Tài Năng Và Tầm Văn Hóa Của Nhà Văn :: Suy Ngẫm & Tự Vấn

Văn hóa là những giá trị tinh thần cao quý do con người sáng tạo ra. Cho nên đã nói đến văn hóa là nói đến cái đẹp. Đốtxtôiépxki có nói: "Cái đẹp cứu rỗi thế giới". Vì vậy, cái đẹp và văn hóa luôn đi liền với nhau...

Nhà văn chỉ tựa vào tài năng

Trước đây, các nhà quản lý và nghiên cứu thường chia những sáng tác văn chương theo đề tài: Văn học công nhân, văn học nông thôn, văn học lực lượng vũ trang, văn học miền núi... Đi liền với số lượng tác phẩm là một đội ngũ những người viết. Cách chia này ảnh hưởng nhiều bởi quan niệm văn chương lấy phản ánh hiện thực làm cứu cánh. Thực ra thì đích hướng tới của văn chương nghệ thuật không phải dừng lại ở phản ánh hiện thực mà qua phản ánh hiện thực, các tác giả muốn gửi những thông điệp về tư tưởng, những chuẩn mực về tình cảm, thẩm mỹ đối với xã hội và con người.

Như vậy, có thể viết về nhiều đề tài khác nhau, nhưng đích hướng tới lại giống nhau. Cho nên quan niệm một thời "văn học là tấm gương phản ánh hiện thực", rồi cứ soi vào tác phẩm xem có giống hiện thực không là một quan niệm nông cạn, đến nay đã được khắc phục. Nhưng con lắc của vấn đề đã bị chao mạnh quá mức đến gần như lộn ngược, nên hiện nay nhìn vào nhiều tác phẩm chẳng thấy hiện thực đâu cả. Nhiều tác phẩm chỉ là bịa đặt phi hiện thực để gửi gắm một cách sống sượng những ý đồ, những quan niệm phi thẩm mỹ.

Trước đây, tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu tuy viết về đề tài nông thôn trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, nhưng đó chỉ là nền hiện thực, từ đó tác giả muốn nói với mọi người phải sống bằng suy nghĩ và tình cảm của chính mình, không được sống theo suy nghĩ của người khác, sống bằng con đường được vạch của người khác. Tiểu thuyết Phố của Chu Lai thì viết về đời sống của người thành phố. Qua đó, gióng tiếng chuông cảnh tỉnh về khả năng đổ vỡ của những giá trị bền vững trước cơn bão ngầm của cơ chế thị trường, nếu mọi người không tỉnh táo đề phòng và có biện pháp chống đỡ. Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường viết về cuộc cạnh tranh giành giật quyền lợi giữa các dòng họ dù bên ngoài vẫn được che đậy kín đáo bằng những nguyên tắc của tổ chức và những điều tốt đẹp. Điều đó thể hiện cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác luôn sóng đôi trong hành trình của xã hội loài người... Như vậy, đề tài của tác phẩm chỉ là phương tiện, là nền tảng để xây nên những ý tưởng chính trị, quan điểm thẩm mỹ của nhà văn. Nhưng không có hiện thực thì mọi ý tưởng, quan niệm sẽ bị tan vụn ngay từ đầu, bởi nó không hình thành hình hài thì sao có thể thành người mà có ý tưởng.

Không quá coi trọng đề tài, nhưng cũng không được coi thường nó, bởi đó là nền để xây những ý tưởng. Ý tưởng dù cao siêu đến đâu cũng phải hình thành, toát ra từ một sự vật sự việc nhất định. Ngay thơ trữ tình cũng vậy thôi, tất cả những cảm xúc, rung động của tâm hồn đều phải nhờ hình ảnh, chất liệu để thể hiện. Muốn ý tưởng được mọi người thừa nhận thì những hình ảnh, chất liệu phải hợp lý, tức là bức tranh hiện thực phải chân thực. Thơ Nguyễn Bính hầu hết lấy chất liệu từ người nhà quê và làng quê mà vẫn rung động tâm hồn của tầng lớp thị dân, trí thức thành thị. Hay thơ văn từ các mặt trận trong kháng chiến chống Mỹ chuyển về làm xúc động bao trái tim ở hậu phương từ thành thị đến nông thôn thì đâu phải chỉ vì tình cảm của hậu phương với tiền tuyến, mà chính còn vì những chất liệu chân thực.

Đề tài, tự nó không làm nên giá trị của tác phẩm. Có thể trong một hoàn cảnh nào đó, vì mục đích này khác mà có đề tài được chú ý, được đề cao, nhưng sẽ không có giá trị bền vững. Đến đề tài muôn thuở như tình yêu hay số phận con người thì cũng có biết bao tác phẩm viết về nó mà nông cạn nhạt nhẽo đã bị thời gian thải loại. Văn chương nghệ thuật chỉ chấp nhận những giá trị riêng độc đáo và phải sâu sắc, hoàn mỹ. Vì thế trong sáng tạo văn chương nghệ thuật không nên chạy theo bất cứ cái gì. Phải tự mình khẳng định mình giữa đất bằng trống trải cũng như giữa đại ngàn đầy cổ thụ một dáng vẻ riêng, một sắc màu riêng, một hương thơm riêng. Đề tài có thể để phân chia nhưng không thể để xếp loại. Đã là nhà văn thì phải tựa vào chính sức mình, tức là tài năng, và tài năng ấy phải thường xuyên được bồi đắp, chứ đừng tựa vào đề tài hoặc bất cứ thứ gì.

