Stress Và Quản Lý Stress | Xemtailieu

logo xemtailieu Xemtailieu Tải về Stress và quản lý stress
  • doc
  • 16 trang
LỜI MỞ ĐẦU Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu hiện nay mà các quốc gia trong đó có Việt Nam đều mong muốn. Nó được tạo ra bởi những mối liên kết và sự trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân ở góc độ văn hóa, kinh tế,v.v trên quy mô toàn cầu; kéo theo đó là sự du nhập, pha trộn các dòng chảy thương mại, kỹ thuật, công nghệ, thông tin,văn hoá… Trước xu thế đó, Việt Nam mà cụ thể là từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng con người Việt Nam cần trang bị cho mình những kiến thức cũng như kĩ năng cần thiết nào để thích nghi, hòa nhập để bắt kịp và phát triển thành một quốc gia có vị thế kinh tế, chính trị cao trong khu vực và thế giới. Trong môi trường toàn cầu hóa ấy, chúng ta sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ và khó khăn bước đầu. Khó khăn do có sự du nhập về văn hóa, sự khác biệt trong phong cách sống và làm việc…, từ đó việc gặp phải những áp lực trong cuộc sống vượt quá tầm kiểm soát là không thể tránh khỏi. Trong bài tiểu luận này nhóm chúng em xin trình bày cnhững đánh giá của nhóm về vấn đề stress trong cuộc sống hiện nay mà đối tượng cụ thể là các bạn sinh viên; văn hóa tổ chức của Việt Nam với văn hóa tổ chức của một số nước tiêu biểu để chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong phong cách làm việc theo tổ chức của người Việt; và một vài điều cần biết về hoạt động sáng tạo trong tổ chức hiện nay. Từ đó đưa ra những nhìn nhận và đề xuất hướng giải quyết để làm thế nào quản lý stress trong sinh viên và xem nó như một một tác động tích cực cho quá trình học tập, làm việc và hoàn thiện bản thân; đề ra những giải pháp giúp người Việt chúng ta làm việc theo tổ chức hiệu quả, tạo một bản sắc riêng cho văn hóa của tổ chức Việt không thua kém khi so sánh với phong cách làm việc của người Nhật hay người Âu Mỹ; và làm thế nào để kích thích sự sáng tao trong tổ chức hiện nay. Câu hỏi 1:Sự căng thẳng (stress) là thứ mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt, đặc biệt là sinh viên có cuộc sống cực kỳ căng thẳng. Làm thế nào bạn có thể nhận ra khi nào bạn đang bị căng thẳng ? bạn sẽ làm gì để đối phó với sự căng thẳng đó ? Đề tài I: Stress và quản lý stress I. Đặt vấn đề: Với những guồng quay hối hả của cuộc sống thường ngày, mỗi người chúng ta, đặc biệt là sinh viên thường phải đối mặt với nhiều áp lực, có thể về tinh thần có thể về thể chất dẫn đến trạng thái căng thẳng thần kinh, mệt mỏi, chán chường… Chúng ta thường gọi chúng với cái tên chung là “stress”. Vậy stress là gì, có lợi hay có hại, khi nào ta biết mình đang bị stress và làm sao để đối phó với trạng thái ấy? II. Các lý thuyết về stress: 1. Khái niệm: Thuật ngữ “stress” ban đầu được sử dụng trong vật lý học, dùng để chỉ một sức nén mà loại vật liệu nào đó phải chịu đựng. Năm 1914, Walter Canon đã sử dụng thuật ngữ này trong sinh lý học để chỉ các stress cảm xúc. Cùng với nghiên cứu của Walter Canon và định nghĩa về stress của nhiều nhà khoa học đưa ra sau đó thì có thể thấy stress không chỉ liên quan đến các vấn đề sinh lý mà stress còn được đề cập ở khía cạnh tâm lý. Năm 1935, ông đã đi sâu nghiên cứu về sự cân bằng nội môi ở động vật có vú khi chúng lâm vào tình huống khó khăn. Ông cũng mô tả các nhân tố cảm xúc trong quá trình phát sinh, phát triển một số bệnh và xác định vai trò của hệ thần kinh cơ thể đối phó với các tình huống khẩn cấp. Bác sĩ chuyên khoa nội tiết Hans Selye (1907 – 1982) định nghĩa stress là một hội chứng đặc hiệu bao gồm tất cả những thay đổi được gây ra một cách không đặc hiệu bên trong hệ thống sinh học, là mối tương quan giữa tác nhân kích thích và phản ứng cơ thể. Theo R.S. Lazarus, stress là căng thẳng xuất hiện khi cá nhân nhận thấy rằng họ không thể ứng phó hoặc đáp ứng được với những yêu cầu đối với họ hoặc đe dọa sự tồn tại khỏe mạnh của họ. (1966) Theo cuốn “Stress, Appraisal and Coping” của tác giả R.S. Lazarus và S. Folkman năm 1984, stress là kết quả của sự mất cân bằng giữa những yêu cầu và những nguồn lực. Còn theo S. Palmer định nghĩa thì: Stress xuất hiện khi áp lực vượt quá khả năng thông thường của bạn để ứng phó. Như vậy, stress là một đáp ứng thích nghi, được điều chỉnh, sắp xếp bởi các đặc tính của cá nhân hoặc quá trình tâm lý. Nó chính là kết quả của những hành động, tình huống hay sự kiện bên ngoài tạo ra những đòi hỏi về vật chất hoặc tâm lý lên con người, là phản ứng của cơ thể trước bất cứ một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố tác động là những đòi hỏi của tình huống buộc