Thần Kinh Phụ – Wikipedia Tiếng Việt

Thần kinh phụ
Não người nhìn từ phía dưới. Thần kinh phụ có nguyên ủy từ hành não thuộc não trung gian, được tô màu xanh dương tối.
Chi tiết
Phân bố các dây thần kinhCơ ức đòn chũm, cơ thang
Định danh
Latinhnervus accessorius
MeSHD000055
TAA14.2.01.184 A14.1.02.112
FMA6720
Thuật ngữ giải phẫu[Chỉnh sửa cơ sở dữ liệu Wikidata]
Thần kinh sọ
  • 0 – Thần kinh tận cùng
  • I – Thần kinh khứu giác
  • II – Thần kinh thị giác
  • III – Thần kinh vận nhãn
  • IV – Thần kinh ròng rọc
  • V – Thần kinh sinh ba
  • VI – Thần kinh giạng
  • VII – Thần kinh mặt
  • VIII – Thần kinh tiền đình - ốc tai
  • IX – Thần kinh thiệt hầu
  • X – Thần kinh lang thang
  • XI – Thần kinh phụ
  • XII – Thần kinh hạ thiệt
  • x
  • t
  • s

Thần kinh phụ (hay thần kinh sọ XI, tiếng Anh: accessory nerve, tiếng Pháp: le nerf accessoire) là thần kinh sọ thứ 11 trong tổng số 12 đôi dây thần kinh sọ. Thần kinh chi phối vận động cơ ức - đòn - chũm (thực hiện động tác nghiêng và xoay đầu) và cơ thang (cùng với xương vai thực hiện động tác nhún vai).

Theo mô tả giải phẫu, thần kinh phụ được tạo nên từ hai rễ, một rễ ở cột sống (rễ sống) và một rễ ở trong sọ (rễ sọ).[1] Các sợi thần kinh nhanh chóng kết hợp với thần kinh lang thang (thần kinh sọ XII). Đã có nhiều tranh cãi về việc liệu rễ sọ của thần kinh phụ có nên được coi là một rễ của thần kinh phụ hay không.[1][2] Thuật ngữ giải phẫu "thần kinh phụ" thường chỉ để chỉ đoạn rễ thần kinh chi phối vận động cho cơ ức - đòn - chũm và cơ thang, hay chính là rễ sống của thần kinh phụ.[3]

Trong quá trình khám thần kinh, nhân viên y tế sẽ khám độ bền các cơ này nhằm đánh giá chức năng rễ sống của thần kinh phụ. Độ bền kém hoặc khả năng di chuyển hạn chế là dấu hiệu của tổn thương thần kinh, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tổn thương rễ sống của thần kinh phụ thường gây ra các triệu chứng liên quan đến đầu và cổ.[4] Tổn thương có thể gây teo các cơ ở vai, làm giảm khả năng cử động giạng và xoay ra ngoài của vai.[5]

Trong quá trình phát triển phôi, thần kinh phụ phát sinh từ tấm nền của các đoạn cột sống từ C1 đến C6.

Cấu trúc

[sửa | sửa mã nguồn] Xem thêm: Rễ sống của thần kinh phụ và Rễ sọ của thần kinh phụ

Thần kinh phụ được tạo nên từ hai phần có nguyên ủy hoàn toàn khác nhau là phần tủy sống (hay rễ sống) và phần lang thang (hay rễ sọ). Rễ sọ sáp nhập vào rễ sống trên một phần tương đối ngắn trên đường đi của thần kinh phụ. Sau đó rễ sọ tách ra để nhập vào thần kinh lang thang, rễ sống tiếp tục đi xuống cổ.[6]

Rễ sọ

[sửa | sửa mã nguồn]

