Tất Tần Tật Về Các Loại Câu Phức Trong Tiếng Trung - HSKCampus
Có thể bạn quan tâm
Bạn có biết, câu phức trong tiếng Trung (汉语复句) có đến chục loại câu khác nhau, mỗi câu trong đấy lại có vô số cách trình bày, cách diễn đạt mang đậm chất riêng của nó. Nắm vững được đặc điểm cũng như ý nghĩa của mỗi loại câu phức sẽ giúp cho từng câu nói, lời văn của chúng ta trở nên hay hơn, có hệ thống hơn, ý nghĩa mỗi câu từ đó cũng liên kết chặt chẽ với nhau nhiều hơn. Hãy cùng HSKCampus bọn mình tìm hiểu các loại câu phức trong tiếng Trung qua bài viết ngày hôm nay nhé!
Trước khi đi sâu tìm hiểu về các loại câu phức, chúng ta hãy cùng khám phá xem câu phức là gì, chúng có những đặc điểm như thế nào các bạn nhé!
Mục lục bài viết
Câu phức và đặc điểm của câu phức trong tiếng Trung
Khái niệm về câu phức
Như ta đã biết, trong bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy, luôn luôn có sự tồn tại câu đơn (单句) và câu phức (复句). Câu đơn tức là câu chỉ có duy nhất một thành phần, thành phần này có thể là một cụm từ ngữ, hai hay nhiều từ hoặc thậm chí chỉ cần duy nhất một từ cũng làm được câu đơn.
Ví dụA: 你们吃饭了吗?♥ Mấy đứa ăn cơm chưa ? (câu đơn) B:吃了。♥ Ăn rồi. (câu đơn) C:还没吃呢!♥ Chưa ăn nữa! (câu đơn)
A:跟我去吃饭吗?♥ Đi ăn với tớ không ? (câu đơn) C:去!♥ Đi ! (câu đơn)
Khác với câu đơn, câu phức (hay còn gọi là câu ghép) là loại câu có nhiều thành phần hợp lại với nhau để tạo thành một câu hoàn chỉnh.
Ví dụCâu đơn: 我吃饭了。 Câu phức: 我吃饭了,但是他还没吃。♥ Tớ ăn rồi, nhưng cậu ta thì chưa ăn.
Câu đơn: 我毕业了。 Câu phức: 虽然我毕业了,可是我还没找到工作。♥ Mặc dù tôi đã tốt nghiệp rồi, nhưng vẫn chưa tìm được việc làm.
Có thể thấy, để tạo nên được một câu phức, ta cần có hai hay nhiều thành phần liên kết lại với nhau để tạo nên câu hoàn chỉnh. Cụ thể như sau:
我吃饭了 (thành phần 1) + 但是他还没吃 (thành phần 2)
虽然我毕业了 (thành phần 1) + 可是我还没找到工作 (thành phần 2)
Trong câu phức, ta sẽ gọi mỗi một thành phần trong câu là phân câu. Chúng ta sẽ tách các phân câu này bằng các dấu phẩy (,), chấm phẩy (;) hoặc hai chấm (:) để tạo nên sự ngắt ngừng giữa các thành phần trong câu (khi cần thiết).
Bên cạnh đó, để tạo nên mối liên kết chặt chẽ về mặt ý nghĩa giữa các phân câu, ta thường chèn thêm các từ nối (关联词) vào trước hoặc giữa các phân câu để nối các phân câu này lại với nhau, ví dụ như các từ 但是, 虽然, 可是 mà bọn mình đã trình bày phía trên. Có những từ nối ta rất hay gặp trong tiếng Trung như:
Ví dụ1. 这件衣服不但质量好,而且价格合理。♥ Bộ đồ này không chỉ tốt về chất lượng, mà giá cả cũng rất phải chăng.
2. 无论如何都不要告诉他!♥ Bất luận thế nào đi nữa cũng đừng nói cho nó biết !
3. 边吃边聊。♥ Vừa ăn vừa tám chuyện.
Câu phức trong tiếng Trung về cơ bản là vậy, chúng ta tiếp tục đến với phần đặc điểm của câu phức.
Đặc điểm của câu phức
Câu phức có những đặc điểm nổi bật sau đây:
1. Câu phức lúc nào cũng có từ hai phân câu trở lên, thường thì giữa các phân câu phải dùng dấu chấm câu để tạo nên sự ngắt ngừng khi diễn đạt câu.
2. Có thể cần hoặc không cần từ nối (关联词) để nối các phân câu lại với nhau (tùy theo ngữ cảnh của câu nhá).
Ví dụ1. 如果你有事,那么你先走吧!♥ Nếu như cậu có việc, thì cậu cứ đi trước đi! (có dùng từ nối)
2. 你有事你先走吧!♥ Cậu có việc cứ đi trước đi! (không dùng từ nối)
3. Không nhất thiết phải có sự xuất hiện của chủ ngữ trong câu phức, đôi khi chỉ cần là một cụm từ hay một từ ở mỗi phân câu là được.
Ví dụ1. 多么美丽的夜晚,多么凉爽的天气啊!
2. 美,年轻,聪明,勤俭,这就是她。
4. Trong một câu phức, nếu mỗi phân câu đều có chung một chủ ngữ, ta có thể lược bớt và chỉ giữ lại một chủ ngữ duy nhất.