con người phải thích nghi. Stress được hiểu trong mối quan hệ giữa con người và những tác động từ môi trường bên ngoài. Tuy nhiên không phải môi trường bên ngoài mà chính việc nhìn nhận của con người về kích thích từ môi trường mới quyết định mức độ căng thẳng của sự kiện đó. 2. Phân loại Stress có hai loại là: stress cấp tính và stress mạn tính. Cần phân biệt stress mạn tính với trạng thái stress cấp tính. Trong khi stress cấp tính thuộc về hoạt động nghề nghiệp (ví dụ khi phải nạp một báo cáo khẩn cấp) thì stress mạn tính xảy ra khi các căng thẳng kết hợp với nhau (ví dụ trạng thái mất cân bằng giữa đòi hỏi về tâm lý của chức vụ với giới hạn thao tác mà cá nhân vốn có để làm công việc của mình). Stress cấp tính là một hệ thống bảo vệ cơ thể, nó là điều cốt tử; stress mạn tính thì lại không nhất thiết phải nặng, nhưng có tính lặp lại trong một thời kỳ dài. Các hormon của stress (các catécholamin, trong đó có épinephrine tức adrénaline) gây những hiệu quả tiêu cực khi tim chịu hàm lượng cao các chất này trong thời gian dài. Stress có thể làm tăng mức đòi hỏi oxy trong cơ thể, một sự co thắt động mạch tim (động mạch vành và rối loạn nhịp tim bởi hệ thống dẫn máu của tim bị bất ổn định về mặt điện). Stress mạn tính làm tăng tần số nhịp tim và huyết áp nên tim gặp khó khăn khi tạo ra lưu thông máu để nuôi cơ thể. Sự tăng lâu dài huyết áp cũng được nhận thấy cùng với hiện tượng cao huyết áp (không phải do stress), đều có hại cho sức khoẻ và có thể gây nhồi máu cơ tim (cơn đau tim), rối loạn nhịp tim và tai biến mạch máu não. 3. Phân chia các giai đoạn của stress Theo bác sĩ chuyên khoa nội tiết người Canada, gốc Áo - Hans Selye (1907 – 1982), phản ứng stress hay hội chứng thích nghi tổng quát (GAS - general adaptation syndrome) được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn báo động, giai đoạn thích nghi và giai đoạn kiệt quệ:  Giai đoạn báo động: là giai đoạn biểu hiện bằng những biến đổi đặc trưng của chủ thể khi tiếp xúc với các yếu tố gây stress, chẳng hạn như: các hoạt động tâm lý được kích thích, đặc biệt là quá trình tập trung chú ý, quá trình ghi nhớ và tư duy; những phản ứng chức năng sinh lý của cơ thể như tăng huyết áp, tăng nhịp tim, nhịp thở và sự hoạt động của của cơ bắp. Giai đoạn này có thể diễn ra rất nhanh hoặc kéo dài vài giờ , vài ngày...Chủ thể bị tác động có thể chết trong giai đoạn này nếu yếu tố gây stress quá mạnh. Nếu chủ thể tồn tại được thì phản ứng chuyển sang giai đoạn thứ hai.  Giai đoạn thích nghi: hay còn được gọi dưới tên gọi khác là giai đoạn chống đỡ. Trong giai này, mọi cơ chế thích ứng được động viên để cơ thể chống đỡ và điều hòa các rối loạn. Sức đề kháng của cơ thể tăng lên, con người có thể làm chủ được tình huống stress, lặp lại các trạng thái cân bằng nội môi và tạo ra sự cân bằng mới với môi trường. Trong một tình huống stress bình thường, chủ thể đáp ứng lại bằng giai đoạn báo động và giai đoạn chống đỡ. Nếu giai đoạn chống đỡ tiến triển tốt thì các chức năng tâm lý , sinh lý của cơ thể được phục hồi. Nếu khả năng thích ứng của cơ thể mất dần thì quá trình phục hồi không xảy ra và cơ thể chuyển sang giai đoạn cuối cùng là giai đoạn kiệt quệ.  Giai đoạn kiệt quệ: lúc này, phản ứng stress trở thành bệnh lý khi tình huống stress hoặc bất ngờ hoặc quá dữ dội, hoặc ngược lại, quen thuộc nhưng lặp đi lặp lại, vượt quá khả năng dàn xếp của chủ thể. Ở giai đoạn này các biến đổi tâm lý, sinh lý của giai đoạn báo động xuất hiện trở lại, hoặc là cấp tính và tạm thời, hoặc là nhẹ nhàng hơn và kéo dài. Tất cả các nguồn lực của cơ thể cuối cùng cũng đã bị cạn kiệt và cơ thể không thể duy trì chức năng bình thường. Các triệu chứng ban đầu có thể xuất hiện trở lại (tim đập nhanh, ra mồ hôi, thở nhanh…). Giai đoạn này nếu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể không làm việc được nữa và các chức năng của cơ thể trở nên suy yếu dần. Tình trạng stress kéo dài sẽ gây nên các vấn đề về tim mạch, rối loạn hệ tiêu hóa, tiểu đường trầm cảm và các bệnh tâm thần khác. 4. Nguyên nhân Stress vốn dĩ là một khái niệm đa bình diện, bao gồm những đáp ứng thuộc về cảm xúc, hành vi và sinh lý của cơ thể thông qua sự tương tác với môi trường. Có nhiều lý thuyết về stress, xem nó như một sự kiện từ môi trường, một đáp ứng sinh lý, một quá trình nhận thức - hành vi. Sau đây nhóm xin trình bày những lý thuyết giải thích nguyên nhân gây ra stress dưới hai góc độ sinh học và quản trị học. Thứ nhất, dưới góc độ sinh học, theo bác sĩ chuyên khoa nội tiết người Canada, gốc Áo - Hans Selye (1907 – 1982), ông định nghĩa stress là một hội chứng đặc hiệu bao gồm tất cả những thay đổi được gây ra