Sông Thương, Dòng Sông Thi Ca - Ký Của Đinh Tiến Hải
Có thể bạn quan tâm
Vanvn- Buổi sáng đứng trên chòi “Thủy văn phủ Lạng Thương” nhìn dòng sông bảng lảng sương mù với vẻ yên tĩnh lạ thường như đang chìm vào trong giấc ngủ. Xa xa kia là những đoàn thuyền đánh cá đang chuẩn bị cho một ngày mới tung chài lưới đẹp như một bức tranh thủy mặc. Sông Thương như một dải lụa đào nằm vắt ngang qua thành phố. Bên kia bờ lở, bên này bờ bồi, bến Chia Ly và cây cầu sắt vẫn còn đó như một chứng nhân lịch sử với những biến chuyển hào hùng của người dân Bắc Giang.
Ngược dòng kí ức
Khoảng cuối năm 2018, tôi may mắn được nhà văn Sương Nguyệt Minh mời ra vườn nghệ thuật “Song thuong Gardren” dự buổi giao lưu của trại sáng tác âm nhạc “Đất và người Bắc Giang” do vườn nghệ thuật sông Thương và lãnh đạo, chính quyền tỉnh Bắc Giang phát động nhằm tôn vinh vẻ đẹp văn hóa, giá trị tinh thần cũng như chiều sâu về lịch sử, địa lý, con người tỉnh Bắc Giang.
Buổi sáng đi thực tế, ngồi cùng xe với nhạc sĩ Vũ Thiết đi tham quan khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám huyện Yên Thế. Nhạc sĩ Vũ Thiết có nói với tôi rằng, Bắc Giang là một tỉnh có nền văn hóa phong phú mang tính chất hội tụ, đoàn kết và sáng tạo. Người Bắc Giang tự hào là cái nôi đào tạo “thiền phái trúc lâm” như chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên) và còn là nơi giao thoa với 23 làng quan họ cổ ven sông Cầu tỉnh Bắc Ninh. Ông cũng nói rằng sông Thương là một con sông trữ tình, có thể gọi đó là “Dòng sông thi ca” của tỉnh Bắc Giang.
Trở về sau cuộc thi “Đất và người Bắc Giang” sau đó là một loạt những ca khúc ra đời và được tổ chức trình diễn tại trung tâm hội nghị Quảng trường tỉnh Bắc Giang. Đêm đó tôi được gặp lại những nhạc sĩ như Nguyễn Vĩnh Tiến với tác phẩm “Mùa trám xanh”, nhạc sĩ Vũ Thiết với tác phẩm “Xa rồi sông Thương”, nhạc sĩ Nguyễn Cường với tác phẩm “Đá đứng, đá ngồi”. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn với tác phẩm “Tôi yêu cơn gió ở đây quá”. Nhạc sĩ Đức Nghĩa với tác phẩm “Nhớ chiều sông Thương” v.v… Những ca khúc mang đậm dấu ấn về con người, vùng đất và dòng sông Thương đẫm chất thi ca.
Dòng sông sử thi
Sông Thương khác với nhiều dòng sông khác, bởi sông Thương có hai dòng chảy. Bao đời nay con sông là chất men say thấm vào tâm hồn các thi sĩ. Sông cũng là cội nguồn làm nên vẻ đẹp âm nhạc cho các nhạc sĩ sáng tác và cho ra đời rất nhiều ca khúc. Trong chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang (1427) giữa nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi dẫn đầu chống quân Minh, tác phẩm “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi đã viết rằng: “Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường/ Xương Giang, Bình Than máu loang đỏ nước“. Dòng sông lịch sử Xương Giang vẻ vang chiến công cũng là bài phú giữa đất trời, non sông một thủa về những khát vọng hòa bình chính nghĩa “Lạch thiên nhiên của trời Nam sẵn có/ ấy Xương Giang một sông hình đẹp/ mà dấu thơm muôn thủa còn truyền…“.
Lịch sử đã chứng minh “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn/ lấy trí nhân để thay cường bạo”, Lý Tử Tấn đã viết “Xương Giang Phú” như một bài ca hào hùng bằng những áng thơ bất hủ.
Trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, sông Thương đã đi vào thơ ca của nhiều thế hệ các nhà thơ và nhạc sĩ nổi tiếng. Các nhạc sĩ, nhà thơ sáng tác ra những tác phẩm như: “Con thuyền không bến” (nhạc sĩ: Đặng Thế Phong). “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” (nhạc sĩ: Nguyễn văn Tý). “Tiếng chim tu hú” (thơ: Anh Thơ) “Chiều sông Thương” (thơ: Hữu Thỉnh, nhạc: An Thuyên). “Qua sông Thương” (thơ: Lưu Quang Vũ) “Sông Thương tóc dài” (thơ: Hoàng Nhuận Cầm).