Rễ sọ thần kinh phụ nhỏ hơn rễ sống. Các sợi của nó có nguyên ủy từ nhân hoài nghi. Sau khi được tạo nên từ những rễ nhỏ thoát ra ở rãnh sau trám hành, rễ sọ đi ra khỏi sọ qua lỗ tĩnh mạch cảnh, và kết hợp lại trên một đoạn gắn với rễ tủy sống khi đi qua lỗ tĩnh mạch cảnh để tạo nên thân thần kinh phụ. Ngay sau khi ra khỏi lỗ, rễ sọ tách khỏi rễ sống, trở thành nhánh trong của thân thần kinh phụ. Nhánh trong này ngay lập tức hòa hợp với các sợi thần kinh của thần kinh lang thang tại vị trí trên hạch dưới của thần kinh này. Trong thành phần của thần kinh lang thang, các sợi của rễ sọ thần kinh phụ cho các nhánh chi phối cho các cơ của hầu và khẩu cái (trừ cơ căng màn khẩu cái) qua nhánh hầu, các cơ nội tại của thanh quản qua nhánh thanh quản quặt ngược.[6]

Rễ sống

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyên ủy

[sửa | sửa mã nguồn]

Rễ sống tách ra từ một nhân vận động thuôn dài nằm ở mặt bên của sừng trước, trải dài từ chỗ nối giữa tủy sống với hành tủy đến thần kinh sống cổ VI (C6).[1][7] Một số rễ nhỏ đi thẳng ra, một số khác chạy lên (trước khi đi ra ngoài). Con đường thoát ra không đều và thẳng, và rễ sống thường đi qua hạch rễ lưng của thần kinh sống cổ I (C1).[6]

Đường đi

[sửa | sửa mã nguồn]

Các rễ tạo nên một thân. Thân này đi lên ở giữa dây chằng răng và rễ sau của các thần kinh sống rồi đi vào sọ qua lỗ lớn xương chẩm ở nền sọ, ở sau động mạch đốt sống. Sau đó nó chạy lên trên, đi men bên trong nền sọ và sang bên để tới lỗ tĩnh mạch cảnh.[1] Nó cùng với rễ sọ đi qua lỗ trong một bao màng cứng chung với thần kinh sọ IX và thần kinh sọ X,[8] nhưng vẫn được ngăn cách với thần kinh sọ X bằng một nếp màng nhện. Khi ra khỏi lỗ tĩnh mạch cảnh, rễ sống rời khởi rễ sọ (như là nhánh ngoài của thân thần kinh phụ) và chạy về phía sau ngoài để đi hoặc ở trong hoặc ở ngoài tĩnh mạch cảnh trong. Sau đó thần kinh bắt chéo trước mỏm ngang của đốt đội và bị động mạch chẩm bắt chéo trước. Từ đây, nó chạy chếch xuống dưới, bên trong mỏm trâm, cơ trâm móng và bụng sau cơ hai bụng. Thần kinh, cùng với nhánh ức - đòn - chũm trên của động mạch chẩm, đi tới phần trên cơ ức - đòn - chũm và đi vào mặt sâu của cơ này, để tiếp nối với các sợi từ C2 hoặc C3 hoặc cả C2, C3 tạo nên cấu trúc giải phẫu mang tên quai Maubrac. Thần kinh tận cùng thường là ở điểm giữa bờ sau cơ ức - đòn - chũm, thường ở trên chỗ thoát ra của thần kinh tai lớn (cách thần kinh này trong phạm vi 2 cm) và ở chỗ cách đỉnh mỏm chũm từ 4 đến 6 cm. Tuy nhiên, điểm lộ ra có nhiều biến thể. Tiếp đó, thần kinh phụ bắt chéo tam giác cổ sau ở trên mặt nông cơ nâng vai, được ngăn cách với cơ này bởi lá trước sống của mạc cổ sâu và mô mỡ. Tại đây thần kinh nằm tương đối nông và liên quan với các hạch bạch huyết cổ nông. Ở khoảng 3 đến 5 cm trên xương đòn, nó chạy sau bờ trước cơ thang, thường chia ra để tạo nên một đám rối trên mặt sâu cơ thang cùng với những nhánh từ C3, C4.[6]