một cách không đặc hiệu bên trong hệ thống sinh học, là mối tương quan giữa tác nhân kích thích và phản ứng cơ thể, là một đáp ứng của chủ thể trước một nhu cầu hoặc một sự tương ứng của mối quan hệ giữa con người với môi trường xung quanh, là một đáp ứng thích nghi về mặt tâm lý, sinh học và tập tính. Stress đặt chủ thể vào quá trình dàn xếp thích nghi với môi trường xung quanh, tạo cho cơ thể một cân bằng mới sau khi chịu tác động của môi trường, nói cách khác, stress là phản ứng bình thường của cơ thể góp phần làm cho cơ thể thích nghi với môi trường xung quanh. Nếu đáp ứng của cá nhân với các yếu tố stress không đầy đủ, không thích hợp và cơ thể không tạo ra một cân bằng mới, thì những chức năng của cơ thể ít nhiều bị rối loạn, những dấu hiệu bệnh lý cơ thể, tâm lý, tập tính sẽ xuất hiện và sẽ tạo ra những stress bệnh lý cấp tính hoặc kéo dài. Thứ hai, dưới góc độ nghiên cứu của môn Quản trị học, là tháp nhu cầu Maslow ((Maslow's hierarchy of needs) của nhà tâm lý học Abraham Maslow (1908- 1970). Đây là một lý thuyết quan trọng của quản trị kinh doanh được ông đưa ra vào năm 1943 trong bài viết A Theory of Human Motivation. Cấu trúc của tháp nhu cầu có 5 tầng, trong đó, những nhu cầu con người được liệt kê theo một trật tự thứ bậc hình tháp kiểu kim tự tháp. Những nhu cầu cơ bản ở phía đáy tháp phải được thoả mãn trước khi nghĩ đến các nhu cầu cao hơn. Các nhu cầu bậc cao sẽ nảy sinh và mong muốn được thoả mãn ngày càng mãnh liệt khi tất cả các nhu cầu cơ bản ở dưới (phía đáy tháp) đã được đáp ứng đầy đủ. Năm tầng của tháp nhu cầu gồm: + Tầng thứ nhất: Các nhu cầu về căn bản nhất thuộc "thể lý" (physiological) - thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi. + Tầng thứ hai: Nhu cầu an toàn (safety) - cần có cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản được đảm bảo. + Tầng thứ ba: Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc (love/belonging) - muốn được trong một nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy. + Tầng thứ tư: Nhu cầu được quý trọng, kính mến (esteem) - cần có cảm giác được tôn trọng, kinh mến, được tin tưởng. + Tầng thứ năm: Nhu cầu về tự thể hiện bản thân (selfactualization) - muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt Tháp nhu cầu Maslow (Maslow's hierarchy of needs) Con người cá nhân hay con người trong tổ chức chủ yếu hành động theo nhu cầu. Chính sự thỏa mãn nhu cầu làm cá nhân hài lòng và khuyến khích họ hành động, đồng thời sự thỏa mãn đó trở nên mục đích hành động của cá nhân. Theo cách xem xét đó, nhu cầu trở thành động lực quan trọng và việc tác động vào nhu cầu cá nhân sẽ thay đổi được hành vi của con người. Vậy nếu những nhu cầu của cá nhân không được đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đầy đủ sẽ dẫn đến trạng thái không hài lòng, bất mãn và mất động lực phấn đấu, lâu dài sinh ra stress. Những nhà quản trị thường dựa vào lý thuyết này để có những biện pháp khuyến khích nhân viên mình làm việc tích cực hơn. Thứ ba, theo thuyết kỳ vọng (expectancy theory) của Victor H. Vroom (1964) cho rằng, một người hành động theo một cách thức và nỗ lực nhất định vì kỳ vọng là hành động đó sẽ dẫn đến một kết quả nhất định và vì mức độ hấp dẫn của kết quả đối với người đó. Theo đó, nếu cá nhân có sự nỗ lực cao để đạt được một thành tích tốt thì mức phần thưởng dành cho người đó sẽ là xứng đáng, và khi phần thưởng phù hợp với mục tiêu của cá nhân thì sẽ thúc đẩy cá nhân nỗ lực lớn hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của bản thân mình. Tuy nhiên, nếu phần thưởng dành cho người đó là xứng đáng nhưng không phù hợp với mục tiêu của cá nhân thì có thể gây ra tâm lý không thỏa mãn vì mục tiêu đặt ra không đạt được và phần nào đó làm hạn chế sự nỗ lực phấn đấu của cá nhân, điều này diễn tiến lâu dài sẽ là nguyên nhân dẫn đến stress. Thứ tư, thuyết công bằng - Equity theory của J. Stacy Adam, cá nhân có xu hướng so sánh giữa phần thưởng mình được nhận trên những nỗ lực (mức độ đóng góp) của bản thân với phần thưởng của người khác nhận được trên nỗ lực của họ. Khi thấy có sự bất công bằng, ba hướng biểu hiện thái độ có thể diễn ra ở cá nhân: chấp nhận, chịu đựng và khi sự bất công bằng biểu hiện ở tần suất và mức độ cao cá nhân có thể có những thái độ ở cấp cao nhất là chống đối. Ngoài những biểu hiện ra hành vi và thái độ, sự bất công bằng có thể gây ra những hiện tượng tâm lý tiêu cực như sự không hài lòng, chán nản ở cá nhân – là nguyên nhân dẫn đến stress. III. Vận dụng lý thuyết giải quyết vấn đề: 1. Biểu hiện của stress: Stress có thể được biểu hiện qua nhận thức, tình cảm, thể chất hay hành vi.  