Số Phận Của ông Sãi, Bà Vãi - Nguyễn Dư - Chim Việt Cành Nam

Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Số phận của ông sãi, bà vãi * * * Nguyễn Dư
Sách Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên (Mặc Lâm, 1968) có bài Hương Sơn phong cảnh của Chu Mạnh Trinh. Câu mở đầu là Bầu trời cảnh Phật! Còn nhớ rõ bài học thuộc lòng ngày xưa mở đầu là Bầu trời cảnh Bụt! Bụt hay Phật? Học đúng hay sai? - Cả hai cùng đúng vì Bụt là Phật. - Nhưng... Chu Mạnh Trinh dùng chữ nào? Dân gian có câu Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt. Thời phong kiến, nhà vua (kể cả vua "hỉ mũi chưa sạch", vua "bù nhìn") được tôn làm cha mẹ dân. Non sông gấm vóc là của vua. Trừ chùa làng. Làng xây cất chùa cho dân làng có chỗ nghe kinh, lạy Phật. Vua không được đụng vào. Nếu vua thích thì mời vua tha hồ ngắm cảnh bên ngoài. Phong cảnh giống ông Bụt, không phân biệt vua hay dân, lúc nào cũng sẵn sàng che chở tất cả mọi người. Chu Mạnh Trinh (1862-1905) đã lấy ý câu nói của dân gian để viết Bầu trời cảnh Bụt! Trần Trung Viên đã chép sai thành Bầu trời cảnh Phật! (Gần cuối bài Hương Sơn phong cảnh có câu Lần tràng hạt niệm Nam vô Phật. Trùng vần với Bầu trời cảnh Phật. Chu Mạnh Trinh đỗ giải nguyên, tiến sĩ, không thể phạm lỗi như Trần Trung Viên tưởng).
***
Ông Bụt, đức Phật Tiếng Phạn gọi đức Phật là Bouddha (Bu-Đa). Bouddha được chữ Hán phiên âm thành Phật Đà, gọi tắt là Phật. Tiếng Việt phiên âm Bouddha thành Bụt Đà, gọi tắt là Bụt. Kết quả nghiên cứu lịch sử Phật giáo cho biết rằng: Đạo Phật được các thiền sư Ấn Độ đi đường biển, truyền vào nước ta rất sớm. Trung tâm Phật giáo Luy Lâu của ta có trước trung tâm Bành Thành và Lạc Dương của Tàu. Năm 580, Thiền sư Tỳ Ni Đà Lưu Chi (người Ấn Độ) đến nước ta, ở chùa Pháp Vân trong 14 năm. Ông hoằng giáo và viên tịch tại chùa này. "Khi Tỳ Ni Đà Lưu Chi tới chùa Pháp Vân thì ở đây đã có một thiền sư Việt Nam tên là Quán Duyên đang dạy Thiền học cho đồ chúng. Ông ở lại đây, và chọn Thiền sư Pháp Hiền làm đệ tử. Pháp Hiền từ trước đã có học Thiền học với Quán Duyên" (1). Các thiền sư Ấn Độ và Việt Nam đã dịch nghĩa hay chuyển âm một số từ cần thiết từ tiếng Phạn sang tiếng Việt. Chẳng hạn như Bouddha được chuyển thành Bụt. Rất có thể duhkha (đu-kha, nghĩa là khổ) của Tứ thánh đế đã trở thành đau khổ của tiếng Việt v.v. Dân ta biết ông Bụt sớm hơn các nhà Nho biết đức Phật.
***
Ngày nay đọc sách "gặp" Phật, Bụt, tăng, ni, sãi, vãi, tì kheo, sa môn... Chữ Hán, chữ nôm, chữ Phạn. Khó hiểu. Dễ nhầm lẫn. Tăng, ni Sau khi đắc đạo, đức Phật đã thuyết pháp cho bọn Kiều-Trần-Như trước kia cùng tu khổ hạnh. "Bọn Kiều-Trần-Như được nghe Phật thuyết pháp đều xa bỏ trần cấu, được phép nhỡn tĩnh, bèn quy y Phật pháp mà tu đạo, cắt tóc, mặc áo cà sa (kasaya), thành năm vị sa môn (çrâmana). Từ đó ở thế gian có Tam bảo: Phật là Phật bảo, Tứ thánh đế pháp luân là Pháp bảo, năm người sa môn là Tăng bảo" (2). Năm vị tu hành đầu tiên này lập thành một sangha. Sangha được chữ Hán dịch âm thành tăng già, hay dịch nghĩa thành tăng hội. Từ tăng được tách ra dùng để chỉ những người đàn ông tu hành đạo Phật (tăng sĩ). Sangha chuyển sang tiếng Việt thành . Ông là người tu theo đạo Phật. (Việt) tương đương với tăng (Hán). Chữ Hán cũng có . Sư (Hán) là ông thầy. Ông (Việt) của đạo Phật không phải là ông (Hán) dạy học. Khổng Tử là "vạn thế biểu" (ông thầy vạn đời) của quân tử, nhà Nho. Khổng Tử không phải là ông tụng kinh gõ mõ. Những người xuất gia tu hành đạo Phật, đàn ông là bhikshu (tỉ khưu, tì kheo), đàn bà là bhikshuni (tì kheo ni), gọi tắt là Ni. Kinh, sách Phật giáo Việt Nam có tăng ni, sư ni, ni cô... Sãi, vãi Tự điển Alexandre de Rhodes (1651) có: - Tăng là người đi tu. Tăng nisãi vãi. - Sãi là ông sư(bonzo). Vãi là bà sư(bonza). - Sư là ông thầy. Tự điển Alexandre de Rhodes không có là người tu hành đạo Phật. Tiếng Việt có từ kép sư sãi. do Sangha chuyển thành. Còn Sãi? Bọn Kiều-Trần-Như quy y Phật, cắt tóc, đi tu, trở thành sa môn (çrâmana). Âm "çrâ" được chuyển thành Sa (Hán), thành Sãi (Việt).
Ông sư Nhà sư lắc chuông

