Sông - Tiểu Thuyết Của Nguyễn Ngọc Tư - Văn Học Sài Gòn
Có thể bạn quan tâm
VHSG- Sông là tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Ngọc Tư. Sau những truyện ngắn (Cánh đồng bất tận, Gió lẻ, Ngọn đèn không tắt…) đã làm xôn xao tâm trạng của biết bao người đọc suốt một thời gian dài, Sông được xem là một sự đổi thay toàn diện của chính tác giả. Có người đã nhận xét về Sông ngắn gọn như thế này: Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo.
Trước khi diễn ra sự kiện này, khi được hỏi: “Phải phá vỡ những gì vốn có của riêng chị để truy vấn chính mình, để tìm kiếm một hiện thực sâu hơn, chân thực hơn trong đời sống con người?”, Nguyễn Ngọc Tư đã trả lời thật chân thành: “Quả đến ngày đến tháng thì đổi vị, chứ sao có thể xanh mãi, chua mãi trên cành…” Vậy, Nguyễn Ngọc Tư đã “đổi vị” như thế nào trong Sông? Để giúp bạn đọc có những cảm nhận đầu tiên trước khi tìm được câu trả lời trong sự tiếp cận đầy đủ với cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Ngọc Tư, xin trích đăng chương III và IV của Sông.
Chương 3
Sự xa lạ bỗng trở nên dễ chịu hơn bao giờ hết. Có chút nhẹ nhõm khi người ta không mang quá khứ để đến với nhau. Nhờ vào công việc đã từng trải qua, cả ba không quá bỡ ngỡ với việc nhập vào một nhóm lạ hoắc nào đó để lang thang. Người ta thậm chí còn không hẹn gặp nhau trước như bọn cậu, chỉ cần thông báo một điểm hẹn ở trên mạng, vài dấu hiệu để nhận biết, là đi. Vừa đi vừa hỏi một vài thông tin về sở thích để có thể tránh những va chạm lặt vặt. Kẻ đề xướng cuộc đi nghiễm nhiên là trưởng nhóm. Lần này còn có vẻ đơn giản hơn nữa, khi câu trả lời “gì cũng được” Xu và Bối đều ưa. Hai cá tính tưởng như trái ngược đó hóa ra cũng có điểm chung.
Tú thì hơi ghét cái kiểu “gì cũng được”. Tú nói mấy chữ cứ âm u chẳng biết đâu mà lường. Thích gì thì nói thẳng ra cho đỡ phải đoán. Sao mà có người đến nghĩ cũng lười, sau đó là một cái cốc đầu.
Mình thích được chôn giữa một đồng hoa cải vàng như vầy. Ba năm trước, ở Mộc Châu, Tú nói vậy, ngay lập tức cậu không dứt mắt ra khỏi Tú dù mới gặp nhau một ngày trước, ở bến xe. Thậm chí không phải là cuộc hẹn hò trên mạng. Chỉ lên chung chuyến xe ngồi cùng một hàng ghế. Len lỏi vào mũi cậu mùi trà xanh mà Tú vò nát ngửi cho đỡ say xe. Khi đó cậu bắt đầu nghĩ về chữ duyên, chứ không đâu có hai kẻ quảy ba lô đi bụi cùng trôi về phía núi. Ngày mười bảy tháng mười một. Mùa đông chưa đi được nửa đường rét của nó. Nắng trên những triền núi chảy ròng xuống, khỏa lìm lịm trong thung lũng. Thè lưỡi ra có thể nếm được cái vị thanh thao của nắng. Cậu cũng muốn được những vạt hoa cải vàng nuốt chửng lấy mình, dìm sâu tận đáy.
Cho đến bây giờ cậu đã không gặp lại cái màu nắng hơi ngả xanh và óng ánh ấy nữa. Nhưng nỗi khao khát được chìm sâu vào một cái gì đó, mềm và dịu ngọt, thỉnh thoảng lóe lên.
Đã bảy ngày cậu không ngồi quán Gió ở góc đường Lý Thường Kiệt. Bách gọi nói sáng nay chỉ có mình tao, tụi thằng Lâm đi kiếm cơm ở tòa xử vụ vợ đốt chết chồng. Tụi nó không thoát được kiếp ruồi bu rác. Nhóm ngồi quán sáng của cậu có gần chục người, phần lớn làm việc cho mấy báo mạng. Gặp thường thì không sao, nhưng lâu lâu gặp thấy họ bạc rạc đi. Hoặc cả đám đã bạc rạc hồi sinh viên với nỗi lo hết tiền cơm từ giữa tháng, lo không tìm được việc khi ra trường… Bách, Duyên và cậu học cùng khóa, chỉ Duyên là ít bay màu, vẫn năng nổ, miệt mài những cuộc đi viết ký sự đồng rừng. Lúc về Duyên thường gọi hỏi cậu đi đến quán ấy thì đi đường nào, bệnh viện mắt nằm ở đâu, sao dĩa cơm sườn đã lên đến năm mươi ngàn rồi. Bọn còn lại quẩn quanh với việc làm sao bán được vài ba tin mỗi ngày, làm sao để có thể chẻ tin làm nhiều mảnh, làm sao nghĩ ra được nhiều bút danh để qua mặt cơ quan khi bán tin cho báo bạn.
– Nhiều lúc ngồi coi ca nhạc chỉ mong con ca sĩ bị tụt áo.
