Tài Liệu Hán - Nôm Về Chủ Quyền Biển đảo Việt Nam - Báo Đà Nẵng

Bày tỏ thái độ phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển và thềm lục địa của nước ta, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa công bố 500 trang tài liệu qua cuốn sách Một số tư liệu Hán - Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông (NXB Khoa học xã hội ấn hành).

Bìa cuốn sách.                         Ảnh: M.HOÀNG
Bìa cuốn sách. Ảnh: M.HOÀNG

Cuốn sách giới thiệu 46 đơn vị tư liệu Hán Nôm: các bộ sử, tập bản đồ, địa chí, hội điển, văn bản hành chính… khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Đặc biệt, các bản đồ cổ như Thiên Nam tứ chí lộ đồ, Thiên hạ bản đồ (thời Lê), Nam Bắc Kỳ hội đồ, Khải đồng thuyết ước (thời Nguyễn), Toàn tập thiên nam địa đồ (thời Lê)… được in màu chứ không phải đen trắng như các tài liệu trước đây chúng ta thường thấy. Kèm theo bản chụp văn bản là chứ Hán, phiên âm chữ Hán, dịch nghĩa sang tiếng Việt. Những bản đồ mà giới nghiên cứu mới chỉ nhìn thấy bản đen trắng, giờ trong sách đã là bản in màu. Theo PGS,TS Trịnh Khắc Mạnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chủ biên cuốn sách: “Công trình này có 18 bản đồ, 17 bộ sử, hội điển, đều thể hiện sự nhất quán quản lý nhà nước Việt Nam trong lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa và vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông”.

Ngoài bản đồ và các bộ sử cổ, cuốn sách còn bao gồm các tập thơ văn, tạp văn viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là những ghi chép của các nhà thơ, nhà văn trong những chuyến công cán về hiện trạng lịch sử địa lý lúc bấy giờ, điển hình là tập thơ Đông hành thi thuyết của Lý Văn Phức (1785-1849) viết dưới thời vua Minh Mệnh. Nổi bật trong khối tư liệu Hán - Nôm này cần phải kể đến cuốn Khải đồng thuyết ước - sách dạy trẻ em những bài học vỡ lòng bằng chữ Hán, được in lần đầu năm Tự Đức thứ 6 (1853), tái bản nhiều lần và được dạy trong nhà trường thời Nguyễn.

Sách viết nhiều về những sự kiện trong lịch sử Việt Nam, thiết thực cho trẻ em thời đó. Đáng chú ý trong Khải đồng thuyết ước có khắc Bản quốc địa đồ ở trang 15-16, trong đó ghi “Hoàng Sa Chử” (bãi Hoàng Sa) thuộc Việt Nam. Điều đó cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam đã luôn quan tâm đến việc giáo dục ý thức coi trọng chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông cho những thế hệ người Việt Nam.

Đặc biệt, trong cuốn sách quý này, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã công bố tài liệu gốc Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư. Đây là tư liệu có niên đại sớm, lưu hành thời Lê Thánh Tông, có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hay ở sách Thiên Nam lộ đồ (ký hiệu: A.1081, lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm) có đoạn ghi: “Giữa biển khơi có dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng, phỏng từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Huỳnh ước dài 500-600 dặm, rộng 30-40 dặm, đứng sừng sững giữa biển”.

Mặc dù dày dặn và bề thế nhưng cuốn sách này cũng mới chỉ là một phần nhỏ trong khối tài liệu đồ sộ hơn 3.000 trang mà Viện đã sưu tầm, nghiên cứu được trong thời gian 3 năm (2009-2012). PGS, TS Trịnh Khắc Mạnh cho biết thêm, tại các thư viện của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và các cơ quan trong và ngoài nước hiện đang lưu giữ nhiều tài liệu, bản đồ, tư liệu Hán Nôm và các tư liệu viết bằng tiếng nước ngoài về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Chúng tôi sưu tầm được khoảng vài chục đơn vị tài liệu với hàng trăm tư liệu bản đồ vẽ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Được biết, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có kế hoạch dịch và xuất bản cuốn sách bằng tiếng Anh để cung cấp cho bạn bè quốc tế những tư liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

MAI HOÀNG

Từ khóa » Bản đồ Tiếng Hán