Còn Vãi thì từ đâu ra? Chưa thấy tài liệu nào cho biết. Mời các bạn cùng đi tìm nguồn gốc của Vãi. Bezacier kể truyện: "Một hôm, sau khi đi khất thực và ăn trưa xong, Ananda (Át Nan, A Nan Đà) đang trên đường từ Çrâvastî về thì gặp cô Pakriti xinh đẹp, thuộc giai cấp nô lệ (çûdra), đang múc nước giếng. Ananda xin và được Pakriti cho uống nước. Pakriti xúc động được một vị tu hành thuộc giai cấp vương giả (kshatriya) nói chuyện. Pakriti ước muốn được làm vợ Ananda. Nàng mời Ananda vào nhà. Ananda có linh cảm mình sắp bị sa ngã bèn niệm Phật và được Phật cứu thoát. Pakriti đi gặp đức Phật để xin phép được lấy Ananda. Rốt cuộc đức Phật đã giáo hoá và độ cho Pakriti. Pakriti được nhận vào tăng đoàn. Sự cố này đã gây tai tiếng trong Çrâvastî. Bên ngoài thì bị giai cấp Bà La Môn và giai cấp vương giả phản đối chuyện một cô gái nô lệ được khoác áo nhà tu, từ nay được quyền ra vào nhà của họ. Họ rủ nhau đi gặp đức Phật để chất vấn nhưng đã được đức Phật giải thích những điều sai trái của chế độ phân chia giai cấp" (3). Bezacier không nói Çrâvastî là ai, là cái gì nhưng người nghe kể truyện có thể suy ra được. Pakriti được nhận vào tăng đoàn, gây tai tiếng trong Çrâvastî. Hai chi tiết này cho phép suy ra rằng Çrâvastî là sư ni, hay tinh xá của sư ni (vihâra). Nếu là tinh xá thì Bezacier đã dùng từ vihâra (tiếng Phạn) hay monastère (tiếng Pháp). Chỉ còn giả thuyết Çrâvastî là sư ni. Çrâmana sa-môn. Çrâvastî là "sa-môn ni". Âm "vas" (vát) của Çrâvastî đã được chuyển thành Vãi của tiếng Việt. Vãi là "sa-môn ni", là bà sư.