Bách bị đuổi học từ năm hai, sau chuyến thăm trường của ông bộ trưởng. Khi ngang qua lớp, ông ghé vào ủy lạo, bảo các bạn là những chủ nhân tương lai của đất nước. Bách gạt phắt, tụi này không nhận lấy cái nước đang nợ nần ngập đầu này đâu, trả bao giờ mới xong? Tội của chàng ta là hét hơi lớn, thấu tai ông bộ trưởng và đoàn tùy tùng. Cái thằng sinh viên quan tâm đến thời cuộc, đến vận hạn của dân tộc giờ là một tay săn ảnh hậu trường kiểu lộ “hàng”, khoe ngực trần, tốc váy… cay đắng nói bọn người của làng giải trí thì như xác chết mà mình mãi mãi kên kên.
Cậu không biết cái gì khiến cậu gần như nằm ngoài vòng xoáy kiếm tiền, vì những khoản hàng tháng mẹ vẫn gửi bất kể cậu đã có việc làm, hay vì cậu lãng đãng, nghèo ham thích.
– Tao lại ra đường bới móc đây. Mày đang ở đâu?
Cậu biết là Bách chỉ hỏi cho có, nó không chờ đợi được trả lời. Cất điện thoại vào túi, cậu ngồi thừ lừ trong một ngôi nhà sàn ngó ra sông Di làm những cơn mưa tháng bảy hí hửng tưởng quyền năng ngăn trở của chúng có tác dụng. Mưa và nước sông trắng mịt mù khó mà phân định được, trời đất một màu. Sông vắng, lâu lắm mới có chiếc tàu khách khẳm lừ ngang qua, chỉ vài ba chiếc xuồng ngoi ngóp cày nghiêng cày xéo để mong vớt được những vật dụng nổi trôi từ ngã Chín về.
Tối qua có một vụ sạt lở phía đó.
Không có cảnh tượng gì hay ho để ngó, nhưng bọn cậu, cùng với gã chủ nhà cứ ngồi đăm đắm nhìn ra quãng sông lênh láng nước. Trông mưa xéo méo có vẻ gì đó hoảng loạn.
Cao, chủ của cái nhà sàn trống hoác đầu đuôi chỉ chín tấc tây, mặt già hơn cái tuổi ba mươi hai. Giải thích cái tên tréo ngoe, Cao ngượng ngập nói dân mình thiếu cái gì thì mưu cầu cái đó. Cho nên có người tên Hùng Cường mà ương yếu, Trọng Tình thì giả trá, Tuyết thì đen thui… Cậu nghĩ nếu có thời gian đi hỏi mọi người về lịch sử của những cái tên, sẽ viết được một cuốn sách hấp dẫn. Ngay cả khi ta tưởng cái tên ấy được đặt một cách tình cờ, bâng quơ nhất. Tên của cậu ban đầu là Yên, nhưng mẹ nghĩ nó có vẻ thụ động cầu an quá. Rốt cuộc cái tên Ân, như được ban ơn, như nhận nợ.
Tại sao là Xu? Tại sao là Bối, có phải bảo bối? Cậu sẽ hỏi. Còn đi dài với nhau.
Áo Cao còn đính mảnh vải tang.
– Cha tôi chết chưa giáp năm.
Bàn thờ có cái ảnh lem nhem, một người đàn ông trán thấp, đuôi mày xuôi, miệng mím lại gần như không thấy môi, chỉ một đường kẻ chì mỏng dính. Cao không giống cha, nhưng chắc chắn không giống mẹ. Khuôn mặt của những chú lùn có một kiểu định dạng riêng. Họ như một tộc người tản mác chỗ này chỗ nọ. Những cái nấm lạc bầy.
Ngôi nhà nằm phía trước nghĩa địa nhỏ, nhiều cây trúc đào mọc quanh làm rào. Bên trong chừng bốn chục nấm mồ, có vài mộ lớn gấp đôi những mộ còn lại. Cao nói đó là táng chung vì lúc nổi lên họ vẫn còn ôm ghì nhau, hoặc cái đàn ông vẫn còn ở trong cái đàn bà. Tất cả họ đều từ ngã Chín trôi về.
– Trong đó có mẹ tôi. Cũng mộ đôi. Không biết thằng cha nằm chung tên gì, tôi vẽ chữ “Thằng chó chết” bên cạnh tên của mẹ.
Ánh nhìn nặng quá nên Cao quăng mãi mà không qua khỏi rào. Cậu không biết mẹ Cao nằm ở đâu. Mộ cha Cao thì dễ thấy, vì còn mới, cỏ chưa lợp hết. Mẹ Cao cũng từng làm việc ở ngã Chín, trước và sau khi sinh anh ta.
– Nếu tôi đẹp đẽ như bình thường, biết đâu mẹ tôi không quay lại đó. Chắc mẹ thất vọng vì cái thân hình thiếu khổ của tôi.
Cậu hiểu một người sinh ra là nỗi thất vọng của người khác nó cảm giác như thế nào.
Cao thừa kế một mảnh đất rộng vài chục công, nếu chỉ nhờ vào lúa rày và cây trái mọc hoang do chim trời ỉa cũng đủ để con người bé nhỏ sống đắp đổi. Nhưng Cao đã bán lần bán hồi để mua lấy vài khoảnh khắc riêng tư với một cô gái nổi tiếng của quán Tầm Sương. Đó là lý do Cao sẽ thức trắng đêm nay để quét đèn trên sông đón đợi cô.
– Tôi đã rủ cổ đi rồi. Cổ nói cậu chỉ một mẩu con con vầy thì làm gì để nuôi tôi?
Hường cười, bấm chuông để khách khác vào. Cúc áo không cài, vì tí nữa rồi cũng mở.
Bối ngồi dựa cái cột nhà, anh ta sẽ thức cùng Cao. Chờ đợi một thi thể là cảm giác đáng để trải nghiệm, cũng không mấy khi con người ta có dịp.
