Sức Mạnh Thần Kỳ Của âm Nhạc (P.1): Cái đẹp Chân Chính Xuất Phát ...
Có thể bạn quan tâm
Âm nhạc là bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh thể hiện các giai điệu, âm điệu, nhịp điệu hài hòa tươi đẹp có giá trị thẩm mỹ, nhân sinh. Âm nhạc gồm có thanh nhạc và khí nhạc, tức lời ca hát của con người và âm thanh do các nhạc cụ tạo ra sự hài hòa, xúc động lòng người.
Sự ra đời của âm nhạc và tác dụng
Theo kết quả khảo cổ học, cây sáo Divje Babe được chạm khắc từ xương đùi của gấu, có tuổi thọ tối thiểu 40.000 năm tuổi. Như vậy âm nhạc cũng là từ văn minh tiền sử xa xưa lưu truyền lại.
Còn trong lần văn minh nhân loại lần này, các nhà khảo cổ học phát hiện ra 30 cây sáo làm từ xương ống chân một loài tiên hạc, có niên đại cách hiện nay 8000-9000 năm, ở di chỉ Giả Hồ, Hà Nam, Trung Quốc. Phát hiện này cũng khớp với truyền thuyết Phục Hy sáng tạo ra đàn sắt, Nữ Oa sáng tạo ra khèn, và định ra thanh luật (âm luật).
Âm nhạc truyền thống Á Đông được chia làm ngũ âm: Cung, Thương, Giốc, Chuỷ, và Vũ; tương ứng với ngũ hành: Thổ, Kim, Mộc, Hỏa và Thủy; ứng với năm phương hướng: Giữa, Tây, Đông, Nam và Bắc; và ứng với năm cung bậc tình cảm: Lo lắng, u buồn, giận dữ, vui mừng và sợ hãi.
Theo triết học phương Đông, con người là tiểu vũ trụ, do đó từ vũ trụ cho đến con người và vạn vật đều do âm dương ngũ hành tổ thành. Âm dương ngũ hành hài hòa thì trời đất mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, hòa ái, bình hòa, và âm nhạc cũng hài hòa. Ngược lại, âm dương ngũ hành không hài hòa thì trời đất sinh thiên tai, con người chịu bệnh hoạn, âm nhạc ngũ rối loạn. Như vậy ngũ âm trong âm nhạc tương ứng với con người, với tự nhiên, với vạn vật, và có ảnh hưởng lẫn nhau. Âm nhạc cao quý có lợi cho sự phát triển của con người và vạn vật, và tất nhiên, âm nhạc thấp kém thì có tác dụng ngược lại.
Tác dụng của âm nhạc đối với cây trồng, vật nuôi và con người
Những năm thập niên 50, 60 của thế kỷ 20, tiến sỹ T.C. Singh, chủ nhiệm Khoa Thực vật của trường đại học Annamalai đã làm thực nghiệm, sau đó áp dụng ra thực tế, ông đã giúp bảy thôn khu Pondicherry và bang Tamil thí nghiệm, dùng máy tăng âm phát âm nhạc, làm cho cây trồng thu hoạch nhiều hơn bình thường 25-60%.
Năm 1999, ông Carlo Cignozzi vốn là luật sư mới chuyển nghề sang trồng nho, và ông cũng không có kinh nghiệm. Do yêu thích âm nhạc cổ điển nên ông đã lắp 80 cái loa chịu nước khắp trang trại nho, thường xuyên phát các bản nhạc cổ điển của Mozart. Kết quả nho của ông sai quả hơn, trái to hơn, ít sâu bệnh hơn, và rượu nho ngon hơn tất cả những người chuyên trồng và làm rượu nho trong vùng. Kết quả bất ngờ với cả các nhà khoa học, vì vậy các nhà khoa học thuộc Khoa Nông nghiệp trường đại học Florence và các nhà côn trùng học trường đại học Pisa đến hợp tác nghiên cứu về tác động của sóng âm lên sự sinh trưởng của bộ rễ, lá, thân, quả của cây, và tác dụng sóng âm đối với việc xua đuổi côn trùng, sâu bệnh. Âm nhạc đã mở ra hướng đi mới cho nghiên cứu khoa học đối với cây trồng, vật nuôi và con người.
Từ kết quả tác dụng của âm nhạc đối với sự sinh trưởng của thực vật, nhiều nơi đã áp dụng đối với động vật, và cũng có hiệu quả thần kỳ như vậy.
Rất nhiều trại chăn nuôi ở nhiều nơi trên thế giới đã cho gia súc, gia cầm, gà, trâu bò, lợn nghe âm nhạc cổ điển. Kết quả cho thấy, ở trại gia súc phát âm nhạc cổ điển nhẹ nhàng vui tươi hài hòa, có thể kích thích cho nhiều sữa hơn, mà sữa sinh ra sạch hơn, ngon miệng hơn, còn có thể kích thích gà đẻ nhiều trứng hơn, có thể làm cho lợn và trâu khỏe mạnh hơn, thịt tươi mềm hơn.