Đường đi ở cổ của thần kinh phụ là một đường thẳng kẻ từ phần trước dưới của bình tai tới đỉnh mỏm ngang đốt đội rồi sau đó bắt chéo cơ ức - đòn - chũm và tam giác cổ sau tới một điểm trên bờ trước cơ thang, các bờ trên xương đòn 3 đến 5 cm. Rễ sọ cho các nhánh vận động đến cơ ức - đòn - chũm và phần trên của cơ thang.[1]

Phần tủy sống của thần kinh phụ là thần kinh sọ duy nhất chứa các sợi vào và sợi ra của hộp sọ, nguyên nhân là do có sự tham gia của các nơron nằm trong tủy sống.[6][9]

Nhân

[sửa | sửa mã nguồn]

Các sợi hình thành rễ sống thần kinh phụ một nhân vận động thuôn dài nằm ở mặt bên của sừng trước, trải dài từ chỗ nối giữa tủy sống với hành tủy đến thần kinh sống cổ VI (C6). Cụm tế bào này có tên là nhân sống của thần thần kinh phụ, bắt nguồn từ sừng trước và kéo dài từ nơi bắt đầu tủy sống (tức là nơi nối tủy sống - hành não) đến khoảng mức C6.[1] Rễ sọ bắt nguồn từ nhân hoài nghi ở hành não.[6][9]

Biến thể

[sửa | sửa mã nguồn]

Ở cổ, thần kinh phụ bắt chéo tĩnh mạch cảnh trong,[6] ngang mức bụng sau cơ hai bụng. Thần kinh bắt chéo trước khoảng 80% trường hợp, và bắt chéo sau khoảng 20% trường hợp.[9] Thậm chí có một trường hợp được báo cáo, thần kinh phụ còn đâm xuyên qua tĩnh mạch cảnh trong.[10]

Thông thường, thần kinh phụ được mô tả là có một đoạn nhỏ trong sọ đi xuống từ hành não, tạo ra một rễ ngắn hòa hợp vào phần tủy sống trước khi tách ra khỏi thần kinh, kết hợp vào thần kinh lang thang.[1] Một nghiên cứu trên 12 đối tượng được công bố năm 2007 cho thấy trong phần lớn cá thể người, phần lang thang của thần kinh phụ không dính dáng gì tới phần tủy sống; rễ của các phần được ngăn cách bằng vỏ bọc bằng sợi. Trong số 12 đối tượng nghiên cứu, chỉ có một người không có vỏ bọc này.[7]

Phát triển

[sửa | sửa mã nguồn]

Thần kinh phụ có nguyên ủy từ tấm nền của các đoạn cột sống từ C1 đến C6.[11][12]

Chức năng

[sửa | sửa mã nguồn]
Image showing the head with two muscles highlighted.
Thần kinh phụ chi phối vận động cho cơ ức - đòn - chũm và cơ thang

Thông thường, rễ sống được coi là nguồn duy nhất cung cấp các sợi vận động đến cơ ức - đòn - chũm,[13] các thần kinh sống cổ II và III (C2, C3) vận chuyển cảm giác bản thể từ cơ này.[6] Cơ thang thực hiện động tác nhún vai, cơ ức - đòn - chũm thực hiện cử động quay đầu.[13]

Thần kinh phụ chi phối cho các phần trên và giữa cơ thang.[13] Tuy nhiên ở 75% trường hợp, hai phần ba dưới cơ thang được chi phối bởi đám rối cổ. Ngoài ra, phần dưới cơ thang còn được các thần kinh sống ngực chi phối. Các thần kinh C3 và C4 nhận các sợi cảm giác bản thể từ cơ thang.