Xu ngủ sấp trên cái giường dài hai mét, đến anh ta còn lọt thỏm. Cao đã thuê đóng giường này cho Hường, độ dài của giường nói vậy. Cậu ngồi tựa vách, mân mê điện thoại thấy bóng tối hun hút trong cái màn hình. Tin đã tạnh. Nghe tiếng Cao cứ ngùi ngùi lẫn trong mưa.
– Tôi gọi Hường Buồn vì cái rún của cổ buồn lắm, nhìn như một mặt người đang khóc.
Bọn cậu đã được nhìn thấy cái rún buồn hiu đó vào rạng sáng hôm sau. Toát ra một nét đẹp não nùng dù mặt hơi rúm ró một chút, mắt mở đầy chới với. Da xanh phẳng mịn như đắp bằng sáp. Cao vùi mặt vào rún cô rất lâu rồi nói vẫn còn thơm.
– Cổ đã bôi dầu thơm lên đó vì tôi, cho tôi. Là biết trước sẽ đi gặp tôi.
Mặt Cao nhòe nhoẹt nước.
– Mình cũng có hẹn với người này.
Bối bần thần, tay chải vào mớ tóc ướt ròng của cô.
Trưa hôm kia tàu cao tốc quăng ba thằng người nhếch nhác bọn cậu xuống chợ ngã Chín, nơi sông Di giao cắt với sáu dòng chảy khác. Sông Mê nổi tiếng cũng chảy qua đây, cùng với Trèm Trẹm, Tranh, Thương, Thầy Ký…
Bối thắc mắc, “sao không phải là Ngã Bảy?”. Cậu cũng nghĩ vậy, lần đầu nhìn sông Di trên bản đồ giấy, đã nghĩ chỉ bảy con sông họp nhau ở đó thôi. Tình cờ đọc được cuốn di cảo “Sông nước miền hạ” của Mai Nam Tư, thấy ông giải thích có hai dòng sông đã bị san lấp thành chợ, thành làng. Sông, thấy mênh mông mà dễ giết. Người ta ước tính làm một dòng sông cạn còn dễ hơn làm một con đường. Sông Di cũng đang bị những dãy nhà hai bên bờ chồm ra bóp nghẹt. Chỗ này được xem là chỗ hẹp nhất sông Di, có thể ước chừng lòng sông bằng mắt thường. Không quá bốn thước tây.
Nhưng nó dào dạt theo cách riêng của mình, bằng cách luồn sâu vào lòng đất. Không ai hay sông Di trả đũa cho đến khi những ngôi nhà lần lượt đổ vào sông, sau những trận mưa dầm.
Những dịp ấy thì cái tên ngã Chín được lên trang nhất của các báo, nhưng nó nổi tiếng từ trong chiến tranh, khi những cuối tuần rất nhiều binh lính trong vùng đổ về ngã Chín để vui chơi. Cái tên chợ Yên Hoa cũng thành hình. Ca sĩ Kiều Mị Lê, Đài Trang Lệ cũng đã từng là một trong những cô gái ăn sương nổi tiếng ở Ngã Chín. Không phải ai cũng biết chuyện đó, trong những cuộc phỏng vấn họ đều bảo quê nghèo, cuốc bẩm đồng sâu, cọ lọ nồi dưới sông hát ngêu ngao rồi có người nhặt lấy tiếng hát vàng. Cậu có lần hỏi bà Lệ, khi ấy đã năm mươi ba tuổi, rằng Yên Hoa có để lại dấu ấn gì trong bà không. Bà cười, tôi đã được tổng thống xoa bóp vai, rồi nói thêm, đừng đưa chi tiết đó lên báo, hay ho gì đâu. Cậu cũng cười, bảo xoa bóp chỗ khác mới kiêng kỵ chứ, chỉ vai thôi thì ăn thua gì, tay ông tổng thống ấy ra làm sao? Lệ bảo, có năm ngón dài ngắn khác nhau.
Mẹ tôi cũng đắt khách, tôi muốn gặp phải rút số ngồi chờ. Cao kể. Cậu hình dung cảnh một đứa bé tha thẩn đứng đợi trong lúc đàn ông dấn sâu dấn sâu vào mẹ nó. Mẹ dặn Cao gọi mình bằng cô, không phải ai ở Yên Hoa cũng biết mối quan hệ mẹ con của họ. Cô Diễm thường cho tiền và xoa đầu, nhưng không bao giờ ôm thằng nhỏ. Buổi về ba nó đổ hết cơm đi, gầm gừ bảo mày gặp con đĩ đó cũng no rồi. Khỏi! Cao lơ đãng nói má ốm hơn lần trước, con đo eo thấy hụt mất một gang tay. Rất cân nhắc, nó không biết có nên nói đôi vú mẹ dường như đã nhẽo hơn một chút rồi.
Thằng nhỏ đó bây giờ cũng không lớn hơn bao nhiêu, về thước tấc. Lúc Cao ngước mặt lên nhìn trừng trừng vào những rui mè đã mục, cậu cảm giác con người này được ướp trong nước muối. Rắn chắc. Chai lì. Ngồi gần nghe phảng phất vị mặn, không biết từ nước mắt hay mồ hôi.
***
Chợ Yên Hoa ngày vắng. Ngồi trước cửa nhà sửa móng tay, chuốt lại mi mắt là những cô gái có nước da xanh mai mái, dù mập mạp, đầy đặn. Xu khều sườn cậu, phì cười chỉ vào những chữ “tươi, mới”, “giàu kinh nghiệm, giỏi chiều chuộng” bên dưới bảng hiệu Chiều Tím, Đài Trang… Anh ta còn chụp ảnh cái ba lô hầm hố của mình bên một tường rào có hàng chữ vẽ tay “giảm nửa giá cho khách đào vàng”. Bức ảnh có nghĩa ta đã từng ở đây. Cậu cũng đã lột đôi dép cao su bết bùn đặt ngạo nghễ lên cột cờ Lũng Cú, chụp cái ảnh sau này được dùng làm bìa cuốn sách đầu tay.