Bà vãi đi quyên giáo thóc Bà vãi lần tràng hạt
***
Sãi, vãi của tiếng Việt dĩ nhiên là không có trong kinh sách chữ Hán. Sãi, vãi chỉ xuất hiện trong văn chương chữ nôm. (Sãi = bộ Nhân + , Vãi = bộ Nhân + ). Số phận của ông sãi, bà vãi nổi trôi cùng vận nước. Vua Đinh Tiên Hoàng là vị vua đầu tiên đã định giai cấp cho tăng lữ. Năm 971, một vị thiền sư tên Ngô Chân Lưu được phong làm tăng thống. Chế độ tăng thống tại Việt Nam bắt đầu từ đấy. Trong đời Lý, những vị tăng sĩ được xem như lãnh đạo tinh thần cho triều đình và cho cả nước thì được gọi là quốc sư. Năm 1019, độ dân làm tăng sĩ. Đến năm 1134 vua Lý Thần Tông lại tổ chức độ tăng một lần nữa. Số lượng người xuất gia đông dần. Vào gần cuối đời Lý, năm 1198, số tăng sĩ lên nhiều quá, tệ lậu sinh ra trong giới xuất gia, vua Lý Cao Tông cho chọn lọc và sa thải bớt tăng sĩ không xứng đáng. Trước đó, năm 1179, vua đã cho khảo hạch các tăng quan (4). Tình trạng Lắm sãi không ai đóng cửa chùa bắt đầu xuất hiện. Năm 1429, Lê Thái Tổ mở kì thi Tăng đạo. Ai trúng tuyển được ở chùa tu hành, người nào hỏng thì phải hoàn tục. Vua Lê Thái Tổ muốn xoá bỏ nạn Trốn việc quan đi ở chùa. Sử nhà Nguyễn chép rằng chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) có danh hiệu là Chúa Phật. Dân gian "trông mặt đặt tên" cho chúa là Chúa Sãi. Dân gian khiêm tốn hơn các sử thần. Dưới thời Chúa Sãi, vào khoảng năm 1621, Cristoforo Borri đã được thấy tận mắt các ông sãi (onsaij) trong một hoàn cảnh đặc biệt: Quan trấn thủ Quy Nhơn cưỡi voi đi săn chẳng may bị cảm nắng. Chiều tối ông lên cơn sốt, rồi bị mê sảng, ốm nặng. Ba ngày sau thì ông qua đời. Gia đình họ hàng đi mời ông sãi (onsaij) đến làm lễ. Một đoàn sãi đến. Các ông xì xào bàn cãi một lát rồi chia nhau người thì vẽ vòng tròn, niệm thần chú, người thì lo xua đuổi tà ma. Sau đó, ông sãi lớn tuổi nhất trong bọn được cử ra làm lễ gọi hồn quan trấn thủ về trò chuyện với người thân (...) (5). Ông sãi, thời Lý Trần là nhà sư, cuối đời nhà Lê quay sang kiêm cả nghề pháp sư, thầy cúng, thầy phù thuỷ. Tệ trạng này cũng được thấy trong truyện Phạm Công Cúc Hoa: Cha chết, Phạm Công đi mời người làm lễ tống táng. Lại đi mời sãi đàng này Sãi cũng chê khó chẳng nay đến cùng Phạm Công nước mắt dòng dòng Khấn trời thấm thía nguyện cùng cho cha Một mình làm sãi trừ ma Vừa thầy địa lí, chủ gia một mình. Sãi là thầy phù thuỷ, kiêm thầy địa lí. Sãi chỉ phục vụ nhà giầu, chê nhà nghèo. Rốt cuộc Phạm Công (13 tuổi) phải tự lo liệu. Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) sáng tác Truyện sãi vãi nhằm mục đích phê bình đạo Phật, ca tụng đạo Nho. Ông sãi của Nguyễn Cư Trinh là người chờ thời, trốn việc quan đi ở chùa. Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765-1820) có bà vãi Giác Duyên: - Mụ quản gia, vãi Giác Duyên Cũng sai lệnh tiễn đem tin rước mời - Thấy màu ăn mặc nâu sồng Giác Duyên trưởng lành lòng liền thương Nguyễn Du xác nhận vãi Giác Duyên là trưởng (sư đứng đầu trong chùa). Điều này cho thấy là từ chỉ chung những người tu theo đạo Phật. Có sư ông, sư bà, sư cô. Phạm Thái (1777-1813) đã có lúc đi tu, được thấy cảnh: Xuân thu bao nã nữ ni Khen rằng trẻ cũng từ bi lọ già Sài Sơn tựa áng phồn hoa Sư huynh