Rễ sọ thần kinh phụ cho các nhánh chi phối cho các cơ của hầu và khẩu cái (trừ cơ căng màn khẩu cái) và các cơ nội tại của thanh quản.[6]

Phân loại

[sửa | sửa mã nguồn]

Đã có nhiều tranh cãi về việc đặt danh pháp giải phẫu để mô tả sự chi phối của thần kinh phụ. Do nguồn gốc của cơ ức - đòn - chũm và cơ thang là từ cung họng – cấu trúc thời kỳ phôi thai của động vật có xương sống, một số nhà nghiên cứu cho rằng, phần tủy sống của thần kinh phụ (chi phối 2 cơ trên) phải chứa thông tin của các sợi ly tâm nội tạng chuyên biệt (SVE).[14][15] Quan điểm này phù hợp với nguyên ủy hư xuất phát từ nguyên ủy gốc của sợi là từ nhân hoài nghi nằm trong hành não. Tuy nhiên cũng có nhà nghiên cứu chỉ ra rằng phần tủy sống của thần kinh phụ lại chứa thông tin của các sợi ly tâm nội tạng chung (SGE),[15][16] thậm chí chứa thông tin của cả hai loại sợi SVE và GSE.[17]

Ý nghĩa lâm sàng

[sửa | sửa mã nguồn]

Khám

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhân viên y tế khám độ bền cơ ức - đòn - chũm và cơ thang nhằm đánh giá chức năng rễ sống của thần kinh phụ. Để kiểm ra cơ thang, bệnh nhân được yêu cầu nhún vai khi không có và có lực cản. Đối với cơ ức - đòn - chũm, bệnh nhân được yêu cầu quay đầu sang trái, sang phải chống lại lực cản.[13]

Độ bền kém hoặc khả năng di chuyển hạn chế là dấu hiệu của tổn thương thần kinh, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tổn thương rễ sống của thần kinh phụ thường gây ra các triệu chứng liên quan đến đầu và cổ.[4] Tổn thương có thể gây teo các cơ ở vai, làm giảm khả năng cử động giạng và xoay ra ngoài của vai.[5] Yếu hai cơ nêu trên có thể là triệu chứng của hội chứng Guillain-Barré, xơ cứng teo cơ một bên hay bại liệt.[13]

Tổn thương

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Tổn thương thần kinh phụ

Các sợi từ vỏ não tới các nhân chi phối cơ ức - đòn - chũm bắt chéo hai lần.[13] Do đó, một tổn thương dải tháp ở mức trên cầu não làm yếu cơ ức - đòn - chũm cùng bên và cơ thang bên đối diện. Trong chứng vẹo cổ (torticollis) do co thắt, một tình trạng loạn trương lực cơ khu trú, cơ ức - đòn - chũm và cơ thang bị co thắt, thường đi kèm với sự co thắt của các cơ khác, chẳng hạn như cơ gối đầu. Ung thư mũi hầu hay khối u tiểu thể thần kinh (glomus tumor) chèn ép đồng thời thần kinh lưỡi hầu, lang thang và phụ gây hội chứng lỗ tĩnh mạch cảnh (hội chứng Vernet). Rễ sống thần kinh phụ có thể bị tổn thương ở tam giác cổ sau do khối u hoặc phẫu thuật. Nếu thần kinh phụ bị phá hủy như là một phần của phẫu thuật nạo vét hạch cổ tiệt căn, vai và cánh tay sẽ thõng, xệ xuống do liệt cơ thang, gây chứng đau thần kinh dai dẳng do đám rối cánh tay bị kéo giãn.[6][18][19]

Lịch sử thuật ngữ

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1664, nhà giải phẫu học người Anh Thomas Willis là người đầu tiên mô tả thần kinh phụ. Từ "phụ" trong danh pháp (tiếng Latinh: neurus accessorius) nghĩa là có sự liên kết với thần kinh lang thang.[20]