Bãi vàng nằm bên sông Kim cách Ngã Chín mười một cây số đường đồi, có thể nhận ra nước sông Kim bởi cái màu đục ngầu khi ngang qua chỗ giao cắt. Bãi vàng trút sạch đàn ông vào ngã Chín. Và đàn ông thì trút sạch túi mình vào những cô gái đẫy đà ở Thiên Cầm, Thiên Thai, Tầm Sương… mua lấy thứ không khí lờ lợ tỏa ra trong các căn phòng kín sực mùi gắt gỏng. Bối nói những cô gái đó ợ lên toàn mùi sương, vì họ ăn sương.
Bối hay liếm mép mỗi khi nói xong một câu gì đó có vẻ hơi văn chương. Như những chữ đó là mật, trào ra trên môi Bối. Những năm làm việc ở nhà sách Thư Viên dường như Bối cũng đọc lõm bõm ít nhiều. Gương mặt nhỏ nhắn thanh tú đó làm cậu đôi lúc muốn chạm vào, gói nó bằng cả hai tay. Ý nghĩ chỉ thoáng qua, cũng giống như có lúc cậu muốn giắt một bông hoa ly có cuống muốt dài lên tóc mình. Ham muốn tắt đi nhanh, nhưng rạo rực như cái đuôi, quét lướt thướt trong tâm tưởng.
Bữa trưa ở Ngã Chín có sườn bò nướng và ngỗng muối gừng. Hơi nặng mùi và suồng sã. Miếng thịt chặt to khiến người ta như nghiến ngấu một mẩu củi mục. Cậu nhớ cái món đậu hủ non nấu với lá hương nhu mà cậu thường hay nấu, và Tú hít hà mãi, thổn thức kêu thiệt là thanh bai.
– Ở Ân cái gì cũng mảnh mai. Yêu chịu không nổi.
Nửa ngày qua Tú không nhắn.
Chủ quán biết khách từ xa đến, liền bắc ghế ra ngồi đưa chuyện. Bối hỏi về sông Di chảy qua đây, gã chủ quán thì thầm, ấy, chớ nói lớn tiếng, bà nghe được. Cậu nhớ mỗi lần chị hàng xóm cho chuột cống ăn thuốc, cũng thầm thì coi chừng ông Tí hay. Mắt lấm lét vừa ghét vừa kính sợ. Chỉ có một thắc mắc nhỏ, không hiểu sao sông Di được coi là giống cái.
Bê một bình rượu ngâm bìm bịp ra, gã chủ rủ làm vài ly cho đỡ buồn chán. Cách một lớp thủy tinh, con vật đưa đôi mắt đỏ lừ rầu rĩ nhìn thiên hạ, bất giác cậu muốn đưa tay vuốt mắt nó cho một cuộc yên nghỉ thật sự. Gã ngồi cạnh cậu, hay gọi em gái này và vuốt cái đuôi tóc cột nhỏng. Gầy và nhỏ nhắn, dù lặn lội mấy hôm da đã bớt trắng nhưng cậu vẫn xếp vào loại thanh mảnh ưa nhìn. Xu cười rơi cơm nói trai đó, không phải gái đâu. Gã chủ nói Xu giỡn hoài, săm soi cậu rồi quả quyết bảo gái. Thì cá, thua gì? Bữa cơm này miễn phí, hoặc được tính giá gấp đôi. Cậu tụt quần lót ra. Gã chủ quán gãi háng, sửng sốt khen:
– Chú mày đẹp đâu có thua Hường Tre Miễu.
Cậu đã nghe nhắc đến cô gái có cái tên hơi quê mùa cùng biệt danh Tre Miễu khi ở cách Ngã Chín bảy mươi cây số. Dân bãi vàng thuộc lòng số điện thoại cũng như biết số đo các vòng và chiều cao một mét tám mươi bảy của cô. Cậu ước chừng người như Xu thì chỉ đến ngực Hường, Bối chắc đến ngang vai. Có lẽ Hường được đàn ông ưa thích vì chính cái chiều cao lêu đêu đó. Người ta xục rục bên dưới cô trong khi vẫn được úp mặt lên vồng ngực dịu dàng kia mà không phải cúi người. Khách làng chơi đã cúi mặt suốt ngày này đến ngày khác ở bãi vàng rồi, đã mỏi mê chán chê.
Bối bảo muốn gặp cô nàng cao nghệu kia cho biết. Chủ quán cơm xăng xái gọi điện giúp và chép miệng tiếc rẻ, nói chú mày rủi, người ta đã đặt trước kín suất hôm nay rồi. Bối nói, vậy thì mai. Nghe như bên kia điện thoại có cái gật đầu sẽ sàng.
Cuộc hẹn không thành vì nửa đêm sông Di đã mang Hường đi. Quán Tầm Sương chìm vào lòng sông sau một tiếng gầm thảng thốt. Dân Ngã Chín không lạ gì với việc một ai đó, một căn phòng nào đó căn nhà nào đó biến mất. Họ quen với việc một người ngồi cạnh mình bỗng dưng lọt tõm vào một cái hố sâu nào. Mọi sự biến mất đã trở nên bình thường, họ thò đôi đũa ra để gắp thức ăn thì không thấy mâm cơm đâu nữa, họ với tay lấy áo mặc sau khi tắm xong thì nó không còn ở đó, họ đứng dậy rót rượu và cái ghế vẫn còn ấm hơi người lẳng lặng rơi xuống sông và người kia khi ngồi phịch vào khoảng không, cũng biến mất.