Sau này còn có rất nhiều các tác phẩm mới viết về sông Thương như: “Nhớ chiều sông Thương “(nhạc sĩ: Đức Nghĩa). “Xa rồi sông Thương” (nhạc sĩ: Vũ Thiết). “Tình ca sông Thương “(nhạc sĩ: Tuấn Khương). vv… ngoài ra còn có rất nhiều bài thơ của các nhà văn, nhà thơ trong cả nước nói chung và hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh nói riêng như nhà thơ: Anh Vũ; Duy Phi; Tô Hoàn; Nguyễn Thanh Kim. Đặc biệt năm 2018, nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành vì yêu mến sông Thương ông đã viết 108 bài thơ lục bát và được NXB Hội nhà văn tổ chức lễ ra mắt, được hàng trăm văn nghệ sĩ, trí thức trên văn đàn đánh giá cao về nghệ thuật.
Sông Thương qua cảm thức nghệ thuật
Dòng sông luôn là chủ đề cho các nhạc sĩ, nhà thơ sử dụng hình tượng, ngôn ngữ nghệ thuật để đưa vào các tác phẩm của mình. Trong bài thơ “Chiều Sông Thương” của nhà thơ Hữu Thỉnh, cảm thức nghệ thuật đã thấm đẫm vào từng câu thơ, đầy hình ảnh, màu sắc như mùa thu, trăng sao, gió mây, ngõ quê, đồng ruộng như một bản tình ca tươi đẹp của sông Thương. Tất cả được hòa quyện một cách tự nhiên, trong sáng, thắm thiết, gắn bó. “Đi suốt cả chiều thu/ vẫn chưa về tới ngõ/ dùng dằng hoa quan họ/ nở tím chiều sông Thương“. Sông Thương hiện lên trong thơ, nhạc quá đỗi bao dung, giản dị và đắm say “Nước vẫn chảy đôi dòng/ chiều uốn cong lưỡi hái/ những gì sông muốn nói / cánh buồm giờ hát lên…/ ơi con sông màu nâu/ ơi con sông màu biếc/ …bên cầu con nghé đợi/ cả chiều thu sang sông“. Những thi ảnh mây, gió, hoa, cỏ đã làm nên một “Chiều thu sông Thương” từ thơ đến nhạc lay động tâm hồn người nghe.
Nếu như mỗi một nhạc sĩ có riêng cho mình một dòng sông để tận hiến cho nghệ thuật như Phó Đức Phương “Sông hiến mình tất cả/ đời sông trẻ mãi không già” trong tác phẩm “Chảy đi sông ơi” đầy chiêm nghiệm của đời người. Văn Cao với “Trường Ca Sông Lô” đầy khí thế hào hùng, đậm chất sử thi. Hoàng Cầm với “Bên kia sông Đuống”; Tế Hanh “Nhớ con sông quê hương”; Nguyễn Trọng Tạo “Khúc hát sông quê”; Hoàng Hiệp “Trở về dòng sông tuổi thơ”, thì sông Thương cũng có một tác phẩm bất hủ đó là “Con thuyền không bến” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong.
“Đêm nay thu sang cùng heo may/ đêm nay sương lam mờ chân mây/ thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng/ như nhớ thương ai chùng tơ lòng…“. Sông Thương trong nỗi niềm cô độc, lẻ bóng của mùa thu heo may. Những hình ảnh nghệ thuật như sương lam, con thuyền, bờ bến trong đêm thu đầy biểu cảm, ngôn ngữ như từ trong vô thức tuôn trào, nỗi cô đơn của nhạc sĩ là nỗi cô đơn mang vẻ đẹp lộng lẫy, thánh thiện của tâm hồn. “Trong cây hơi thu cùng heo may…/ lướt theo chiều gió một con thuyền/ theo trăng trong trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng / biết đâu bờ bến thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu/ trên con sông Thương nào ai biết nông sâu…” .
Có rất nhiều bài thơ đậm chất nghệ thuật ca từ qua các tác phẩm như “Sông Thương tóc dài” của cố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Ông mất vào chiều 20/4, khi ấy ông vừa từ trường dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang trở về được vài ngày và đó cũng là lần cuối cùng ông đọc thơ và cũng là lần cuối cùng ông trở lại Bắc Giang.