Tầm văn hóa của nhà văn

Văn hóa là những giá trị tinh thần cao quý do con người sáng tạo ra. Cho nên đã nói đến văn hóa là nói đến cái đẹp. Đốtxtôiépxki có nói: "Cái đẹp cứu rỗi thế giới". Vì vậy, cái đẹp và văn hóa luôn đi liền với nhau. Ngược lại, là cái xấu, phi văn hóa.

Tất nhiên, xã hội càng văn minh thì có tầm văn hóa càng cao. Nhưng thế nào là văn minh thì lại không đơn giản. Phải chăng cứ giàu có là văn minh? Nếu thế thì làm sao nhân dân lại coi khinh những kẻ trọc phú!

Dân tộc Việt Nam có truyền thống hướng tới cái đẹp, vươn tới văn hóa. Đó là việc coi trọng tinh thần hơn của cải vật chất "cách cho hơn của đem cho", "lời chào cao hơn mâm cỗ", coi trọng đức tính khiêm tốn hơn sự phô phang: "Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn" (Bác ơi! -Tố Hữu). Nhưng đến thời kinh tế thị trường, các giá trị có phần đổi khác. Tất nhiên đấy chỉ là phần ngọn mà thôi. Còn phần gốc là nền tảng văn hóa của dân tộc thì mọi cuộc xâm lăng văn hóa trải hàng nghìn năm cũng chưa bao giờ thắng được. Phần ngọn đó là sự quảng cáo ồn ào, sự khoe mẽ phô phang, tự ngợi ca tự đề cao. Nhiều nhà văn chúng tôi đi xem một công trình gọi là văn hóa mà mọi người đồn thổi trong mấy năm gần đây của một họa sĩ. Chúng tôi thực sự kinh hãi khi nhìn thấy dòng chữ giới thiệu ở trước cổng: "Họa sĩ X là một trong những họa sĩ bậc thầy của nền hội họa đương đại Việt Nam", mà thực tế thì ông cũng chỉ là một họa sĩ vừa phải thôi.

Chúng ta vẫn thường nói: Lịch sử của loài người là lịch sử đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Riêng về lĩnh vực văn hóa, cuộc đấu tranh âm thầm giữa văn hóa và phi văn hóa cũng không bao giờ lặng im. Gần đây, chúng ta lại chứng kiến một sự vô văn hóa khi người ta phá hủy ngôi đền thờ Vua bà Lý Chiêu Hoàng ở Từ Sơn (Bắc Ninh), ngôi đền có nhiều năm tuổi, để hòng dựng một ngôi đền mới cho thật khang trang!

Trong lĩnh vực văn chương, tầm văn hóa càng vô cùng quan trọng. Nhà văn phải là những người có văn hóa, và phải là những người có văn hóa cao. Tất nhiên văn hóa cao không phải bao giờ cũng song hành với học hàm học vị cao. Những người có học hàm học vị cao thực chất đã loại trừ các "tiến sĩ giấy" thì có điều kiện tốt để có được tầm văn hóa cao. Còn thực tế họ có được tầm văn hóa cao hay không lại là một chuyện khác. Cũng vậy, trong lịch sử cũng có người giành được chức vụ và địa vị cao nhưng tầm văn hóa lại rất thấp. Nhân dân thì luôn đề cao tầm văn hóa chứ không đề cao người có chức vụ địa vị cao đơn thuần. Ca ngợi chàng đốn củi Thạch Sanh đạo lý và nhân nghĩa chứ ai ca ngợi kẻ có quyền chức cao Lý Thông. Nhân dân cũng đề cao Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến từ quan về ở ẩn giữa xã hội nhiễu nhương chứ nào ai đề cao những kẻ chạy được chức quyền.

Những tác phẩm văn chương chỉ có giá trị khi nó có tầm văn hóa cao. Ấy là Đại cáo bình Ngô đề cao tinh thần nhân nghĩa. Ấy là Truyện Kiều thấm đẫm giá trị nhân đạo nhân văn. Ấy là thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh đề cao tinh thần yêu nước... Tầm văn hóa sẽ là thước đo mọi giá trị của tác phẩm dẫu cổ điển hay hiện đại. Vì vậy, các nhà văn muốn bay cao, bay xa thì trước hết cần bồi dưỡng tầm văn hóa của mình. Không có tầm văn hóa cao thì đừng nói đến sáng tạo văn học nghệ thuật. Những tác phẩm được ra đời từ một tầm văn hóa thấp thì làm sao có thể gọi là tác phẩm nghệ thuật, dẫu lúc nào đó có được ai tung hô. Mà nhà văn muốn tác phẩm có tầm văn hóa cao thì chính mình phải có tầm văn hóa. Tầm văn hóa đó là những kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn cao đẹp của dân tộc. Nói nhà văn cần phải học tập, bồi dưỡng, rèn luyện là nói theo hướng đó, chứ không phải là học những kiến thức cụ thể. Muốn tỏa sáng phải có năng lượng. Tầm văn hóa là gốc của một con người nói chung và của nhà văn nói riêng. Gốc có giàu thì mới có thể sinh nở hoa thơm trái lạ.

Từ khóa » Cái Quan Trọng Trong Tài Năng Văn Học