Năm 1848, Jones Quain mô tả thần kinh này là một "đoạn phụ nối thần kinh sống với thần kinh lang thang", cho rằng trong khi một đoạn nhỏ của thần kinh phụ kết hợp với thần kinh lang thang, trong khi đoạn lớn các sợi thần kinh phụ có nguyên ủy từ tủy sống.[3][21] Năm 1893, các nhà giải phẫu học đã thấy rằng sợi thần kinh với danh nghĩa là đoạn "phụ" của thần kinh lang thang có nguyên ủy từ cùng một nhân trong hành não, và đoạn "phụ" này ngày càng được coi như là một phần của thần kinh lang thang. Dựa quan điểm này, thuật ngữ "thần kinh phụ" ngày càng được sử dụng chỉ để nhắc các sợi xuất phát từ tủy sống; và thực tế là chỉ có phần thoát ra từ rễ sống mới có thể khám được trên lâm sàng.[3]

Một số hình ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Đường đi và các nhánh của thần kinh thiệt hầu, thần kinh lang thang và thần kinh phụ. Thần kinh phụ (phía trên bên trái) cùng hai thần kinh sọ còn lại qua lỗ tĩnh mạch cảnh, sau đó đi xuống, bắt chéo tĩnh mạch cảnh trong, cho các sợi đến cơ ức - đòn - chũm và cơ thang Đường đi và các nhánh của thần kinh thiệt hầu, thần kinh lang thang và thần kinh phụ. Thần kinh phụ (phía trên bên trái) cùng hai thần kinh sọ còn lại qua lỗ tĩnh mạch cảnh, sau đó đi xuống, bắt chéo tĩnh mạch cảnh trong, cho các sợi đến cơ ức - đòn - chũm và cơ thang
  • Cổ bên trái, thần kinh phụ nằm giữa cơ ức - đòn - chũm và cơ thang Cổ bên trái, thần kinh phụ nằm giữa cơ ức - đòn - chũm và cơ thang
  • Não và tủy sống trong một thi thể hiến tặng. Thần kinh phụ chứa một số rễ con phát sinh từ tủy sống. Não và tủy sống trong một thi thể hiến tặng. Thần kinh phụ chứa một số rễ con phát sinh từ tủy sống.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e f g Gray's Anatomy (Giải phẫu Gray) 2008.
  2. ^ “Spinal Accessory Nerve (Phần tủy sống của thần kinh phụ)”. Structure of the Human body, Loyola University Medical Education Network (Cấu trúc cơ thể người, Mạng lưới giáo dục y tế Đại học Loyola). Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 6 năm 2007. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2019.
  3. ^ a b c Terence R. Anthoney (1993). Neuroanatomy and the Neurologic Exam: A Thesaurus of Synonyms, Similar-Sounding Non-Synonyms, and Terms of Variable Meanings (Giải phẫu thần kinh và khám thần kinh: Các thuật ngữ). Boca Raton: CRC-Press. tr. 69–73. ISBN 0-8493-8631-4.
  4. ^ a b London J, London NJ, Kay SP (1996). “Iatrogenic accessory nerve injury (Sự cố y khoa gây chấn thương thần kinh phụ)”. Annals of the Royal College of Surgeons of England (Biên niên sử Đại học Phẫu thuật Hoàng gia Anh). 78 (2): 146–50. PMC 2502542. PMID 8678450. line feed character trong |title= tại ký tự số 52 (trợ giúp)
