Sự Tích đền Cờn | Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam | Nguyễn Đổng Chi
Có thể bạn quan tâm
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam
Lời dẫn Cùng một tác giả Bản chất truyện cổ tích Lai lịch truyện cổ tích Truyện cổ Việt Nam qua các thời đại Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam Sự tích dưa hấu Sự tích trầu, cau và vôi Sự tích trái sầu riêng Sự tích cây huyết dụ Sự tích chim hít cô Sự tích chim tu hú Sự tích chim quốc Sự tích chim năm-trâu-sáu-cột và chim bắt-cô-trói-cột Sự tích chim đa đa Sự tích con nhái Sự tích con muỗi Sự tích con khỉ Sự tích cá he Sự tích con sam Sự tích con dã tràng Gốc tích bộ lông quạ và bộ lông công Gốc tích tiếng kêu của vạc, cộ, dủ dỉ, đa đa và chuột Gốc tích cái nốt dưới cổ con trâu Sự tích cái chân sau con chó Sự tích cái chổi Sự tích ông đầu rau Sự tích ông bình vôi Sự tích cây nêu ngày Tết Gốc tích bánh chưng và bánh dày Gốc tích ruộng thác đao hay là truyện Lệ Phụng Hiểu Sự tích hồ Gươm Sự tích hồ Ba bể Sự tích đầm Nhất dạ và bãi Tự nhiên Sự tích đầm mực Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn Tại sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại? Sự tích đá Vọng phu Sự tích đá Bà rầu Sự tích thành Lồi Sự tích núi Ngũ Hành Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho hay là sự tích con mối Bò béo bò gầy Nữ hành giành bạc Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non Bụng làm dạ chịu hay là truyện thầy hít Đọc Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam tập II của Nguyễn Đổng Chi Đồng tiền Vạn Lịch Của thiên trả địa Nợ tình chưa trả cho ai, Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan Nợ như Chúa Chổm Hồn Trương Ba, da hàng thịt Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông Con vợ khôn lấy thằng chồng dại như bông hoa lài cấm bãi cứt trâu Cứu vật vật trả ơn cứu nhân nhân trả oán Đứa con trời đánh hay là truyện Tiếc gà chôn mẹ Giết chó khuyên chồng Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng Dì phải thằng chết trôi, còn tôi phải đôi sấu sành Cái kiến mày kiện củ khoai Vận khứ hoài sơn năng trí tử, thời lai bạch thủy khả thôi sinh Trinh phụ hai chồng Kiện ngành đa To đầu mà dại, nhỏ dái mà khôn Nhân tham tài nhi tử, điểu tham thực nhi vong Nói dối như Cuội Của trời trời lại lấy đi, giương đôi mắt ếch làm chi được trời Hai ông tướng Đá Rãi Lê Như Hổ Chàng Lía Anh em sinh năm Bốn anh tài Khổng Lồ đúc chuông hay là sự tích trâu vàng Hồ Tây Thạch Sanh Đại vương Hai hay là truyện giết thuồng luồng Ông Ồ Âm dương giao chiến Yết Kiêu Lý Ông Trọng hay là sự tích Thánh Chèm Bảy Giao, Chín Quỳ Người ả đảo với giặc Minh Bợm lại gặp bợm hay bợm già mắc bẫy cò ke Quận Gió Con mối làm chứng Bùi Cầm Hổ Em bé thông minh Trạng Hiền Thần giữ của Kẻ trộm dạy học trò Con mụ Lường Con sáo và phú trưởng giả Con gà và con hổ Con thỏ và con hổ Mưu con thỏ Bợm già mắc bẫy hay là mưu trí đàn bà Gái ngoan dạy chồng Bà lớn đười ươi Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ Người họ Liêu và Diêm Vương Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi Cố Ghép Ông Nam Cường Cố Bu Quận He Hầu Tạo Lê Lợi Lê Văn Khôi Ba Vành Hai nàng công chúa nhà Trần Vợ ba Cai Vàng Người thợ mộc Nam Hoa Người đầy tớ và người ăn trộm Ba chàng thiện nghệ Chàng ngốc được kiện Người đàn bà bị vu oan Tra tấn hòn đá Nguyễn Khoa Đăng Sợi bấc tìm ra thủ phạm Phân xử tài tình Người đàn bà mất tích Tinh con chuột Hà Ô Lôi Miếng trầu kỳ diệu Tú Uyên Nợ duyên trong mộng Từ Đạo Hạnh hay là sự tích Thánh Láng Chàng đốn củi và con tinh Người thợ đúc và anh học nghề Sự tích đình làng Đa Hòa Con chim khách màu nhiệm Cây tre trăm đốt Người lấy cóc Cây thuốc