Ví dụ(我) 看着她天真的笑脸,(我) 听着她好听的声音,我把一天的疲劳都忘光了。
Các loại câu phức trong tiếng Trung
Trong tiếng Trung có tổng cộng 11 loại câu phức, 11 loại câu phức này được chia làm 2 nhóm lớn là câu phức liên hợp (联合复句) và câu phức chính phụ (偏正复句). Trong đó:
1. Câu phức liên hợp (联合复句): tức chỉ những câu phức tuy rằng có nhiều phân câu, nhưng mỗi phân câu này lại có ý nghĩa biệt lập với nhau, mỗi phân câu đều có ý nghĩa riêng của nó, nó không phụ thuộc hay ảnh hưởng gì đến phân câu khác.
Ví dụ1. 我喜欢旅游,她喜欢看小说。♥ Tôi thích đi du lịch, cô ấy thì thích đọc truyện.
2. 他既好学,又贪玩。♥ Nó vừa ham học, lại vừa ham chơi.
2. Câu phức chính phụ (偏正复句): là chỉ những câu phức có nhiều phân câu, các phân câu sẽ có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, nếu như không có phân câu này thì sẽ không có phân câu kia, hoặc phân câu nọ chỉ có ý nghĩa nếu như có sự tồn tại của phân câu nào đó khác. Giữa chúng tạo nên một mối liên hệ là thành phần chính và thành phần phụ. Không có “chính” thì không có “phụ”, có “chính” nhưng không có “phụ” thì “chính” cũng vô nghĩa.
Ví dụ1. 如果我有那么多钱,我会游遍世界。♥ Nếu tôi có thật nhiều tiền, tôi sẽ ngao du khắp thế giới. (phân câu chính: có thật nhiều tiền; phân câu phụ: sẽ đi du lịch khắp thế giới) –> Không giàu, không thể bôn ba. –> Đã giàu nhưng không xác định làm gì thì câu này vô nghĩa, đâu có ai nói 如果我有钱 xong rồi ngưng không nói tiếp vế sau. –> Muốn bôn ba, nhưng không giàu, mùa quýt bôn ba.
2. 只有经理才有权签合同。♥ Chỉ có giám đốc mới có quyền ký hợp đồng. (thành phần chính: giám đốc; thành phần phụ: ký hợp đồng) –> Giám đốc mới được ký. –> Muốn ký, không có giám đốc, “ký” bù liǎo.
Trong nhóm câu phức liên hợp, ta có 5 câu phức thành viên; còn nhóm câu phức chính phụ sẽ có 6 câu phức thành viên. Cụ thể:
Câu phức liên hợp (联合复句) | Câu phức chính phụ (偏正复句) |
并列复句 | 转折复句 |
承接复句 | 让步复句 |
递进复句 | 因果复句 |
选择复句 | 目的复句 |
解说复句 | 假设复句 |
…… | 条件复句 |
Bây giờ ta sẽ đi vào từng loại câu phức để tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa cũng như cách dùng của các câu phức kể trên các bạn nhé!
Câu phức ngang hàng (并列复句)
Xét về cách dùng
Hai hoặc nhiều phân câu trong loại câu phức này sẽ có mối quan hệ bình đẳng, ngang hàng với nhau. Tức là các phân câu này sẽ có nghĩa tách biệt nhau, giữa chúng sẽ có mỗi ý nghĩa riêng, không liên quan, hay phụ thuộc gì lẫn nhau. Loại câu này gọi là câu phức ngang hàng, một số sách còn gọi là câu phức đẳng lập, câu phức biệt lập.
Ví dụ1. 我担心的不是自己,而是婴儿。♥ Cái tôi quan tâm không phải là bản thân mình, mà là đứa bé.
2. 他一边看书一边跟朋友聊天。♥ Anh ta vừa đọc sách vừa trò chuyện cùng bạn bè.
Một số mẫu câu phức ngang hàng thường dùng
Mẫu câu1. 一边……一边…… : 一边 + động từ / cụm động từ + 一边 + động từ / cụm động từ –> vừa……vừa……
2. 边……边……:边 + động từ đơn âm tiết + 边 + động từ đơn âm tiết –> vừa……vừa……
3. 又……又……:又 + tính từ / cụm động từ + 又 + tính từ / cụm động từ –> vừa……vừa……
4. 也……也……:也 + tính từ / cụm động từ + 也 + tính từ / cụm động từ –> vừa……vừa……;vừa……cũng……
5. 既……也 / 又……:既 + tính từ / cụm động từ + 也 / 又 + tính từ / cụm động từ –> vừa……vừa……
6. 一面……一面……:一面 + động từ / cụm động từ + 一面 + động từ / cụm động từ –> vừa……vừa……
7. 一方面……(另) 一方面……:một mặt……, một mặt (mặt khác)……
8. 不是……而是……:không phải……,mà là……
9. 有时……有时……:có khi (có lúc; khi thì)……,có khi (có lúc; khi thì)
10. 是……不是……:là……chứ không phải……
11. 一会儿……一会儿……:lúc thì……lúc thì……
12. 一来……,二来……:một là (thứ nhất là)……,hai là (thứ hai là)……Ví dụ
1. 我一边听音乐,一边做作业。♥ Tôi vừa nghe nhạc vừa làm bài tập.
2. 她边唱边跳。♥ Cô ấy vừa hát hò vừa nhảy nhót.
