Tag Archives: Trần Ngọc Hiếu - Hải Ngọc's Weblog
Có thể bạn quan tâm
Hình ảnh từ phim Entre Les Murs của đạo diễn Lauren Cantet-một trong những bộ phim về đề tài giáo dục mà tôi yêu thích nhất.
1. Nếu được hỏi “Đối với anh, bài văn nào khó dạy nhất trong chương trình”, ở thời điểm này, câu trả lời của tôi sẽ là bài “Sa hành đoản ca” của Cao Bá Quát. Dù cố gắng hết sức để soạn bài, nhưng chưa bao giờ tôi nhìn thấy ở mắt học trò có một sự quan tâm, hứng thú hay xúc động nào. Tôi chưa bao giờ nhận được sự chia sẻ từ các em khi cố gắng giảng cho học trò về một bài thơ hiếm hoi trong chương trình nói lên phẩm chất đích thức của kẻ sĩ giữa đời sống này. Sẽ phải đi về đâu? Chưa biết. Nhưng chẳng thể dừng lại, dừng lại là sa lầy. Kẻ sĩ là kẻ tự đặt cho mình trách nhiệm phải đối mặt với những câu hỏi lớn, cho chính mình và rộng hơn là thời đại. Đó là kẻ không chấp nhận những câu trả lời có sẵn, càng không thể thỏa hiệp với những câu trả lời hời hợt, dễ dãi. Nỗi đau khổ của kẻ sĩ vì thế không dễ thấu hiểu. Nhưng đời sống sẽ thế nào nếu thiếu vắng những kẻ cả nghĩ như thế?
Có một bài thơ của Joseph Brodsky mà tôi đặc biệt yêu thích là bài “The Great Elegy for John Donne” (bản dịch tiếng Việt là “Khúc bi ca lớn cho John Donne”). Lần đầu tiên tôi biết đến kiệt tác này qua bản dịch của Hoàng Ngọc Biên (rất tiếc bản dịch này chưa có phiên bản điện tử) năm 1996. Đó là một tác phẩm ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Kẻ sĩ, có lẽ là kẻ mắc bệnh như John Donne, không thể ngủ trong khi tất cả đều đắm chìm trong mộng mị; trí tuệ khiến y tỉnh táo để đối diện với cái rỗng không, cái hư vô đang xâm lấn mọi thứ, khiến y khổ đau, tuyệt vọng vì bất lực không tìm được ý nghĩa của cuộc đời. Nhưng đó là nỗi tuyệt vọng đáng kiêu hãnh.
Tôi đã không thể làm cho học trò của mình đồng cảm với những khắc khoái trí tuệ ấy. Cũng như tôi đã quên chưa nói với các em rằng: đã bao giờ, các em băn khoăn sao trong những bài văn ở chương trình, chúng ta lại phải mất công tìm hiểu những kẻ hay bất mãn với cuộc đời và bất mãn với chính mình? Nào là một Tú Xương tự nhận mình là kẻ nặng nợ chất chồng khổ sở lên vai bà vợ, thấy mình “có cũng như không”, nào là Hộ trong “Đời thừa’ – kẻ rơi vào cái bi kịch khủng khiếp nhất của đời người khi tự chán ghét chính mình, nào là Trương Ba không thể chấp nhận sự tồn tại vay mượn thân xác kẻ khác, cho dù xung quanh ông, cho dù ngay cả Ngọc Hoàng thượng đế, không ai được sống toàn vẹn là mình…? Tại sao những kẻ bất mãn với chính mình, những kẻ không dễ thỏa hiệp với đời sống mới là nguồn cảm hứng mạnh mẽ của văn chương?
Tôi đã quên không đặt câu hỏi ấy cho học trò. Nhưng đó cũng là câu hỏi khó, chính tôi cũng không chắc mình có thể trả lời thấu đáo.