  5. ^ a b Kelley, Martin J.; Kane, Thomas E.; Leggin, Brian G. (tháng 2 năm 2008). “Spinal Accessory Nerve Palsy: Associated Signs and Symptoms (Thần kinh phụ: Dấu hiệu và triệu chứng liên quan)”. Journal of Orthopaedic & Sports Physical Therapy. 38 (2): 78–86. doi:10.2519/jospt.2008.2454.
  6. ^ a b c d e f g h i j Trịnh Văn Minh 2017, tr. 401 – 403.
  7. ^ a b Ryan S, Blyth P, Duggan N, Wild M, Al-Ali S (2007). “Is the cranial accessory nerve really a portion of the accessory nerve? Anatomy of the cranial nerves in the jugular foramen (Liệu rễ sọ thần kinh phụ thực sự là một phần của thần kinh phụ? Giải phẫu của các dây thần kinh sọ trong lỗ tĩnh mạch cảnh)”. Anatomical Science International. 82 (1): 1–7. doi:10.1111/j.1447-073X.2006.00154.x. PMID 17370444.
  8. ^ Talley, Nicholas (2014). Clinical Examination. Churchill Livingstone. tr. 424–5. ISBN 978-0-7295-4198-5.
  9. ^ a b c Finsterer, Josef; Grisold, Wolfgang (2015). “Disorders of the lower cranial nerves (Tổn thương các dây thần kinh sọ cuối cùng)”. Journal of Neurosciences in Rural Practice. 6 (3): 377. doi:10.4103/0976-3147.158768.
  10. ^ Saman M, Etebari P, Pakdaman MN, Urken ML (2010). “Anatomic relationship between the spinal accessory nerve and the jugular vein: a cadaveric study (Liên quan giải phẫu giữa rễ sọ thần kinh phụ với tĩnh mạch cảnh: nghiên cứu khoa học)”. Surgical and Radiologic Anatomy. 33 (2): 175–179. doi:10.1007/s00276-010-0737-y. PMID 20959982.
  11. ^ Skórzewska, A; Bruska, M; Woźniak, W (1994). “The development of the spinal accessory nerve in human embryos during 5th week (stages 14 and 15). (Sự phát triển của thần kinh phụ tuần thứ 5 trong thai kỳ)”. Folia morphologica. 53 (3): 177–84. PMID 7883243. line feed character trong |title= tại ký tự số 99 (trợ giúp)
  12. ^ Trịnh Văn Minh 2017, tr. 42.
  13. ^ a b c d e f Talley, Nicholas (2014). Clinical Examination (Khám lâm sàng). Churchill Livingstone. tr. 424–5. ISBN 978-0-7295-4198-5.
  14. ^ William T. Mosenthal (1995). A Textbook of Neuroanatomy: With Atlas and Dissection Guide (Giáo trình giải phẫu thần kinh: atlas và hướng dẫn phẫu tích). Washington, DC: Taylor & Francis. tr. 12. ISBN 1-85070-587-9.
  15. ^ a b PGS.TS Cao Phi Phong (2017). “Thần kinh sọ” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 17 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2019. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |access-date= (trợ giúp)