3. 苹果又大又红。/ 他在家里又种花又养鸟。♥ Trái táo vừa to vừa đỏ / Tôi ở nhà vừa trồng cây vừa nuôi chim.
4. 这里的交通很方便,人也很热情,空气也很新鲜。♥ Giao thông ở đây khá là thuận tiện, con người cũng rất thân thiện, không khí cũng rất trong lành.
5. 他对她既热情又温柔。♥ Anh ta đối xử với cô ấy vừa nhiệt tình vừa dịu dàng.
6. 小孩一面走,一面唱。♥ Thằng bé vừa đi vừa hát.
7. 我们一方面要努力学习,一方面要应该保持身体健康。♥ Chúng ta một mặt phải cố gắng học tập, một mặt nên giữ gìn sức khỏe.
8. 这项工作的目的不是追究责任,而是解决问题。♥ Mục đích của công việc này không phải là truy cứu trách nhiệm, mà là giải quyết vấn đề.
9. 有时她说话很有道理,有时却漫无边际。♥ Có lúc cô ấy nói rất hay, có khi lại nói chẳng đâu ra đâu.
10. 他们要去的是中国,不是老挝。♥ Nơi bọn họ muốn đi là Trung Quốc cơ, chứ không phải Lào.
11. 她一会儿气,一会儿怕,情绪变来变去。♥ Lúc thì cô ấy tức giận, lúc thì lại tỏ ra sợ sệt, tâm trạng rối bời.
12. 我好久没回家,一来路太远,二来没时间。♥ Đã lâu rồi tôi chưa về thăm nhà, thứ nhất là đường xá xa xôi, cái nữa là chẳng có mấy thời gian.
Xét về ý nghĩa câu
Phần trên ta đã bàn về cách dùng của câu phức ngang hàng, cách dùng thì có nhiều, nhưng nhìn chung các cách dùng của câu phức ngang hàng chỉ xoay quanh 3 ý nghĩa chính.
Ý nghĩa liệt kê
Nghĩa là các phân câu trong câu phức ngang hàng có tính chất liệt kê ra nhiều nội dung, do là liệt kê nên nhiều lúc ta chả cần từ nối (关联词) làm gì.
Ví dụ1. 我们每天复习生词,写汉字,做练习。♥ Chúng tôi ngày nào cũng ôn lại từ mới, luyện viết chữ Hán, làm bài tập. (không dùng từ nối)
2. 这是新书,那也是新书。♥ Đây là quyển sách mới, quyển bên kia cũng thế. (dùng từ nối 也)
3. 她又会说汉语,又会说英语。♥ Cô ấy vừa biết nói tiếng Trung lẫn tiếng Anh. (dùng từ nối 又……又……)
Ý nghĩa so sánh
Thường những câu phức dạng này sẽ mang hàm ý so sánh, trong đời sống hằng ngày tụi mình hay dùng đến lắm, có cái tụi mình ít khi nào để ý đến thôi. Trường hợp này ta cũng rất hiếm khi dùng tới từ nối.
Ví dụ1. 我们人类越来越多,野生动物越来越少。♥ Loài người chúng ta ngày càng nhiều, động vật hoang dã ngày càng ít.
2. 她跑了五百米,我跑了三百米。♥ Cô ấy chạy được 500 mét, tôi chạy được có 300 mét.
Ý nghĩa tan hợp
Các bạn xem hai câu ví dụ dưới đây cho dễ hình dung.
Ví dụ1. 来客也不少,有的拿水果,有的拿鲜花。♥ Khách khứa tới thăm đông phết, người thì mang trái cây, người thì mang hoa tươi.
2. 老师是学生的榜样,学生是老师的动力,我们班一起发挥学习的积极性。♥ Thầy cô là tấm gương cho học trò, học trò là động lực của thầy cô, lớp chúng ta hãy cùng nhau phát huy tính tích cực trong học tập.
Ở câu 1, ta thấy người nói ban đầu giới thiệu một cách chung chung về các vị khách, các vế câu (phân câu) phía sau mới bắt đầu phân tích cụ thể đặc điểm của từng vị khách. Ta gọi đây là quá trình tổng hợp (hợp) rồi tách nhỏ, liệt kê ra (tan) --> hợp tan.
Ở câu 2, ta biết rằng người nói đang liệt kê vai trò của thầy cô và học trò (tan), sau đó gộp chung (hợp) lại cả thầy cô và học trò, gọi chung là “lớp chúng ta” --> tan hợp.
Thật ra thì ít khi nào chúng ta để ý lắm đến hiện tượng này, nhưng mà vẫn giới thiệu sơ qua cho các bạn biết, nhất là những bạn thích viết văn, chúng ta có thể dựa theo những mẫu câu này để luyện viết văn, sao cho câu văn của chúng ta trở nên hay hơn, liền mạch hơn.
Câu phức tiếp nối (承接复句)
Câu phức tiếp nối (承接复句), hay còn gọi là câu phức liên quan. Trong loại câu phức này, các phân câu sẽ thể hiện một động tác hoặc một hành vi, sự việc, hiện tượng nào đó xảy ra một cách tuần tự, tức là theo thứ tự. Sự việc, hiện tượng này xảy ra trước, đồng thời sẽ kéo theo các sự việc khác diễn ra sau đó. Đây là câu phức đơn giản nhất trong tiếng Trung đấy.
承接复句 còn có hai tên gọi khác là 连贯复句 và 顺承复句.