cải tử hoàn sinh hay là sự tích thằng Cuội cung trăng Lấy chồng dê Người lấy ếch Sự tích động Từ Thức Người học trò và ba con quỷ Hai cô gái và cục bướu Người hóa dế Thánh Gióng Ai mua hành tôi hay là lọ nước thần Người dân nghèo và Ngọc hoàng Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi Sự tích công chúa Liễu Hạnh Người thợ săn và mụ chằng Quan Triều hay là chiếc áo tàng hình Miêu thần hay là sự tích chuột và mèo Con cóc liếm nước mưa Thầy cứu trò Hai con cò và con rùa Cô gái lấy chồng hoàng tử Người dì ghẻ ác nghiệt hay là sự tích con dế Làm ơn hóa hại Huyền Quang Tiêu diệt mãng xà Giáp Hải Tam và Tứ Bính và Đinh Hà rầm hà rạc Ông già họ Lê Tấm Cám Phạm Nhĩ Con ma báo thù Rắn báo oán Rạch đùi giấu ngọc Người học trò và con hổ Sự tích đền Cờn Quân tử Cường Bạo đại vương Mũi dài Bốn cô gái muốn lấy chồng hoàng tử Ông Dài ông Cộc hay là sự tích thần sông Kỳ-cùng Sự tích tháp Báo ân Vụ kiện châu chấu Bà ong chúa Anh chàng họ Đào Duyên nợ tái sinh Mỵ Châu - Trọng Thủy hay là truyện nỏ thần Cô gái con thần Nước mê chàng đánh cá Quan âm Thị Kính Sự tích bãi ông Nam Bán tóc đãi bạn Trọng nghĩa khinh tài Ả Chức chàng Ngưu Bốn người bạn Người cưới ma Vợ chàng Trương Sự tích khăn tang Ngậm ngải tìm trầm hay là sự tích núi Mẫu tử Cái vết đỏ trên má công nương Chàng ngốc học khôn Phiêu lưu của anh chàng ngốc hay la làm theo vợ dặn Thịt gà thuốc chồng Hòa thượng và người thợ giày Hai anh em và con chó đá Chàng rể thong manh Làm cho công chúa nói được Rủ nhau đi kiếm mật ong Cô gái lừa thày sãi, xã trưởng và ông quan huyện Thầy lang bất đắc dĩ Giận tao mày ở với ai hay là truyện phượng hoàng đất Cái chết của bốn ông sư Hai bảy mười ba Về Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam Đặc điểm của truyện cổ tích Việt Nam / 1 Đặc điểm của truyện cổ tích Việt Nam / 2 Đặc điểm của truyện cổ tích Việt Nam / 3 Đặc điểm của truyện cổ tích Việt Nam / 4 Thử tìm nguồn gốc truyện cổ tích Việt Nam Lời sau sách Báo và tạp chí Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam từ bình diện một công trình nghiên cứu Nhà cổ tích học Nguyễn Đổng Chi với bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam Một vài ký ức về anh tôi Bảng tra cứu tên truyện Kho tàng truyện cổ tích Việt NamNgày xưa có một ông vua một nước láng giềng tên là Đế Bính. Vua lên ngôi giữa lúc nước nhà có giặc ngoài đột nhập bờ cõi. Quân giặc rất đông và rất mạnh. Quân đội nhà vua chống chọi không nổi đành chịu thất bại. Vì thế chúng tiến rất nhanh, đi đến đâu cũng như vào chỗ không người. Chẳng bao lâu chúng đã chiếm lấy kinh thành và ruổi về phương Nam. Vua tôi Đế Bính chỉ còn đem nhau chạy dài. Trong cơn nguy cập, một người trung thần đưa vua và hoàng hậu lên thuyền kéo buồm chạy trốn ra biển khơi. Không ngờ đoàn thuyền đi được ba ngày thì một trận bão nổi lên đánh đắm tất cả. Những người trên thuyền đều không tránh khỏi tai nạn, trong đó có Đế Bính. Chỉ còn hoàng hậu và hai người con gái bấu vào được một mảnh ván đành để mặc cho nước trôi sóng giạt.
* * *
Hồi ấy ở cùng cửa Cờn xứ Nghệ có một ngôi chùa cổ dựng trên một hòn đảo. Trong chùa có một sư ông trụ trì. Là người quyết chí tu hành, nên sư ta tìm đến hòn đảo hẻo lánh này để rũ sạch bụi trần, bạn cùng kinh kệ. Hôm ấy trời về chiều, sư đang đi tản bộ quanh chùa, miệng lẩm nhẩm đọc kinh, tay lần tràng hạt. Thốt nhiên khi nhìn ra ngoài khơi, sư trông thấy thấp thoáng có một vật gì bập bềnh trên mặt sóng. Sư cố nhìn mãi để đoán xem nó là cái gì.
- Có thể là người đi biển bị nạn. Sau trận bão vừa qua có biết bao nhiêu là ván và đồ đạc trôi vào bờ. Ta phải chèo thuyền ra xem, may ra có cứu được một mạng người nào thì thật là "phúc đẳng hà sa".