  16. ^ Duane E. Haines (2004). Neuroanatomy: an atlas of structures, sections, and systems (Giải phẫu thần kinh: atlas cấu trúc, thiết đồ và hệ cơ quan). Hagerstown, MD: Lippincott Williams & Wilkins. ISBN 0-7817-4677-9.
  17. ^ Joshi SS, Joshi SD (2001). “Muscle Dorso-Fascialis — A Case Report (Cơ vùng lưng, mặt — Bệnh án)”. Journal of the Anatomical Society of India (Tạp chí Hiệp hội Giải phẫu Ấn Độ). 50 (2): 159–160.
  18. ^ Kelley, Martin J.; Kane, Thomas E.; Leggin, Brian G. (tháng 2 năm 2008). “Spinal Accessory Nerve Palsy: Associated Signs and Symptoms (Rễ sống thần kinh phụ: Triệu chứng và dấu hiệu liên quan)”. Journal of Orthopaedic & Sports Physical Therapy. 38 (2): 78–86. doi:10.2519/jospt.2008.2454.
  19. ^ Gray's Anatomy (Giải phẫu Gray) 2008, tr. 460.
  20. ^ Davis, Matthew C.; Griessenauer, Christoph J.; Bosmia, Anand N.; Tubbs, R. Shane; Shoja, Mohammadali M. (tháng 1 năm 2014). “The naming of the cranial nerves: A historical review (Dang pháp các thần kinh sọ: Đánh giá)”. Clinical Anatomy. 27 (1): 14–19. doi:10.1002/ca.22345. line feed character trong |title= tại ký tự số 54 (trợ giúp)
  21. ^ Jones Quain (1848). Richard Quain; William Sharpey (biên tập). Elements of Anatomy (Các yếu tố của Giải phẫu). 2 (ấn bản thứ 5). London: Taylor, Walton, and Maberly. tr. 812.
Sách
  • GSTS. BS. Trịnh Văn Minh (2017). Giải phẫu người (Tập 3: Hệ thần kinh - Hệ nội tiết). Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. ISBN 978-604-0-04586-7. Chú thích có tham số trống không rõ: |1= (trợ giúp)
  • Gray's anatomy: the anatomical basis of clinical practice (Giải phẫu Gray: kiến thức cơ sở của giải phẫu trong thực hành lâm sàng). Grays, Susan Standring (ấn bản thứ 40). London: Churchill Livingstone. 2008. ISBN 978-0-8089-2371-8.Quản lý CS1: khác (liên kết)
  • Frank H.Netter, MD (2017). Atlas Giải phẫu người, Vietnamese Edition (ấn bản thứ 6). Nhà xuất bản Y học, ELSEVIER. ISBN 978-604-66-1320-6.
  • Frank H.Netter, MD (2017). Atlas of Human Anatomy (ấn bản thứ 7). ELSEVIER MASSON. ISBN 978-604-66-1320-6.
  • Frank H.Netter, MD (2017). Atlas d'anatomie humaine (ấn bản thứ 5). ELSEVIER MASSON. ISBN 978-229-47-1297-5.
  • Bài giảng Giải phẫu học, PGS Nguyễn Quang Quyền, tái bản lần thứ mười lăm
  • PGS.TS Nguyễn Quang Huy (2017). Giải phẫu người (ấn bản thứ 2). Nhà xuất bản Y học. ISBN 978-604-66-2933-7.
  • Phiên bản trực tuyến sách Gray's AnatomyGiải phẫu cơ thể người, Gray, tái bản lần thứ hai mươi (năm 1918).
  • Gray's Anatomy, tái bản lần thứ nhất, năm 1858 (liên kết đến file PDF)