Các biểu hiện qua nhận thức của stress như: trí nhớ sút kém, học trước quên sau; không tập trung vào công việc, học tập, hay thờ ơ, lơ đãng; có những biểu hiện chán nản; tiếp cận hoặc suy nghĩ về một vấn đề thường theo chiều hướng tiêu cực, bi quan; thường có cảm giác bất an, lo lắng.  Các biểu hiện về cảm xúc như buồn rầu; nóng tính, thường có cảm giác bực bội, khó chịu về mọi thứ xung quanh; dễ kích động, cảm xúc thay đổi thất thường, dễ cáu bẩn dù chuyện không có gì đáng kể; không có khả năng thư giãn; có cảm giác choáng ngợp, khó thích nghi với sự thay đổi, cảm thấy cô đơn, bị cô lập, trầm cảm.  Các biểu hiện thể chất như kiệt sức, hay nhức mỏi, đau ốm, uể oải, da dẻ nhợt nhạt, hay choáng váng và buồn nôn, tim đập nhanh, thở nhanh và luôn có cảm giác bồn chồn, hệ tiêu hóa bị rối loạn, cụ thể là cảm giác chướng bụng, khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón, chóng mặt, đau ngực, thường xuyên bị cảm lạnh, mỏi cơ…  Các biểu hiện về hành vi như ăn nhiều hơn hoặc ít đi so với bình thường; ngủ quá nhiều hay quá ít; tự cô lập chính mình từ những người khác, có khuynh hướng tách mình ra khỏi mọi người; trì hoãn, bỏ qua hoặc buông xuôi trách nhiệm; sử dụng rượu, thuốc lá, các chất kích thích để giải tỏa căng thẳng hoặc các loại thuốc an thần, thuốc ngủ để thư giãn và có các thói quen thần kinh như cắn móng tay, nhịp chân… Đã có rất nhiều trường hợp tự sát trong học sinh, sinh viên vì áp lực đã thực sự vượt quá giới hạn của sự chịu đựng. Theo thông tin do Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA) đưa ra, số người Nhật tìm đến cái chết do không thể tìm được việc năm 2009 là 354 người, trong năm 2010 là 424. Cảnh sát cho biết trong số đó, sinh viên chiếm tỷ lệ cao nhất, năm 2009 có 23 sinh viên và năm 2010 53 người, tăng 130%. Tại Việt Nam, đó là trường hợp cậu sinh viên Trịnh Công Sỹ (sinh viên năm nhất trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) vốn là một sinh viên xuất sắc nhưng do trong kì thi học kì I làm bài không tốt, cùng với áp lực thi cử quá nặng nên đã tìm đến cái chết để tự giải thoát cho chính mình. Đây chỉ là một trong số rất ít trường hợp tự sát vì stress, trong khoảng thời gian gần đây, các báo liên tục đưa các tin về những cái chết thương tâm do áp lực. Đó thực sự đã trở thành một vấn đề của xã hội, nhất là trong nhịp sống ngày một vồn vã như hiện nay cùng với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa quá nhanh và sự phá triển vượt bậc của công nghệ thông tin làm cho mọi người ngày càng sống thu hẹp hơn vào thế giới nội tâm của mình. 2. Nguyên nhân của Stress: 2.1. Nguyên nhân chung: Stress sẽ xảy ra khi áp lực từ môi trường tác động lên cá nhân, vượt quá giới hạn chịu đựng của họ, bao gồm những nguyên nhân từ môi trường bên ngoài và từ mỗi cá nhân. Nhóm nguyên nhân bên ngoài là những nguyên nhân nảy sinh từ vấn đề sức khỏe của mỗi người; từ những áp lực trong công việc, học tập; từ môi trường làm việc cũng như môi trường sống, và từ những mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng.  Về vấn đề thể chất và sức khỏe: Những thay đổi sinh lý của cơ thể trong quá trình đang hoàn thiện cũng là nguyên gây nên những căng thẳng, mệt mỏi ở lứa tuổi thanh thiếu niên học sinh, sinh viên. Cơ thể gầy gò, sức đề kháng yếu, dễ bị say nắng, cảm, sốt, đau đầu… do chế độ sinh hoạt không hợp lý, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng cũng làm cho chúng ta dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, stress. Khi đang bị cảm sốt bạn thường cảm thấy mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, đau cơ, chỉ muốn ngồi hoặc nằm một chỗ không muốn hoạt động; khi bị đau đầu bạn sẽ có cảm giác mọi thứ như đang quay và muốn nổ tung, chỉ muốn được yên tĩnh nhưng nếu bị làm phiền bạn sẽ rất dễ nổi nóng. Hoặc khi biết mình đang mắc những căn bệnh hơi nghiêm trọng, thời gian điều trị kéo dài và tốn kém (như viêm gan, bệnh về tim mạch, cao huyết áp…) hoặc biết mình mắc bệnh nan y (ung thư dạ dày, ung thư máu..) người ta sẽ không ngừng lo nghĩ về nó, buồn rầu và suy nghĩ về những chiều hướng có thể xảy ra đối với bản thân, điều đó cũng góp phần làm nảy sinh căng thẳng.  Nguyên nhân từ môi trường: Sự thay đổi của thời tiết, thời tiết nắng mưa thất thường, oi bức cũng dễ làm người ta sinh ra bực bội, cáu gắt; sự ô nhiễm từ môi trường bởi tiếng ồn, khói xe, bụi, chất thải công nghiệp, giao thông tắc nghẽn cũng là nguyên nhân dẫn đến stress thường gặp. Môi trường học tập, làm việc không thoải mái, thiếu những tiện nghi cần thiết chẳng hạn như không gian quá hẹp, bừa bộn, nóng bức, không đủ ánh sáng, không có màu xanh từ thiên nhiên, gần những nguồn phát ra tiếng ồn, không có không gian cho sự sáng tạo cũng làm giảm hiệu suất trong quá trình học tập, làm việc. Hoặc nếu sống, học tập, làm việc trong một môi trường mà mọi người không làm việc theo hết khả năng của mình, không tập trung chuyên môn mà còn nói chuyện gây ảnh hưởng đến hoạt động của người khác cũng là nguyên nhân nảy sinh những bất mãn, chán nản và căng thẳng cho những người xung quanh.  