Nghĩ vậy, sư vội vàng xuống bãi, cởi dây buộc thuyền rồi chèo ra khơi. Chỉ một chốc sau, sư đã đến gần vật lạ. Thì ra đó là ba người đàn bà đang bám vào một mảnh ván. Lập tức, sư đỡ từng người một lên thuyền của mình. Nhìn cách ăn mặc, sư đoán họ là những người thuộc dòng quyền quý.
Khi thuyền chèo về đến đảo, một mình sư lần lượt vực từng người lên chùa rồi đốt lửa cho họ sưởi, lại nấu cháo cạy miệng đổ vào. Sự chữa chạy tận tình của nhà sư không uổng. Khoảng độ canh năm, cả ba người đàn bà dần dần tỉnh lại. Sư chăm sóc vẫn không chút ngơi tay. Đến sáng hôm sau, cả ba người đều đã ngồi dậy được. Họ cho biết mình là ba mẹ con, đi thuyền không may bị bão. Tuy giấu kín tung tích nhưng họ không giấu được vẻ xinh xắn và lịch sự. Khi biết rõ ai là ân nhân của mình, ba người đàn bà cúi rạp xuống lạy tỏ ý cảm ơn. Nhà sư vui vẻ nhường cho họ chỗ nằm trong tăng phòng, rồi lui ra ngoài nghỉ cho lại sức.
Ba ngày sau, sư vẫn hết lòng chăm sóc ba người bị nạn. Họ đã dần dần đi lại được và ăn trả bữa. Có bao nhiêu lộc chùa, sư đều lấy ra khoản đãi. Sư còn chèo thuyền vào đất liền để tìm những thức ăn mà nhà chùa không có.
Mười lăm ngày trôi qua. Giờ đây sức khỏe của họ đã trở lại bình thường. Họ chỉ hàng ngày ngồi than khóc. Nhưng về phía nhà sư thì trong lòng không được bình thản như trước. Chưa bao giờ sư được nhìn thấy những người đàn bà mày ngài mắt phượng xinh đẹp đến thế, lại đã từng được gần gũi đụng chạm nên sư đâm ra thẫn thờ. Đã nhiều lần sư đọc kinh cầu nguyện suốt buổi, cố tránh sự cám dỗ, nhưng công trình hơn ba mươi năm tu luyện cũng không thể kìm giữ được lòng ham muốn. Vì vậy việc trả họ vào đất liền để trao cho quan sở tại là việc dễ làm nhưng sư vẫn dùng dằng không quyết. Giữa một ngôi chùa trơ trọi, xung quanh là trời với nước, bên cạnh lại có ba người đàn bà yếu đuối và cô đơn, sư cho đó là một cơ hội hiếm có. Rồi một đêm kia, nhân lúc hai cô gái ngủ say, sư bèn đến bên cạnh người thiếu phụ... Nhưng người đàn bà đã nghiêm nét mặt lại:
- Ôi! Sao lạ thế? Anh là người cứu sống mẹ con chúng tôi, mẹ con chúng tôi suốt đời không quên công ơn to lớn đó. Nhưng còn việc đồi bại thì đừng có hòng! Tôi là gái có chồng và cũng biết nhân luân đạo lý. Còn anh là một kẻ ăn chay niệm Phật, lẽ nào nói đến chuyện sắc dục mà không thẹn miệng.
Nghe lời đầy lẽ phải, sư ta lủi thủi đi ra. Nhưng đến khuya, sư lại mò vào, tay cầm một con dao nhọn:
- Nếu nàng không chịu, ta sẽ giết chết cả ba mẹ con rồi vứt xác xuống biển.
Lời dọa của sư vẫn không làm cho người thiếu phụ sợ hãi. Nàng đánh thức hai con gái dậy và nói to:
- Nếu anh cứ cố tình phạm vào người mẹ con chúng tôi thì sẽ phải hối hận. Mẹ con chúng tôi thà chết chứ không chịu nhục!
Thấy ba người đàn bà quyết tâm kháng cự và toan đập đầu vào cột chùa, nhà sư đâm ra hối hận. Sư bèn ngăn họ lại rồi nói:
- Đừng làm thế! Đừng làm thế! Chính ta mới là kẻ đáng chết. Chao ôi! Ta có ba tội đáng chết. Đi tu mà chẳng trót đời: đó là một. Ép nài người đàn bà sa cơ lỡ vận: đó là hai. Ép nài không được lại toan hành hung: đó là ba. Ôi! Ba tội như thế, ta đáng chết lắm!
Nói đoạn sư cầm ngược lưỡi dao đâm thẳng lên cổ.
