Tập Thơ Thanh Hiên Thi Tập - 清軒詩集 Của Nguyễn Du | BKTV

Vài nét về tác phẩm "Thanh Hiên thi tập" của Nguyễn Du

Thanh Hiên thi tập (清軒詩集, Tập thơ Thanh Hiên) là tập thơ chữ Hán đầu tiên của Nguyễn Du (阮攸; 1765–1820, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên). Theo Văn học 11 tập I thì thi tập này được ông viết vào những năm trước 1802, để nói lên tình cảnh, tâm sự của mình trong hoàn cảnh lênh đênh, lưu lạc hoặc trong thời gian ẩn náu ở quê nhà, lúc gia đình đã sa sút theo đà sụp đổ của chế độ Lê - Trịnh.

Thơ chữ Hán Nguyễn Du cho biết tập thơ hiện chỉ còn 78 bài và các bài được chép không theo một thứ tự nào. Do đó, nhóm biên soạn do GS. Lê Thước & GS. Trương Chính chủ biên đã phải dựa vào đời sống & tâm sự của nhà thơ để sắp xếp, phân chia chúng vào ba giai đoạn:

  • Mười năm gió bụi: (1786 - khoảng cuối 1795 đầu năm 1796): tức năm Tây Sơn bắt đầu đưa quân ra Bắc Hà, cho đến năm Nguyễn Du trở về quê nhà ở Hồng Lĩnh,
  • Dưới chân núi Hồng (1796-1802): quãng thời gian ông về ẩn tại quê nhà (Hà Tĩnh).
  • Làm quan ở Bắc Hà (1802-1804): quãng thời gian ông bắt đầu ra làm quan cho nhà Nguyễn.

Năm 1789, Nguyễn Huệ đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, đã làm nhiều người có tư tưởng chống Tây Sơn phải chùng bước, trong số đó có Nguyễn Du. Cho nên, trong bấy nhiêu bài thơ Thanh Hiên thi tập, toàn là một điệu cảm thương của người tuyệt vọng. 

Thanh Hiên thi tập chứa đựng tình cảm quê hương thân thuộc, có khi ốm đau mà chẳng thuốc thang gì, có lúc đói rét phải nhờ cậy vào lòng thương của người khác. Tâm sự của tác giả trong thời kỳ này là một tâm sự buồn rầu, có khi chán nản, uất ức.

Từ điển Văn học (bộ mới) có nói: "Thanh Hiên thi tập chính là tâm tình của Nguyễn Du trong những năm tháng sống long đong vất vả ở Thái Bình (quê vợ), cũng như ở Tiên Điền (quê nhà). Những bài thơ làm ở Thái Bình hay than thở về cuộc sống, nay đây mai đó, hết ở nhờ nhà người này lại ở nhờ nhà người khác, "thân thế trăm năm phó mặc cho gió bụi" (Mạn hứng), "mới rét mà đã thấy khổ vì thiếu áo" (Thu Dạ) và lúc nào cũng "ở đất khách, giả vụn để phòng thói tục, gặp thời loạn vì muốn giữ toàn mạng nên luôn sợ người ta" (U cư)...

Trong những bài làm trong thời gian về Tiên Điền (Hà Tĩnh), nhà thơ cũng có một tâm lý chán chường như thế. Có lúc, Nguyễn Du muốn đi ở ẩn, muốn trốn vào tôn giáo, rồi có lúc ông lại muốn hành lạc (Hành lạc từ).

Nói vậy, nhưng không thể làm vậy, cho nên ông lại tiếp tục với nỗi buồn của mình và than thở cho cuộc đời nghèo túng.Những bài thơ Nguyễn Du viết khi ra làm quan cũng chẳng vui gì hơn. Mới ra làm, ông đã than thở mình "sinh ra vốn không mang sẵn tướng công hầu, chưa chết thì có ngày sẽ làm bạn với hươu nai" (Ký hữu)...

Nhìn chung, tất cả những điều ông viết dường như chỉ là một lớp váng nổi trên bề mặt, còn thực chất tâm sự của nhà thơ là gì, ông không nói ra cụ thể và hình như ông cũng chưa nhận thức cụ thể. Sau này, trong Nam trung tạp ngâm, vẫn là tiếng thở dài của nhà thơ trước một thực trạng mà ông không thấy có gì gắn bó; và ở đó ông cũng vẫn chưa nói rõ cái tâm sự thật của mình."

Một số bài thơ nổi bật trong "Thanh Hiên thi tập" của Nguyễn Du

  • Dạ hành
  • Độc Tiểu Thanh ký
  • Đối tửu
  • Thanh minh ngẫu hứng
  • Xuân dạ
  • Thu chí

 

(*) Tập thơ Thanh Hiên thi tập - 清軒詩集 của nhà thơ Nguyễn Du , được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.

Từ khóa » Tìm Hiểu Về Thanh Hiên Thi Tập