Tại Sao Mỹ Hình Thành Tổ Chức SEATO Sau Hiệp định Geneve 1954?
Có thể bạn quan tâm
Sau Hiệp định Geneve, một “sáng kiến mới” theo cách gọi của Mỹ nhằm đối phó với thoả ước này và ngăn chặn Cộng sản là hình thành Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á SEATO (Southeast Asian Treaty Organization).
Mỹ đã vận động phe tư bản chủ nghĩa tham gia liên minh này từ mùa xuân năm 1954 và ngay sau khi Hội nghị Geneve vừa kết thúc, phó đoàn Mỹ Walter Bedell Smith đã nói: “Chúng ta phải đạt được Hiệp ước đó.”
Tài liệu Mỹ ghi nhận việc Mỹ gấp rút vận động SEATO là do “tính khẩn cấp bởi niềm tin rằng Genève đã là một thảm họa cho thế giới Tự Do. Genève đã cho Trung Quốc và Bắc Việt Nam một bàn đạp mới để bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản trong khu vực Đông Nam Á, làm tăng cường uy tín của Bắc Kinh trước một Washington mất tinh thần và bị thiệt hại, nó hạn chế tính cơ động của thế giới Tự Do trong khu vực Đông Nam Á.”
Vào tháng 9 năm 1954, Liên minh SEATO ra đời. Tổ chức này bao gồm Hoa Kỳ cùng với Liên hiệp Anh, Australia, New Zealand, Pháp, Philippines, Thái Lan và Pakistan. Tiền thân của SEATO là Hiệp ước Manila. Ngày 8 tháng 9 cùng 1954, Hoa Kỳ cùng một số quốc gia tham gia SEATO nói trên đã ký kết “Hiệp ước phòng thủ tập thể Đông Nam Á”, còn gọi là “Hiệp ước Manila”, tại thủ đô Manila của Phillippines. Các quốc gia tham gia ký kết “Hiệp ước Manila” sau đó đã nhanh chóng thể chế hoá mạnh hơn liên minh quân sự này, trở thành Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á. SEATO có mục tiêu cản trở sự bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản, đặc biệt là Trung Quốc, nhằm thay đổi bản đồ chính trị Đông Nam Á.
Hoa Kỳ có mong muốn biến SEATO trở thành NATO phiên bản Đông Nam Á. Tuy vậy, điều nghịch lý ngay từ đầu là trong số tám quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á chỉ có Thái Lan và Philippines nằm tại Đông Nam Á; các thành viên còn lại của tổ chức bao gồm Anh Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Pakistan, Pháp, Úc đều nằm ngoài.
Thực tế, Hoa Kỳ đã vận động mọi quốc gia có thể, cho dù ở Đông Nam Á hay không tham gia tổ chức này. Philippines và Thái Lan là hai quốc gia có quan hệ mật thiết với Mỹ ở Đông Nam Á nhất nên đương nhiên tham gia SEATO. Hơn thế, chính phủ hai quốc gia này đều đang tiến hành những biện pháp áp chế với các lực lượng thân Cộng sản nổi lên trong nước. Việc tham gia SEATO tạo thêm sức mạnh và tính chính đáng cho họ.
Hoa Kỳ ngược lại đã hứa hẹn với Thái Lan và Phillippines về các khoản viện trợ đổi lại việc tích cực tham dự hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á. Philippines và Thái Lan cũng đã hi vọng tham dự quá trình thành lập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á để nhận thêm viện trợ, tăng uy tín quốc tế và an ninh quốc gia.
Các quốc gia Đông Nam Á còn lại từ chối không tham gia SEATO vì nhiều lý do trong đó Indonesia và Myanmar cự tuyệt gia nhập bởi muốn giữ vị trí độc lập trong Phong trào Không liên kết hơn là ngả theo bất kỳ phe phái nào trong Chiến tranh Lạnh. Brunei, Malaysia và Singapore đã có hiệp ước phòng thủ và quan hệ hợp tác quân sự với Anh nên không thấy lý do cần tham gia một liên minh quân sự. Việt Nam Cộng hòa, Campuchia và Lào cũng không gia nhập tổ chức này do cam kết trong Hiệp định Geneve.
Các quốc gia khác gia nhập SEATO vì mối quan hệ với Hoa Kỳ hơn là vì chính tổ chức này. Úc và New Zealand nằm ở vị trí địa lý cách biệt nên coi tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á như một lựa chọn khả dĩ nhưng không mấy quan trọng. Anh Quốc và Pháp quan tâm nhất định đến bàn cờ chính trị Đông Dương do từng có vai trò ở đây nên tiếp tục gia nhập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á để có tác động nhất định tới tình hình khu vực này. Pakistan hy vọng có thể được các quốc gia khác ủng hộ khi đang có xung đột với Ấn Độ nên bằng lòng gia nhập. Các quốc gia đều tham gia nhằm giữ quan hệ mật thiết hơn với Hoa Kỳ và phe tư bản chủ nghĩa, hơn là có mục tiêu quan trọng hay cụ thể. Duy chỉ có Hoa Kỳ có mục đích rõ ràng biến SEATO thành tiền tuyến chủ chốt trong chính sách ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản.