Quán Tầm Sương thì nổi tiếng, Hường càng nổi tiếng, nên Ngã Chín Yên Hoa có chút xôn xao để đáp lễ cho cuộc ra đi. Người ta xáo xác đổ ra đường, xáo xác ăn xáo xác nhìn nhau. Những người cùng dãy nhà với Tầm Sương te tái mang đồ đạc trên tay mà không biết nên đi hay ở. Có thể sông Di chỉ nhón mỗi Tầm Sương, như cô gái nhón mỗi cái hạt sen ngon nhất trong dĩa mứt, như rút một lá bài trong bộ bài trước mặt, rồi thôi. Chơi mà. Cho vui. Nhưng cũng có thể cô ta đang đói, sẽ ăn cả. Không ai biết được. Thấp thoáng vài nhà báo với máy ảnh và sổ ghi chép đi quanh quanh cái hố đất tối mù. Dấu vết của cuộc sụt lở nhanh chóng xuất hiện ở ngay giữa chỗ nước những con sông hòa làm một. Giữa nước của đất và nước của trời, cái bảng hiệu Tầm Sương còn lấp ló chữ g cùng với vài vật dụng bằng nhựa. Đồ gỗ nửa chìm nửa nổi, người ta đếm cả thảy mười ba chiếc giường. Rất dễ nhận ra giường của Hường bởi độ dài khác thường. Xu xoay ống kính xa đến hết cỡ, bảo coi nè còn vài sợi tóc của cô ta trên đó. Cậu hơi ngại châu đầu xem ảnh khi nó vẫn nằm trong máy, vì gần quá, tóc Xu đâm nhói vào tai làm cậu nhột đến nín thở.
Mưa vẫn tầm tã từ tối hôm trước và nước từ những dòng sông đổ vào ràn rạt nhanh chóng xóa đi mớ tàn tích từ trò chơi ngẫu hứng của sông Di.
Cậu hiểu vì sao cư dân ngã Chín gọi sông là bà. Nín nhịn và dịu dàng, khéo léo và có vẻ vô hại, nhưng đầy thù hận và hung hiểm.
Cả bọn nôn nao khi ngồi đợi bữa cơm trưa hơn nửa tiếng mà chưa được dọn ra. Cậu hơi lạnh lưng, không phải vì người ướt. Quán cơm vắng khách lúc trưa qua giờ đặc quánh người. Dân đào vàng tràn ra Yên Hoa để thương tiếc cho những cô nàng ăn khách của Tầm Sương. Nhưng họ nhanh chóng vào những quán khác để an ủi và được an ủi.
Hồi xưa sông Di chỉ lấy đi những thứ nhỏ thôi. Bà ngoại tôi chuyên bị nó lấy kim chỉ và bao lưới trùm đầu tóc mượn. Nên mất gì thì cũng tỉnh bơ. Chủ quán hồng hộc chạy ra chạy vào phục vụ khách, vừa kể chuyện. Giờ thì nó dữ tợn, có khi kéo đi cả một căn nhà…
Mười bảy bài báo cậu đọc được trên mạng nói về sạt lở đất trên một trăm cây số vuông từ Yên Hoa đến Dốc Sương Mù. Họ viết rằng không thể giải thích được việc sạt lở ngẫu hứng từ đâu đó bên trong mà không phải là rìa sông. Cái hàm ếch mà dòng chảy tạo ra không thể luồn lách vào đất liền xa vậy. Các nhà khoa học lớn, những tiến sĩ chống thảm họa hàng đầu đưa ra một gợi ý tầm thường mà bà ngoại mù chữ của gã chủ quán cũng biết: Bỏ chạy khỏi cái hàm ếch chết chóc đó. Nhưng không phải ai cũng đành lòng đi khỏi mảnh đất vàng này. Họ nấn ná và xâu chuỗi các căn nhà lại. Nên ngoài vẻ kín bưng buồn tẻ của các quán mỹ nhân, kiến trúc ở cụm dân cư ven sông Di còn quái đản bởi những căn nhà dính liền với nhau, quàng vai neo vào nhau với hy vọng sông sẽ không thể kéo cả dãy đi.
– Chống chọi được chừng nào hay chừng ấy. Kiếm đủ tiền là vọt lẹ. Nhưng khổ nổi tiền là thứ người ta thấy không bao giờ đủ.
Vuốt đuôi theo lời gã là một cảm giác tròng trành. Mình đang ăn trên một cái cầu treo, cậu nghĩ vậy, nuốt trộng một họng cơm, suýt nghẹn.
Câu chuyện hỗn độn về cú sụt lở vô lối làm cậu quên Tú, cho đến khi điện thoại rung khẽ khàng trong túi. Tú nhắn “Coi ảnh trên mạng, thấy Ân đã đen nhiều. Đứt ruột!”. Tú vẫn thích vẽ vời lên da cậu, thích lần theo những đường gân xanh để di ngón tay trỏ từ đuôi mắt chạy miết đến gót chân. Giờ thì nắng rám giấu đi cái bản đồ kỳ bí ấy.
