Tại Sao Mũi Cứ đỏ? - Tiền Phong

Mũi đỏ - cơn ác mộng

Câu chuyện về cái mũi đỏ đáng ghét có thể đến với bất kỳ ai khi chúng ta bước sang tuổi 30. Các chuyên gia về da liễu cũng tỏ ra lúng túng trong việc giải thích vì sao chứng mũi đỏ (một dạng của rosacea và mũi là bộ phận bị tác động nhiều nhất bởi chứng bệnh này) chỉ hỏi thăm chúng ta vào độ tuổi này trở đi. Họ đặt nhiều nghi ngờ vào quá trình tác động lâu dài của điều kiện môi trường (khí hậu, nắng, gió); các loại thực phẩm cay, nóng cộng thêm vấn đề tuổi tác lên khả năng chịu đựng của da và xếp chúng và những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh mũi đỏ.

Tại sao mũi cứ đỏ? ảnh 1

Với phụ nữ, mũi đỏ đúng là một tai họa, không một chuyên gia trang điểm nào dám cam đoan sẽ giúp bạn “giấu nhẹm” màu đỏ đáng ghét đó. Nó còn khiến nhiều phụ nữ tự ti về cái mũi của mình đến mức ám ảnh và sống thu mình. Còn với những người đàn ông đĩnh đạc không may sở hữu một chiếc mũi cà chua, họ thường mang nỗi oan ức từ những cái nhìn đầu tiên không mấy thiện cảm (“chắc ông này ‘nát rượu’ lắm đây, mũi đỏ thế kia mà!). Mặc dù, chứng mũi đỏ thường gặp ở những người uống nhiều rượu nhưng như vậy không có nghĩa là tất cả những người mắc rosacea đều như vậy.

Ngoài việc mất thẩm mỹ thì rosacea hiếm khi gây ngứa hay đau nhức cho khổ chủ. Tuy nhiên ở một số người, bệnh có thể biểu hiện dưới những dạng khác như dạng phát ban ở má, trán hay mũi nên nhiều người cảm thấy nóng rát và khô nhức mắt. Mũi đỏ thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới, đặc biệt ở những người da dầu.

Mũi đỏ cũng là một loại bệnh

Vì ít khi gây ngứa hay đau nhức nên nhiều người vẫn xem mũi cà chua là một điều không may “trời cho phải nhận” mà không nghĩ rằng nó là một loại bệnh.

Các bác sĩ giải thích, màu đỏ của mũi là do hiện tượng giãn mao mạch ở các vùng da trên mặt, nhất là vùng mũi, nhân trung và cằm. Các mạch máu dưới da nổi rõ lên làm cho mũi đỏ mọng và biến dạng to hơn bình thường. Mặt khác nền da bị kích ứng sẽ có màu đỏ rực, gây mất thẩm mỹ. Khi gặp yếu tố kích thích như tăng nhiệt độ ở da, tiếp xúc với nắng nóng, ăn đồ cay, nóng, uống bia rượu thì vùng da đỏ sẽ bị đỏ phừng lên.

Các triệu chứng điển hình của bệnh mũi đỏ bao gồm đỏ bừng mặt, đặc biệt ở vùng mũi, mẩn đỏ, rát và có thể có u nang. Những biểu hiện này có thể xuất hiện và biến mất trong vòng vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí cả năm rồi lại đột ngột tái phát. Sau nhiều năm, khi tuổi lớn, bệnh có thể biến mất một cách tự nhiên mà không cần có sự chữa trị nào. Tuy nhiên, da sẽ không thể có được màu sắc bình thường như cũ, các mạch máu bị giãn nở và nhiều khả năng sẽ bị nổi mụn sau đó.

Bệnh mũi đỏ thường kéo dài trong nhiều năm, và nếu không chữa trị, nó có xu hướng xấu đi và thường gây ra viêm da vùng mặt. Nguy hiểm hơn, nếu không được điều trị, rosacea có thể phát triển thành một thể biến dạng gọi là rhinophyma (bệnh mũi sư tử). Bệnh này làm cho da vùng chóp mũi dày lên, đỏ, sùi và gây biến dạng vùng tháp mũi, thậm chí có thể sinh ra các bướu dày phần nửa dưới của mũi và vùng má gần đó. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu ở nam giới, nếu quá nghiêm trọng phải phẫu thuật chỉnh hình.

Mũi đỏ - khó trị dứt điểm nhưng có thể kiểm soát

Có rất nhiều lựa chọn để điều trị bệnh Rosacea tùy theo mức độ và triệu chứng như rửa kháng khuẩn, sử dụng kem bôi tại chỗ… Màu đỏ đáng ghét trên mũi có thể được xóa đi một cách đáng kể bằng cách sử dụng laser, xung ánh sáng cường độ cao, quang trị liệu. Bạn có thể sử dụng nhiều phương pháp trị liệu cùng lúc. Tuy chưa có phương pháp đặc trị, nhưng bệnh này có thể được kiểm soát nếu điều trị thường xuyên.

1. Trị mũi "cà chua" bằng thuốc

Quá trình điều trị thông thường là dùng loại kem bôi có chứa kháng sinh như clindamycin lotion hay metronidazole dạng gel. Tuy nhiên, các loại thuốc này thường không mấy hiệu quả và việc dùng kháng sinh liều thấp như tetracycline nhiều khi mang lại kết quả tốt hơn.

Những bệnh nhân thấy tình trạng da cải thiện trong vòng 1-2 tuần thì có thể tiếp tục dùng kháng sinh ở các tháng sau cho tới khi các mảng đỏ mất hẳn. Riêng đối với mũi sư tử và giãn mao mạch thì buộc phải phẫu thuật cắt bỏ phần bị phình to.

2. Sử dụng laser và xung ánh sáng cường độ cao

Đây là một liệu pháp thay thế an toàn và hiệu quả khá cao, giúp cải thiện rõ rệt tình trạng mũi đỏ. Các bác sĩ cảnh báo phương pháp này có thể gây ra một số rắc rối, vì vậy bạn cần cân nhắc thiệt hơn trước khi quyết định. Trong 3-6 tuần điều trị, bạn cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

3. Hạn chế các tác nhân làm gia tăng bệnh

Do chưa xác định rõ nguyên nhân căn bản của bệnh mũi đỏ, cho nên việc hạn chế những tác nhân khiến cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn là điều cần thiết đầu tiên.

Tránh các đồ uống nóng, thực phẩm nhiều gia vị, cà phê, và đồ uống có cồn. Hạn chế tiếp xúc ánh sáng mặt trời, mang mũ và sử dụng phổ rộng với kem chống nắng SPF 30 hoặc cao hơn hàng ngày, và tránh nhiệt độ cực nóng và lạnh. Tránh cọ xát, chà kỹ hoặc massage mặt vì sẽ làm kích thích da đỏ.

Tập thể dục trong môi trường mát mẻ. Hạn chế tối đa tình trạng dị ứng bởi mỹ phẩm; lựa chọn các loại mỹ phẩm, các sản phẩm tẩy rửa nhẹ nhàng, không gây kích ứng da.

Theo Theo SKGĐ

Từ khóa » đầu Mũi Bị đỏ Là Bệnh Gì