Những căng thẳng, áp lực từ công việc, gia đình, xã hội và các mối quan hệ: Công việc yêu cầu phải hoàn thành trong thời gian ngắn và gấp rút yêu cầu phải dốc toàn lực để hoàn thành đúng tiến độ tạo nên áp lực lớn cho mỗi cá nhân, nếu không hoàn thành hoặc làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến thành tích cá nhân, đó cũng có thể là nguyên nhân của stress. Các vấn đề tài chính, đặc biệt trong thời kỳ bão giá hiện nay làm cho nhiều người phải suy tính và đau đầu vì nó. Phải cắt giảm việc chi tiêu cho những khoản hơi tốn kém, phân bổ thế nào cho hợp lý để vẫn đảm bảo những điều kiện cần thiết cho cuộc sống nhưng vẫn còn những khoản tiết kiệm cho tương lai. Sự mất mát người thân làm cho chúng ta cảm thấy hụt hẫng và đau đớn, gây ra những cú sốc lớn về tâm lý cũng như mất đi chỗ dựa về kinh tế. Mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, giữa bạn bè với nhau cũng gây ra những đè nặng về tâm lý của cá nhân, khiến họ không tập trung trong quá trình làm viêc… Bên cạnh đó áp lực từ sự kỳ vọng của mọi người dành cho mình cũng tạo nên sức ép lớn cho cá nhân, cũng là nhân tố gây nên tình trạng strees của họ.  Cách nghĩ của bản thân về các vấn đề trong cuộc sống: Đây có thể xem là nguyên nhân quyết định việc cá nhân có phải đối mặt với stress hay không, qua “lăng kính phản chiếu cuộc sống” của mỗi người, cùng một vấn đề có thể tạo nên những thái độ và phản ứng rất khác nhau. Cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận về cuộc sống, về những khó khăn sẽ quyết định trạng thái tinh thần và tâm lý của ta. Nếu chúng ta nghĩ mọi chuyện theo hướng tích cực, đơn giản vấn đề rằng nó cũng không đến mức không thể giải quyết được thì sẽ làm giảm bớt những đè nặng về tâm lý thay vì cứ nghĩ đến những hậu quả xấu nhất và cho rằng nó sẽ xảy đến thì chỉ làm cho tâm lý nặng nề hơn mà vấn đề vẫn không được giải quyết. Ví dụ, bạn nghĩ nếu trượt đại học, tương lai của bạn sẽ thật mù mịt, gia đình sẽ rất thất vọng và mọi người sẽ cười chê, suy nghĩ đó sẽ làm cảm xúc của bạn tệ hơn thay vào đó bạn nên nghĩ rằng đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công; bạn sẽ học ở hệ cao đẳng rồi tiếp tục học lên hoặc sẽ cố gắng ôn tập để năm tiếp tục thi thì vấn đề sẽ trở nên đơn giản. 2.2. Nguyên nhân của stress trong sinh viên Ngoài những nguyên nhân chung được nêu ở trên, stress ở sinh viên còn bị tác động bởi các nguyên nhân cụ thể sau.  Nguyên nhân bên ngoài: Vấn đề sức khỏe: những bạn đang gặp những vấn đề về sức khỏe như đang bị bệnh, cơ thể bị suy nhược do làm việc quá sức, chế độ sinh hoạt – học tập – nghỉ ngơi không hợp lý. Sinh viên thường có thói quen thức khuya - dậy trễ do vậy hay bỏ bữa sáng vì không kịp thời gian, hơn nữa chế độ sinh hoạt (ăn, ngủ, nghỉ ngơi) cũng không điều độ và hợp lý. Đa phần các bạn bỏ qua thói quen tập thể dục mỗi ngày, lười vận động nên cơ thể yếu ớt, thay vào đó bạn dành thời gian ngồi máy tính hàng giờ. Việc ngồi hàng giờ trên máy tính để tìm kiếm tài liệu hay hoàn thành bài tập gây ra nhiều hậu quả không tốt như mỏi mắt, đau lưng, đau vai, đau đầu…và đây cũng là nguyên nhân của stress. Áp lực từ công việc và học tập: phương pháp học ở đại học khác nhiều so với phương pháp học ở bậc phổ thông, đòi hỏi các bạn sinh viên phải dành thời gian tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, thầy cô chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn và định hướng phương pháp. Nhiều bạn không quen với phương pháp đó sẽ không theo được, dần cảm thấy chán nản, xem việc học hành là một áp lưc lớn. Nhiều bạn ngoài việc học chính thức trên giảng đường, còn đi làm thêm để cải thiện thu nhập, góp phần phụ giúp gia đình, đồng thời cũng tham gia các hoạt động đoàn thể, hoạt động tình nguyện, học thêm về ngoại ngữ, tin học, các môn năng khiếu khác như đàn, hát, nhảy,…nếu không biết cách phân bổ thời gian hợp lý thì các bạn sẽ rất dễ sao lãng việc học hoặc có tâm lý để đến gần thi mới bắt đầu học như vậy sẽ không đạt được kết quả cao và gây mệt mỏi cho bản thân. Không phân bổ, điều chỉnh hơp lý lịch sinh hoạt của cá nhân, nhiều sinh viên cảm thấy quá tải và stress. Những đối tượng dễ bị stress hơn cả là sinh viên năm nhất và sinh viên năm cuối. Với sinh viên năm nhất họ chưa kịp có thời gian