Thấy cái chết của ân nhân diễn ra quá đột ngột, người đàn bà tỏ ra hết sức hối hận. Nàng gục xuống bên cái thây ma mà than khóc:
- Ôi! Ta nhờ có anh mà sống. Thế mà anh lại vì ta mà chết. Vậy ta còn mặt mũi nào mà sống lấy một mình nữa.
Trong một cơn xúc động đến cực điểm, bà liền chạy ra khỏi chùa rồi nhảy xuống biển tự vẫn.
Thấy mẹ chết, hai cô con gái than khóc rất thảm thiết rồi cũng nhảy xuống biển chết theo.
* * *
Mấy ngày sau, những người dân chài ở cửa Cờn vớt được xác ba người đàn bà. Nhìn kiểu ăn mặc và nhờ những tin tức nhận được, các quan chức cũng đoán ra đó là ba mẹ con bà hoàng hậu Đế Bính. Cũng vào lúc ấy, những người dân địa phương còn tìm thấy xác sư ông tự tử trong ngôi chùa trên đảo. Quan sở tại sau khi mở cuộc điều tra, dần dần cũng vén được tấm màn bí mật bao phủ lấy câu chuyện éo le trong ngôi chùa cổ. Về sau, để kỷ niệm những người đàn bà tiết liệt, dân chúng đã tạc tượng ba mẹ con, lập đền thờ gọi là đền Cờn. Trong đền cũng có cả tượng nhà sư để nhắc đến một kẻ vừa là ân nhân, vừa là nạn nhân của họ[1].
KHẢO DỊ
Truyện này theo một vài bản Thần tích khác thì có một số tình tiết không giống với truyện kể trên:
Ví dụ theo Đại Càn quốc gia Nam-hải tứ vị ngọc phả lục thì có bốn người nhảy xuống biển: Hồng đại nương (hoàng hậu), Hồng Mai, Hồng Hạnh (công chúa), Hồng thị (cung nữ), họ trôi giạt vào xã Hương-cần (Nghệ-an). Sư bảo tiểu ra cứu sống. Sư cho ở phòng riêng cấm mọi người không được vào; như thế đã được một năm rưỡi. Mẹ con thường nấu cháo cho nhà chùa. Một hôm sư tụng niệm khuya thấy không bưng cháo lên, vào bếp thấy mẹ con nằm ngủ, bèn bước nhẹ đến lấy cháo. Không ngờ từ đó Hồng đại nương có mang. Sư hối hận bỏ đi mất. Mẹ thẹn nhảy xuống biển chết cùng các con và cung nữ. Hoặc theo Tứ thánh miếu sự tích của xã Đại-trạch (Bắc-ninh) thì sau khi ba mẹ con bíu vào được tấm ván trôi giạt vào cửa Cờn được sư ở đấy cứu chữa nuôi dưỡng chu toàn. Ở chùa có một chú tiểu thấy hoàng hậu đẹp bèn cưỡng dâm. Hoàng hậu xấu hổ nhảy xuống biển tự tử, hai con cũng nhảy theo. Hòa thượng trụ trì ở chùa vì chú tiểu mà mang tiếng, cũng xấu hổ nhảy xuống chết luôn.
Một truyện khác đậm màu sắc huyền thoại kể về Sự tích đền Cờn như sau:
Đời Trần có một ông già làm nghề câu cá ở cửa Cờn. Một hôm, vào ngày mồng sáu tháng sáu âm lịch, ông ra bãi thấy có một cây gỗ lớn không biết là cây gì, bèn trèo lên, dùng cây gỗ ấy làm thớt cắt mồi, bỗng thấy ở chỗ thớ gỗ bị dao chặt phải rỉ máu, có mùi thơm. Ông về báo với làng. Dân làng ra xem. Bỗng thần ứng đồng lên nói: - "Ta là hoàng hậu. Vì tránh giặc dữ mà chết, thành thần ở cõi này. Hãy lấy cây gỗ này tạc hình bốn mẹ con ta mà thờ". Các bô lão làng nhận lời. Cây liền từ dưới nước ngược dòng trôi thẳng đến khu dân ở. Khi dân làng quyết định làm đền thờ thì tự nhiên trời mưa to, gỗ trên rừng trôi về rất nhiều. Số gỗ trôi về đủ cho làng dùng vào việc dựng đền.
Hoằng Tín Hầu
Vào thời nhà Lê, có một người nhờ sức khỏe và võ nghệ cao cường nên lập công to với triều đình, được vua cho làm quan đại thần, lại được phong tước quận công. Quận công còn được vua ban cho một làng ở Hải-dương là làng Phú-thị để hưởng lộc và bắt dân phục dịch. Có quyền thế nghiêng trời, lại được vua tin chúa cậy, nên từ ngày về tri sĩ, quận công rất hống hách với dân trong vùng. Ai đi qua trước cửa phải cất nón cúi đầu hoặc xuống ngựa. Ai hơi trái ý là đòi đến nọc cổ đánh ngay, bất kể người đó là quan hay dân. Cho nên cả một trấn chẳng ai dám ho he. Đối với dân làng Phú-thị, quận công tuyên bố ngài sẽ rộng lượng tha cho tất cả sưu thuế, phu phen, nhưng mọi chi phí trong gia đình ngài thì làng phải đài thọ; mọi việc trong nhà ngài, làng phải chu toàn. Khi ngài muốn bất cứ điều gì, làng phải làm ngay không được chậm trễ.