2. Tuần trước, khi đi dạy các em lớp 12, xung quanh chủ đề giá trị của văn chương, tôi lại đưa các em về với câu hỏi “Văn chương ích gì?”. Tôi đã nói với các em khi đặt câu hỏi này, có nghĩa là giá trị của văn chương đang bị nghi ngờ. Sự nghi ngờ đó xuất phát từ chính thực tế của đời sống chúng ta, nơi các giá trị vật chất, thực tê, thực dung lên ngôi, trở thành hệ quy chiếu cho nhiều bình diện của đời sống. Trong bối cảnh ấy, những giá trị tinh thần có nguy cơ bị tổn thương rất lớn. Văn chương, nếu có ích gì, thì với tôi, trước hết, nó biện hộ, nó nâng niu những giá trị đang phải đối mặt với sự tổn thương ấy. Đời sống của chúng ta có hạnh phúc hơn chăng khi ta sẵn sàng đánh đổi những giá trị tinh thần, phi vật chất,vô hình ấy lấy những thứ hữu hình, thực tiễn và quyền lực? Một câu thơ hay cùng lắm chỉ đem đến cho con người một khoái cảm tinh thần; khi chúng ta đang đói, câu thơ hay hình như vô nghĩa; nhưng ngay cả khi chúng ta đã no dạ dày, câu thơ hay liệu có ích gì hơn không. Rất có thể câu thơ hay vẫn vô dụng vậy thôi
Học trò của tôi mới lớp 12. Các em đã không thật hiểu điều tôi nói lắm. Khi nhìn vào những ánh mắt không hiểu ấy, tôi đã nói: Nếu cách đây 6-7 năm, khi tôi nói văn chương chăm chút cho đời sống tinh thần của con người, nhờ đó con người được là người, các em có quyền nghi ngờ tôi đang rao giảng một niềm tin sách vở. Nhưng chính ở thời điểm này, khi nói với các em như thế, tôi mới thấm thía điều mà văn chương mang lại cho riêng tôi.
Lúc nãy thôi, qua lời một người bạn đồng nghiệp, tôi đã được nghe một người thầy khuyên nhủ: cần phải sống hài hòa, chữ nghĩa nhiều làm gì, sách vở nhiều làm gì, sắc sảo để làm gì, tranh cãi đúng-sai để làm gì. Cuối cùng chúng ta đều chết hết. Văn chương, chữ nghĩa vô nghĩa cả thôi. Những luận điểm đó không mới mẻ. Tôi đã được nghe hơn một người nói như thế, thậm chí còn với ngôn ngữ tàn nhẫn hơn. Lần này, tôi đã không chỉ buồn (như mọi lần) mà còn hơi bực mình trước một lời khuyên có vẻ minh triết nhưng cực kỳ độc đoán như thế. Tôi tuyệt nhiên không lý tưởng hóa văn chương, nhưng giữa một thế giới, nơi sự khôn ngoan (được diễn đạt uyển chuyển là “hài hòa”) lên ngôi, nơi con người ta coi sống là một màn trình diễn bất tận, nơi con người ta không thể tồn tại bên ngoài mặt nạ, tôi có thể tìm được sự đồng điệu nào hơn ở thế giới văn chương? Ở đó, sự yếu đuối của con người được lắng nghe; ở đó, những chấn thương dù vô hình của con người được chú mục; ở đó, tôi bắt gặp những gã khờ, những kẻ gàn dở như Don Quixote; ở đó, tôi bắt gặp những kẻ liều lĩnh, sẵn sàng đối mặt với những bất trắc; ở đó, tôi nhìn thấy những người chối từ sự phẳng lặng như là định mệnh đẹp đẽ dành cho mình. Khi xã hội của chúng ta ngại ngần những khác biệt, văn chương lại là nơi chúng ta sống với những kẻ khác, ta có thể đồng cảm, hóa thân vào những khác biệt. Văn chương không nói rằng, con người là dễ hiểu; văn chương chỉ làm ta thấy dễ hiểu vì sao vẫn luôn có những kẻ tự phức tạp hóa đời mình lên, tự đẩy mình vào những tình huống hoang mang. Văn chương không nói với chúng ta rằng rốt cục tất cả chỉ có một giải pháp; không, văn chương nói với chúng ta rằng ta được quyền lựa chọn, mọi lựa chọn đều bất toàn và cũng đều đáng giá, mọi lựa chọn cần được thấu hiểu trước khi phán xét. Và đương nhiên, văn chương vẫn không ngừng nói về cái chết, về hư vô nhưng không phải để chúng ta coi thường đời sống, để chúng ta sống hời hợt, để chúng ta đánh đồng mọi đúng-sai, an phận trong những trật tự giả tạo và gò bó. Tôi đang nghĩ nhiều về sự tuổi già và cái chết được thể hiện trong nghệ thuật. Tôi chưa có những ý tưởng sáng rõ nào, nhưng tôi luôn nghĩ văn chương nói về tuổi già, bệnh tật, cái chết để ta chiêm nghiệm về những giới hạn của đời người cũng như những khả năng con người chiến thắng hư vô. Chẳng phải chỉ khi chết con người ta mới thấy hư vô. Kinh khủng nhất là người ta lợi dụng việc hư vô hóa đời sống để sống một cách vô trách nhiệm.
