Tận Diệt Thủy Sản Bằng Ghe Cào điện - PLO

Sáng 8-10, ông Võ Văn Gả ở ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) bơi xuồng ra đồng nước thăm giàn lưới cá linh. Đến nơi, ông chỉ thấy hai cây đài neo lưới còn tấm lưới mất tiêu.

Trắng tay vì ghe cào điện

Dùng chân mò tìm một lúc, ông kêu lớn: “Đây rồi!”. Ông kéo tấm lưới vốn dài hơn 100 m lên, giờ chỉ còn là một cục rối nùi, rách tơi tả. Ông cười như mếu: “Hồi tối tui thấy mấy chiếc ghe cào điện pha đèn sáng choang chạy tới chạy lui khu vực này đã thấy lo. Giờ giàn lưới này coi như bỏ. Từ đầu tháng 9 đến nay, tui đã bị ghe cào “nuốt” mất 12 tay lưới”.

Theo ông Gả, đêm nào đoàn ghe cào điện ở Đồng Tháp và các tỉnh lân cận cũng càn quét cánh đồng khiến hàng trăm ngư dân nghèo ở huyện Hồng Ngự mất lưới, nợ nần.

Ông Trần Ngọc Liền, công an xã phụ trách ấp Bình Hòa Hạ, nói: Ấp này có hơn 860 hộ dân và khoảng 60% sống bằng nghề giăng lưới, giăng câu trong mùa nước nổi. Từ tháng 8 đến nay những người giăng lưới đều là nạn nhân của ghe cào điện. Hầu như ai làm nghề giăng lưới cũng bị ghe cào điện “nuốt” lưới. Người ít thì vài ba giàn lưới, người nhiều hàng chục… “Tôi cũng giăng lưới nhưng ban đêm là mang về vì sợ ghe cào điện quét mất. Ngặt nỗi, giăng ban đêm mới dính nhiều cá nhưng nguy cơ bị ghe cào điện càn, mất lưới cao” - ông Liền nói.

Tận diệt thủy sản bằng ghe cào điện ảnh 1

Ông Võ Văn Gả và giàn lưới bị ghe cào điện càn quét hư hỏng hoàn toàn. Ảnh chụp sáng 8-10. Ảnh: HÙNG ANH

Bên xã Thường Thới Hậu A, nông dân cũng gửi đơn cầu cứu khắp nơi vì chịu không thấu những đoàn ghe cào điện quét lưới cá của họ. Ông Phạm Văn Ở, người đã bị mất gần 30 giàn lưới trị giá khoảng 9 triệu đồng, nói: “Khi nước tràn đồng thì các tiểu thương mua gom cá cho nông dân tạm ứng trước tiền để mua lưới đánh bắt, sau đó thu mua cá trừ nợ dần dần. Mấy ngày nay bị ghe cào điện quét hết lưới, người dân không biết làm sao có tiền trả nợ”.

Các hộ nông dân mất lưới đã bảo vệ lưới bằng cách liều mạng bơi xuồng ra ngăn cản ghe cào. Tuy nhiên, xuồng của ngư dân thì nhỏ trong khi ghe cào lớn, có gắn động cơ mạnh nên nông dân phải bơi tránh chỗ khác. “Nhiều ngư dân đã bàn nhau làm nạng giàn thun bắn đám cào điện nhưng xã không cho, yêu cầu để cơ quan chức năng làm việc khiến ghe cào ngày một lộng hành” - ông Gả bực bội nói.

Phạt như… bắt cóc bỏ đĩa

Lãnh đạo xã Thường Thới Hậu B cho biết mùa nước nổi năm nào ghe cào điện cũng xuất hiện ở vùng này. Năm nay, mực nước không cao nên cánh đồng khoảng 3.000 ha trũng thấp của hai xã Thường Thới Hậu thành vùng càn quét của những đoàn ghe cào điện. Có nhiều ghe ở An Giang cũng vượt sông Tiền sang vùng này càn quét. Xã chỉ có vài chiếc vỏ lãi nhưng nhỏ, không làm gì được ghe cào điện. Cuối tháng 9, xã phối hợp với đồn biên phòng mới bắt được bảy chiếc ghe cào điện, giao huyện xử lý.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự, cho biết ghe cào điện đang thực sự là vấn nạn trên địa bàn. “Các ghe cào điện rất khó bắt quả tang. Ban ngày họ đậu ghe dưới bến, tháo dynamo phát điện cất giấu. Đoàn kiểm tra bắt được 1-2 chiếc là họ dùng điện thoại di động thông báo cho nhau trốn sạch” - ông Phong nói.

Theo ông Phong, lực lượng kiểm tra chỉ bắt được những chiếc ghe cào điện hoạt động đơn lẻ, còn những đoàn ghe cào 5-7 chiếc hoặc đông hơn thì bó tay. Hiện cơ quan chức năng không tịch thu ghe cào điện mà chỉ xử phạt 1-2 triệu đồng, tịch thu lưới, dynamo rồi trả ghe. Và gần như ngay lập tức, các đầu nậu thu mua cá trang bị cho họ bộ đồ nghề mới.

Theo thống kê của lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Đồng Tháp, hiện có hơn 400 phương tiện hành nghề cào cá có sử dụng xung điện nhưng rất khó bắt quả tang. Đó là chưa kể hàng trăm chiếc khác từ Long An, An Giang đến Đồng Tháp hành nghề cào cá bằng xung điện.

Đang mùa nước nổi nên người dân ở các cánh đồng ở Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông… ta thán nạn ghe cào điện càn quét lưới đánh cá của họ.

Nếu muốn ngăn chặn có hiệu quả ghe cào điện, phải kiên quyết tịch thu luôn chiếc ghe thì những người làm nghề này mới sợ.

Ông NGUYỄN THÀNH PHONG, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự

Người dân vẫn sử dụng cào điện vì lợi nhuận quá lớn so với đánh bắt cá thông thường. Cào điện hủy hoại nguồn lợi thủy sản rất nghiêm trọng nhưng nói thật chúng tôi không thể có đủ người, phương tiện để hằng đêm tuần tra kiểm soát trên khắp địa bàn tỉnh.

Ông DƯƠNG NGHĨA QUỐC,Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp

HÙNG ANH

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Ghe Cào điện Là Gì