Không bao lâu quận công chết đi, để lại tám cậu con trai. Tuy không làm quan như bố, nhưng các cậu lại được "tập ấm", ngôi nhất nhị phẩm. Cho nên, trừ một cậu Tám mới mười hai, mười ba tuổi, còn thì cả bọn đều hống hách lại có phần hơn cả bố chúng. Chúng ra lệ bắt dân làng phải chia phiên nhau nuôi nấng và hầu hạ. Hàng ngày chúng không ăn cơm nhà, bắt các gia đình phải cắt lượt làm cỗ cho mình ăn, hết nhà này sang nhà khác; hễ cần ăn ở đâu thì bọn sai nhân đến cắm đòn xóc trước cửa báo cho biết trước một ngày. Mỗi lần đến kỳ tế thần, làng phải dọn hai cỗ thịnh soạn, phải đặt giường lèo trên thượng điện bên cạnh ngai thờ cho chúng ngồi ăn, trong khi đó phải có ả đào múa hát đàn địch, chuốc chén "quỳnh tương", và ở ngoài sân dân làng phải áo mão chỉnh tề, chiêng trống rộn rịp, làm lễ tế đủ ba chầu như lễ tế thần, chúng gọi đó là "lễ tế sống".
Dựa theo lệnh cũ của bố chúng để lại, chúng muốn gì là mọi người phải làm, không được chậm trễ. Cho nên cũng có lúc một cậu nào đó trong bọn chúng thấy con gái nhà ai vừa mắt, thì cho sai nhân đến báo trước cho nhà ấy phải đi vắng cả nhà để nó đến với một mình cô gái, muốn làm gì mặc ý. Hễ ai trái lệnh thì bầy côn quang võ sĩ của chúng sẽ kéo tới phá phách không tiếc tay và đánh đập vô tội vạ.
Về phía dân làng thì sự căm thù chất chứa đã lâu, nhưng chẳng ai dám động đến lông chân của chúng, vì sợ đùi gậy của bọn côn quang thì ít, mà sợ lệnh vua thì nhiều. Tuy vậy, mối thù ngày một chất cao như núi. Họ bảo nhau: - "Một bọn trẻ ranh tám đứa bắt dân ta phải nuôi ăn, nuôi mặc, rồi lại nuôi dâm. Thế mà hàng năm lại phải lạy sống. Chẳng có cái nhục nào bằng cái nhục này. Không giết chết chết chúng đi thì dân ta không thể sống được!".
Vào dịp Tết năm Thân, người ta rộn rịp chuẩn bị làm lễ tế thần vào hôm mùng sáu tháng giêng. Nhưng lần này dân làng có cuộc họp kín, bàn nhau trừ khử "tám thằng ác nghiệt". Theo lệ, sau khi tế xong, bọn ả đào lui ra ngoài, trên thượng điện đóng cửa lại cho chúng ăn uống ở trong, chỉ để lại một vài người phục dịch. Bọn võ sĩ ở hạ điện cũng xúm lại các mâm cỗ, ngồi chén chú chén anh với nhau. Sau khi bọn chúng ăn xong ra về, mới đến lượt dân làng vào tiệc. Cho nên theo lời bàn kín thì phải cố tìm cách hạ thủ cả tám đứa một cách thật êm thấm trong khi chúng đang ăn ở trên thượng điện. Muốn khỏi xô xát sinh to chuyện, thì ở phía ngoài phải chuốc rượu cho bọn côn quang say mềm để chúng không thể ứng cứu cho chủ chúng được.
Mọi việc đều diễn ra như dự định. Dân làng đã chọn hai tay lực sĩ thay vào chân những người phục dịch. Sau khi bọn côn quang ở ngoài gục xuống vì mấy chén rượu có tẩm thuốc, thì ở trong thượng điện, các lực sĩ bắt đầu ra tay. Vì chúng có lệ khám xét kỹ càng những người dân vào hầu cơm nước, không ai được mang một tấc sắt trong tay, nên các lực sĩ sau khi đã vật ngã mấy "cậu" xuống đất, chỉ dùng mỗi người một chiếc đũa cả, lần lượt đâm chết chúng. Sắp đâm đến cậu Bảy thì đứa em nó là cậu Tám lồm cồm bò dậy, mở cửa thượng điện chạy ra ngoài kêu cứu. Một lực sĩ chạy đuổi theo nhanh như cắt, nắm lấy cổ nó như nắm một con nhái và sắp quật xuống đất. Bấy giờ có một bô lão cao tuổi của làng đang ngồi ở chiếu trên thấy vậy, động lòng trắc ẩn, bèn bước tới ngăn lại:
- Khoan, khoan. Chú hãy khoan, nghe ta nói. Chúng ta chỉ trừng trị những thằng đại ác, còn thằng này nó còn bé bỏng chưa làm gì nên tội. Hỡi dân làng, nghe lời ta tha cho nó. Thần minh sẽ chứng giám tấm lòng độ lượng của chúng ta.