chải chuốt, vãi già đong đưa Ra vào tiểu gái lẳng lơ Long lanh mắt biếc, say sưa miệng cười Sư tiên đủng đỉnh lạ đời Xe thêu kim tuyến, áo dài khói hương (Sơ kính tân trang) Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) phê bình, lên Án thầy chùa: Bày ra ba cảnh, sáu đàn, Đám chay nhà thí, nhộn nhàng tăng ni. Nghênh ngang hoà thượng pháp sư Đua nhau làm phép Mâu Ni tưng bừng (...) Hỡi ôi! Bầy dại tham sinh Nghe lời sãi dụ quên mình làm dân Đạo người hai chữ "quân, thân" Quân, thân chẳng biết còn luân lý gì? (...) Đánh cho thằng sãi đầu thai Kiếp heo, kiếp chó, theo loài mọi xa. (Ngư tiều y thuật vấn đáp) Thời Pháp thuộc... Vua quan, làng xã, chùa chiền bị thay đổi, xáo trộn. Đạo Phật trước kia bị Khổng giáo của tầng lớp cai trị, Lão giáo của mê tín dị đoan lấn áp. Bây giờ thêm đạo Thiên Chúa. Lắm kẻ theo thời... Bụt nhà không cầu, cầu Thích Ca ngoài đường! Tự vị Huỳnh Tịnh Của (1895) có câu: Con vua thì được làm vua Con sãi ở chùa phải quét lá đa Sãi của thời kì mới là người làm việc cho nhà chùa, có vợ con. Tự điển Génibrel (1898) có Sãi chùa là nhà sư. Bên cạnh Sãi chùaSãi trông nom chùa. Đáng chú ý hơn là Tự điển Génibrel có thêm mấy ông "Sãi tây": Sãi nhà thờ là người trông nom nhà thờ. Sãi đò là lái đò. (Mấy Sãi mới này là người ở, đầy tớ (serviteur) của chủ mới. Vợ của Sãi (serviteur) là con Sen (servante). Tự điển Jean Bonet (1900) định nghĩa: Thầy sãi là nhà sư, thầy pháp (sacrificateur). Tự điển Gustave Hue (1937) có thêm Sãi mõ là thằng mõ. Trong một chuyến đi thăm chùa tại Ngũ Hành Sơn, Khâm sứ Frédéric Baille được dẫn đi xem hai gian nhà dành cho 15 tu sĩ, đặt dưới sự cai quản của một sư trụ trì. Những tu sĩ ở đây có người có vợ con, có người vì đời sống gia đình gặp khó khăn, có người vì thi rớt, có người trốn sưu thuế, tạp dịch. Có nhiều trẻ con trong hai gian nhà này (6). Chùa có nguy cơ trở thành... trại tế bần. Ai muốn vào "tu" cũng được. Thậm chí... Cũng ra đĩ rạc Bấy lâu nay đã toác toạc toàng toang Chán chê rồi về đến đầu làng Toan tấp tểnh những đường tu lí (...) Tìm am thanh cảnh vắng khỏi dơ tuồng Dập dìu tiếng mõ tiếng chuông. (Tú Xương, Đĩ rạc đi tu) Tại miền Bắc: "Làng đã có chùa, tất có hội chư bà. Chư bà là những đàn bà từ năm mươi tuổi trở lên hoặc người đã có tuổi mà goá chồng, mượn cửa chùa làm nơi vui thú. Bà nào muốn quy Phật, trước hết phải biện cái lễ trầu cau vàng hương lên lễ Phật, nói với nhà sư xin thọ giới, vào hội quy y gọi là chư bà hay là bà vãi (...). Nhà chùa có việc gì các vãi tất phải hết sức giúp đỡ, hết lòng lo giùm, không dám sai lời. Trong các vãi thế nào cũng phải cắt cử một người nhanh trai nhật dạ ở luôn trong chùa phục dịch gọi là vãi thủ hộ"(7). Bà vãi không còn là "sa-môn ni" như xưa. Chính quyền thực dân Pháp thay đổi guồng máy cai trị làng xã. Ngày xưa Phép vua thua lệ làng, bây giờ Lệ làng hàng luật Pháp. Hội đồng tộc biểuHội đồng kỳ mục bị xoá bỏ, thay thế bằng Hội đồng kỳ hào. Tại Cam Thịnh, Cam Lâm, Yên Thịnh (tỉnh Sơn Tây), ngôi thứ thái vãi, đại sãi, sãi cả được treo giá bán. Đại sãi, sãi cả được Hội đồng kỳ hào quy định là đàn lớn tuổi, theo đạo Phật, giữ việc trông coi chùa (grande gardienne de pagode) (8). Đúng là tiền bạc làm tối