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn] Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Thần kinh phụ.
  • GrossAnatomy/h_n/cn/cn1/cn11.htm (Trường Đại học Y Loyola Chicago)
  • lesson6The Anatomy Lesson bởi Wesley Norman (Đại học Georgetown)
  • cranialnervesThe Anatomy Lesson bởi Wesley Norman (Đại học Georgetown) (XI)
  • Ảnh giải phẫu:28:13-0115 Lưu trữ 2018-09-01 tại Wayback Machine tại Trung tâm y tế Downstate thuộc trường Đại học bang New York
  • “11-1”. Cranial Nerves. Trường Y Yale. Bản gốc lưu trữ 3 tháng 3 năm 2016. Truy cập 17 tháng 7 năm 2019.
  • x
  • t
  • s
Thần kinh sọ
Tận cùng
  • Nhân
    • nhân vách
  • Đường đi
    • không có nhánh quan trọng
Khứu giác
  • Nhân
    • Nhân khứu giác trước
  • Đường đi
    • Hành khứu giác
    • Bó khứu giác
Mắt
  • Nhân
    • Nhân gối ngoài
  • Đường đi
    • Giao thoa thị giác (Mép thị giác)
    • Bó thị giác
Vận nhãn
  • Nhân
    • nhân vận nhãn
    • nhân Edinger–Westphal
  • Nhánh
    • trên
    • Rễ đối giao cảm của hạch mi
    • dưới
Ròng rọc
  • Nhân
  • Nhánh
    • không có nhánh quan trọng
Sinh ba
  • Nhân
    • Nhân cảm giác chính của thần kinh sinh ba] (PSN)
    • Nhân tủy sống của thần kinh sinh ba
    • Nhân trung não của thần kinh sinh ba (MN)
    • Nhân vân động của thần kinh sinh ba(TMN)
  • Đường đi
    • hạch sinh ba
  • Nhánh
    • mắt
    • hàm trên
    • hàm dưới
Giạng
  • Nhân
  • Nhánh
    • không có nhánh quan trọng
Mặt
Nguyên ủy gần
  • thần kinh trung gian Wrisberg
  • Hạch gối
Trong ống thần kinh mặt
  • Thần kinh đá sâu
    • Hạch chân bướm - khẩu cái
  • Thần kinh xương bàn đạp
  • Thừng nhĩ
    • Thần kinh lưỡi
    • Hạch dưới hàm dưới
Ở lỗtrâm chũm
  • Thần kinh tai sau
  • Cơ trên xương móng
    • Nhánh bụng của thần kinh mặt
    • Nhánh trâm móng của thần kinh mặt
  • Đám rối thần kinh tuyến mang tai
    • Nhánh thái dương của thần kinh mặt
    • Nhánh gò má của thần kinh mặt
    • Nhánh miệng của thần kinh mặt
    • Nhánh góc hàm dưới của thần kinh mặt
    • Nhánh sọ của thần kinh mặt
Nhân
  • Nhân vân động của thần kinh mặt
  • Nhân bó đơn độc
  • Nhân bọt trên
Tiền đình - ốc tai
  • Nhân
    • Nhân tiền đình
    • Nhân ốc tai
  • Thần kinh ốc tai
    • Vân hành não não thất bốn (vân thính giác)
    • Dải cảm giác bên (lateral lemniscus)
  • Thần kinh tiền đình
    • Hạch Scarpa
Thiệt hầu
Trước hố tĩnh mạch cảnh
  • Hạch
    • trên
    • dưới
Sau hố tĩnh mạch cảnh
  • Thần kinh màng nhĩ
    • Đám rối màng nhĩ
    • Thần kinh đá bé
    • Hạch tai (hạch Arnold)
  • Nhánh trâm hầu của thần kinh thiệt hầu
  • Nhánh hầu của thần kinh thiệt hầu
  • Nhánh hạch nhân của thần kinh thiệt hầu
  • Nhánh lưỡi của thần kinh thiệt hầu
  • Nhánh xoang cảnh của thần kinh thiệt hầu
Nhân
  • Nhân hoài nghi
  • Nhân bọt dưới
  • Nhân bó đơn độc
Lang thang
Trước hố tĩnh mạch cảnh
  • Hạch
    • trên
    • dưới
Sau hố tĩnh mạch cảnh
  • Nhánh màng não của thần kinh lang thang
  • Nhánh tai của thần kinh lang thang
Cổ
  • Nhánh hầu của thần kinh lang thang
    • đám rối hầu
  • Thần kinh thanh quản trên
    • ngoài
    • trong
  • Thần kinh thanh quản quặt ngược
  • Nhánh tim cổ trên của thần kinh lang thang
Lồng ngực
  • Nhánh tim cổ dưới của thần kinh lang thang
  • Nhánh phổi của thần kinh lang thang
  • Thân lang thang
    • trước
    • sau
Bụng
  • Nhánh tạng của thần kinh lang thang
  • Nhánh thận của thần kinh lang thang
  • Nhánh gan của thân lang thang trước
  • Nhánh vị trước của thân lang thang trước
  • Nhánh vị sau của thân lang thang sau
Nhân
  • Nhân hoài nghi
  • Nhân lưng của thần kinh lang thang
  • Nhân bó đơn độc
Phụ
  • Nhân
    • nhân hoài nghi
    • Nhân sống của thần kinh phụ
  • Rễ sọ
  • Rễ sống
Hạ thiệt
  • Nhân
  • Nhánh
    • lưỡi
Bài viết tốt "Thần kinh phụ" là một bài viết tốt của Wikipedia tiếng Việt.Mời bạn xem phiên bản đã được bình chọn vào ngày 15 tháng 8 năm 2019 và so sánh sự khác biệt với phiên bản hiện tại.

Từ khóa » Dây 7 Bắt Chéo ở đâu