Thành Lập Doanh Nghiệp Kinh Doanh Dịch Vụ Mua Bán Nợ

Kinh tế ngày càng phát triển, cùng với đó là sự ra đời của hàng ngàn doanh nghiệp, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn phát đạt, hàng năm cũng không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong làm ăn thậm chí dẫn đến nợ nần, thua lỗ. Do đó, đã hình thành nên những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Tuy nhiên, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vậy khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ cần đáp ứng những quy định và điều kiện gì

Cơ sở pháp lý

  • Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ

Mua bán nợ là gì?

Mua bán nợ là việc bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ và bên mua nợ trả tiền cho bên bán nợ

Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là việc thực hiện liên tục một hoặc một số hoạt động liên quan đến việc mua bán nợ nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: Mua nợ, bán nợ, môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ và dịch vụ sàn giao dịch nợ.

Điều kiện chung đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ

  • Tổ chức (không phải là doanh nghiệp), cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định của pháp luật.
  • Đáp ứng quy chế nội bộ công ty: Tại thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, doanh nghiệp phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được ban hành bởi cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quy định tại điều lệ của doanh nghiệp.
  • Bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, tuân thủ quy định của pháp luật.
  • Đáp ứng điều kiện về người quản lý doanh nghiệp như sau:
    • Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp;
    • Có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận;
    • Phiếu lý lịch tư pháp;
    • Có bằng đại học (trở lên) thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận;
    • Là người quản lý hoặc có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, pháp luật, định giá tài sản hoặc mua bán nợ;
    • Những người đã làm việc trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải đáp ứng thêm điều kiện: Không là người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong 03 năm trước liền kề.
  • Doanh nghiệp phải đáp ứng quy định về mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu tương ứng:
    • Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 5 tỷ đồng; Đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng; Đối với kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 500 tỷ đồng. Trường hợp, doanh nghiệp thực hiện một số hoặc tất cả các hoạt động thì mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu cao nhất trong số các hoạt động mà doanh nghiệp thực hiện.
    • Quy định đáp ứng điều kiện về vốn: Tại mọi thời điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, vốn điều lệ/vốn đầu tư thực góp hạch toán trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp phải lớn hơn hoặc bằng mức vốn tối thiểu quy định tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP tương ứng với từng loại hình kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Điều kiện riêng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ

Điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ

  • Các điều kiện chung đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ
  • Đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng
  • Các khoản nợ được mua bán phải có đầy đủ các yếu tố:
    • Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ;
    • Không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua bán nợ, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của bên nhận bảo đảm về việc bán nợ;
    • Bên mua nợ và bên nợ không phải là người có liên quan theo quy định của Luật doanh nghiệp.
  • Việc mua bán nợ phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mua bán nợ, trong đó quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của bên mua nợ, bên bán nợ.
  • Doanh nghiệp hoạt động mua bán nợ không được nhận cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó hoặc nhận bảo đảm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng khác nhằm mục đích mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo đảm.
  • Bên mua nợ, bên bán nợ, bên nợ và các bên liên quan khác phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý ngoại hối trong trường hợp mua bán nợ hình thành quan hệ cho vay, vay nợ nước ngoài và sử dụng ngoại hối trong giao dịch mua bán nợ.

Điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ.

  • Các điều kiện chung đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ
  • Có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 5 tỷ đồng.

Điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ

  • Các điều kiện chung đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ
  • Có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 500 tỷ đồng.
  • Đã hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ ít nhất 01 năm và mức doanh thu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ của năm liền kề trước năm thực hiện kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch tối thiểu là 500 tỷ đồng.
  • Có ít nhất 02 nhân viên có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc ít nhất 02 nhân viên có thẻ thẩm định viên về giá theo quy định của pháp luật.
  • Có quy chế hoạt động của sàn giao dịch nợ, tối thiểu bao gồm:
    • Quy trình, thủ tục, trách nhiệm của các thành viên tham gia sàn giao dịch nợ và quyền hạn, nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp sàn giao dịch nợ
    • Điều kiện các khoản nợ dự kiến được niêm yết trên sàn giao dịch;
    • Tổ chức quản lý, giám sát giao dịch, trong đó có quy định về cung cấp, lưu trữ thông tin về các khoản nợ dự kiến được niêm yết trên sàn giao dịch;
    • Thời gian, phương thức xác lập và hủy bỏ giao dịch;
    • Phương thức thanh toán và quy định bảo đảm thanh toán cho các bên;
    • Xử lý tranh chấp.
      • Có cơ sở, vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin phù hợp để tiếp nhận, cập nhật, cung cấp thông tin về hoạt động mua bán nợ giữa các thành viên tham gia sàn giao dịch.
      • Phải thực hiện kiểm toán độc lập hằng năm theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật Việt An về điều kiện khi thành lập công ty kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Hi vọng qua bài biết này Quý khách hàng có cái nhìn rõ hơn về điều kiện khi thành lập công ty kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Từ khóa » Giấy Phép Kinh Doanh Mua Bán Nợ