Năm 1993, tập san định kỳ “Tự nhiên” nổi tiếng của nước Anh đã đăng phát hiện của công trình nghiên cứu lớn của nhà tâm lý học trường đại học California, bà Frances Rauscher và các đồng nghiệp: Nghe âm nhạc của các bậc thầy sáng tác nhạc cổ điển như Mozart có thể gia tăng năng lực phân tích không gian ba chiều của các sinh viên. Từ đó trên phạm vi toàn thế giới đã xuất hiện cơn sốt “Hiệu ứng Mozart”.
Rất nhiều bà mẹ hiện nay đều đang tĩnh tâm lắng nghe âm nhạc cổ điển trong thời gian mang thai, tin rằng những em bé được sinh ra như thế này sẽ mạnh khỏe, thông minh, xinh đẹp hơn và tính cách cũng tươi sáng hơn.
Ngay cả những người khỏe mạnh thì âm nhạc cũng giúp giảm thiểu căng thẳng trong cuộc sống. Nghe nhạc cổ điển giúp cơ thể hoàn toàn thư giãn, kích thích những hoạt động về thể chất, mang lại cảm giác phấn chấn, tăng sự bền bỉ dẻo dai và giúp tinh thần hăng hái hơn.
Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng âm nhạc vào chữa bệnh gọi là “Liệu pháp âm nhạc”, hay còn gọi “Âm nhạc trị liệu”. Ở Mỹ đã có Hiệp hội Âm nhạc Trị liệu và chuyên ngành Âm nhạc Trị liệu đào tạo trong trường y. Một cuộc thăm dò ý kiến từ 1.900 cơ sở khám chữa bệnh ở Hoa Kỳ năm 2007 đã phát hiện ra rằng 35% trong số đó đưa ra các loại phương pháp trị liệu bằng âm nhạc và xu hướng này đang ngày càng phổ biến.
Âm nhạc có sức mạnh giáo hóa hơn cảnh sát và luật pháp
Khu vực trung tâm thương mại của thành phố lớn thứ ba New Zealand là khu Christchurch vốn là nơi có các vụ phạm tội cao, làm đau đầu các thương gia, cư dân và cảnh sát địa phương. Từ tháng 6 năm 2009, trung tâm thương mại bắt đầu phát các tác phẩm của nhiều nhạc sỹ thế kỷ 18 như Mozart liên tục trong 24 giờ. Sau một thời gian, mọi người thấy có hiệu quả kinh ngạc đối với việc giảm thiểu các vụ phạm tội và bạo lực.
Theo thống kê, tháng 10 năm 2008, các vụ phạm tội khu vực này cao đến 77 vụ trong 1 tuần, đến tháng 10 năm 2010 giảm mạnh xuống còn 2 vụ. Các vụ gây rối liên quan đến ma túy, say rượu năm 2008 có 16 vụ, năm 2010 không có vụ nào xảy ra.
Giám đốc Hiệp hội Thương mại Trung tâm thành phố Christchurch là Lonsdale bày tỏ: “Dân chúng hiện nay sẽ dừng lại và ngồi trong khu vực này, vì họ có cảm giác an toàn hơn.”
Phía cảnh sát cũng công nhận nhạc cổ điển đã làm thay đổi môi trường trung tâm thương mại và khu vực xung quanh, hiện nay rất nhiều cửa hàng xung quanh cũng phát nhạc cổ điển. Hơn nữa, ngoài Christchurch ra, Auckland của New Zealand cũng đang áp dụng biện pháp này.
Phát hiện những giá trị cổ xưa
Có thể nói, ngày càng nhiều giá trị của âm nhạc được phát hiện và được nghiên cứu áp dụng vào cuộc sống, đem lại những hiệu quả kỳ diệu bất ngờ. Nhưng những lợi ích và tác dụng của âm nhạc đã được người xưa áp dụng từ rất lâu rồi.
Vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, có nghĩa cách ngày nay 2600 năm, một người Hy Lạp là Pythagoras đã tìm ra quan hệ giữa âm nhạc và toán học. Ông được coi là “Cha đẻ của toán học”, “Cha đẻ của âm nhạc” phương Tây.
Một hôm, Pythagoras đi qua một lò rèn, nghe thấy âm thanh của búa sắt nện xuống đe, cảm thất rất hay, vô cùng vui tai, từ đó phân biệt ra ba loại âm hài hòa nhất 4 độ, 5 độ và 8 độ. Ông nghĩ âm thanh khác nhau là do trọng lượng búa khác nhau tạo ra, ông liền cân trọng lượng từng quả búa, đồng thời trở về nhà đem độ dài các dây đàn sắp xếp theo tỷ lệ này, thí nghiệm nhiều lần, ông phát hiện ra giữa các âm giai thực sự có tồn tại quan hệ tỷ lệ số lượng, rút ra được tỷ lệ giữa các âm độ 8, 5, 4 là 2:1, 3:2, 4:3, do đó đã xác lập ra học thuyết nguyên lý toán học của âm trình.