Mẫu câu1. 首先……然后……:đầu tiên / trước tiên……sau đó / tiếp theo đó……
2. 起先 / 起初……后来……:đầu tiên / ban đầu……về sau……
3. 先……,再 / 随后……,然后 ……,最后……:đầu tiên……,tiếp đến……,sau đó……,cuối cùng là……
4. (首) 先……,接着 / 跟着……:đầu tiên / trước tiên……,tiếp đến / tiếp theo đó……
5. 刚……,就 / 便……:vừa / mới vừa……,thì / lại / đã……
6. 一……就……:vừa / hễ……là / đã……Ví dụ
1. 他首先是作家,然后才是科学家。♥ Ban đầu anh ta là nhà văn, sau này mới là nhà khoa học.
2. 起初我很害怕,后来我努力使自己平静下来。♥ Lúc đầu tôi sợ lắm ấy, hồi sau tôi mới cố lấy lại được bình tĩnh.
3. 我们先了解一下再研究,然后作决定。♥ Tụi mình tìm hiểu trước đã rồi hẳn nghiên cứu, sau đó mới quyết định.
4. 泡沫出现,首先是股票,接着是住房。♥ Bong bong xuất hiện rồi kìa, ban đầu là cổ phiếu, giờ kéo thêm nhà ở.
5. 她刚睡着电话铃就响了。♥ Cô ấy mới vừa chìm vào giấc ngủ thì điện thoại reo.
6. 我的关节一运动就疼。♥ Xương khớp tôi hễ cử động tí là nó lại đau.
Câu phức tăng tiến (递进复句)
Như ta đã biết, câu phức là câu có từ hai phân câu trở lên, nếu phân câu sau bổ sung thêm ý nghĩa cho phân câu trước hoặc phân câu sau có tác dụng nhấn mạnh thêm về nghĩa, tăng mức độ lên về tính chất cho phân câu ở trước đó, thì ta gọi đây là câu phức tăng tiến.
Xét về cách dùng
Mẫu câu1. 不但 / 不光 / 不仅……而且 / 并且……:không những / không chỉ……mà còn / hơn nữa……
2. 不但 / 不仅……还 / 也 / 又 / 更……:không những / không chỉ……còn / cũng / lại / càng……
3. ……,何况……:……,huống hồ chi / huống chi……
4. ……,况且……:……,hơn nữa……
5. ……,尤其是 / 特别是……:……,đặc biệt là / nhất là……
6. ……,甚至……:……,thậm chí……
7. 不但不 / 不仅不 / 没有……反而 / 反倒 / 相反还……:không những không……ngược lại……
8. 别说 / 不要说……,连 / 就是……都……:đừng nói chi……,ngay cả……cũng / còn……
9. 连……都……,更别说……:ngay cả……cũng / còn……,chứ đừng nói chi / nói chi……Ví dụ
1. 他不但是我的老师,而且是我的朋友。♥ Anh ấy không chỉ là thầy của tôi, mà còn là bạn của tôi.
2. 不仅他会说汉语,他爸妈也会说汉语。♥ Không chỉ riêng nó biết nói tiếng Trung, ba mẹ nó cũng biết nói tiếng Trung luôn.
3. 我们死都不怕,何况困难!♥ Tụi mình chết còn không sợ, huống chi dăm ba mấy cái khó khăn này!
4. 我真的不想去,况且现在太晚了。♥ Thiệt tình là tớ chẳng muốn đi tí nào, hơn nữa trời cũng đã muộn rồi.
5. 她喜爱各种运动,尤其是游泳。♥ Cô ấy thích nhiều môn thể thao lắm, nhất là bơi lội.
6. 这辆车毫不美观,甚至可以说难看。♥ Cái chiếc xe này chả đẹp tí nào, thậm chí có thể nói là quá xấu.
7. 她不但不生气反而笑了。♥ Cô ấy không những không giận mà lại còn cười nữa.
8. 他们很忙,别说是睡觉,连吃饭的时间都没有。♥ Bọn họ bận lắm, đừng nói chi là ngủ, ngay cả thời gian ăn uống cũng không có.
9. 他连自行车都不会骑,更别说开汽车了。♥ Ngay cả xe đạp mà nó còn không biết chạy, nói chi là lái nguyên chiếc xe hơi.
Xét về ý nghĩa câu
Dựa theo ngữ nghĩa của các câu phức tăng tiến, ta có thể phát hiện ra một chi tiết khá thú vị, đó là dù câu phức tăng tiến rất đa dạng, nhưng nhìn chung chúng chỉ xoay quanh hai ý nghĩa mà thôi.
Tăng tiến kiểu thuận
Tăng tiến kiểu thuận là kiểu tăng tiến mà phân câu sau luôn bổ sung thêm ý nghĩa cho phân câu trước, hoặc làm cho ý nghĩa của phân câu trước trở nên cường điệu hơn, mạnh hơn, sâu sắc hơn.
Ví dụ1. 她不仅在学习上帮助我,还在生活上关心我。♥ Cô ấy không chỉ giúp tôi trong chuyện học hành, mà còn quan tâm tôi về mọi mặt trong cuộc sống.
2. 他写的文章不但数量多,而且质量好。♥ Số lượng bài viết do anh ấy sáng tác không chỉ nhiều, mà nó còn khá về chất lượng.
