Văn Chương Tính Dục Nở Rộ: Không Phải Là Dấu Hiệu đáng Ngại

Khi được hỏi về vị trí của văn chương tính dục trong nền văn học, Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cho rằng: Viết về tình dục chính là một điểm then chốt để văn chương có thể phát lộ những khía cạnh bạo lực tinh vi của các thiết chế xã hội đối với thân thể, giới tính và rộng hơn, đối với đời sống cá nhân con người.

Theo ý kiến cá nhân anh, những tác phẩm đính kèm chữ “dâm thư” có vị trí như thế nào trong văn học, và người ta nên lấy thái độ nào để tiếp cận với nó?

Viết về tình dục, tôi nghĩ, không phải là một trường phái hay khuynh hướng văn học. Nó là một đề tài lớn của văn học nghệ thuật từ thời cổ đại đến bây giờ.

Sở dĩ đề tài này không bao giờ cạn kiệt vì tình dục, xét đến cùng, gắn liền với thân thể, mà đó lại là lãnh địa của cái riêng tư, nơi chứa đựng những bí ẩn sâu thẳm nhất, tinh tế nhất, phức tạp nhất của con người. Văn học luôn bị hấp dẫn bởi những gì chưa được biết đến ở con người, bởi vậy, từ cổ đến kim, tình dục vẫn là mảnh đất cám dỗ đối với nó.

Hơn nữa, trong lịch sử văn minh nhân loại, tình dục lại là lĩnh vực phải chịu đựng nhiều sự kìm nén. Các thiết chế xã hội thường dựng lên biển cấm tại lãnh địa này bởi đó là chỗ cuối cùng mà xã hội có thể xen vào để kiểm soát tự do cá nhân. Nhưng văn học đích thực, dù ở đâu, ở thời nào, lại thường vẫn lựa chọn chỗ đứng của mình ở bên kia những thiết chế ấy, vì sứ mệnh của văn học là khai phóng con người cá nhân. Viết về tình dục chính là một điểm then chốt để văn chương có thể phát lộ những khía cạnh bạo lực tinh vi của các thiết chế xã hội đối với thân thể, giới tính và rộng hơn, đối với đời sống cá nhân con người.

Các nghệ sĩ lớn trong văn học nghệ thuật khi khai thác đề tài tình dục thường đem vào trong tác phẩm của mình những phản biện rất sắc sảo mang tính văn hóa hay tính chính trị. Có thể thấy điều này qua những tác phẩm của Tanizaki Junichiro, Kenzaburo Oe (Nhật Bản), Diêm Liên Khoa, Mạc Ngôn (Trung Quốc), Elfriede Jelinek (Áo)...

Giới tính, dục tính, đồng tính đều là những đề tài luôn thu hút sự quan tâm của người đọc, theo anh, nó có đơn giản chỉ xuất phát từ sự tò mò?

Nếu nói văn chương viết về tình dục khởi phát từ sự tò mò của người viết, nhằm thỏa mãn sự tò mò của công chúng, tôi nghĩ cũng không sai. Bởi con người và đời sống vốn dĩ là những bí mật không bao giờ chúng ta có thể biết hết, biết đủ. Văn chương viết về tính dục thường hé mở những khoảnh khắc làm chúng ta nhận ra một cái gì đó trong đời sống, trong chính con người vẫn bị giấu che, bị trấn áp, bị kìm hãm. Các tác phẩm mang màu sắc tính dục trong văn học Việt Nam truyền thống cũng là ví dụ tốt để minh họa điều này. Thơ Hồ Xuân Hương cho chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp trong những ham muốn, khát vọng trần thế của con người; thơ của bà là cách tiếp cận thân thể và tính dục thoát khỏi những định kiến đạo đức vốn có. Trong truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao cho ta thấy chính tính dục lại là thứ đánh thức cái mà ta vẫn gọi là “nhân tính” ở nhân vật. Nó không chỉ là cõi tối tăm, sa đọa của dục vọng. Ở phương diện này, Nam Cao có lẽ còn hiện đại hơn cả Vũ Trọng Phụng.

Giới nghiên cứu có sự phân biệt khá rõ ràng cho loại sách kỹ năng (một số người cho rằng “50 sắc thái” là một loại sách kỹ năng) và văn học. Theo anh, ranh giới của sự phân biệt này nằm ở đâu?

Phải nói rõ ở đây, có sự phân biệt giữa văn chương-nghệ thuật erotic (tạm dịch là tính dục) với văn chương - nghệ thuật khiêu dâm (pornography). Sự phân biệt ấy, theo tôi, lại không hẳn chỉ nằm ở vấn đề sắc thái. Có những tác phẩm nghệ thuật thể hiện những cảnh tính dục rất trần trụi, không hề lãng mạn hóa, thi vị hóa, ví dụ như những cảnh làm tình trong tiểu thuyết Michel Houllebecque, trong phim của Catherine Breillat, Thái Minh Lượng, trong tác phẩm nhiếp ảnh của Ren Hang. Sự phân biệt nằm ở chỗ nghệ thuật erotic thường khiến người đọc, người xem thưởng thức những cảnh tính dục trong sự chú tâm, tĩnh lặng, có khi gián cách với nó. Trong khi đó, nghệ thuật khiêu dâm lại chủ đích tạo ra những fantasy (những huyễn tưởng), cuốn người xem, người đọc nhập vào những gì mà nó miêu tả. Để tạo ra những fantasy như thế, nghệ thuật khiêu dâm luôn thường phóng đại, kịch tính hóa các hành động tính dục, làm người ta thấy thèm muốn chúng, chứ không phải thưởng thức. Nghệ thuật erotic thường tác động vào cả cảm giác lẫn nhận thức của người thưởng thức; nghệ thuật khiêu dâm chỉ cần thỏa mãn những bản năng bị kìm nén của con người.

Nhiều người lo ngại vì Văn học Việt Nam ngày càng nhiều những tác phẩm có tính chất dục tính. Họ cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển văn học, thậm chí đến “thuần phong mỹ tục”, anh thấy sao?

Văn học Việt Nam quả thật giờ nhiều màu sắc dục tính hơn. Tôi chưa thấy đây là dấu hiệu đáng ngại vì ít nhất đó là hiện tượng cho thấy xã hội có nhu cầu nhận thức về tự do cá nhân, nhiều rào cản, định kiến xã hội ít nhiều đã bị dỡ bỏ.

Anh đánh giá cao tác phẩm “giàu tính dục” nào của các tác giả Việt Nam?

Nếu hỏi có tác phẩm nào viết về tính dục thuyết phục tôi thì tạm thời tôi chưa thể nêu ra được cái tên nào. Viết về tính dục rất khó. Bởi lẽ đó là lĩnh vực thử thách những kinh nghiệm ngôn ngữ của người viết: đi vào cái phức tạp, cái tăm tối trú ẩn sâu xa nhất trong mỗi chúng ta, ngôn ngữ cần phải thoát khỏi những cách diễn đạt đã quen, đã biết. Tính dục là lãnh địa vừa tinh tế, vừa khốc liệt, nơi ngôn ngữ phải cưỡng lại những thói quen của nó để có thể biểu đạt một cách thuyết phục.

Hạnh Đỗ

Từ khóa » Ts Trần Ngọc Hiếu