để thích ứng với sự thay đổi nên đa phần cảm thấy khó khăn; với sinh viên năm cuối ngoài việc học tập và tham gia các hoạt động khác trong và ngoài trường họ còn phải trang bị những kĩ năng cần thiết để chuẩn bị cho quá trình xin việc làm, với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay để tìm kiếm một công việc có thu nhập ổn đinh phù hợp với năng lực tạo cho sinh viên năm cuối những lo lắng, căng thẳng nhất định. Môi trường sống ô nhiễm do tiếng ồn, từ bụi đường, khí thải từ các nhà máy, giao thông và sự biến đổi thời tiết làm cho mọi người trong đó có sinh đều cảm thấy stress. Sinh viên, đặc biệt là những sinh viên sống xa nhà, sinh viên năm nhất, không còn được sự chăm sóc của ba mẹ, nhiều bạn không thể thích nghi được với cuộc sống mới, môi trường mới, không quen với điều kiện thời tiết, thức ăn, lối sống ở nơi mới, mọi thứ đều mới lạ nếu bạn nào không sớm thích nghi thì rất dễ gặp phải những vấn đề sức khỏe cũng như những vấn đề khác như đau ốm, nhớ nhà… cũng làm tinh thần giảm sút. Khi các mối quan hệ giữa với mọi người xung quanh, với bạn bè gặp những hiểu nhầm hoặc chuyện không như ý muốn mà chưa có cách tháo gỡ cũng là nguyên nhân. Việc gia đình gặp phải những biến cố lớn về kinh tế hoặc gia đình không hạnh phúc, cũng gây nên những bất ổn, tổn thương về tâm lý, tài chính của bạn. Nhiều sinh viên đã hoặc đang có người yêu, sau những cú sốc về tình cảm, mới chia tay người yêu sẽ có cảm giác cô đơn, nhớ về những kỉ niệm để luyến tiếc, buồn bã, hối hận hoặc cảm thấy bị tổn thương… Khi có quá nhiều tham vọng, đặt quá nhiều mục tiêu hoặc đặt ra những mục tiêu vượt qua tầm của mình các bạn cũng sẽ rất mệt mỏi để phấn đấu đạt được mục tiêu bằng mọi giá. Kỳ vọng từ phía gia đình và xã hội đặt lên vai bạn sẽ ra những áp lực nhất định, cũng là nguyên nhân gây ra stress. Ba mẹ muốn bạn có được những thành tích cao trong học tập, các anh chị của bạn đều tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, ba mẹ cũng muốn bạn được như họ.  Nguyên nhân từ chính cá nhân: Cuộc sống của một cá nhân có phải đối mặt với sự căng thẳng hay lo sợ hay không phụ thuộc phần lớn vào cách họ nhìn nhận vấn đề. Khi cá nhân dự liệu được những việc không hay sắp xảy ra với mình và những người xung quanh, chuẩn bị tâm lý vững vàng để đón nhận và có dự tính để ứng phó với sự thay đổi sẽ giúp cá nhân không cảm thấy sốc hay hụt hẫng. Hoặc việc cá nhân nhìn nhận vấn đề sẽ xảy ra là một tất yếu khách quan, suy nghĩ về nó theo hướng tích cực giúp cá nhân cảm thấy thoải mái và sáng suốt hơn trong việc lựa chọn giải pháp. Ngược lại, với những sự việc xảy đến dù to hay nhỏ, dù đơn giản hay phúc tạp bạn đều nghĩ nó sẽ gây nên những phiền toái, khó khăn và nghĩ rằng mình sẽ không thể giải quyết nó êm đẹp, những hậu quả xấu nhất có thể sẽ xảy đến với mình. Điều đó sẽ làm tâm trạng bạn tệ hơn, không thể sáng suốt để giải quyết mọi chuyện. 3. Quản lý stress Khi rơi vào trạng thái stress, đầu tiên ta phải tìm hiểu đâu là nguyên nhân gây nên stress để tìm cách khắc phục dễ dàng. Khi xác định được nguyên nhân ta cần tìm cách thoát khỏi nguồn gây stress, không đưa mình vào những trạng thái tiêu cực như uống rượu, hút thuốc, dùng các chất kích thích…và có những ý nghĩ dại dột.  Quản lý công việc: Trong thời đại ngày nay, không thể phủ nhận áp lực công việc (do học tập, làm việc ở các công ty – tổ chức, hoạt động ngoại khóa...) là một trong những tác nhân chính gây nên tình trạng stress ở cá nhân. Để tránh điều này, cần thực hiện một số cơ chế quản lý đối với công việc của cá nhân– bảo đảm cho chúng được hoàn thành hiệu quả và đúng thời hạn: - Thực hiện chu trình PDCA: Plan (lập kế hoạch) – Do (thực hiện) – Check (kiểm tra) – Adjust (điều chỉnh) cho các công việc cần phải thực hiện. - Lập thời khóa biểu tổ chức thực hiện các công việc để cụ thể hóa về thời gian và phương thức thực hiện công việc mà cá nhân dự liệu cho mình. - Lập danh sách các công việc ưu tiên là một giải pháp hay cho những người bận rộn với một số lượng lớn các công việc phải hoàn thành. Khi lập danh sách ưu tiên công việc của mình, nó vừa giúp cá nhân liệt kê các công việc cần làm lại vừa giúp cá nhân phân bố các nguồn lực hợp lý ứng với mức độ ưu tiên của công việc. - Cùng các quá trình lập kế hoạch (lập thời khóa biểu, lập danh sách các công việc ưu tiên) và thực hiện công việc, cá nhân nên tiến hành hoạt động kiểm tra tiến độ bản thân bằng nhật kí công việc, từ đó khắc phục những hạn chế (nếu có). - Phân bổ thời gian học tập sinh hoạt hợp lý, thời gian học tập và tham gia các phong trào, các hoạt động xã hội, không để dồn việc, dồn bài vở đến khi gần thi mới bắt đầu học.  