Tăng tiến kiểu nghịch
Giống như tên gọi của chữ “nghịch”, trong kiểu câu này, phân câu sau không hề có chuyện bổ sung thêm ý nghĩa cho phân câu trước, làm cho câu “tiến lên” về ý nghĩa, mà nó lại làm cho ý nghĩa của câu mang tính bất ngờ, hoàn toàn khác, trái ngược với suy nghĩ của người nói hoặc người nghe.
Ví dụ1. 他被录用了,他不但不高兴,反而更难过。♥ Anh ấy được tuyển vào làm rồi, vậy mà anh ta không những không vui, trái lại còn buồn hơn.
2. 下了一阵雨,天气不仅没有凉下来,反倒更加闷热了。♥ Mới vừa mưa một trận đây thôi mà thời tiết không những không mát, ngược lại nó còn oi hơn nữa mới ác.
Câu phức lựa chọn (选择复句)
Ta sử dụng câu phức lựa chọn để diễn đạt các câu có tồn tại nhiều hành động, sự việc, hiện tượng và buộc ta phải chọn một hành động, sự việc, hiện tượng nhất định nào đó trong số đấy thôi. Giống kiểu cho A, B hay thậm chí là C, nhưng ta chỉ được chọn A hoặc B hoặc C.
Mẫu câu1. 不是……就是……:không phải……thì là
2. 是……还是……:là……hay là……
3. 或者……或者……:hoặc là……hoặc là……
4. 与其……不如……:thay vì……chi bằng……
5. 要么……要么……:hoặc là……hoặc là……
6. 宁可 / 宁愿……,也不 / 决不……:thà……,còn hơn / cũng quyết không……Ví dụ
1. 我看他不是中国人就是越南人。♥ Tôi thấy nếu anh ta không phải là người Trung Quốc thì chắc chắn là người Việt Nam.
2. 你住的是公寓还是独立住宅?♥ Bạn sống ở chung cư hay nhà phố ?
3. 或者你去,或者我去,不能再拖了。♥ Một là cậu đi, hai là tôi đi, không thể cứ dây dưa mãi được.
4. 与其让别人猜,不如告诉他们真想。♥ Thay vì để người ta đoán mò như thế thì chi bằng nói cho họ biết sự thật.
5. 每当他遇到问题,他要么自己解决,要么向老师寻求帮助。♥ Mỗi khi nó gặp vấn đề, nó thường tự giải quyết, còn không thì sẽ tìm thầy cô nhờ họ giúp đỡ.
6. 他宁可等电梯,也不爬楼梯。♥ Anh ta thà đợi thang máy còn hơn là đi thang bộ.
Câu phức giải thích (解说复句)
Đây có lẽ là loại câu phức duy nhất trong tiếng Trung không hề tồn tại từ nối để nối các phân câu. Đặc điểm cơ bản của câu phức giải thích là trong câu sẽ có một hay nhiều phân câu mang nghĩa chung chung, không cụ thể, các phân câu khác sẽ có nhiệm vụ giải thích, phân tích, nói rõ hơn, liệt kê cụ thể hơn cho phân câu mang nghĩa chung chung đó.
Ví dụ1. 那里的天气变化难测,有时冷,有时热。♥ Thời tiết nơi ấy luôn biến động khó dự đoán, lúc lạnh lúc nóng.
2. 我从来只有两个爱好:一是吃,二是睡。♥ Đó giờ tôi chỉ có hai sở thích: một là ăn, hai là ngủ.
3. 摆兵布阵有两种方法:一是血肉横飞,二是走为上策。♥ Có hai cách để bày binh bố trận: một là đầu rơi máu chảy, hai là tẩu vi thượng sách.
Trên đây là 5 loại câu phức thuộc nhóm câu phức liên hợp (联合复句). Ở nội dung kế tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu 6 loại câu phức thuộc nhóm câu phức chính phụ (偏正复句). Các bạn nghỉ giải lao tí rồi vào học tiếp nhé.
Câu phức chuyển ngoặt (转折复句)
Cuộc đời không phải lúc nào mọi chuyện cũng thuận buồm xuôi gió, đôi khi kết quả ta nhận được lại hoàn toàn khác xa mọi dự tính của chúng ta, ta hay gọi đó là cú chuyển ngoặt. Tương tự như thế, trong câu phức chuyển ngoặt, ở phân câu đầu rõ ràng là tình huống như vậy, nhưng kết quả lại là thế khác ở phân câu sau.
Mẫu câu1. 虽然 / 虽说……,但是 / 可是 / 却……:mặc dù / tuy là……,nhưng / nhưng mà / thế nhưng / lại……
2. 尽管……,可是 / 还是……:mặc dù / tuy là……,nhưng / nhưng mà / nhưng vẫn……
3. ……,反而……:……,trái lại / ngược lại……
4. ……,然而……:……,ấy vậy mà……
5. ……,不过……:……,song / nhưng……
6. ……,就是 / 只是……:……,có điều là……Ví dụ
1. 虽然房间不太大,但是很干净。♥ Mặc dù phòng không to lắm, nhưng được cái khá sạch sẽ.
2. 尽管多次失败,可是他并没有灰心。♥ Tuy rằng đã thất bại nhiều lần rồi, thế nhưng nó không bao giờ nản lòng.
3. 他们没帮上忙,反而碍事。♥ Bọn họ đã không giúp được gì rồi, trái lại còn gây thêm phiền phức.