Cậu không hình dung được tới một ngày giữa mình và Tú không còn chuyện để nói với nhau. Chỉ nghĩ được câu đám cưới vui không đã mòn hằn học, thấy hết sức trẻ con, rồi điện thoại chuồi vào túi. Xu và Bối đã nai nịt đi trước tới phía mà người ta kể rằng mọi thứ rơi ở Yên Hoa đều trôi về đó, một đoạn sông Di cách đây chừng hai cây số. Một cái ống đựng những tan hoang. Ai trong hai người đó đưa ảnh chuyến đi lên mạng? Cả hai đều mang ba lô nặng khự, những máy móc những ống kính làm cậu chóng mặt khi đem ra khoe với nhau.
Hành lý của cậu có vẻ đơn giản nhất.
Trước hôm đi sông Di, cậu mang cái máy tính cọc cạch cho thằng học trò ở căn phòng thuê cuối dãy. Mụn trứng cá trên mặt nó cứ ửng lên, cứ hỏi thiệt hả anh. Cái này chơi game là hết ý. Mà, sao tự dưng anh cho không vậy?
Cậu nhận ra cho không cũng quá khó hiểu trong cái thời thế chụp giựt này.
– Cứ xài đi, chừng về anh lấy lại.
Vẻ yên tâm xuất hiện trở lại trên mặt thằng học trò. Chắc nó đã được dạy rất kỹ, rằng chẳng ai cho không ai cái gì.
Cái duy nhất cậu còn kết nối với thế giới sau lưng, là điện thoại. Cậu không rời khỏi nó sau cái hôm mẹ gọi cầu cứu mà cậu lại tắt máy vì sợ Tú mất ngủ. Cậu mở máy đúng lúc mẹ vào phòng mổ xếp lại đoạn xương đùi rạn, vài ba cái tin nhảy xổ vào. Tin của mẹ: “đau quá Ân ơi!”
Mẹ bị đâm xe.
Chương 4
Sài Gòn 448km. Thông tin khô khan trên cột cây số làm thấy an toàn, như thể đã chạy thoát một nỗi ám ảnh nào đó, mà nó đã không còn khả năng đuổi kịp mình.
Bọn cậu đang trôi theo một cái chợ.
– Mọi thứ ở đây gì cũng trôi, tụi bây mà gặp hên thì còn thấy cả rừng trôi, chớ giỡn.
Bà già teo khô như trái dừa điếc, thì thào. Người con dâu tên Bế ngồi gần đó chiết muối ra từng gói nhỏ, nói thôi má đừng xạo, tôi bốn mươi mốt tuổi rồi, có từng nhìn thấy rừng đi đâu.
– Ba mày bị rừng đem đi, bữa đó tao thấy rõ ràng ổng đứng trên ngọn cây đước vẫy tay nói bà ở lại mạnh giỏi. Mày trứng mà đòi khôn hơn vịt.
– Ba bỏ đi theo vợ nhỏ đó chớ. Sao sống nổi với con người xấu xa như má.
Bà già húng hắng ho, mày thì biết gì, hồi đó mày còn trong kiếp ngựa.
Mẹ chồng nàng dâu này sống chung trên một chiếc ghe chở theo đủ thứ trên đời. Ở đây, có lu chứa nước, cối xay bột, cần xé và cả vật dụng lí nhí như đá lửa, kim may tay, paracetamol… Bối phục lăn khi hỏi một loại thuốc chống nẻ môi Bế cũng bảo có đây, dầu mù u. Bọn cậu vẫy cái chợ trôi trên đường nó ra Vĩnh Châu bổ hàng. Chủ chợ tên là Bế ngần ngừ bảo chở mấy anh thì bà già mắc dịch kia lại ho hen, nhưng không sao, kệ bả.
Sau mới biết phổi của bà già nằm trên đống vải vóc nhạy cảm kỳ lạ. Nó hay càu nhàu sưng sỉa vì những thứ tưởng chẳng liên quan gì đến việc hít thở, như người ta vẫn hay hào hển vì nắng mưa đột ngột, độ ẩm không khí cao. Nó khò khè vì tiếng chuông leng keng của anh cà rem mỗi khi cập ghe lại xin nước uống, vì mùi mồ hôi ngai ngái của anh bán hàng bông chết vợ vẫn hay hát ghẹo “em ơi nếu mộng không thành thì sao, non cao đất rộng biết đâu mà tìm”. Nó giằng ném bà già chỉ vì những tiếng thở dài của con đàn bà son trẻ thảng hoặc vẳng lại từ đằng lái. Lần đẩy ghe lên ụ để vá víu, bà già ho gần một tháng, không phải vì đất ẩm hay mùi dăm bào xước lên từ những thân cây đã ngâm trong nước lâu ngày. Bà ho làm Bế rầu mà không cười với mấy tay thợ mộc.
Đó là những năm Bế còn son trẻ, và ngơ ngác. Bà già càng xua “bây thấy ai được thì cứ sang ngang cho rồi…”, “Luẩn quẩn với má hoài thì con chết già…” thì chị càng nấn ná. Bà già đã làm mọi cách để chứng minh có thể sống một mình được. Bà chèo chống, xỏ kim, tự đánh gió mỗi khi cảm cúm. Trong cái dáng bà bưng è thúng gạo từ vựa xuống ghe là một lời tuyên bố dõng dạc, bà già này còn khoẻ lắm. Có lảo đảo làm rơi thúng chẳng qua là “trơn quá nên vuột tay”. Làm cá đứt tay thì do “sơ sẩy chút thôi, mai mốt lại lành”, và luồn chỉ qua đít kim có hơi trầy trật hàng giờ chẳng qua “mắt không tỏ vì bụi vướng vô”. Lấy thuốc nhỏ mắt, không may cầm nhầm chai dầu mù u cũng là một lẫn lộn nho nhỏ. Bà già càng chứng minh cho việc có thể tự xoay xở được Bế càng thương.