Quản lý nhàm chán: Chấp nhận những giới hạn của cá nhân, ở giới hạn nào cá nhân có thể làm tốt, cái nào quá tầm. Đôi khi ta cũng phải đặt ra những mục tiêu cao hơn để phấn đấu nhưng phải biết lượng sức mình. Đặc biệt tránh ôm đồm công viêc, gây quá tải.  Quản lý sự hài lòng: Ôn hòa trong các mối quan hệ với mọi người xung quanh, xây dựng tình cảm tốt đẹp với mọi người, thân thiện, không ganh ghét đố kỵ. Luôn vui vẻ, cởi mở, tươi cười với mọi người để tạo sự thân mật, gần gũi. Cố gắng sử dụng khiếu hài ước trong những tình huống khó khăn. Cười với chính bản thân mình để cảm thấy cuộc đời luôn tươi đẹp và còn nhiều thứ để mình khám phá. Thay đổi suy nghĩ, cách nhìn các sự việc xảy ra xung quanh ta theo chiều hướng lạc quan, tích cực. Tránh những phản ứng thái quá. Tại sao lại phải “Ghét” khi mà “Một chút xíu không thích” là ổn rồi? Tại sao lại phải “lo cuống lên” khi mà “hơi lo một tẹo” là được? Tại sao phải“Giận sôi người” khi mà “hơi giận môt chút” đã đủ độ? Tại sao phải “đau khổ tột cùng khi mà bạn chỉ cần “buồn một tẹo”? Hãy làm điều gì đó cho những người khác để giúp đầu óc bạn nghỉ ngơi một lát, không phải nghĩ liên tục về những phiền muộn của mình.  Quản lý môi trường làm việc xung quanh: Chẳng hạn như khi biết bạn bị stress bởi những tác nhân từ môi trường như khói bụi, kẹt xe và tiếng ồn bạn nên thoát ra khỏi nó, tìm cho mình những không gian yên tĩnh, âm nhạc nhẹ nhàng hoặc trở về với gia đình nơi có những người thân yêu hoặc đến những nơi gắn với nhiều kỉ niệm để tâm hồn được thư thái. Môi trường học tập, làm việc nên trồng thêm cây xanh, trang trí theo sở thích để kích thích sự sáng tạo và khơi nguồn cảm hứng mới. Gọn gàng, ngăn nắp để cảm thấy thoải mái. Tránh việc ngồi hàng giờ trên máy tính gây mỏi mắt, cơ thể mệt mỏi. Stress chủ yếu là phản ứng tâm lý mang tính cá nhân trước những biến đổi và đòi hỏi của môi trường nên cá nhân cũng là chủ thể chủ yếu thực hiện việc quản lý stress của bản thân mình. Dưới góc độ nghiên cứu của môn Quản trị học, còn cần phải quan tâm đến công tác quản trị stress trong tổ chức để giữa những áp lực từ công việc, nhà quản trị vẫn tạo cho nhân viên một môi trường làm việc thoải mái, gần gũi với thiên nhiên và có được những mối quan hệ tốt đẹp. Thương hiệu Google được nhiều người biết đến qua công cụ tìm kiếm thông tin trực tuyến cùng tên. Tại công ty Google, môi trường làm việc luôn được bảo đảm là thoải mái nhất cho nhân viên với thiết kế văn phòng theo hướng gần gũi với thiên nhiên, đáp ứng mọi nhu cầu nghỉ ngơi, giải tỏa căng thẳng của nhân viên với các máy mát –xa, bàn chơi bi – da hoặc những nhân viên xoa bóp chuyên nghiệp sẵn sàng phục vụ…  Quản lý chất lượng làm viêc: Lập những kế hoạch cho bản thân, từ những kế hoạch ngắn hạn đến kế hoach dài hạn để dể dàng thực hiện và phân bổ thời gian. Như thế hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Nên ghi ra những việc phải làm và nên làm biết công việc nào có thứ tự ưu tiên cao hơn thì làm trước. Đừng để tâm đến những việc lặt vặt, việc nào thật sự quan trọng thì làm trước, và gạt những việc linh tinh sang một bên. Sự thiếu tổ chức, thiếu khoa học trong việc lập kế hoạch có thể gây ra căng thẳng và gây mất thời gian. Cảm giác hoàn thành công việc (dù là nhỏ) sẽ giúp bạn cảm thấy phấn khích, tạo đà cho những công việc khác thực hiện được suôn sẻ. Không nên làm cho bản thân mình “ngập đầu ngập cổ”bằng việc gánh nhận quá nhiều công việc cùng một lúc. Một giải pháp nữa không kém phần quan trọng đó là việc phát huy tốt sức mạnh nội tâm: khả năng kiềm chế cảm xúc trước những sự việc đang xảy ra quanh mình, tự tìm sự cân bằng cho bản thân và thích nghi với những thay đổi, để dù có xảy ra những việc không mong muốn hoặc vượt quá tầm kiểm soát của mình thì ta vẫn bình tĩnh để tìm cách đối phó và giải quyết vấn đề. Tránh việc để những vấn đề nhỏ, đơn giản lại trở nên quá phức tạp trông mắt chúng ta.  Quản lý sự thay đổi: Cần xem sự thay đổi vốn là nhu cầu khách quan bởi sự vật luôn vận động và phát triển. Chiến lược tốt nhất là dự báo các biến động của môi trường và tự tạo các điều kiện thay đổi bản thân để có thể thích ứng và chủ động đối với mọi sự thay đổi. Nếu cơn stress của bạn vượt quá mức chịu đựng và khiến bạn không thể làm được các việc khác, học tập, lao động.., thì hãy tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý và bác sỹ. Đối với nhà quản trị, việc bảo đảm sự thấu hiểu và ổn định cho nhân viên trước những thay đổi của tổ chức là điều cần thiết. Trước những thay đổi, nhà quản trị cần bình tĩnh thông tin cho nhân viên biết được nhu cấu tất yếu khách quan phải thay đổi và những lợi ích từ sự thay đổi đối với tổ chức và mỗi nhân viên, ngoài ra quan tâm hỏi thăm và hỗ trợ những khó khăn của nhân viên do sự thay đổi gây ra.. Sự quan tâm đúng mức của nhà quản trị sẽ góp phần định hướng cho những phản ứng tích cực của nhân viên đối với stress và làm bền vững thêm mối quan hệ giữa nhà quản trị và nhân viên của mình.  