Một cuộc họp chớp nhoáng để lấy ý kiến. Hầu như tất cả mọi người dân đều nghiêng về phía cụ già. Cậu Tám được tạm tha, sẽ xử trí sau. Trong khi đó cả làng kéo vào cướp phá tan tành dinh cơ của "tám thằng ác nghiệt".
* * *
Lại nói chuyện cậu Tám được thoát chết, nhân lúc dân làng còn bận tíu tít về việc chia nhau những của cải chiếm được, liền cất lẻn ra đi, bên mình có một bõ già. Hai người cứ ngày đi đêm nghỉ, suốt năm năm ngày lên đến xứ Mường là quê hương của bõ. Số là ngày xưa, quận công sau khi đã bình được "giặc" sông Đà, có tha tội chết cho người đàn ông này, đưa về làng nuôi và dần dần coi như một người thầy tớ tin cẩn. Đến bây giờ người bõ già này tự thấy là lúc phải cố sức cứu lấy giọt máu của ân nhân để báo đền. Cho nên thằng bé được gia đình bõ già chăm sóc chu đáo, và giữ rất kín tiếng vì sợ dân làng Phú-thị cho người đến tìm mà giết chăng. Lớn lên cậu Tám còn học nói tiếng Mường và lại học được nghề thuốc Mường do một "thầy mo" có những môn thuốc bí truyền và các phép chữa bệnh thần diệu ở vùng ấy truyền cho. Không đầy mười năm nó học được mọi phép chữa bệnh. Dần dần nó chữa cho rất nhiều người trong vùng và nổi tiếng mát tay. Có những thứ bệnh kinh niên qua bao nhiêu thầy, tốn bao nhiêu thuốc, phải đến tay nó mới lành. Có những con bệnh "thập tử nhất sinh" nhờ nó mới được cứu sống. Từ đó, tiếng đồn về thầy lang Mường trẻ tuổi truyền đi khắp nơi.
Buổi ấy trong cung có bà hoàng thái hậu mắc chứng ho, uống thuốc đã nhiều mà không khỏi. Sâm nhung quế phụ bồi bổ như cơm bữa, nhưng bà vẫn ho rạc cả người. Nhà vua là người con có hiếu, rất thương cảm, từng cho người tìm thầy giỏi thuốc hay, hy vọng kéo dài tuổi thọ cho mẹ, nhưng bao nhiêu danh sư mọi miền được triệu về đều lắc đầu bó tay. Sau cùng, các quan phụ đạo xứ Mường báo về cho biết xứ ấy có một thầy lang trẻ tuổi nổi tiếng chữa bệnh như thần. Lập tức vua sai sứ giả triệu về, hứa sẽ ban thưởng rất hậu nếu thuốc công hiệu. Quả nhiên chỉ một vài thứ lá của cậu Tám, bệnh của hoàng thái hậu tự nhiên khỏi hẳn. Nhà vua hết lời khen ngợi thầy lang Mường, và quyết định ban ơn cho thầy, hễ muốn gì sẽ cho được nấy. Bấy giờ, cậu Tám ta mới kể lại một lượt cho vua nghe, nào là bố mình đã có công lao với triều đình như thế nào, nào là dân làng Phú-thị đã giết chết bảy người anh của mình ra sao, rồi được bõ già đưa lên xứ Mường nương náu, và học được nghề thuốc như thế nào... Rồi nó xin:
- Tâu bệ hạ, "sát nhân giả từ", chỉ xin bệ hạ cho phép kẻ hạ thần được quyền trừng trị cả làng ấy theo ý mình.
Vua đang mang ơn nặng nên y cho, bèn viết ngay chiếu chỉ, lại cho năm trăm quân sĩ đi theo để thi hành mệnh lệnh.
* * *
Vào một buổi sáng tinh sương, dân làng Phú-thị đang ngon giấc, bỗng nghe tiếng loa gọi râm ran khắp nơi. Ai nấy giật mình lồm cồm trở dậy thì đã thấy quân sĩ đông như kiến cỏ đang vây bọc từng nhà. Chúng trói mọi người giật cánh khỉ không sót một ai, rồi lôi cả đoàn ra sân đình. Khi tất cả nam phụ lão ấu đều đã tề tựu, một viên quan bước ra nâng chiếu chỉ lên đầu rồi giở ra đọc. Trong chiếu chỉ, nhà vua ra lệnh trừng trị dân làng Phú-thị về tội giết các cậu ấm con vị quận công đã quá cố. Vậy đàn ông đều chém ngang lưng, đàn bà một số xử giảo, một số sung làm tỳ nhà quan, còn làng thì triệt hạ.