– Con mẹ già đó giả đò thôi – Bế vo gạo bắc xoong lên cái cà ràng, giận dữ làm cho nước tạt xuống mớ củi lửa mới bắt đầu bén – Chừng chị biết được thì cũng đã còn trẻ nữa đâu. Bao nhiêu mối đều bỏ lỡ.
Bà già ở trong kia cười rinh rích:
– Ai biểu tử tế? Tao đã biểu đi lấy chồng đi, hơi sức đâu mà chờ thằng Tường nữa, cứ kệ tao. Không nghe ráng chịu. Đừng nổi khùng chớ con.
Tường, thằng đàn ông duy nhất của ghe-chợ này đã khăn gói đi rằm tháng Giêng một năm nào đó Bế cũng không còn nhớ nữa. Chỉ biết là tháng Giêng vì ăn tết vừa xong, mớ thịt kho tàu bà mẹ cho vào hũ để con trai mang theo ăn dọc đường. Bế chưa kịp quen với tiếng ngáy của anh ta, chưa kịp biết trên người có bao nhiêu nốt ruồi, và Tường cũng chưa kịp cấy vào bụng vợ một mầm sống. Số phận Tường lúc đầu còn lờ lửng theo những tin đồn, ai đó nói gặp Tường đập đá ở núi Sam, ai đó nói gặp một người giống Tường hay ôm gà đá ở chợ Thủ, ai đó nói Tường theo ghe biển làm ngư phủ, mất tích ngoài khơi sau mấy bữa mưa giông. Sau thì không nghe tăm tích. Cái tên Tường như chìm trong một dải sương mù, mờ dần trên môi hai người đàn bà mòn mỏi.
Hai mươi bảy cây số trên sông Di, câu chuyện của hai người đàn bà cô quạnh với đầy những oán ghét, thủ đoạn, những màn trả đũa vặt vãnh như tơ nhện giăng lên bọn cậu nhùng nhằng. Xu thờ ơ với chuyện đàn bà, day qua chuyện khác:
– Xứ này còn cái gì trôi nữa?
– À, có nhà trôi.
– Tụi cháu cũng mới đi coi nhà trôi đây, hay ho gì đâu, toàn người chết. Vụ rừng trôi nó làm sao?
Thì nửa đêm có vạt rừng rùng rùng trôi ra biển, trên đó có khi có cả một cái xóm, người ta và chó và gà. Cũng không biết chạy đi đâu vì hay được thì nó trôi xa khỏi mé bờ rồi. Càng trôi xa nó càng chìm từ từ. Thím thấy chú tụi bây leo mút đọt cây để khỏi ướt, nhưng rốt cuộc cũng chìm lỉm theo rừng. Bà già kể, chi tiết liên quan đến hình ảnh cuối cùng của chồng (mà con dâu bà quyết liệt cãi lại chỉ là nói xạo thôi), giọng bà cứ run lên vì khoái cảm, mắt lim dim tê mê.
– Hồi bảy tám tuổi thím còn thấy miếu trôi.
– À, vụ đó sao?
– Thì miếu đó thờ một cô gái bị dìm chết dưới sông sau khi chúng nó hiếp đã đời. Linh lắm, ghe nào qua đó cũng bị chìm, người ta dựng cái miễu thờ. Cổ chê miếu nhỏ nên đốt cháy, người ta làm miễu lớn. Bữa cúng miễu có mời hát bội về. Phàn Lê Huê đang hát ỉ ì i thì miễu tách đất trôi đi chừng nửa cây số. Nghe nói bảy người chết, toàn là đàn ông.
– Còn gì trôi nữa không?
– Kể tới tết Lào còn chưa hết. Sao không hỏi có gì không trôi không?
– Có cái gì không trôi?
– Đâu biết, vì ta đang trôi.
Bà già lại cười. Nằm khoanh trên đống vải vóc, bà bảo vừa êm lưng vừa ấm, gió sông không làm gì được bà. Radio mở rọt rẹt suốt, cậu nghe trong tiếng sóng nhiễu người ta đọc tin một vụ cháy chung cư cao tầng ở Sài Gòn. Một tin tức quá xa xôi so với không gian của cái chợ trôi này, như chỉ thiếu cụm chữ ngày xửa ngày xưa nữa thôi. Chỉ câu chuyện của bà già còn tươi xoi xói, những chuyện không thể tra cứu trên mạng, bà cố ý lùi thời điểm rất xa ở cái khoảng năm mà con dâu không thể xiên xéo, thậm chí Bế nói bà xạo thì sẽ gặp phản bác ngay, “lúc đó chưa đẻ mày, biết gì mà cãi…”
Cậu bỗng nghĩ căm ghét nhau cũng là một liệu pháp chống lại nỗi buồn. Sông thì dài quá. Người ta cần có một thứ tình cảm mãnh liệt để biết rằng mình còn sống.
Anh Bằng thường trú ở văn phòng Hà Nội nói, nếu bảo anh phác hoạ một thứ thật đặc trưng miền Hạ, thì anh sẽ vẽ một người đàn bà hơi đẫy đà, da trắng bật lên trên nền áo bà ba đen, tay chị buông lơi, như vừa xong việc hoặc đang dở việc gì đó, những ngón tay vẫn thơm mùi cây cỏ… Chị đứng nơi hiên trước, hay ở bên hè, hoặc cạnh cầu ao. Điệu bộ ngẩn đi như chợt nghe tiếng kêu nào thẳm trong vườn, mắt xa xôi, rời rợi. Anh Bằng kể có lần theo tay phó chủ tịch hội văn nghệ Kiến Tường về nhà gã chơi. Trừ dịp cuối tuần, chỉ một mình chị vợ gã nhà thơ ở trong căn nhà nằm giữa vườn dừa mênh mông. Dừa bầy bạn ở tít trên cao, khoảng ngang tầm mắt người lại trống trải với những thân cây lẻ lút chân trong cỏ dại. Ở đằng xa ngó vào nhà thấy nao ruột. Chị vợ xách cái lọp cá từ ngoài vườn bước vô. Người đẹp, da trắng, mắt và tóc thì đen nhức. Nhan sắc làm anh Bằng cảm thấy việc để chị sống xa chồng, một mình giữa những liếp dừa đầy cỏ ống gần như là tội ác.