Nghỉ ngơi và tập thể dục: Duy trì việc tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục giúp bạn khỏe mạnh hơn và giải tỏa phần nào những cảm xúc tiêu cực. Bên cạnh tập thể dục, bạn cũng có thể tham gia các môn thể thao khác có tính mạo hiểm hơn như bơi lội, leo núi, boxing hay các môn võ… nó không chỉ giúp giải tỏa stress mà còn tạo ra những cảm xúc mới, kích thích mới giúp cuộc sống thêm phần thú vị. Ngoài ra bạn cũng có thể tìm kiếm những hoạt động hoặc giải trí mình say mê và hứng thú mà không cần quan tâm đến khả năng và trình độ của mình ở mức độ nào. Chẳng hạn như tập chơi nhạc cụ và tham gia vào các câu lạc bộ, nó sẽ giúp bạn khám phá những năng khiếu của bản thân, giúp bản thân tự tin hơn để thể hiện mình. Thư giãn cũng là một phương pháp hữu hiệu để loại bỏ stress. Thư giãn là những bài tập sử dụng sức mạnh tập trung của tâm trí để thả lỏng các cơ bắp và đưa tâm trí vào trạng thái thư thái bình an. Hãy học các cách thư giãn từ các nhà tâm lý học, giáo viên thiền, Yoga… Xoa bóp và những bài tập thở thư giãn rất hữu dụng để kiếm soát stress. Những thư giãn như vậy sẽ giúp xoa bớt ưu phiền khỏi tâm trí của bạn.  Ăn kiêng và quản lý giấc ngủ: Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng, giấc ngủ điều độ, không thức khuya khi không cần thiết. Điều này có vẻ khó vì trong khi căng thẳng, đôi lúc bạn thực sự không muốn ăn không muốn ngủ hoặc muốn nhưng ăn không ngon và lo lắng đến mức không ngủ được. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, chính ăn và ngủ sẽ giúp bạn hồi phục sức khỏe và do đó tỉnh táo và mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết vấn đề của mình. Một người bình thường cần 8 tiếng đồng hồ để ngủ (mặc dù có sự khác nhau giữa 3 giờ và 11giờ, phụ thuộc vào độ tuổi của từng người). Nếu chúng ta có thói quen ngủ ít, sự tập trung và hiệu quả sẽ suy giảm và tinh thần làm việc sẽ bị ảnh hưởng. Có câu: “Chết là cách duy nhất để thoát khỏi stress”, sự thật là những căng thẳng sẽ luôn hiện diện trong cuộc sống chúng ta nhưng cách phản ứng của chúng ta mới đóng vai trò quyết định liệu chúng ta có bị đánh bại bởi chúng. Thông qua những kiến thức của môn Quản trị học và một số môn khoa học khác, nhóm 20 mong rằng đã gửi đến được cái nhìn tổng quan về stress và cách quản lý stress trong cuộc sống nói chung và đối với sinh viên nói riêng, để chúng ta có thể áp dụng chúng cải thiện cuộc sống cân bằng hơn giữa những bộn bề của học tập và công việc hàng ngày. KẾT LUẬN Nền kinh tế Việt Nam đang trên quá trình phát triển và hội nhập, những yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp ngày càng nhiều và khắt khe hơn. Đặc biệt là vấn đề về nguồn nhân lực. Nước ta có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ nhưng trình độ và khả năng làm việc chưa cao, sức chịu đựng khó khăn còn thấp và còn thiếu rất nhiều những kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng “mềm” thời hiện đại. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của một nhà lãnh đạo trong thời kỳ kinh tế thị trường là phải tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhân viên mình có cơ hội rèn luyện và phát huy hết những khả năng của mình, trong đó quan trọng hơn hết là khả năng sáng tạo và khả năng làm việc nhóm. Ngoài việc rèn luyện những kỹ năng làm việc theo những tiêu chuẩn của một nhân viên thời hiện đại, vấn đề giải quyết tốt những xung đột, căng thẳng trong công việc cũng rất cần thiết, đặc biệt đối với các nhà lãnh đạo, những người phải chịu rất nhiều những áp lực trong công việc. Nền kinh tế ngày càng hiện đại thì cuộc sống con người ngày càng căng thẳng hơn, khả năng bị stress vì thế cũng cao hơn rất nhiều. Quản lý hài hòa thời gian và công việc của mình để tránh khỏi những căng thẳng trong cuộc sống là một vấn đề mà nhiều nhà lãnh đạo đang quan tâm. Một nhà lãnh đạo giỏi là một người trước hết biết cách cân bằng cuộc sống của mình và sau đó là biết phát huy hết những tiềm năng tiềm ẩn của bản thân cũng như trong đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp để đưa doanh nghiệp mình ngày càng vươn cao, vươn xa hơn trong thời kỳ hội nhập. Quản lý stress, quản lý nhóm làm việc hiệu quả và kích thích sáng tạo trong doanh nghiệp là những kỹ năng mà một nhà lãnh đạo trong một nền kinh tế hiện đại cần có. Tải về bản full

Từ khóa » Tiểu Luận Stress