nhiễm môi trường rừng, khai thác, chặt phá rừng trái phép... 3. Bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng. Người nào có hành vi vi phạm gây thiệt hại tài nguyên rừng của Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 52 của Luật bảo vệ và phát triển rừng, việc bồi thường được áp dụng như sau: Buộc trồng lại rừng, san lấp diện tích đã đào bới. Trường hợp người vi phạm không có điều kiển để trồng lại hoặc san lấp đất đai thì bồi thường bằng tiền cho Nhà nước hoặc cho chủ rừng theo giá trị thực tế trồng rừng ở địa phương hoặc tiền công phải san lấp. 4. Cách tính tiền phạt. Lấy số tiền phạt cao nhất của mỗi khung hình phạt chia cho diện tích rừng, khối lượng, số lượng lâm sản bị thiệt hại ở mức cao nhất nằm trong khung phạt đó, sau đó nhân với diện tích rừng, khối lượng, số lượng lâm sản bị thiệt hại. Trên cơ sở số tiền phạt tạm tính đó, kết hợp xét ba yếu tố quy định tại điểm 1, mục B Thông tư này, để quyết định hình thức phạt và mức phạt. Những hành vi không tính được bằng phương pháp trên, thì căn cứ tính chất, hành vi vi phạm, mức độ thiệt hại, kết hợp ba yếu tố để quyết định hình thức phạt và mức phạt.
II. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH Căn cứ Điều 15 Nghị định 14-CP, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng được quy định như sau: 1. Nhân viên kiểm lâm trong khi thi hành công vụ và được thủ trưởng cơ quan kiểm lâm giao quyền xử phạt vi phạm hành chính mới được xử phạt. Nhân viên kiểm lâm được phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 20.000 đồng. Trạm trưởng kiểm lâm; trạm trưởng trạm kiểm soát lâm sản, đội trưởng đội kiểm tra lưu động được phạt tiền đến 50.000 đồng. Đối với những trường hợp vượt thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản, tạm giữ tang vật, báo cáo cấp trên xét giải quyết. 2. Hạt trưởng, Chi cục trưởng, Cục trưởng Cục kiểm lâm được áp dụng các hình thức xử phạt, các biện pháp hành chính khác và phạt tiền như sau: Hạt trưởng kiểm lâm, Hạt trưởng hạt kiểm soát lâm sản, được phạt đến 2.000.000 đồng; Chi cục trưởng kiểm lâm được phạt đến 5.000.000 đồng; Cục trưởng Cục kiểm lâm được phạt đến 10.000.000 đồng. Đối với cấp phó của cơ quan kiểm lâm các cấp nêu trên, khi được thủ trưởng cơ quan uỷ quyền xử phạt, thì cũng được quyền xử phạt như quy định cho cấp trưởng và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng về quyết định xử phạt của mình. 3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện được áp dụng các hình thức xử phạt, các biện pháp hành chính khác và được phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với những vụ vượt thẩm quyền của hạt trưởng hạt kiểm lâm. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh được áp dụng các hình thức xử phạt, các biện pháp hành chính khác và phạt tiền đến 10.000.000 đồng, đối với những vụ vượt thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện và của chi cục trưởng kiểm lâm. 4. Quy định giải quyết những trường hợp vượt thẩm quyền xử phạt. Việc giải quyết những trường hợp vượt thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cấp cần phải bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác theo đúng thời hạn quy định tại Điều 28 của pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Những vụ vượt thẩm quyền của hạt trưởng hạt kiểm lâm, hạt kiểm lâm trình Uỷ ban nhân dân huyện xét, giải quyết. Những vụ vượt thẩm quyền của hạt trưởng hạt kiểm soát lâm sản, đội trưởng đội kiểm tra lưu động trực thuộc chi cục kiểm lâm, chuyển hồ sơ lên chi cục xét, giải quyết. Những trường hợp vượt thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, hạt kiểm lâm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xét, giải quyết. Đồng thời hạt kiểm lâm báo cáo lên chi cục kiểm lâm để chi cục tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xét, giải quyết. Những trường hợp vượt thẩm quyền của chi cục trưởng chi cục kiểm lâm, chi cục trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xét, giải quyết. Những quyết định xử phạt đã có hiệu lực, cơ quan kiểm lâm các cấp phải tổ chức thực hiện ngay. 5. Chủ rừng khi phát hiện, bắt được cá nhân, tổ chức nào chặt, phá rừng trái phép trong địa bàn quản lý của mình thì lập biên bản, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan kiểm lâm sở tại để xét, xử lý. Gỗ, lâm sản, đặc sản rừng phạm pháp sau khi xử lý tịch thu cơ quan kiểm lâm làm thủ tục trả lại cho chủ rừng, chủ rừng phải thanh toán chi phí thực tế trong việc xử lý. 6. Đối với những vụ vi phạm có nhiều tình tiết tăng nặng, gây hậu quả nghiêm trọng vượt phạm vi xử phạt vi phạm hành chính hoặc đương sự hành hung người thừa hành công vụ, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan kiểm lâm chuyển sang tiến hành khởi tố, điều tra vụ án theo thẩm quyền pháp luật quy định, hoặc lập hồ sơ chuyển sang Viện Kiểm sát hoặc cơ quan điều tra cùng cấp để đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.
III. THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH A. XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH THEO THỦ TỤC ĐƠN GIẢN Đây là thủ tục quyết định xử phạt tại chỗ bằng cảnh cáo miệng hoặc phạt tiền bằng biên lai thu tiền phạt đối với trường hợp phạt tiền đến 50.000 đồng thuộc thẩm quyền xử phạt của nhân viên kiểm lâm, trạm trưởng kiểm lâm, trạm trưởng trạm kiểm soát lâm sản. Nhân viên, cán bộ kiểm lâm có thẩm quyền xử phạt khi quyết định xử phạt phải ghi rõ: Họ, tên, địa chỉ người vi phạm, điều khoản vi phạm, mức tiền phạt; họ, tên, chức vụ người quyết định xử phạt vào biên lai thu tiền phạt và trao cho người vi phạm một bản. B. XỬ PHẠT THEO THỦ TỤC LẬP BIÊN BẢN 1- Phát hiện và lập biên bản: Cán bộ nhân viên kiểm lâm trong khi thi hành công vụ tuần tra rừng, kiểm soát lâm sản, khám xét, phát hiện có hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định 14-CP thì lập biên bản theo quy định tại điều 21 của pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Sau khi lập biên bản ban đầu hành vi vi phạm, nếu chưa đủ chứng cứ để kết luận, cơ quan kiểm lâm phải tiến hành ngay việc điều tra, xác minh và lập biên bản xác minh bổ sung tại hiện trường hoặc nơi mua, bán lâm sản để xác định đầy đủ khách quan hành vi vi phạm, đồng thời để ngăn ngừa đương sự tẩu tán tang vật hoặc chạy hợp pháp hoá giấy tờ. 2- áp dụng các biện pháp ngăn chặn 2.1- Tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Cán bộ, nhân viên kiểm lâm khi tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện người có hành vi phạm pháp quả tang, như: Phá rừng, khai thác, chặt cây rừng, săn bắt động vật rừng trái phép... thì bắt giải người vi phạm đưa về trụ sở cơ quan kiểm lâm hoặc trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi gần nhất để giải quyết. Nếu xét thấy cần phải giữ người để xác minh địa chỉ, nhân thân người vi phạm và những tình tiết khác làm căn cứ để quyết định xử phạt thì Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan kiểm lâm cấp hạt và cấp chi cục ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính và trao cho người bị giữ một bản, đồng thời thông báo cho người thân trong gia đình hoặc cơ quan, đơn vị của họ biết. Thời hạn tạm giữ người vi phạm hành chính không được quá mười hai giờ, trong trường hợp cần thiết, thời gian giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá hai mươi bốn giờ, kể từ thời điểm giữ người vi phạm. Trường hợp đặc biệt, người vi phạm thực hiện vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn, nhưng không quá bốn mươi tám giờ. Trong thời gian tạm giữ, người bị tạm giữ phải tự lo giải quyết nhu cầu sinh hoạt cần thiết cho cá nhân. Trường hợp người đó không tự giải quyết được, thì cơ quan kiểm lâm ra quyết định tạm giữ người có trách nhiệm giải quyết những nhu cầu tối thiểu cho họ và họ có trách nhiệm thanh toán lại cho cơ quan khi hết thời gian bị tạm giữ. 2.2- Khám người theo thủ tục hành chính. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan kiểm lâm từ cấp hạt trở lên được quyền quyết định khám người khi có căn cứ để nhận định người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm hành chính; cán bộ, nhân viên kiểm lâm được quyền khám người theo thu tục hành chính nếu có căn cứ khẳng định người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm hành chính và sau đó phải báo cáo ngay cho Thủ trưởng đơn vị. Mọi trường hợp khám người đều phải lập biên bản và giao người bị khám một bản. 2.3. Khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính. Cán bộ, nhân viên kiểm lâm trong khi thừa hành công vụ hoặc nhận được tin báo của công dân, có căn cứ nhận định trong phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật vi phạm hành chính, thì được quyền dừng phương tiện lại để kiểm tra. Khi tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật phải có mặt chủ phương tiện, và một người chứng kiến. Trong trường hợp chủ phương tiện vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến. Khi khám xong phải lập biên bản và giao cho chủ phương tiện một bản. 2.4. Khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính. Trong khi tuần tra, kiểm tra rừng, kiểm soát lâm sản và kiểm tra kinh doanh hoặc nhận được tin báo của công dân, phát hiện người vi phạm có dấu hiệu cất giấu tang vật trong nhà, dưới ao, hồ, ngoài vườn hoặc trong nhà kho của cơ quan, đơn vị thì cơ quan kiểm lâm phối hợp với Công an, Viện kiểm sát và Uỷ ban nhân dân địa phương để kiểm tra. Việc khám nơi cất giấu tang vật phương tiện vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Pháp lệnh. 2.5. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Khi xét thấy cần ngăn chặn ngay vi phạm hành chính hoặc để xác minh những tình tiết cần thiết làm căn cứ quyết định xử phạt hành chính, thì Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan kiểm lâm từ cấp hạt trở lên, có quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Sau khi ra quyết định trên, phải lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện và phân công người bảo quản chặt chẽ, không để mất mát, hư hỏng hoặc bị đánh tráo. Nội dung biên bản tạm giữ phải ghi rõ khối lượng, số lượng, chủng loại, quy cách, chất lượng lâm sản; đặc điểm, tình trạng các loại phương tiện, công cụ tạm giữ. Biên bản phải có chữ ký của cán bộ kiểm lâm lập biên bản, chủ tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Đối với tang vật thuộc loại mau hư hỏng, như thịt động vật rừng, măng tươi, và có hướng xử lý tịch thu, thì cơ quan kiểm lâm ra quyết định tạm giữ tang vật được bán theo giá thoả thuận. Tiền thu được gửi vào tài khoản của đơn vị ở kho bạc để chờ xử lý. 3. Xét và quyết định xử phạt. Căn cứ hành vi vi phạm, cơ quan kiểm lâm xét, ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền quy định hoặc chuyển lên cơ quan cấp trên để xử phạt. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, cơ quan kiểm lâm hoặc UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt đối với người hoặc tổ chức vi phạm. Khi quyết định xử phạt, cơ quan kiểm lâm phải gửi quyết định xử phạt cho người hoặc tổ chức bị xử phạt chậm nhất trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày ra quyết định. 4. Thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải thi hành ngay quyết định xử phạt, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt. Cơ quan kiểm lâm ra quyết định xử phạt có trách nhiệm tiếp tục hoàn thành những thủ tục xử phạt đối với người vi phạm như: Thu tiền phạt, xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm, bồi thường thiệt hại... Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực, nếu đương sự không thi hành quyết định thì cơ quan kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng để áp dụng những biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 32 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. 5. Xử lý tang vật, phương tiện tịch thu. Đối với lâm sản trái phép đã xử lý tịch thu, cơ quan kiểm lâm bán theo giá thoả thuận hoặc bán đấu giá cho các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước có nhu cầu sử dụng. Riêng loại lâm đặc sản, thực vật và động vật rừng quý, hiếm, khi bán được UBND tỉnh phê duyệt. Đối với phương tiện vi phạm đã xử lý tịch thu, cơ quan kiểm lâm bán đấu giá theo quy định hiện hành. Tiền bán lâm sản và phương tiện bị tịch thu, cơ quan kiểm lâm sau khi trừ chi phí điều tra, xác minh bốc dỡ, vận chuyển, bảo quản, giám định và tiền trích thưởng theo quy định, số tiền còn lại nộp vào Kho bạc Nhà nước. 6. Trích thưởng và quản lý, sử dụng tiền thưởng. Thủ trưởng cơ quan kiểm lâm có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quyền trích thưởng: Căn cứ tính chất phức tạp của từng vụ việc, quyết định tỷ lệ % trích thưởng trong phạm vi quy định từ 1 đến 15% của số tiền phạt và giá trị tàng vật, phương tiện tịch thu, sau khi đã trừ các chi phí cần thiết (nếu có). Căn cứ công sức đóng góp của tập thể, cá nhân trực tiếp tham gia vào việc phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm, quyết định mức tiền thưởng cụ thể cho tập thể và từng người trong số 50% tiền trích thưởng trên mức thưởng cho cá nhân không quá 2 triệu đồng. Sau khi chi trả thưởng theo mức quyết định trên, nếu còn dư thì chuyển sang mua sắm trang thiết bị làm việc phục vụ công tác. Số tiền 50% trong tổng số tiền trích thưởng còn lại dùng để mua sắm trang, thiết bị làm việc phục vụ công tác. Cơ quan kiểm lâm gửi số tiền đó vào tài khoản tiền gửi tại Kho bạc và mở sổ sách theo dõi việc chi tiêu có hiệu quả. Nghiêm cấm việc sử dụng tuỳ tiện số tiền trên. 7. Giải quyết khiếu nại. Điều 36 và 37 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính quy định quyền khiếu nại của người hoặc tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính lên cơ quan Nhà nước. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cơ quan nhận được khiếu nại giải quyết như sau: 7.1. Khiếu nại việc xử phạt của cán bộ, nhân viên kiểm lâm, trạm trưởng kiểm lâm, trạm trưởng kiểm soát lâm sản thuộc hạt kiểm lâm, hạt kiểm soát lâm sản do hạt trưởng hạt kiểm lâm, hạt trưởng kiểm soát lâm sản xét, giải quyết. Nếu là cán bộ, nhân viên, đội trưởng đội kiểm tra lưu động, hạt kiểm soát lâm sản trực thuộc Chi cục kiểm lâm, do Chi Cục trưởng kiểm lâm xét giải quyết. 7.2. Khiếu nại việc xử phạt của hạt trưởng kiểm lâm, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện xét, giải quyết. 7.3. Khiếu nại việc xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xét, giải quyết. 7.4. Khiếu nại việc xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Cục trưởng Cục kiểm lâm, do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp xét, giải quyết. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, cơ quan có trách nhiệm giải quyết phải trả lời kết quả giải quyết cho người khiếu nại. 8. Công tác lưu trữ hồ sơ: Để có căn cứ cho việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; phục vụ yêu cầu kiểm tra thanh tra của cơ quan quản lý cấp trên; tổng kết rút kinh nghiệm trong việc xử lý vi phạm hành chính, một vụ vi phạm sau khi xử lý xong, cơ quan kiểm lâm phải sắp xếp hồ sơ đưa vào lưu trữ bảo quản trong thời hạn 10 năm. Hồ sơ lưu trữ mỗi vụ gồm các giấy tờ có liên quan đến việc xử phạt, được sắp xếp theo thứ tự thời gian và được đánh số liên tục từ 01 đến hết tập; số đánh ở góc phải phía trên tờ giấy; thống kê lần lượt các loại giấy tờ đã đánh số và bản mục lục hồ sơ. Mỗi hồ sơ phải để trong bìa giấy cứng, ngoài bìa ghi: Hồ sơ, họ tên, địa chỉ người hoặc tổ chức vi phạm. Hồ sơ năm nào để vào năm đó, có tủ đựng và phân công cán bộ quản lý không để thất lạc, mất mát. Kèm theo Thông tư này là hệ thống mẫu biểu và hồ sơ áp dụng trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng. Cục kiểm lâm có trách nhiệm giúp Bộ trưởng hướng dẫn kiểm tra, tổng kết việc thực hiện Thông tư này. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các văn bản của Bộ Lâm nghiệp trước đây hướng dẫn xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng. |
Bộ Lâm nghiệp |
Đang cập nhật |
(Đã ký) |
Nguyễn Quang Hà |
Từ khóa » Hành Vi Phá Rừng Trái Pháp Luật Là Gì
-
Hành Vi Phá Rừng Bị Xử Lý Như Thế Nào Theo Quy định Của Pháp Luật?
-
Mức Phạt Hành Chính Hành Vi Phá Rừng Trái Pháp Luật Như Thế Nào?
-
Chặt Phá Rừng Phải Chịu Trách Nhiệm Hình Sự Thế Nào?
-
Chặt Phá Rừng Trái Phép Có Bị Truy Cứu Trách Nhiệm Hình Sự.
-
Bàn Về Tội Hủy Hoại Rừng Theo điều 189 Bộ Luật Hình Sự
-
Xử Phạt đối Với Người Phá Rừng Trái Pháp Luật - Xử Lý Vi Phạm Hành ...
-
Phạt đến 200 Triệu đồng Với Hành Vi Phá Rừng Trái Pháp Luật
-
Tội Hủy Hoại Rừng (Điều 243) - Luật Hoàng Sa
-
Xử Lý Nghiêm Hành Vi Phá Rừng Trái Pháp Luật - Báo điện Tử Chính Phủ
-
Hành Vi Chặt Phá Rừng Trái Pháp Luật Bị Xử Lý Như Thế Nào?
-
Xử Lý Nghiêm Hành Vi Phá Rừng Trái ... - Báo Tài Nguyên Và Môi Trường
-
Mức Xử Lý Cho Hành Vi Chặt Phá, Hủy Hoại Rừng Trái Phép
-
Phạm Tội Vì Thiếu Hiểu Biết - Cục Trợ Giúp Pháp Lý
-
Phá Rừng Trái Phép Là Gì? - Ngân Hàng Pháp Luật