4. 他有份好工作,然而总没有钱。♥ Anh ta có một công việc khá tốt đó chứ, ấy vậy mà lúc nào cũng hết tiền.
5. 它是个老把戏,不过也许管用。♥ Cái này là mánh cũ rồi, song xem ra vẫn còn xài được.
6. 电影是不少,就是不知道你喜欢看哪个。♥ Phim thì nhiều đấy, có điều không biết cậu thích xem bộ nào.
Câu phức nhượng bộ (让步复句)
Nhiều bạn học trò thường hay thắc mắc với bọn mình là sao câu phức này nghe khó hiểu thế ? Nhượng bộ là sao ? Nhượng bộ tức là sự nhường nhịn, nhún nhường, chấp nhận, thừa nhận một sự thật nào đó, tuy nhiên, việc thừa nhận này sẽ không làm ảnh hưởng, không lay chuyển được cục diện tình thế.
Xét về cách dùng
Mẫu câu1. 哪怕 / 即使 / 就是 / 就算 / 尽管 / 再……,也 / 都 / 还……:dù / dù cho / mặc cho……,cũng / vẫn……
2. 纵使 / 纵然 / 即便……,也 / 都 / 还……:dù / dù cho / mặc cho……,cũng / vẫn…… (dùng trong văn viết)Ví dụ
1. 哪怕等十年,我也要跟她结婚。♥ Dù cho có phải đợi 10 năm, tôi vẫn muốn cưới cô ấy.
2. 即使不说出来,隐含义也很明显。♥ Dù không chịu nói ra, nhưng ẩn ý cũng đã quá rõ mười mươi.
3. 就是 / 就算 / 尽管 有天大的困难,我们都不能后退。♥ Dù có gặp khó khăn bằng trời thì bọn tôi cũng không lùi bước.
4. 人再忙也得吃饭。♥ Người có bận mấy cũng phải ăn chứ.
5. 纵使 / 纵然 / 即便 明天下雨,他们也要去游泳。♥ Mặc cho ngày mai trời có đổ mưa đi nữa, họ vẫn đi bơi.
Xét về ý nghĩa câu
Tựu chung, ý nghĩa của câu phức nhượng bộ chỉ xoay quanh hai vấn đề chính. Thứ nhất là thừa nhận một sự thật nào đó, thứ hai là tự đưa ra một giả thiết rồi thừa nhận rằng, giả sử nếu có xảy ra thật thì kết quả cũng không thay đổi gì đâu.
Thừa nhận sự thật
Ví dụ1. 即使富有经验,意外也会出现。♥ Dù cho có giàu kinh nghiệm, nhưng những chuyện ngoài ý muốn vẫn diễn ra.
2. 就是他不对,可是你的态度也不好啊!♥ Dù rằng nó không đúng, nhưng mà thái độ của cậu cũng không hay tí nào!
Thừa nhận giả thiết
Ví dụ1. 这场比赛哪怕剩下我一个人,也要坚持下去。♥ Dù cho cuộc thi này chỉ còn sót lại mỗi mình tôi, tôi cũng phải trụ đến cùng. (cuộc thi chưa diễn ra)
2. 就算考不上大学,他也不会放弃。♥ Dù cho có không đậu đại học, anh ta cũng quyết không bỏ cuộc. (kỳ thi đại học chưa diễn ra)
Câu phức nhân quả (因果复句)
Chắc phần lớn các bạn khi mới đọc qua tên gọi của câu phức nhân quả là đã mường tượng được ý nghĩa của câu phức này rồi nhỉ! Đúng vậy, đây là loại câu phức nói về nguyên nhân, nguyên do, lý do và hậu quả, kết quả đi kèm sau nó là gì.
Mẫu câu1. 因为……,所以……:bởi vì / vì là / vì / do là……,nên / cho nên / nên là / vì thế……
2. 由于……,因此……:bởi vì / vì là / vì / do là……,nên / cho nên / nên là / vì thế…… (văn viết)
3. 之所以……,是因为……:sở dĩ……,là bởi vì / là vì……
4. ……,以致……:……,thế nên……
5. 既然……,就 / 便 / 则 / 那么……:nếu đã / đã vậy……,vậy thì / thì……Ví dụ
1. 因为生病了,所以我没上班。♥ Vì là bị bệnh nên tôi không đi làm.
2. 由于路太远,因此我们打车去旅游。♥ Do là đường đi xa quá, nên là bọn tôi bắt xe đi du lịch.
3. 他之所以挑你的刺是因为喜欢你。♥ Sở dĩ anh ta hay chọc cậu là vì ảnh thích cậu đấy.
4. 他这几年变化太大了,以致我刚见面都没认出他来。♥ Mấy năm nay anh ta thay đổi nhiều quá, thế nên lúc mới gặp, tôi không nhận ra anh ta luôn.
5. 既然疫情结束了,那么希望一切都恢复常态。♥ Dịch bệnh đã chấm dứt như vậy rồi, thì hi vọng là mọi thứ trở lại như cũ.
Câu phức mục đích (目的复句)
Trong loại câu phức này, ta sẽ lấy một phân câu để nói lên mục đích việc làm, hành động của chúng ta; ở phân câu khác, ta sẽ diễn đạt các phương pháp, cách thức để thực hiện được mục đích mà ta đã đề ra.