Hồ sơ mật Lầu Năm Góc ghi nhận: “Mỹ đã thông qua liên minh SEATO để ngăn chặn sự bành trướng hơn nữa của Chủ nghĩa Cộng sản và kỳ vọng biến miền Nam Việt Nam thành một căn cứ quân sự quan trọng nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ. Mỹ quyết tâm biến miền Nam Việt Nam trở thành một đất nước có chính trị ổn định, kinh tế tự cung tự cấp, quân sự có khả năng bảo vệ an ninh quốc phòng, đương đầu được với cuộc xâm lăng từ miền Bắc Việt Nam, và có giá trị đóng góp cho sức mạnh răn đe chung của liên minh SEATO.”
Liên minh hỗn tạp SEATO thực tế là một tổ chức hết sức lỏng lẻo. Các quốc gia ký hiệp ước chỉ cam kết sẽ hội ý lẫn nhau trong trường hợp có mối đe dọa từ bên ngoài của Cộng sản. Trong một biên bản riêng, các thành viên SEATO mở rộng phạm vi có hiệu lực của hiệp ước sang Lào, Campuchia và “vùng lãnh thổ tự do dưới quyền lực pháp lý của nhà nước Việt Nam”. Điều khoản này cho thấy SEATO chỉ là cái cớ để Mỹ có thể huy động các thành phần quốc tế hỗn hợp tham chiến ở Việt Nam trong trường hợp phải dùng tới giải pháp quân sự.
SEATO khác biệt cơ bản so với NATO, tổ chức mà các thành viên của nó tự nguyện bảo đảm việc bảo vệ tập thể cho lãnh thổ của các quốc gia là thành viên. Văn bản của Hiệp ước SEATO không đi xa tới mức cam kết bảo vệ lẫn nhau tuyệt đối hay tổ chức cơ cấu lực lượng theo kiểu Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà thay vào đó chỉ quy định phải tổ chức tham vấn lẫn nhau trong trường hợp xảy ra xâm lược chống lại một bên ký kết. Việc thiếu một thỏa thuận bắt buộc rằng phải có phản ứng quân sự kết hợp nhằm chống lại một cuộc xâm lược đã làm suy yếu đáng kể SEATO trong vai trò một liên minh quân sự. Tập Hồ sơ mật Lầu Năm Góc của Mỹ, về sau, đã thừa nhận rằng SEATO không phải là tấm lá chắn chống cộng hiệu quả.
SEATO trên thực tế đã không đóng vai trò lớn và đã giải thể vào ngày 30 tháng 6 năm 1977 sau khi quan hệ Trung Mỹ dần tan băng. Tuy nhiên, SEATO đã được sử dụng làm cơ sở pháp lý cho sự can dự của Mỹ vào Nam Việt Nam. Việc SEATO bao gồm cả những vùng đất (Đông Dương) bị cấm không được tham gia công khai vào trong các liên minh quân sự là một vi phạm rõ rệt Hiệp định Genève. Việc Mỹ lôi kéo cả nhiều quốc gia không thuộc Đông Nam Á vào liên minh này cũng cho thấy quyết tâm của Mỹ nhằm ngăn chặn bằng được chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Dương.
Đại đa số sử gia nhận định “Hiệp ước phòng thủ tập thể Đông Nam Á” là hiệp ước thất bại. Quan chức ngoại giao Anh Quốc James Cable từng bình luận rằng Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á như một chiếc lá sung che đậy chính sách trơ trụi của Hoa Kỳ, còn SEATO là vườn thú gồm các con hổ giấy.
SEATO chỉ tạo điều kiện để Mỹ lôi kéo các quốc gia đồng minh như Úc, Thái Lan, Hàn Quốc vào cùng tham gia trong cuộc chiến Việt Nam sau này, để tăng tính pháp lý và chính đáng cho cuộc chiến tranh hoàn toàn phi nghĩa của Hoa Kỳ.
Minh Bình
Theo Tạp chí Phương Đông
Từ khóa » Khối Quân Sự Seato Tan Rã
-
Tổ Chức Hiệp ước Đông Nam Á – Wikipedia Tiếng Việt
-
20/02/1976: SEATO Giải Thể - Nghiên Cứu Quốc Tế
-
Vì Sao Khối Quân Sự Seato Tan Rã
-
[PDF] Bước Chuyển Mới Của ASEAN Và Việt Nam Học
-
Khối Quân Sự Đông Nam Á (SEATO) được Mĩ, Anh ...
-
Những Nước ĐNA Nào Tham Gia Khối SEATO? - TopLoigiai
-
Lại Một Khối Quân Sự Phương Tây Tan Rã - Thư Viện Báo Chí
-
Khối Quân Sự Đông Nam Á (SEATO) được Mĩ, Anh, Pháp ... - Hoc24
-
Southeast Asia Treaty Organization, Viết Tắt Là SEATO). Tổ Chức ...
-
Tuổi Trẻ Bến Tre - “ĐỒNG KHỞI”, SÉT ĐÁNH TRÊN ĐẦU MỸ-DIỆM ...
-
[PDF] Chính Sách Của Mỹ Từ điện Biện Phủ đến Hình Thành Tổ Chức Hiệp ...
-
Tìm đến Nhau Qua Gian Nan - Việt Nam Và ASEAN
-
Hệ Thống Câu Hỏi ôn Tập THPT Môn Lịch Sử - Tài Liệu Text - 123doc