Tạm đình Chỉ Vụ án Dân Sự - Luật Trần Và Liên Danh

tạm đình chỉ vụ án dân sự

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 có hiệu thi hành từ ngày 1/7/2016. Tìm hiểu quy định về tạm đình chỉ vụ án dân sự trong bài viết dưới đây với các nội dung cụ thể: Khi nào được quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án? Tạm đình chỉ khác gì so với đình chỉ giải quyết vụ án dân sự?

Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

Khái niệm tạm đình chỉ giải quyết vụ án

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành thì vụ án dân sự phải được giải quyết trong một khoảng thời gian nhất định, nếu quá thời hạn tối đa theo quy định của pháp luật mà vụ án vẫn chưa giải quyết thì bị coi là vi phạm thời hạn xét xử.

Thông thường các Tòa án đều cố gắng giải quyết vụ án trong thòi hạn luật định. Nhưng thực tế trong quá trình tố tụng mới xuất hiện các sự kiện làm cho Tòa án dù đã nỗ lực hết sức nhưng không thể nào tiếp tục giải quyết vụ án.

Vì vậy, pháp luật tố tụng đã quy định những trường hợp tạm thời ngừng giải quyết vụ án, chứ không phải ngừng vĩnh viễn hoặc không giải quyết vụ án nữa. Vậy tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự chính là việc Tòa án ra quyết định tạm ngừng giải quyết vụ án dân sự khi có những căn cứ do pháp luật quý định.

Việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án chỉ là việc tạm thời ngừng giải quyết vụ án trong một khoảng thòi gian, chứ không phải chấm dứt giải quyết vụ án, đình chỉ tố tụng, nên Tòa án không xóa sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ là tạm đình chỉ.

Pháp luật không quy định thời gian tạm đình chỉ, mà việc tạm đình chỉ dài hay ngắn phụ thuộc vào diễn biến của căn cứ tạm đình chỉ. Khi căn cứ tạm đình chỉ không còn, thì phải đưa ngay vụ án ra tiếp tục giải quyết.

Theo quy định tại Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành thì có các căn cứ tạm đình chỉ sau đây:

Tạm đình chỉ do chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng

Nếu đương sự là cá nhân đang tham gia trong quá trình tố tụng bị chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành thì người thừa kế tham gia tố tụng.

Do đó, khi chưa xác định được người thừa kế, hoặc vì một lý do nào đó người thừa kế chưa thể tham gia tố tụng; ví dụ chưa xác định được địa chỉ của người thừa kế, người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng đang đi nước ngoài rất dài ngày, nên chưa hỏi được ý kiến của họ, người thừa kế bị ốm nặng chưá thể hiện được ý chí… trong khi thời hạn giải quyết vụ án đã gần hết thì Tòa án phải tạm đình chỉ.

Trường hợp cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách mà chưa có cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa: vụ tố tụng của cơ quan, tố chức đó là trường hợp đã có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc sáp nhập, chia, tách cơ quan, tổ chức đó, nhưng cơ quan, tổ chức mới chưa được thành lập hoặc đã được thành lập nhưng chưa có đủ điều kiện để hoạt động theo quy định của pháp luật đối với loại hình cơ quan, tổ chức đó.

Trường hợp cơ quan, tổ chức đã giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó là trường hợp chưa xác định được cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng và Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ.

Việc xác định cơ quan, tổ chức… nào sẽ là người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng trong trường hợp cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia tách, chuyển đổi hình thức tổ chức phải căn cứ vào Điều 62 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành. Khoản 2 và khoản 5 Điều 62 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành quy định:

Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức đó được xác định như sau:

Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng;

Trường hợp cơ quan, tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó hoặc đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức tiếp nhận các quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng;

Trường hợp tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì cá nhân, tổ chức tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó tham gia tố tụng.

Trường hợp thay đổi chủ sở hữu của tổ chức và có việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho chủ sở hữu mới thì chủ sở hữu mới kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.