Mẫu câu1. 为了 + (mục đích),……:nhằm mục đích / vì mục đích / để……,……
2. ……,为了 + (mục đích):……,nhằm mục đích / vì mục đích / để
3. ……,为的是……:……,chẳng qua vì / vì / để……
4. ……,省得 / 免得 / 以免……:……,để khỏi / để khỏi phải / để đỡ phải / đỡ phải / để tránh……
5. ……,以便……:nhằm / vì / để / tiện cho……
6. 为……,……:để / nhằm……,……Ví dụ
1. 他为了考上名牌大学而拼命复习。♥ Để thi đậu được những trường đại học danh tiếng, nó ôn luyện như trâu như bò.
2. 这些文件都加了锁,为了保证安全。♥ Mấy bộ tài liệu này đã bị khóa lại rồi, nhằm mục đích bảo đảm an toàn.
3. 他们早起,为的是看日出。♥ Bọn họ dậy sớm, cốt là để xem mặt trời mọc.
4. 已经很晚了,我们快回去吧,省得 / 免得 / 以免 妈妈担心。♥ Đã muộn lắm rồi, bọn mình mau về thôi, để má khỏi lo.
5. 他们在学汉语,以便找到好工作。♥ Bọn họ đang học tiếng Trung, nhằm tìm được một công việc tốt.
6. 为满足消费者的需求,该公司的生产能力提升了多倍。♥ Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, năng lực sản xuất của công ty này đã được nâng lên gấp bội lần.
Câu phức giả thiết (假设复句)
Sử dụng câu phức giả thiết khi ta muốn đưa ra một vấn đề nào đó xảy ra theo một dự định mà ta đã suy tính từ trước. Ở phân câu đầu, ta sẽ đưa ra một giả thiết, giả định nào đó; phân câu sau sẽ cho ta biết kết quả ra sao nếu giả thiết đó thành hiện thực. Loại câu phức này rất gần gũi với người Việt chúng ta.
Mẫu câu1. 如果……,就 / 那 / 那么……:nếu / nếu như……,thì / vậy thì / vậy / bèn / sẽ / liền……
2. 要是……,就 / 那 / 那么……:nếu / nếu như……,thì / vậy thì / vậy / bèn / sẽ / liền……
3. ……的话,就 / 那 / 那么……:nếu / nếu như……,thì / vậy thì / vậy / bèn / sẽ / liền……
4. 假如……,就 / 那 / 那么……:giả dụ / nếu / nếu như……,thì / vậy thì / vậy / bèn / sẽ / liền…… (văn viết)
5. 假使……,就 / 那 / 那么……:giả sử / nếu / nếu như……,thì / vậy thì / vậy / bèn / sẽ / liền…… (văn viết)
6. 倘若 / 若是 / 若……,就 / 那 / 那么……:giả sử / nếu / nếu như……,thì / vậy thì / vậy / bèn / sẽ / liền…… (văn viết)
7. 要不是……,就……:nếu không phải / nếu chẳng phải……,thì……Ví dụ
1. 如果成本增加,出售价格就会相应上涨。♥ Nếu giá thành phẩm tăng thì giá bán cũng sẽ tăng tương ứng.
2. 你要是见到他,那把这份文件给他。♥ Nếu cậu gặp anh ấy, thì hãy đưa bộ tài liệu này cho anh ta.
3. 你要的话就拿去吧。♥ Nếu cần thì cậu cứ lấy đi.
4. 假如你改变主意的话,一定要告诉我。♥ Giả dụ như anh có thay đổi ý định, nhất định phải báo tôi liền đấy nhé.
5. 假使他不在,我们该怎么办呢?♥ Giả sử không có cậu ấy ở đây, bọn mình biết làm sao ?
6. 倘若价格合适,我们将采购你们的全部产品。♥ Nếu mà giá cả hợp lý, bọn tôi sẽ thu mua hết toàn bộ sản phẩm của bên anh.
7. 要不是邻居介入,他可能会没命了。♥ Nếu như hàng xóm không can thiệp, e rằng cái mạng của anh ta cũng không còn.
Câu phức điều kiện (条件复句)
Để trở thành sinh viên, ta phải thi đậu đại học; để có thể khởi nghiệp, ta phải có vốn;…. “thi đậu đại học” và “vốn” là điều kiện cần để ta thực hiện thành công một việc nào đó, đây chính là ví dụ rõ nét nhất để nói lên đặc điểm của câu phức điều kiện.
Nếu muốn nói điều kiện nào đó cần phải đạt được thì kết quả tương ứng mới xảy ra, thì ta sẽ dùng tới câu điều kiện.
Xét về cách dùng
Mẫu câu1. 只要……,就……:chỉ cần / miễn / miễn là……,thì……
2. 只有 / 除非……,才……:chỉ có / trừ khi……,thì mới……
3. 除非……,否则 / 不然……:trừ khi……,nếu không thì……
4. 无论 / 不论 / 不管 / 任凭……,都 / 也……:cho dù……,thì cũng……Ví dụ
1. 只要天气好我们就去。♥ Miễn là thời tiết đẹp thì bọn mình đi.
2. 在足球比赛中,只有守门员才可用手接球。♥ Trong giải bóng đá, chỉ có thủ môn mới được dùng tay bắt bóng.
3. 除非你答应我跟你一起去,我才告诉你。♥ Trừ khi anh cho tôi đi theo cùng, tôi mới nói anh nghe.