Đọc xong, viên quan lui ra, rồi một người khác đứng lên, dân làng xanh cả mắt khi nhận ra đó là cậu Tám, người mà họ tha cho tội chết ngày xưa, giờ đây đã trở về với quyền hành ghê gớm trong tay. Nó dõng dạc tuyên bố:
- Hỡi dân làng Phú-thị, hãy giương mắt lên mà nhìn đây! Ngày xưa chúng mày giết chết bảy người anh ruột thịt của tao, chủ của chúng mày. Nô tỳ giết chủ, tội như thế nào, chúng mày cũng đã biết. Bây giờ tao chỉ đòi một mạng của anh tao phải đổi trăm mạng của chúng mày, còn thừa tao sẽ tha cho làm phúc. Lính đâu, hãy giải chúng nó lên trên cồn cao cho ta và cứ lệnh thi hành.
Tiếng năm trăm quân sĩ vây bọc xung quanh dạ ran như sấm. Dân làng bị lôi đi. Tiếng kêu khóc như ri xen lẫn tiếng loa vang vang, tiếng giáo mác va vào nhau lách cách.
Nhưng khi sắp sửa khai đao, bỗng xuất hiện một viên quan cưỡi ngựa với mấy chục lính hầu tiến vào, đòi gặp cậu Tám và sứ giả, để hỏi lại cho biết, vì sao có vụ xử tử hàng loạt như vậy. Đó là Hoằng Tín hầu, phụng mệnh vua đi tuần tra dân tỉnh Hải Dương vừa qua đây. Khi nghe kể rõ tình đầu, Hoằng Tín hầu thấy việc không đánh xử trí nhẫn tâm đến thế bèn lên tiếng:
- Bản chức khâm mạng triều đình đi tuần tra trấn này. Ta thấy trong việc này có sự lạm sát. Vậy các ngươi phải tạm đình chỉ để ta dâng biểu về triều, đợi lệnh nhà vua lần nữa, rồi sẽ thi hành cũng chưa muộn.
Cậu Tám không nghe, đưa chiếu chỉ ra cho Hoằng Tín hầu và nói:
- Chiếu chỉ của nhà vua đã cho phép trảm quyết, hầu không được can thiệp, chống lệnh của nhà vua sẽ mắc tội "khi quân".
Hoằng Tín hầu đáp:
- Nhà vua ở nơi lầu son gác tía, chỉ mới nghe lời xiểm nịnh của ngươi mà chưa nghe được lời nói của dân làng. Ta đây vâng mạng khảo sát dân tình, thấy việc bất công, cần phải thẩm vấn kỹ càng, làm sớ tâu lên đợi lệnh. Kẻ nào dám trái lệnh thì hãy nhìn cây bảo kiếm của nhà vua đây!
Đoạn Hoằng Tín hầu rút kiếm giơ cao gọi:
- Bớ ba quân!
Tiếng ba quân dạ ran. Hoằng Tín hầu tiếp:
- Hãy cởi trói cho mọi người, đợi ta thẩm vấn cho rõ ngọn ngành. Kẻ nào dám trái lệnh, ta sẽ "tiền trảm hậu tấu".
Dân làng được cởi trói ai nấy reo hò mừng vui như được sống lại. Cậu Tám và bọn sứ giả mặt tái như gà cắt tiết lủi thủi kéo đi. Sau cuộc thẩm vấn, Hoằng Tín hầu dâng sớ về triều, cuối cùng nhà vua quyết định huỷ bỏ bản án giết dân cũng như triệt hạ làng Phú-thị.
Từ đó dân làng Phú-thị mang ơn nặng Hoằng Tín hầu. Cho mãi về sau này, cứ đến ngày Tết, dòng dõi của họ vẫn không quên cử người đến nhà thờ ông ở làng Tự-nhiên (Hà-đông) để thắp hương kỷ niệm. Người ta gọi ông là "ông già Hoằng" và gọi việc đến nhà thờ kỷ niệm là "Tết đền ơn"[2].
KHẢO DỊ
Đồng bào Mường có một truyện có phần giống với truyện trên, chỉ khác ở kết thúc:
Một ông lang mường Chếnh (Lang Chánh) Thanh-hoá một hôm ra lệnh bắt dân ai có con gái trước khi về nhà chồng phải đến ở với lang ba đêm. Người nào cưới vợ, trước khi rước dâu cũng phải đưa vợ đến ở với lang ba đêm. Căm thù chất chứa, dân bèn nổi lên giết sạch cả nhà lang đạo "cho hết nòi dâm ác". Một người vợ lẽ của lang vốn người mường Tró (Hoà-bình) là người ăn ở với dân tương đối tốt. Bà này đang có thai, dân định giết cho mất nòi, may có một người đầy tớ trung thành đưa đi trốn về quê ngoại. Sau bà ấy đẻ được một con trai, nhưng vẫn giấu kín vì sợ dân mường Chếnh tìm đến báo thù.