mắt, không phân biệt được sãi hay vãi. Tự điển Việt Nam (1971) của Ban tu thư Khai Trí cũng phạm sai lầm khi định nghĩa Sãi vãiĐàn bà ở chùa, tu theo đạo Phật. Năm 1943, Thượng toạ Mật Thể có nhận xét: "Trải các triều vua (nhà Nguyễn), nhất là triều vua Thiệu Trị, ngài là một ông vua hết lòng sùng phụng và rất sốt sắng với đạo Phật. Những sự nghiệp xây dựng cho Phật giáo về thời này, ngài là người đáng cho ta chép vào lịch sử hơn hết. Nhưng thật ra Phật giáo về thời này đã kém lắm rồi, nên dầu các triều vua vẫn tín ngưỡng sùng phụng, làm chùa đúc tượng mà tinh thần Phật giáo vẫn suy. Đến đây, từ trên vua quan cho đến thứ dân, ai ai cũng an trí đạo Phật là ở sự cúng cấp, cầu đảo chứ không biết gì khác nữa và phần đông họ chỉ trọng ông thầy ở chỗ danh vọng chức tước, mặc dầu ông thầy ấy thiếu học, thiếu tu. Bởi tệ hại ấy, làm cho tăng đồ trong nước lần lần sa vào con đường truỵ lạc, cờ bạc rượu chè, đàm trước thanh sắc. Tuy vậy, ở miền trung ương Bắc Kỳ về kỷ luật tăng già bề ngoài còn giữ được nghiêm chỉnh đôi chút, chứ như Trung kỳ phần nhiều họ đã có vợ con một cách công nhiên, không còn áy náy, nhứt là Nam kỳ ông thầy, bà vãi lại càng hỗn độn hơn nữa. Cũng vì tình trạng ấy mà tạo nên hại lớn ngày nay. Đến nỗi gần 15 năm lại đây, hiện tượng suy đồi ấy càng biểu diễn đến chỗ đồi bại; phần đông tăng đồ chỉ nghĩ đến danh vọng, chức tước, xin bằng Tăng cang, Trú trì, Sắc tứ v.v. một phương diện khác thì chỉ biết cúng cấp, cầu đảo, phù chú (phù chú đã thành phù thuỷ hoá) làm tay sai cho các nhà vua chúa, quan quyền, phú hộ, thay vì họ cầu đảo, cúng cấp để làm kế sinh nhai, hoặc phải chăm việc đồng áng có thể nuôi sống hàng ngày ; còn một hạng nữa chỉ giữ mình cho được thanh nhàn, ăn chơi tiêu khiển bảo là giải thoát v.v. Ôi! Tinh thần Phật giáo đến đây hầu đã tuyệt diệt! Bởi vậy các cảnh chùa trong nước đã thành những cảnh gia đình riêng, không còn gì là tính cách đoàn thể của một tôn giáo nữa. Họ sống trong Phật giáo hầu hết chỉ còn "dốt" và "quên". "Quên" để khỏi phải biết đến bổn phận, bổn phận chơn chánh của một Tăng đồ. Ở trong Tăng đồ thì như vậy, ở ngoài tín đồ, cư sĩ thì cũng ngơ ngác, ù oà, tin bướng, theo càn, ít ai là người hiểu đạo lý. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, ta có thể đánh vào đây một dấu than (!) rất to tướng" (9).
***
Thế kỉ 21, số phận của ông sãi, vãi ra sao? Xin chờ hồi sau phân giải.
Nguyễn Dư (Lyon, 2/2021)
(1)- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Văn Học,1992, tr. 123.

(2)- Trần Trọng Kim, Phật giáo, Ba bài diễn thuyết, Chùa Khánh Anh tái bản, tr. 23.

(3)- Louis Bezacier, L'Art viêtnamien, Éd. de L'Union française, 1955, tr. 168.

(4)- Nguyễn Lang, sđd, tr. 234.

(5)- Cristoforo Borri, Relation de la nouvelle mission au royaume de la Cochinchine,

BAVH, 3-4/1931, tr. 356-357.

(6)- Frédéric Baille, Les Annamites, 1898, tr. 24.

(7)- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Tổng Hợp Đồng Tháp tái bản, 1990, tr. 195.

(8)- Nguyễn Tùng, Mông Phụ, un village du delta du Fleuve Rouge (Viêt Nam),

L'Harmattan, 1999, tr. 97-99.

(9)- Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Đức tái bản, 1960, tr. 222-224.

Từ khóa » Các Vãi ở Chùa