– Cái đất gì mà chỉ thấy lảng vảng đàn bà.
Cái câu đó anh Bằng từng thốt lên với cậu, giờ tới lượt Xu. Đàn ông ở đâu đó trong nhà, cậu có thể nghe họ cười, xuống mùi một câu vọng cổ, quát tháo con. Có thể thấy áo đàn ông căng trên dây phơi. Có thể biết họ đang ở đâu đó trong hình ảnh những đứa nhỏ đi mua rượu về tha thẩn bắt chuồn chuồn trên con đường đất. Nhưng không hiểu sao bọn cậu chỉ thấy bóng những người đàn bà lai vãng ở đường mòn bên sông, bên hiên nhà, qua cây cầu khỉ, dưới chòi vó…
Và cảnh Bế ngồi ở mũi ghe chổng mông thổi lửa sao mà trụi trơ.
Cậu nghĩ tới chị Ánh, cũng một mình khi ở lại Bình Khê.
Bế neo chợ trôi ở một nơi gọi là bến Rẫy để nấu cơm chiều đãi bọn cậu. Cá bống dừa, rau cóc… cũng là những thứ chị mua ở chợ trôi khác. Trên bến có vài cây sộp nhiều tuổi nằm ọp ẹp dưới lưới tơ hồng rực rỡ. Dưới cái bóng của cái lưới vàng ấy có một cô dâu ngồi đợi anh trai mình sửa cái máy nổ Vanra một ngựa rưỡi đang trở chứng. Hình như cô đi làm tóc cho đêm đãi bạn tối nay. Cô dâu lén nhìn bọn cậu đang vẫy vùng tắm táp, rồi mắt lại lảng đi. Bối bảo để chọc con nhỏ này chơi, rồi rẽ nước bơi lại tay vịn be xuồng, nói “kệ cha đám cưới, theo anh đi, bỏ cái đất buồn teo này đi”. Cô dâu cúi mặt. Bế lom khom rửa chén, thứ nước sông mà khi nãy cậu thấy chị dùng để nấu cơm, kho cá, thứ nước cậu đã tè vào và đang tắm táp, chị bảo “mấy đứa chơi gì mà ác”. Cổ áo chị thấp thoáng hai bầu vú héo khi vói tay khoả nước.
Một ngày bất hạnh nào đó (và phụ nữ ở quê kiểu gì cũng có thời đoạn bất hạnh), cô dâu hôm nay sẽ nhớ mình đã được rủ đi và mình đã chối từ. Như Bế.
Bọn cậu rời khỏi chợ trôi ở bến tàu Vĩnh Châu, lúc gần nửa đêm. Trong lúc vẫy tay chào biệt, chiếc ghe như một nấm mồ trôi cùng với hai xác quéo.
Bối nói quên tặng chị Bế một món gì đó. Xu vòng hai tay ôm gáy làm vài động tác thư giãn cổ và vai, bảo tụi mình không có thứ chị ta cần.
NGUYỄN NGỌC TƯ
(Trích tiểu thuyết Sông)
Xem thêm:- Sài Gòn xưa: Săn thú hoang đầu thế kỷ 20
- Tản văn Phan Hồng Cẩm: Nhật kí học làm mẹ
- Chùm thơ Nguyễn Đức Bá: Tôi nhặt vầng trăng rơi vàng úa phía xa mờ
- Thơ 1-2-3 Trương Mỹ Ngọc: Tôi đã nhìn thấy một tinh cầu buồn tẻ
- Thơ 1-2-3 Huỳnh Khang: Phố cổ cùng thu giữ nét Thăng Long ngàn năm
Từ khóa » Cậu Tư Dùng Chuồn Chuồn Cỏ để đổi Lấy Gì Cho Cận Tiêu
-
Diễn Trò - Chương 30 - Đọc Truyện Hay Full
-
Diễn Trò - Chương 11: Đương Nhiên Là Phải Kén Chọn Rồi, Nếu ...
-
Diễn Trò – Chương 59: Vợ ôm Anh Chặt Ghê - Bột
-
Diễn Trò - Truyện FULL
-
ÔN TẬP TIẾNG VIỆT CÁC PHƯƠNG CHÂM HỘI THOẠI ... - 123doc
-
“sát Thủ” Tàn Bạo Nhất Trong Thế Giới Côn Trùng Chúng Có Khả Năng ...
-
Sau Khi Bạch Nguyệt Quang Tìm Đường Chết Thì Xuyên Về ... - Truyện
-
Đáp án Game Đố Vui Dân Gian 850 Câu
-
Người Hoạch định Những Giấc Mơ Cuộc đời - Báo Đại Đoàn Kết
-
Hoa Thiên Hương | Phật Giáo Việt Nam
-
Bài Tập Về Từ Ghép Và Từ Láy Lớp 4 - Mobitool
-
Tinh Linh Trên Vai Dã Thú - Du Du Tiên - Truyện HD
-
Trang Thơ Matsuo Basho - 松尾笆焦, Tùng Vĩ Ba Tiêu (66 Bài Thơ)