Trường hợp tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự thì tổ chức đó kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.

Trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự mà người đại diện đang tham gia tố tụng chết thì tổ chức đó phải cử người khác làm đại diện để tham gia tố tụng; nếu không cử được người đại diện hoặc tổ chức đó phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể thì các cá nhân là thành viên của tổ chức đó tham gia tố tụng.

tạm đình chỉ vụ án dân sự
tạm đình chỉ vụ án dân sự

Đương sự mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật:

Khi đương sự là cá nhân trong quá trình tham gia tố tụng bị mất năng lực hành vi dân sự, thì phải căn cứ vào Điểu 53, 54 Bộ luật dân sự năm 2015, Điểu 85 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành để “tìm” người đại diện theo pháp luật cho họ.

Điều 53 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

  1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
  2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
  3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Trường hợp chưa xác định được người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng thì Tòa án phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Quy định của BLTTDS 2015 về thời điểm ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

Tại khoản 3 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“3. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

  1. a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
  2. b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
  3. c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
  4. d) Đưa vụ án ra xét xử.”

Như vậy, với quy định nêu trên thì Tòa án sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nếu có một trong các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại khoản 1 Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp nào?

Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà không phụ thuộc có hay không có yêu cầu của đương sự khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Tòa án có quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong 08 căn cứ sau đây:

Một là, đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;

Trong đó:

“Trường hợp cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách mà chưa có cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó” là trường hợp đã có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc sáp nhập, chia, tách cơ quan, tổ chức đó, nhưng cơ quan, tổ chức mới chưa được thành lập hoặc đã được thành lập nhưng chưa có đầy đủ điều kiện để hoạt động theo quy định của pháp luật đối với loại hình cơ quan, tổ chức đó.

“Trường hợp cơ quan, tổ chức đã giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó” là trường hợp chưa xác định được cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Hai là, đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;

Ba là, chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế;

Trong đó:

“Đại diện hợp pháp của đương sự” bao gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền

Bốn là, cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án;

Trong đó:

“Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án” là trường hợp mà kết quả giải quyết vụ án dân sự, hình sự, hành chính đó, hoặc kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là cơ sở để:

– Xác định thẩm quyền của Tòa án,

– Xác định quyền khởi kiện đối với vụ án,

– Xác định địa vị pháp lý,

– Xác định người tham gia tố tụng,

– Xác định quan hệ pháp luật tranh chấp

Hoặc là căn cứ khác để Tòa án giải quyết vụ án này một cách toàn diện, chính xác và đúng pháp luật.

“Vụ án khác có liên quan” đến vụ án mà Tòa án đang giải quyết là vụ việc dân sự, vụ án hình sự, hành chính.

“Sự việc được pháp luật quy định” phải là sự việc có ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ án, và nếu không được cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước thì việc giải quyết của Tòa án là vi phạm pháp luật.

Năm là, cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;

Sáu là, cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ;

Bảy là, theo quy định tại Điều 41 của Luật phá sản;

Tám là, các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho: Đương sự; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện; Viện kiểm sát cùng cấp.

Hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

– Tòa án không xóa tên vụ án dân sự bị tạm đình chỉ giải quyết trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số và ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đó.

– Tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà đương sự đã nộp được gửi tại kho bạc nhà nước và được xử lý khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.

– Trường hợp tạm đình chỉ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 214 của Bộ luật tố tụng dân sự thì trước khi tạm đình chỉ, Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án phải có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với: Hiến pháp; Luật; Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Trên đây là bài viết chi tiết về những quy định về tạm đình chỉ vụ án dân sự. Nếu bạn đọc vẫn còn vướng mắc về các vấn đề có liên quan hoặc cần được TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ vui lòng gọi số HOTLINE để được tư vấn hỗ trợ.

Đánh giá

Từ khóa » Ví Dụ Về Tạm đình Chỉ Vụ án Dân Sự