4. 除非顾客提出要求,否则他们不会向顾客提供吸管。♥ Trừ khi khách có yêu cầu, chứ không thì bọn họ sẽ không đưa ống hút cho khách.
5. 无论你走哪一条路都需要三个小时。♥ Bất luận cậu có đi đường nào đi nữa cũng phải mất ba tiếng à.
Xét về ý nghĩa câu
Trong tiếng Việt ta có sự tồn tại của điều kiện cần, điều kiện đủ và vô điều kiện. Tiếng Trung cũng giống hệt vậy, cũng tồn tại 3 loại câu điều kiện như trên.
Điều kiện cần (必要条件)
Bắt buộc phải đáp ứng được yêu cầu cụ thể nào đó thì mới có được kết quả, thường ta sẽ dùng 只有, 除非 và các từ nối như 才, 才能,… trong các trường hợp này.
Ví dụ1. 只有是个非常出色的学生才能获得奖学金。♥ Chỉ có những em học sinh, sinh viên cực kỳ xuất sắc mới có thể nhận được học bổng. (học sinh, sinh viên loại khá, giỏi sẽ bị loại)
2. 除非银行同意借我钱,不然我就交不起学费了。♥ Trừ khi phía ngân hàng đồng ý cho tôi vay tiền, còn không thì xác định kham không nổi học phí.
Điều kiện đủ (充足条件)
Chỉ cần đáp ứng được một yêu cầu nào đó ở mức chung chung thôi là được, là đã đủ để đạt được một kết quả nào đó. Thường ta sẽ dùng 只要 và từ nối 就 trong những trường hợp này.
Ví dụ1. 只要你努力学习,就可以获得奖学金。♥ Chỉ cần bạn cố gắng học thật chăm chỉ thôi là đã có thể nhận được học bổng rồi. (người nói không nói rõ nên “cố gắng” ở mức độ nào, chỉ nói chung chung là học chăm chỉ)
2. 只要你给他打个电话,他就会帮助你。♥ Chỉ cần bạn gọi cho anh ta một cú điện thoại thôi, anh ta sẽ giúp bạn ngay. (không cần phải hẹn gặp, không cần phải quà cáp, không yêu cầu phải là chuyện tiền bạc thì mới giúp đỡ)
Vô điều kiện (无条件)
Cho dù có đáp ứng hay không đáp ứng được điều kiện, dù cho có làm theo cách nào đi nữa, dù cho có thế nào đi nữa thì kết quả vẫn không thay đổi. Thường ta sẽ dùng các từ nối như 无论, 不论, 不管, 任凭 và 都, 也 trong những trường hợp này.
Ví dụ1. 不管有多大困难,我也要干下去。♥ Dù cho có khó khăn mấy thì tôi vẫn làm cho tới cùng.
2. 无论谁参加我们组,我们都欢迎。♥ Bất kỳ ai gia nhập vào nhóm bọn tôi, bọn tôi cũng đều sẵn sàng chào đón.
Bài học về các loại câu phức trong tiếng Trung đến đây là hết, thực sự mà nói thì nội dung bài học hôm nay của chúng ta siêu nhiều luôn, vì thế mà các bạn nên chia ra thành nhiều buổi để học và ôn tập nhé.
Thật ra vẫn còn 2 loại câu phức nữa, đó là câu phức rút gọn (紧缩复句) và câu phức nhiều tầng hay câu phức đa tầng (多重复句), tuy nhiên, cấu trúc câu của hai loại câu phức này rất loạn, không rõ ràng và cụ thể như 11 loại câu phức mà bọn mình đã giới thiệu đến các bạn trong ngày hôm nay. Do đó mà bọn mình sẽ dành ra một bài viết để nói rõ hơn về 2 loại câu phức này trong thời gian tới, các bạn nhớ chú ý theo dõi nhé.
Hẹn gặp lại các bạn trong những bài học tới!
Có thể bạn quan tâm Bàn về câu chữ 把 (Kỳ 1) Bổ ngữ kết quả trong tiếng Trung Định ngữ trong tiếng Trung: Trợ từ 的 và thứ tự định ngữTừ khóa » Bài Tập Về Câu Phức Trong Tiếng Trung
-
Các Loại Câu Phức Trong Tiếng Trung
-
KHÁI QUÁT CHUNG CÂU PHỨC TRONG TIẾNG HÁN HIỆN ĐẠI
-
Ngữ Pháp Tiếng Trung: Các Loại Câu Phức (Phần 1)
-
Câu Phức Trong Tiếng Trung
-
Phân Loại Các Câu Phức Trong Tiếng Trung
-
Phân Loại Các Câu Phức Trong Tiếng ... - Trung Tâm Tiếng Trung SOFL
-
Câu Phức Trong Tiếng Trung| Cách Dùng Cụ Thể
-
Cấu Trúc Câu Phức 复取 Trong Tiếng Trung
-
Câu Phức điều Kiện Tiếng Trung - Tài Liệu Text - 123doc
-
Hoài Phương Hsk - CHUYÊN ĐỀ CÂU PHỨC (( Học Tiếng Trung...
-
Phân Loại CÂU PHỨC Trong Tiếng Trung
-
Câu Phức Biểu Thị Mục đích Trong Tiếng Hoa
-
Bài Tập Về Loại Câu Phức (the Complex Sentence)
-
Bài Tập Câu Phức Trong Tiếng Anh - Complex Sentences