Pythagoras cho rằng, bản chất của vạn vật là số, cái đẹp hài hòa là quan hệ số lý tưởng, do đó cái đẹp trong âm nhạc là do sự hài hòa của số quyết định.
Theo nguyên lý của Đạo gia phương Đông: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên”. Các Thánh nhân cổ phương Đông cũng phỏng theo tự nhiên sáng tạo ra các loại nhạc cụ, các bản nhạc, theo nguyên lý Đạo gia, nó hoàn toàn khớp với phát hiện của Pythagoras phương Tây là cái đẹp của âm nhạc là sự hài hòa của các con số, tức các âm giai trong bản nhạc.
Nữ Oa sáng tạo ra bản nhạc vũ “Sung nhạc”, Hoàng Đế sáng tạo ra bản “Vân môn đại quyển”, vua Nghiêu sáng tạo ra bản “Đại hàm”, vua Thuấn sáng tạo ra bản “Đại thiều”, vua Vũ sáng tạo ra bản “Đại hạ”, vua Thương Thang sáng tạo ra bản “Đại hoạch”, Chu Vũ Vương sáng tạo ra “Đại vũ”. Thời nhà Chu, trừ bản “Sung nhạc” thất truyền, còn 6 bản nhạc này được đưa vào là môn học bắt buộc cho con em hoàng thất, quý tộc.
Trong “Lã Thị xuân thu” còn ghi chép: “Thời vua Nghiêu, bổ nhiệm Chất làm Nhạc quan, Chất mô phỏng âm thanh tự nhiên của núi rừng, suối, hang, đã sáng tạo ra nhạc vũ “Đại chương”. “Đại chương” còn có tên là “Đại hàm”, là một trong Lục đại nhạc vũ được nói đến ở trên, dùng để tế đất. Khi diễn tấu bài nhạc vũ này, trăm loài thú đều nhảy múa theo, vạn vật tự nhiên đều chung sống hài hòa”.
Đến thời Xuân Thu, lễ băng nhạc hoại, đạo đức suy đồi, xã hội loạn lạc, chư hầu nổi lên khắp nơi, đánh chiếm lẫn nhau, xưng hùng xưng bá. Khổng Tử với sứ mệnh phục hưng nền Lễ Nhạc nhà Chu, đề xướng tư tưởng Nho gia: Nhân, nghĩa, lễ trí, tín, đi chu du khắp thiên hạ du thuyết, nhưng tư tưởng của ông không được áp dụng.
Khổng Tử lúc ở nước Tề có may mắn được thưởng thức nhạc vũ “Đại thiều”. Sau khi thưởng thức xong thì lòng khoan khoái ngây người ra, miệng không còn biết vị, ba tháng ròng ăn thịt không thấy mùi vị, thì cảm động than rằng: “Không ngờ nhạc lại có thể đạt đến cảnh giới cao siêu kỳ diệu như thế này!”. Đây chính là điển cố “Ba tháng không biết mùi vị thịt” được ghi chép trong “Luận Ngữ”. Do đó Khổng Tử đánh giá rằng: “Nhạc ‘Đại thiều’ tận thiện tận mỹ vậy.”
Theo Minh Huệ Net Triêu Lộ
Từ khóa » Cái đẹp Trong âm Nhạc
-
“CÁI ĐẸP CỦA ÂM NHẠC” QUA TAI NGƯỜI NGHE - Thành
-
Tìm Hiểu Cái Hay, Cái đẹp Trong Vốn âm Nhạc Cổ Truyền Của Dân Tộc
-
CÁI ĐẸP CỦA CA TỪ TRONG NHẠC PHẨM TRỊNH CÔNG SƠN
-
II. Tính Chất Của Cái đẹp Trong Nghệ Thuật - Tài Liệu Text - 123doc
-
Tính Chất Của Cái Đẹp Trong Nghệ Thuật Là Gì?
-
Đi Tìm Cái Hay Cái đẹp Của Âm Nhạc Dân Gian
-
Cái đẹp Trong Dân Ca Nam Bộ Dưới Góc Nhìn Mỹ Học Mác Lênin
-
Thẩm Mỹ – Cái đẹp Trong Nghệ Thuật - THANH NHẠC NUTO
-
Niềm đam Mê đi Tìm Vẻ đẹp Những âm Thanh - Lưu Hồng Quang
-
Người Giới Thiệu Cái đẹp Trong âm Nhạc đến Công Chúng
-
Tiểu Luận Cái đẹp Của Ca Từ Trong Nhạc Phẩm Trịnh Công Sơn
-
Bài 3: Tiếp Tục "lấy Cái đẹp Dẹp Cái Xấu"... - Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô
-
Vai Trò Của âm Nhạc Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ - .vn