Về sau dân mường Chếnh không ai nghe ai, sinh ra đánh nhau loạn xạ. Sau đó họ cử người đi tìm người vợ lang ở mường Tró may ra nếu đẻ con trai thì đón về làm lang. Tới nơi, người ấy hỏi thăm không ra. Thấy có bốn đứa trẻ chơi cù: ba đứa thua mãi một đứa. Ba đứa kia nổi giận, mắng: - "Mày là con không cha đến ở bên ngoại làm phách, chúng tao đánh chết vô tội vạ". Biết đó là kẻ mà mình đang tìm, người ấy bèn bế đứa bé đến tìm người mẹ và ông ngoại nó để đưa về làm lang[3].
Về tình tiết hưởng quyền trêu ghẹo gái làng, hay là "quyền đêm đầu", người miền Bắc có truyện Đô dũng đại tướng quân:
Một người tên là Vũ Đắc Đô có sức khoẻ, giỏi lặn. Có lũ giặc biển đi mười chiếc tàu đến cướp phá, bắt phụ nữ vùng ấy. Dân hàng tổng rao ai dẹp được thì "sống hàng tổng tết, chết hàng tổng giỗ" và muốn lấy chức gì, đòi bất cứ việc gì, hàng tổng cũng cho. Ông ấy nhận. Bèn ăn mặc rách rưới giả làm người mò cua bắt ốc ở chỗ gần tàu giặc. Khi bắt được đầy giỏ thì đem lên bán, hoặc xin ăn và có lúc cung cấp một vài tin tức lặt vặt. Giặc không nghi ngờ, nên ông lân la làm quen, biết được đâu là tàu lính, đâu là tàu tướng. Sau một hôm dậy sớm, ông lặn xuống nước tìm đến tàu tướng trèo lên. Thấy chúng còn ngủ say, ông bèn chụp lấy hai thanh kiếm nắm ở hai tay mặc sức chém giết rồi nhảy xuống nước trốn về. Giặc mất tướng như rắn mất đầu, rút lui.
Thắng lợi, ông đòi ăn lộc của làng mình, và được hưởng đêm đầu với gái làng. Hàng tổng giữ lời hứa. Nhưng thanh niên làng thì không chịu. Họ vác sào đến đánh ông. Ông cầm kiếm ra, họ chạy; khi ông trở vào, họ lại đến. Cứ như vậy, một hôm ông vẫy kiếm, không ngờ vô tình chém phải cổ mình. Ông chết nhưng tay vẫn cầm kiếm. Sau ba ngày quạ kêu, mới biết.[4]
[1] Theo lời kể của người Nghệ-an. Thần tích xã Lý-trai; và Lê Hữu Trác. Thượng kinh ký sự.
[2] Theo lời kể của người Hải-dương.
[3] Theo báo Thanh Nghệ tĩnh tân văn (1931).
[4] Theo Thực nghiệp dân báo (1924).
- ← Người học trò và con hổ
- → Quân tử
Từ khóa » Sự Tích đền Cờn Ngoài
-
Đền Cờn Nghệ An - Ngôi đền Thiêng Gần 1000 Năm Tuổi - Vinpearl
-
Sự Tích đền Cờn - PGS Hà Hoàng Kiệm
-
Đền Cờn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đền Cờn Từ Truyền Thuyết đến Lịch Sử Và Lễ Hội Truyền Thống
-
Luận Về đền Ông Chín Cờn Nghệ An
-
TÓM TẮT SỰ TÍCH ĐỀN CỜN P/S : MK CẦN GẤP NGAY BÂY GIỜ Ạ
-
Đền Ông Chín Cờn - Trầm Tâm Linh
-
Đền Cờn (Kỳ I): Truyền Thuyết Về Tứ Vị Thánh Nương - Phương Nam
-
Sự Tích đền Cờn - Kho Tàng Truyện Cổ Tích Chọn Lọc
-
Đền Cờn (Nghệ An,Việt Nam) - Vietnam Landmarks
-
Sự Tích Quan Hoàng Chín Cờn Môn Và đền Thờ Quan
-
Đền Cờn Và Tục Thờ Tứ Vị Thánh Nương | Báo Dân Trí
-
Đền Cờn ở Nghệ An - Văn Hóa Tâm Linh
-
Sự Tích Về Ông Hoàng Chín Cờn Môn, Đền Cờn Môn Nghệ An Thờ ...