3. Càng ngày tôi càng cảm thấy chính những người học văn, dạy văn, làm văn…lại là những người dễ làm tổn thương nhau hơn cả. Có thể sẽ có bạn hỏi: nếu văn chương ý nghĩa đến như thế, tôi sẽ lý giải ra sao về những gì vừa xảy ra và hậu quả chưa hết chấm dứt tại môi trường của tôi- Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm? Những người tấn công Nhã Thuyên và PGS. Nguyễn Thị Bình có đọc văn chương không? Tại sao họ lại có thể có những hành động không thể nói là “nhân văn” được? Và cả những người im lặng, không làm gì cả khi những đồng nghiệp học trò của mình rơi vào tình thế bị xúc phạm? Có trớ trêu không khi sự im lặng ấy lại được xem là khôn ngoan? Họ có đọc văn chương không? Văn chương có đem đến cho con người sự khôn ngoan như thế không?
Đến đây, thì tôi bất lực thật sự. Tôi chỉ dám bảo vệ cho niềm tin của tôi mà thôi; tôi không thể nói thay cho người khác. Và bạn ơi, sống cho niềm tin đó, với tôi, khó khăn vô cùng. Vì xét cho đến cùng, cái làm nên một giờ dạy văn trung thực chưa hẳn là kiến thức, mà là con người của anh nữa. Có rất nhiều điều về văn chương, tưởng chừng như đơn giản, nhưng đến giờ phút này, tôi mới có thể diễn giải với học trò từ trải nghiệm của mình. Cũng như văn chương, nếu có làm tôi thay đổi điều gì trong tính cách, thì có lẽ nó làm tôi khiêm tốn hơn hẳn. Nó làm tôi biết thu lại tham vọng muốn khuyên nhủ ai khác, thay vào đó là ý thức chia sẻ, và vì thế tránh mọi áp đặt của mình lên người khác. Rằng, cũng hôm trước, khi nói với học trò về tính có ích của văn chương, tôi đã phải nói đi nói lại: các bạn đừng lệ thuộc vào nhãn quan bi kịch của tôi. Rằng, cốt lõi của giao tiếp văn chương là sự chân thành, mà thời này, sự chân thành thường không phải là hình thức sinh viên, học sinh thấy được ngay. Tôi không có câu chuyện đời tư nào hấp dẫn, tôi không có tài lẻ nào để khoe, tôi không phải là người thành công để chia sẻ… Tôi chỉ có những câu chuyện, những bộ phim, những bài hát. Tôi đã rất hồn nhiên nói về những cuốn sách, những bộ phim đến với tôi đúng thời điểm.
Bạn hỏi: 20-11, vậy thì tôi có gì đáng kiêu hãnh để nói với mọi người về lựa chọn của mình? Có, rằng tôi có những sinh viên, những học trò đã tìm đến những cuốn sách, những bộ phim mà tôi nói.
Trong chừng mực nào đó, tôi tin mình đã làm được một điều có ích cho ai khác, ngoài tôi.
18.11.2014
Từ khóa » Ts Trần Ngọc Hiếu
-
TS Trần Ngọc Hiếu - Khoa Ngữ Văn
-
Tiến Sĩ Trần Ngọc Hiếu: Để Bền Bỉ, Nhà Văn Phải Có Chút Lầm Lỳ
-
VGEM - Giảng Viên Trần Ngọc Hiếu - Tiến Sĩ Văn Học Giới... | Facebook
-
Trần Ngọc Hiếu
-
TS Trần Ngọc Hiếu (Kỳ 2): Mỗi Thời đại Có Một Loại Bệnh Tật điển Hình
-
Văn Chương Tính Dục Nở Rộ: Không Phải Là Dấu Hiệu đáng Ngại
-
BẢO VỆ LUẬN ÁN TIẾN SĨ CẤP TRƯỜNG: NCS NGUYỄN TRẦN ...
-
Trần Ngọc Hiếu - Khoa Văn Học
-
TS Trần Ngọc Hiếu - Báo Tuổi Trẻ
-
Chưa Bao Giờ “văn Học Là Nhân Học” Bị Thách Thức Như Bây Giờ!
-
ThS. Trần Ngọc Hiếu - Trường Đại Học Công Nghệ Sài Gòn - Nhân Sự