Sốc điện - Bệnh Viện đa Khoa Tỉnh Quảng Nam

Bs CKI Đặng Ngọc Thành - Khoa Cấp Cứu

I. NGUYÊN LÝ

Dùng 1 xung điện có điện thế lớn (7000 – 8000 volt) trong thời gian rất ngắn (0,03 – 0,1 giây) phóng qua tim làm khử cực toàn bộ cơ tim, tạo điều kiện cho nút xoang trở lại nắm quyền chỉ huy toàn bộ cơ tim. Hiện nay chỉ dùng dòng điện 1 chiều – an toàn và hiệu quả hơn dòng điện xoay chiều.

II. PHƯƠNG THỨC:

Sốc điện có thể tiến hành trực tiếp trên tim khi mở lồng ngực (sốc điện trong lồng ngực) hoặc qua thành ngực (sốc điện ngoài lồng ngực)

1. Sốc điện không đồng bộ: Xung điện sẽ phóng ngay lập tức tại thời điểm ấn nút phóng điện.

2. Sốc điện đồng bộ: Xung điện chỉ được phóng ra vào thời điểm sườn xuống sóng R của phức bộ QRS cơ bản của bệnh nhân.

socdien

* Vì sao phải sốc điện đồng bộ và không đồng bộ?

- Trong các rối loạn nhịp mà bệnh nhân vẫn còn nhịp cơ bản (rung, cuồng nhĩ, nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh thất) phương thức sốc điện đồng bộ giúp đảm bảo an toàn cho bệnh nhân vì phóng điện ngay vào sườn xuống của sóng R, tránh vùng nguy hiểm là thời gian trước đỉnh sóng T (có thể gây nhịp nhanh thất, rung thất).

- Ngược lại, trong trường hợp bệnh nhân không còn nhịp cơ bản (rung thất), nếu dùng phương thức sốc điện đồng bộ có thể không thực hiện được cú sốc điện vì máy không xác định được sườn xuống của sóng R ở đâu.

* Khoảng thời gian nguy hiểm: Là khoảng thời gian trước đỉnh sóng T: Nếu xung điện phóng ra vào khoảng thời gian này thì đáp ứng quá mức của tim dễ gây nhịp nhanh thất, rung thất

Cơ tim khử cực biểu hiện là phức bộ QRS

Cơ tim tái cực là sóng T

Tại sao không đưa xung điện đúng lúc cơ tim khử cực?: Khi cơ tim tái cực (thư giãn), trước sóng T là chưa thư giãn xong hoàn toàn sau thời gian khử cực, ta đưa xung điện vào lúc này làm cơ tim tiếp tục khử cực, như vậy vô tình bắt cơ tim làm việc quá sức do đó dễ gây ra nhịp nhanh thất, rung thất.

III. PHƯƠNG TIỆN

Máy sốc điện bao gồm:

1. Bộ phận tạo xung điện là một tụ điện tích điện từ nguồn điện xoay chiều có khả năng phóng ra được dòng điện với các tính chất mong muốn theo yêu cầu sốc điện.

2. Bản sốc điện có kích cỡ thay đổi tùy sốc trong hay ngoài lồng ngực, người lớn hay trẻ em. Đối với người lớn sốc điện qua thành ngực, đường kính cần ≥ 80cm.

3. Dây điện cực với 3 – 5 điện cực.

4. Màn huỳnh quang (Monitor) hiển thị sóng điện tim thu từ các điện cực hoặc bản sốc điện và các thông số kỹ thuật.

5. Nút hoặc phím để chọn phương thức sốc điện đồng bộ (SYN = synchronization)

6. Nút hoặc phím lựa chọn mức năng lượng (tính bằng joules hoặc watt). Các mức 5-50j chủ yếu dùng cho sốc điện trực tiếp trên tim khi phẫu thuật mở lồng ngực; các mức cao hơn thường dùng cho sốc điện ngoài lồng ngực.

7. Nút/ phím nạp điện (CHARGE)

8. Nút phóng điện

IV. CHỈ ĐỊNH

1. Sốc điện cấp cứu:

- Rung thất, nhịp nhanh thất vô mạch: sốc điện không đồng bộ

- Loạn nhịp nhanh (trừ nhanh xoang) có rối loạn huyết động: sốc điện đồng bộ.

- Mức năng lượng đối với rung thất/ nhanh thất vô mạch: 200j – 250j – 300j – 360j.

- Cần thực hiện nhanh chóng, không cần gây mê, không cần thuốc chống đông.

2. Sốc điện có chuẩn bị:

- Các loạn nhịp nhanh (trừ nhanh xoang) chưa có rối loạn huyết động, không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác như thủ thuật cường phế vị, thuốc chống loạn nhịp.

- Thực hiện sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, xem xét các yếu tố dự đoán khả năng thành công, bệnh nguyên, thuốc chống đông. Cần gây mê ngắn khi sốc điện.

- Phương thức: Sốc điện đồng bộ. Mức năng lượng thường thấp 25 – 200j.

V. KỸ THUẬT

- Lập đường truyền tĩnh mạch.

- Kiểm tra oxy. Bóp bóng.

- Bộ đặt nội khí quản, ống nội khí quản.

- Các thuốc chống loạn nhịp: Atropin; Adrenalin; Dopamin phải sẵn sàng, nếu sau sốc khoảng ngừng tim trên 3 giây tiêm 1mg Atropin.

- Thuốc an thần: Diazepam; Midazolam.

- Vị trí đặt bản điện cực: có thể đáy – đỉnh; bên – bên; trước – sau. Thường là đáy – đỉnh. Bản điện cực “STERNUM” ở vùng dưới xương đòn phải; “APEX” ở phía ngoài mõm tim (tránh đặt lên vú). Các bản điện cực phải cách xa máy tạo nhịp hoặc máy khử rung tự động ít nhất 6cm.

- Cần thoa kem dẫn điện đầy đủ, lực ép trên thành ngực phải đủ đảm bảo tiếp xúc tốt với da bệnh nhân, tránh sinh nhiệt quá mức gây bỏng da.

- Tránh nối tắt do kem dẫn điện giữa 2 bản điện cực, không để phần da trần của bệnh nhân tiếp xúc với các vật kim loại xung quanh như thành giường để đảm bảo hiệu quả sốc điện.

- Cách ly tốt bệnh nhân để tránh gây điện giật cho những người xung quanh. Tắt các khí dễ cháy nổ như oxy, ether ngay trước khi bấm nút phóng điện./.

Tin mới hơn:
  • 14/10/2014 09:34 - Các chỉ định truyền chế phẩm máu
  • 10/10/2014 08:13 - Phác đồ và kỹ thuật đặt nội khí quản khó
  • 09/10/2014 19:36 - Điều dưỡng với chuẩn bị bệnh nhân trước mổ
  • 05/10/2014 19:08 - Quy trình bảo dưỡng máy gây mê kèm thở
  • 24/09/2014 16:49 - Hướng dẫn thu thập, bảo quản, đóng gói và vận chuy…
Tin cũ hơn:
  • 24/08/2014 14:35 - Dùng adrenalin trong cấp cứu ngừng tim và hồi sức …
  • 23/05/2014 12:16 - Chăm sóc người bệnh sỏi đường mật
  • 19/04/2014 10:00 - Kỹ năng giao tiếp
  • 22/03/2014 13:51 - Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay
  • 09/03/2014 09:21 - Trọng tâm công tác điều dưỡng quý I năm 2014
>

Từ khóa » Sốc điện Não đồ Là Gì