Khi ông mất, bài thơ “Sông Thương tóc dài” đã được rất nhiều người post lên trang mạng xã hội facebook với những ca từ đầy ám ảnh khôn nguôi: “Mai đành xa sông Thương, thật thương/ muôn kiếp tình thương anh gửi lại/ sông ơi sông, sao sông trôi chảy mãi/ hạ chưa về nhưng nắng đã Côn Sơn/ mai đành xa sông Thương thật thương/ mắt nhớ một người, nước in một bóng/ mây trôi một chiều chim kêu một giọng/ anh một mình náo động một mình anh“.
Nỗi nhớ trong tình yêu với dòng sông, với con người là một nỗi buồn đẹp, nỗi buồn cho một mùa tái sinh và những giá trị sống, giúp con người có niềm tin, hi vọng vào cái gửi lại nơi dòng sông, đó có thể là một ánh mắt, một nụ cười, một chiều trôi hay là một tình yêu đi chăng nữa. Nội tâm càng “náo động” thì sự thăng hoa của ngôn ngữ mang dấu ấn nghệ thuật càng vụt sáng.
Dòng sông thương nhớ
Đất nước có bao nhiêu dòng sông để thương, để nhớ nhưng mỗi người đều có một góc nhìn khác nhau về dòng sông quê mình, đúng như lời bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. “Quê hương ai cũng có một dòng sông bên nhà/ con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi/ con sông tôi tắm mát/ con sông tôi đã hát/ con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà…“. Vẻ đẹp của sông Thương không những gắn liền với tuổi thơ mà ở đó sông còn gắn liền với vẻ đẹp của văn hóa, của dân tộc. Sông Thương mang đến cho các nhà thơ, nhạc sĩ một nguồn năng lượng đầy cảm xúc, dồi dào và sâu lắng, được nuôi dưỡng qua những làn điệu dân ca quan họ đầy chất trữ tình và say đắm của người dân vùng Kinh Bắc.
Sông Thương hồn hậu, gần gũi, mộng mơ khiến nhà thơ Lưu Quang Vũ phải thốt lên “Sao tên sông lại là Thương/ để cho lòng anh nhớ…” nỗi nhớ, niềm thương ấy chính là cội nguồn cảm hứng sáng tác của các nhạc sĩ, nhà thơ vô bờ bến theo thời gian.
Một chiều ngồi bên bến sông Thương, nơi cây cầu mới. Dọc theo hai phía bờ sông, thành phố đã cho xây dựng hành lang, nâng cấp và kè đá chắc chắn để chống sụt lở trong mùa mưa bão, tôi lại ngân nga câu hát “những gì sông muốn nói/ cánh buồm giờ hát lên…“. Hãy hát lên sông ơi và chảy trôi vào lòng người những ca từ dịu dàng, thương nhớ.
ĐINH TIẾN HẢI
Xem thêm:- Ngô Tất Tố – người trọn đời “đứng về phía ánh sáng của lương tri”
- Thiên tài toán học Srinivasa Ramanujan: Một công thức lạ
- Con ôm vào lòng cả những giấc mơ – Tản văn dự thi của Văn Bích
- “Khi người đàn bà mộng du” trong thơ Nguyễn Thị Hằng
- Hoành tráng và xúc động chương trình nghệ thuật tôn vinh Văn Cao
Từ khóa » Bài Thơ Về Sông Thương
-
Tìm Bài Thơ Với Lời "sông Thương" (kiếm được 200 Bài) - TKaraoke
-
Bài Thơ: Qua Sông Thương (Lưu Quang Vũ) - Thi Viện
-
Bài Thơ: Chiều Sông Thương (Hữu Thỉnh - Thi Viện
-
Sông Thương Chảy Vào… Thơ - Báo Bắc Giang
-
Với Sông Thương - Một Bài Thơ Tôi Thích
-
CLB THƠ SÔNG THƯƠNG - Facebook
-
Ca Dao Tục Ngữ Về Sông Thương
-
Thơ Tình: Cô Lái Bến Sông Thương Và Gửi Người Lữ Khách
-
Chiều Sông Thương (Hữu Thỉnh) – Tác Phẩm ấn Tượng, đặc Sắc Nhất
-
Cảm Nhận Về Bài Thơ Chiều Sông Thương - Hữu Thỉnh - Bpackingapp
-
Bình Giảng Bài Thơ Chiều Sông Thương Của Hữu Thỉnh - Tài Liệu Text
-
Bài Thơ Chiều Sông Thương Của Hữu Thỉnh | BKTV
-
Qua Sông Thương Gửi Về Bến Nhớ - THUNG DUNG